Vào cuối tháng 10/2014, ông Nguyễn Công Bằng đã đại diện Hiệp Hội Thiện Nguyện Vì Dân (ViDan Foundation) trở lại Cambodia để thăm viếng và có chương trình trợ giúp giáo dục do Hiệp Hội thực hiện, nhằm giúp cho gần 300 trẻ em nghèo có điều kiện đi học chữ. Tháp tùng chuyến đi lần này có nhà văn Tưởng Năng Tiến, người đã có nhiều sự quan tâm và yểm trợ cho các hoạt động thiện nguyện của Câu lạc bộ Hoa-Mai (tiền thân của ViDan Foundation) trong nhiều năm qua.
Theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Công Bằng, hành trình của chuyến đi khởi đầu bằng một kỷ niệm khó quên khi hai người chọn chuyến bay có đoạn quá cảnh ở phi trường Tân Sơn Nhất “để có dịp trực tiếp nhìn lại một khoảng quê hương sau bao nhiêu năm không về lại được quê nhà…”

Ông Nguyễn Công Bằng và nhà văn Tưởng Năng Tiến ở phi trường Tân Sơn Nhất.
Trong hơn hai tuần lễ sinh hoạt ở Phnom Penh, Prey Veng và Kampong Chhnang, “phái đoàn” ViDan Foundation đã thực hiện các công việc thiện nguyện với một số tổ chức NGOs.
Nơi đến đầu tiên của chuyến công tác này là thăm viếng trường Việt ngữ đang được Hiệp Hội Vì Dân bảo trợ ở khu phà Hố Lương (Neak Loeung, Prey Veng), nơi đang có lớp học cho khoảng 150 em học sinh thuộc các gia đình người Việt nghèo khó đang cư ngụ trong vùng.
Sáng lập và điều hành trường này liên tục trong hơn ba mươi năm là thầy giáo Lê Văn Hiển. Dù bản thân bị khuyết tật ở chân song Thầy đã không quản ngại khó khăn, thiếu thốn để dạy chữ Việt cho nhiều ngàn trẻ trong hơn 30 năm qua. Theo lời Thầy, nhiều học sinh hiện nay là con, cháu của những đứa học trò trong giai đoạn đầu tiên.

Từ trái: Thầy, Cô Giáo trường Việt ngữ Neak Loeung và đại diện ViDan Foundation- ẢNH: VDF
Một trong các lớp học của trường Việt ngữ ở Neak Loeung – ẢNH: VDF
Đặc điểm của trường là chỉ có hai lớp mà Thầy gọi là “lớp lớn” và “lớp nhỏ”. Lớp lớn là những em đã biết đọc, biết viết và được Thầy dạy tiếp những gì Thầy dạy được; chứ không phân lớp thành lớp hai, ba, bốn… Lớp nhỏ là những em bắt đầu học chữ, kể cả những em chỉ ở độ tuổi mẫu giáo mà gia đình gửi vào để có điều kiện rảnh rỗi mưu sinh độ nhật. Kế đến, rất nhiều em học sinh đi bán hàng rong ở bến phà trước và sau giờ học của mình. Trường dạy sáu ngày mỗi tuần, mỗi ngày 5 giờ đồng hồ vào buổi chiều.
Kể từ khi được Hiệp Hội Vì Dân bảo trợ, gia đình các em không phải đóng “học phí” cho trường nữa, vốn chỉ có 100-200 ria/ngày (tương đương với 3-5 xu/ngày). Hiệp Hội đồng thời giúp các phụ huynh một phần sách vở cho các em học tập, và tổ chức phát quà mỗi khi có lễ lớn của dân tộc, như Trung Thu, Tết Nguyên đán.
Trong chuyến thăm khu Hố Lương lần này, trong phái đoàn còn có người đại diện cho hội MIRO và bà Judith Kunze – một người ngoại quốc đang làm việc thiện nguyện ở Cambodia. Nỗ lực của bà Judith là giúp cho những người Việt sinh ra trên đất Cambodia được hợp thức hóa tình trạng quốc tịch Cambodia, để thoát khỏi tình trạng mà các NGOs gọi là “stateless”.

Ông Nguyễn Công Bằng và bà Judith Kunze thăm Trường Việt Ngữ Neak Loeung – ẢNH: VDF
Cảnh sinh hoạt của một gia đình “ngư dân” nghèo ở làng Kandal. – ẢNH: VDF
Cũng trong chuyến thăm đồng bào ở Neak Loeung, phái đoàn đã có dịp thăm viếng và trợ giúp một ngân khoản nhỏ để mua tập vở cho lớp Việt ngữ của một chùa Phật giáo, và một lớp khác ở khu vực lân cận.
Sau chuyến thăm phái đoàn đã lên đường về phía Bắc để đến một khu vực có 874 gia đình người Việt sinh sống, phần lớn bằng nghề cá, ở tỉnh Kampong Chhnang, cách Nam Vang khoảng 95km.
Vào tháng 07/2014, hội thiện nguyện MIRO đã xin phép chính quyền tỉnh và các cơ quan giáo dục sở tại để phối hợp với ViDan Foundation tiến hành chương trình dạy học cho 95 trẻ thơ thuộc các gia đình nghèo ở làng Kandal và Chong Koh thuộc huyện Phsar Chhnang.

Ảnh kỷ niệm cùng một số học sinh trường Samaki – ẢNH: VDF
Khác với trường ở Neak Loeung, trường Samaki ở đây dạy lớp 1 và 2 theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục Cambodia vào buổi sáng, và dạy Việt ngữ vào buổi chiều. [xem tin] Toàn bộ chi phí hoạt động được sự bảo trợ của ViDan Foundation.
Điểm khác biệt đáng khích lệ là nhờ sự vận động pháp lý của hội MIRO, các học sinh của trường đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận (tương đương với giấy khai sinh) để các trẻ thơ này được phép ghi danh học ở trường theo hệ thống công lập — một sự tiến bộ lớn so với thực tế hiện thời là hầu hết trẻ em Việt Nam sinh ra ở Cambodia đều không được công nhận quốc tịch Khmer, hay được cấp giấy khai sinh chính thức.
Cùng ngày với chương trình thăm viếng trường Samaki, phái đoàn đã phát gần 130 phần gạo (mỗi bao 10kg) cho các gia đình nghèo khổ trong khu vực, và hàng trăm bọc kẹo cho các cháu học sinh, trẻ nhỏ. Món quà thiết thực này được sự bảo trợ của Bác sĩ Kenneth Nguyen ở California.
Những gia đình không đến địa điểm trường Samaki để nhận gạo được thì phái đoàn đã được người đại diện chính quyền Cambodia ở địa phương giúp đưa đến từng bè để giao tận tay.
Theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Công Bằng, nhu cầu trợ giúp xã hội và giáo dục cho các trẻ thơ Việt Nam ở Cambodia vô cùng lớn lao và chắc chắn là hoàn toàn nằm ngoài khả năng của Hiệp Hội. Tuy vậy, ông khẳng định rằng việc mở trường dạy các em học chữ là vô cùng cần thiết vì qua nỗ lực này, một số em sẽ may mắn được thoát dốt để có điều kiện tiến thân khá hơn là thế hệ cha mẹ. Ông hy vọng là thời gian tới sẽ có thêm nhiều tổ chức từ thiện đến Cambodia trợ giúp cho các đồng bào đang sống lưu lạc khốn khổ ở xứ này.
Cũng theo ông, quan trọng hơn hết là những tiếp trợ tương tự thế này còn mang một giá trị tinh thần khác: Những đồng bào Việt Nam bất hạnh này không còn cảm thấy bị bỏ quên.

Phát gạo cho người nghèo. Quà của Bác sĩ Kenneth Nguyen – ẢNH: QUỐC VIỆT
Thư từ liên lạc và chi phiếu ủng hộ cho Hiệp Hội xin gửi đến: ViDan Foundation Inc. PO Box 842064, Houston, TX 77284-2064
Đồng bào muốn đóng góp qua hệ thống chuyển ngân PayPal có thể ủng hộ Hội qua địa chỉ email: paypal@vidan.us
Mọi thắc mắc hay liên lạc xin vui lòng liên lạc cô Anh Trinh ở số điện thoại 713-391-9843 hoặc địa chỉ email: anhtrinh@hoamai.us
Hình ảnh và chi tiết chuyến công tác dài hạn này sẽ được lần lượt phổ biến trên mạng: www.hoamai.us