Menu Close

Ai nói nhiều?

Đi qua các thành phố Paris, Rome, Barcelona… nhận xét của tôi là người Pháp, người Ý, người Tây Ban Nha có vẻ nói nhiều, từ trên métro cho tới quán café, nhà hàng, trên đường phố… lúc nào cũng thấy họ đang nói chuyện với ai đó, hoặc nói…với cái điện thoại. Tự nhiên cảm thấy rất gần gũi vì người Việt mình cũng thuộc loại nói nhiều.  

Dân Ý không chỉ nói nhiều mà còn liên tục quơ quơ tay trong khi nói, “ngôn ngữ tay” của họ cũng rất sinh động. Người Pháp thì ai cũng biết, không chỉ nói ngoài đời, phim ảnh của họ cũng nói suốt, triết lý suốt.

Còn dân Tây Ban Nha, nhớ lại lần tôi du lịch đến Barcelona tháng bảy 2014,  trong suốt hai ngày ngồi trên chuyến xe bus Hop-On Hop-Off đi thăm các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố, đều cùng một cô nhân viên ngành du lịch. Cô ấy nói chuyện suốt không ngơi nghỉ với anh tài xế thứ nhất, nghĩ là do họ thân nhau, đến khi thay ca anh tài xế thứ hai lên, cả hai lại nói chuyện rôm rả, ngày hôm sau một anh tài khác, họ cũng lại nói không ngừng. Không biết tiếng Tây Ban Nha nên ngồi nghe chả hiểu gì, tự dưng thắc mắc rất vô duyên: bọn này ngày nào cũng gặp nhau, ngày nào cũng những cung đường đó, những công việc đó, có gì mà nói lắm thế nhỉ?

Một lần khác, đang ngồi ăn ở một nhà hàng, bàn kế bên có một bà Tây Ban Nha ngồi một mình, ở bàn khác có một anh Tây Ban Nha, cả hai bắt chuyện với nhau rồi cứ thế nói và nói… Cả tiếng đồng hồ sau anh chàng đứng lên chào và đi, nhìn cách chào nhau, mới thấy họ thật ra không quen nhau trước!

Ngược lại, dân Bắc Âu trong đó có dân Na Uy nói ít hẳn. Người ta vẫn bảo dân Bắc Âu hơi lạnh, ít thân thiện, cởi mở là vậy. Đi trên những phương tiện giao thông công cộng như métro, xe bus, người ta ít nói chuyện với nhau đã đành vì không quen nhau (mở một cái ngoặc ở đây, nếu trên một chuyến xe bus vắng vẻ chỉ có một người Na Uy ngồi sẵn thì người thứ hai, cũng là người Na Uy, khi lên sẽ ngồi ở một hàng ghế cách xa chứ không đến ngồi gần bên, ngược lại, nếu người đó đến ngồi bên cạnh trong lúc nhiều hàng ghế khác còn trống thì người kia sẽ…lập tức nghi ngại ngay. Cũng như vậy, nếu trong khuôn viên một trường học, thư viện, kể cả nhà hàng mà nếu bạn đến cạnh và bắt chuyện với một người Na Uy không quen biết, người đó cũng cảm thấy không thoải mái và có thể nghĩ trong đầu người này có bất thường không nhỉ (!).

Nhưng ngay cả khi ngồi với người quen, bạn bè, người Na Uy cũng không phải là nói luôn miệng. Thay vì nói họ lại chăm chú vào cái iPhone trên tay, làm cái gì đó hoặc gắn earphone nghe nhạc chẳng hạn! Những hình ảnh như hai người bạn học cùng lớp hay hai đồng nghiệp ngồi cạnh nhau, ví dụ để chờ xe bus, nhưng mạnh ai nấy chăm chú nhìn vào cái iPhone, lướt net, đọc, hoặc bấm bấm gửi tin nhắn…là chuyện rất hay thường thấy.

Không biết có phải vì vậy mà dạo gần đây ở Na Uy có một chiến dịch quảng cáo theo kiểu “hiệu ứng ngược” từ một vài hãng dịch vụ điện thoại, đưa những hình ảnh người ta không trò chuyện với bạn bè, người thân, ngay cả với vợ chồng con cái mà chỉ cắm cúi với cái điện thoại, nhằm khuyên mọi người hãy “Ta pause fra mobilen” (“Take a break from mobile”) bất cứ khi nào có thể và dành thời gian để giao tiếp với người khác, với xã hội hơn.

Tình trạng đó tôi nghĩ, chắc không đến nỗi phải lo ngại với những dân tộc mà tôi đã quan sát như Pháp, Ý, Tây Ban Nha… và tất nhiên, với người Việt hay người Hoa, dù có nghiện điện thoại hay không, họ vẫn cứ thích nói, thích chuyện trò với người quen, người thân, kể cả thích bắt chuyện với người khác.

Nói thêm một chút về người Việt và người Hoa, trong khá nhiều điểm giống nhau không lấy gì làm tích cực cho lắm giữa hai dân tộc, có sự nói nhiều và thường nói khá to, dù ở bất cứ đâu, ở trong nước hay trên nước người. Nhiều lúc từ xa chưa thấy rõ người là đã nghe tiếng!

Người Việt, dù được đánh giá là thân thiện, nhưng lại hơi quá lố, ngay cả với người mới quen cũng có thể hỏi đủ thứ chuyện, từ chuyện quê quán ở đâu, làm nghề gì, lương có khá không, có chồng chưa, nếu chưa, tại sao chưa, nếu rồi, có con chưa, mấy con, nếu câu trả lời là ly dị, thì lập tức hỏi sao ly dị vậy, rồi nào con cái ra sao, học hành đến đâu v.v…và v.v….

Trở lại với chuyện người Na Uy nói ít. Ngay cả ở giới trẻ, nếu một anh chàng Na Uy nào đó thích một cô gái, anh ta sẽ không thường dễ dàng làm quen như thanh niên Mỹ, vốn tự tin, cởi mở, dễ gần hơn. Còn với người lớn tuổi hơn càng khó. Khi gặp một cô gái hay một người phụ nữ ngoài đường, dù có thể thấy thích ngay, nhưng họ cũng thường ngần ngại, biết đâu cô ấy đã có chồng hay đang có người yêu, biết đâu mở miệng làm quen cô ấy lại từ chối. Phải chăng vì vậy mà ở xứ này, chuyện làm quen qua các dating sites rất phổ biến, rất bình thường, ở đó người ta biết là người kia cũng đang cô đơn, đang đi tìm một nửa của mình nên dễ mở lời hơn. Ngược lại, ở Việt Nam, chuyện làm quen qua những trang web hẹn hò khá là hiếm, nhiều người thậm chí còn nghĩ nếu lộ diện trên những trang như vậy mà gặp người quen thì thật…mắc cỡ, hóa ra mình ế ẩm đến mức phải đi tìm người yêu, tìm chồng/vợ qua mạng hay sao.  

Dù sao mỗi dân tộc một tính cách khác nhau, cũng là điều thú vị!

SC