Giáng Sinh hay Christmas là dịp lễ [được xem] là ngày kỷ niệm Chúa Jesus ra đời dù chẳng có kinh sách nào ghi chép rõ ràng. Giáng Sinh được tín đồ Thiên Chúa Giáo cử hành vào Tháng Mười Hai nên bá tánh, dù có theo đạo Thiên Chúa hay không, góp giỗ làm chạp, tính luôn một lần dịp nghỉ cuối năm. Tại các quốc gia Âu Mỹ, nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo, nên Giáng Sinh trở thành dịp nghỉ thường niên, công xưởng đóng cửa để tính sổ sách và cho nhân viên nghỉ ngơi. Và Giáng Sinh trở thành tập quán của xã hội Âu Châu rồi lan tràn tuốt sang bên Mỹ.
Hanukkah cũng có nguồn gốc ngàn năm tương tự nhưng mãi đến thế kỷ XIX thì dịp lễ này mới bắt đầu được cử hành rầm rộ vì các giáo sĩ Do Thái tại Huê Kỳ lo âu rằng con chiên bổn đạo của họ mải vui hội hè dịp Giáng Sinh mà quên tuốt nguồn gốc tôn giáo họ. Từ đó dần dần, Hanukkah trở nên phổ thông hơn, góp mặt trên các thành phố đông cư dân theo đạo Do Thái, dịp lễ được cử hành với đầy đủ nghi thức tôn giáo.
Ngày xa xưa, Hanukkah là dịp lễ vinh danh chiến thắng của đạo quân Maccabees, những người Do Thái chống đối vương triều Syria. Lấy lại lãnh thổ vào năm 165, người Do Thái dâng cúng đền thờ tại Jerusalem. Hanukkah do đó mang ý nghĩa “quốc lễ” nhiều hơn là tôn giáo, như người Hoa Kỳ kỷ niệm ngày Độc Lập của quốc gia họ.
Khác với Giáng Sinh, ngày 25 tháng Mười Hai, Hanukkah được cử hành theo niên lịch Do Thái, ngày tháng tính theo sự chuyển động của mặt trời và cả mặt trăng hay “lunisolar calendar”. (So với dương lịch, Gregorian calendar, ngày tháng tính theo sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời). Theo niên lịch Do Thái, một năm có khoảng 353 đến 385 ngày. Hanukkah bắt đầu từ ngày thứ 25 của tháng Kislev (khoảng tháng Mười Một – Mười Hai dương lịch).
Dựa trên truyền thuyết, đội quân Maccabees tìm ra một lượng dầu Thánh trong đền thờ đủ để đốt một ngọn đèn suốt một ngày nhưng phép lạ xảy ra, ngọn đèn nọ sáng suốt 8 ngày! Và Hanukkah mang ý nghĩa thần thánh (như chiến thắng của đội quân kia?) của 7 ngày sáng đèn!
Người Do Thái kỷ niệm quốc lễ qua việc thắp đèn, một chuỗi đèn gồm 9 ngọn đèn có tên “Hanukkiah” hay “Hanukkah menorah”, 8 ngọn đèn cho 8 đêm được thắp sáng và ngọn đèn thứ chín dùng để mồi lửa cho các ngọn đèn kia.
Theo giáo luật Do Thái, Hanukkiah gồm 8 ngọn đèn cao bằng nhau, và ngọn đèn thứ chín được đặt cao hơn hết. Đèn được đốt bằng dầu ô liu nhưng về sau được thay bằng nến. Mỗi đêm, một ngọn nến được đặt vào chân nến từ phải sang trái, và khi thắp nến, họ đốt nến từ trái sang phải. Dế Mèn đang mày mò tìm ý nghĩa của việc thắp nến theo thứ tự ấy mà kiếm chưa ra.

Hanukkah
Từ năm 1998, chuỗi đèn Hanukkiah lớn nhất thế giới, cao 32 bộ Anh thếp vàng sáng chóe, được thắp sáng vào dịp Lễ Ánh Sáng (Festival of Lights) hàng năm tại Central Park, thành phố New York.
Hanukkah Menorah khác với menorah, chỉ có 7 ngọn đèn thắp bằng dầu trong đền thờ cổ tại Jerusalem. Ngày nay, menorah là huy hiệu của đạo Do Thái (Judaism) và cũng là quốc huy của Do Thái (quốc gia Israel).
Lễ Hanukkah phổ thông như thế nhưng lại ít được đề cập đến trong cổ thư Do Thái, Hanukkah không có mặt trong Cựu Ước (the Old Testament). Lý do? Chiến thắng của quân đội Maccabees chỉ hiện diện sau khi kinh sách Hebrew ra đời, và tín đồ Do Thái nếu chỉ tìm hiểu kinh kệ mà không đọc lịch sử thì không mấy ai biết đến nguồn gốc của ngày lễ ấy.
Cùng một ngày nhưng dịp lễ kia lại có nhiều phiên âm (từ Hebrew) khác nhau, Hanukkah, Chanukah hoặc Hannukah nhưng được dùng nhiều nhất là cách viết “Hanukkah”.
Tín đồ Do Thái mừng lễ qua tiệc tùng, ăn uống. Họ ăn những món chiên dầu mỡ, để kỷ niệm món dầu phép lạ thắp đèn ngày xa xưa. Quen thuộc nhất là món latkes, từa tựa như bánh xèo của ta, làm bằng bột khoai, potato pancake, ăn kèm với sốt táo và kem chua. Món ăn phổ thông khác là món bánh tiêu nhồi mứt, jelly doughnut, có tên “sufganiyot”. Những người Do Thái di dân mang theo tập tục và cử hành lễ Hanukkah theo địa phương cư ngụ. Tại Hy Lạp, cư dân Do Thái ăn bánh bột chiên tẩm mật ong, loukoumades. Tại Nga, họ làm món flapjacks bằng bột lúa mạch. Tại Tây Ban Nha, di dân ăn món bột chiên bunuelos trong mỡ ngỗng… Tạm hiểu là món ăn được di dân thay đổi, gia giảm theo nơi sinh sống.
Ngoài tiệc tùng ăn uống, người Do Thái tặng tiền, Gelt, làm quà cho thầy dạy và cả trẻ em trong dịp lễ, từa tựa như người Việt ta lì xì cho con trẻ trong dịp Tết. Từ những năm 50 trong thập niên trước, ngân hàng quốc gia Do Thái đã bắt đầu đúc tiền mới đặc biệt cho dịp lễ.
Ngoài ra, các thỏi chocolate cũng được gói trong giấy bạc màu vàng trông in hệt như đồng tiền cũng được dùng làm quà tặng trong dịp Hanukkah.
Ăn uống tiệc tùng tặng quà chán rồi thì người ta xoay ra… đánh bạc, in hệt dịp Tết của mình. Họ chơi trò quay số, Dreidel. Một trụ có bốn mặt, ‘nun’, ‘gimel’, ‘hay’ và ‘shin’. Theo Hebrew, những chữ này tượng trưng cho câu “Phép lạ vĩ đại đã xảy ra”. Người đánh bạc đặt tiền (hoặc kẹo) theo chữ họ muốn rồi xoay trục. Đúng chữ thì thắng.
Năm nay, vào ngày 12, tại Manhattan, New York sẽ có cuộc thi đua chơi dreidel dành cho các tay xoay trục lành nghề.
Hôm nọ đi ngang thành phố, Dế Mèn thấy bá tánh loay hoay sửa soạn cho lễ Hanukkah, rộn ràng như những người khác tụ tập xem cây thông sáng đèn, thiên thần rực rỡ tại trung tâm Rockefeller. Mỗi tôn giáo cử hành lễ lạt một nơi riêng và họ sống chung hòa bình. Nhìn ngắm rồi Dế Mèn băn khoăn, sao sự chung sống hòa bình kia không xảy ra tại Trung Đông dầu sôi lửa bỏng hở bạn?

Menorah