Menu Close

Những pho tượng đất

Tượng đất tất nhiên là chuyện rất cũ rất xưa, và các pho tượng đất nổi tiếng nhất thế giới có lẽ là các pho tượng đoàn âm binh của Tần Thủy Hoàng được người đương thời tìm thấy trong thập niên 70 của thế kỷ trước.

Từ các pho tượng ấy người đương thời tạc lại những pho tượng khác để gửi gắm các tín hiệu riêng. Như mới đây, một nghệ sĩ người Pháp, Prune Nourry, sinh sống tại New York, Hoa Kỳ đã đem trưng bày tác phẩm của mình, 116 pho tượng phụ nữ, “Terracotta Daughters”, mượn hình ảnh đoàn âm binh lẫy lừng để phàn nàn việc “trọng nam khinh nữ” của văn hóa và chính phủ Tàu.

Dường như bà Nourry không phải là người đầu tiên “nhại” hình ảnh của đoàn  âm binh Tần Thủy Hoàng để bày tỏ ý kiến cá nhân, một hình thức dùng nghệ thuật để gửi gắm và quảng bá các khái niệm có tính cách xã hội?

alt

116 pho tượng phụ nữ, “Terracotta Daughters”, của Prune NourryNGUỒN PULPCOLLECTORS.COM

Năm 2013, Dế Mèn trở lại Hòa Lan, the Netherlands, có ghé thăm làng Delft và vào nhìn ngắm Nhà Thờ Cổ nằm bên dòng sông. Lần đó, nhà thờ Cổ có cuộc triển lãm trưng bày các pho tượng đất, cũng “nhại” hình ảnh của đoàn âm binh Tần Thủy Hoàng nhưng các pho tượng kia lại là hình tượng các phụ nữ đang mang thai. Hôm ấy Dế Mèn cũng nhìn ngắm và băn khoăn không biết nghệ sĩ muốn nhắn gửi những gì, và tại sao trưng bày trong nhà thờ mà không là một địa điểm nào khác? Thai nghén là hình ảnh của mầm sống, sự khởi đầu, “sinh”, trong khung cảnh một ngôi nhà thờ cổ xưa, “lão”? Kêu gọi phụ nữ đừng phá thai? Kêu gọi dân Tàu đừng bỏ các thai nhi trẻ em gái? Tò mò một lúc rồi Dế Mèn quên bẵng câu chuyện dù đã tự nhắc mình tìm hiểu về tác giả của các tác phẩm ấy.
Bây giờ đọc bản tin thông báo về cuộc triển lãm của bà Nourry diễn ra tại New York với các pho tượng tương tự, sự băn khoăn cũ lại trở về, in hệt cảm tưởng của một ngày Tháng Năm, năm 2013, deja-vu? Rồi phe ta mò Google nhưng vẫn không tìm ra dấu vết chi về những pho tượng mang thai của đoàn nữ binh Tàu trong cuộc triển lãm tại Delft!

Ngày xa xưa ấy, những năm trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng trước khi chết đã xây lăng mộ để sửa soạn cho chuyến tàu cuối. Đi vào thế giới khác, có quá nhiều kẻ thù nên vị vua vĩ đại cuả Tàu đã cho tạc tượng đất, trên dưới 8,000 pho tượng với đầy đủ vũ khí, xe ngựa để sẵn sàng uýnh lộn với kẻ thù ở cõi âm.

alt

Triển lãm những tượng đất mang thai tại Nhà Thờ Cổ làng Delft, Hòa LanẢNH TÁC GIẢ

Việc khám phá kho tàng tượng đất kia khởi đầu từ câu chuyện đào giếng của nông dân trong thôn làng ngoại ô Dĩ An (Xi’ an, Trường An hay Tây An) và tìm thấy tượng đất năm 1974. Thế là các nhà khảo cổ, nhân chủng Tàu bắt đầu chương trình khai quật các hầm mộ. Những hầm mộ này nằm cách lăng mộ Tần Thủy Hoàng khoảng một cây số về phía Tây dưới chân núi Li (Lishan), và chỉ có 4 hầm mộ được khai quật tính đến ngày nay. Hầm mộ thứ tư trống không, dấu hiệu của một chương trình xây cất dở dang, chưa xong thì bị bỏ ngang.

Các hầm mộ khác cũng như lăng mộ Tần Thủy Hoàng được giữ y nguyên, theo nha Văn Hóa Tàu, khoa học đương đại chưa tìm ra cách bảo trì báu vật.

Một chút về Tần Thủy Hoàng: ông vua hung bạo nhất của Tàu tên cúng cơm là Ying Zheng, lên ngôi năm 246 trước Công Nguyên ở tuổi 13! Đến năm 221 trước Công Nguyên thì nhà vua trẻ tuổi nhưng tài ba đã tiêu diệt hết các quốc gia đối nghịch chung quanh, thu tóm đất nước về một mối, và trở thành vị vua đầu tiên của nước Tàu vĩ đại mở ra triều đại nhà Tần với đế hiệu Tần Thủy Hoàng (Qin Shi Huang Di).

Triều đại nhà Tần là một thời cường thịnh với nhiều phát minh lớn của nhân loại như đúc tiền để lưu hành, chế tạo vật dụng đo lường như thước đo và cân, mở ra các kinh rạch đường sá nối liền các thành phố và công trình lớn nhất là việc xây Vạn Lý Trường Thành, the Great Wall.

Nhiều công trình sáng tạo như thế nhưng người đời sau chỉ nhắc đến Tần Thủy Hoàng qua các hành động bất nhân, tàn bạo như chôn sống học trò, kẻ sĩ, đốt sách, đày đọa dân quân xây thành… Sự độc tài hung ác xóa mờ công lao, tài năng của ông vua trẻ tuổi!

Sử sách Tàu kể rằng sau khi lên ngôi Tần Thủy Hoàng đã dùng 700,000 công nhân để xây lăng mộ trong suốt mấy chục năm ròng rã. Sử gia đời Hán (triều đại kế tiếp) Sima Qian viết về kho tàng vĩ đại của Tần Thủy Hoàng đã được chôn giấu theo ông vua và các mô hình phó bản của sông rạch (chế bằng thủy ngân) đổ về hầm mộ, núi non là các mô hình bằng đồng đen, trân châu ngọc quý dùng làm tượng hình của mặt trời, mặt trăng, tinh tú …

Ngày nay, một số các chi tiết kể trên được khoa học nhìn nhận qua lượng thủy ngân khá cao lẫn trong đất đai gần lăng mộ. Dù lăng mộ Tần Thủy Hoàng chưa được khai quật nhưng sử dụng các kỹ thuật siêu âm để thăm dò, các nhà khảo cổ cũng đã nhận ra nhiều hình tượng người nhảy múa, dùng nhạc cụ… khác hẳn với đoàn âm binh, Terracotta Army, mang vũ khí trong các hầm mộ ngoài xa.

Sách vở, phim ảnh về cuộc khai quật ghi chép rằng, các pho tượng đất cũng như những vật dụng chôn cất theo tang lễ, kho tàng văn hóa vô giá của thế giới, được chế tạo bằng đất nung. Người thủa ấy đã dùng khuôn đúc đúc đầu, mình, tay chân các pho tượng riêng rẽ, nung xong, các phần tượng được “ráp” lại, assemble, với nhau thành một hình nhân đúng kích thước người sống. Tạm hiểu là các pho tượng được chế tạo hàng loạt, dù vẫn làm bằng “tay”! Thì ra khái niệm chế tạo dây chuyền, assembly line, đã được sáng chế từ thủa ấy. Không hiểu tại sao mãi mấy ngàn năm sau, tại Huê Kỳ các tài phiệt mới nghĩ ra cách làm việc này và trở nên giàu có rầm rộ nhờ tiết kiệm thời giờ làm việc của nhân công!

Một chi tiết khác, khá thú vị là việc mỗi hãng xưởng đều ghi ký hiệu riêng trên mỗi bức tượng, có lẽ để kiểm nghiệm phẩm chất của sản phẩm, và khái niệm “kiểm nghiệm phẩm chất”, quality control, đã có mặt tự thủa ấy!

Mặt mũi của hình tượng dựa theo tám khuôn đúc khác, rồi sau đó thợ nắn tượng đắp thêm đất sét, tô màu để tạo ra các nét đặc thù khác, nên xem ra, mỗi pho tượng có một nét mặt khác nhau. Năm xưa Dế Mèn ghé thăm Dĩ An, nhìn ngắm các pho tượng mà le lưỡi trước công trình của bạo chúa, ghê sợ nhưng vẫn thán phục tài năng hiếm có!

Tám ngàn pho tượng với áo mũ cân đai vũ khí đầy đủ được đặt trong các hầm mộ khổng lồ theo hình dạng “xuất trận” theo đúng vị thế và chức vụ trong quân đội chưa kể những thứ chưa được khai quật và trưng bày.

alt

Các lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng có chứa một ước tính 7,000 lính đất sét sống động như thật, kèm theo vũ khí như kiếm đồng và cung tên. ẢNH: O. LOUIS MAZZATENTA, NATIONAL GEOGRAPHIC CREATIVE

Đoàn âm binh Tần Thủy Hoàng khi mới khai quật có màu sắc rực rỡ, hồng, đỏ, lục, lam, nâu đen, tím và trắng nhưng màu sắc phai rất nhanh khi gặp không khí. Độ ẩm và ánh sáng mặt trời khiến các pho tượng mủn rữa từ từ.

Chưa tìm ra cách bảo trì nên các chuyên gia khảo cổ Tàu ngưng khai quật các hầm mộ kế tiếp.

Tại Dĩ An, các hầm mộ được bao bọc trong vùng không gian với độ ẩm định sẵn và họ không cho phép chụp hình ảnh chi ráo. Năm ấy, 1995, Dế Mèn mua các post card để làm kỷ niệm, bây giờ nhìn ngắm lại vẫn le lưỡi thán phục!

Một số hình tượng đoàn âm binh kể cả xe ngựa, vũ khí… được đem đi triển lãm tại các thành phố lớn của thế giới và sau đó đem về giữ trong các hầm mộ (theo đúng vị trí lúc khám phá) vào năm 2003.

Trở lại với cuộc triển lãm của bà Prune Nourry tại New York, từ ngày 10 Tháng Chín đến ngày 4 Tháng Mười tại the China Institute. Nếu phe ta nhanh chân lẹ tay, sẽ được xem tận mắt các pho tượng ấy.

Bản tin thông báo cuộc triển lãm nói rằng nhà điêu khắc dùng hình ảnh của tám bé gái từ trại mồ côi Hoa Lục để tạc tám pho tượng đầu tiên với kiểu quần áo đồng phục, tóc đương thời. Con số tám mang dấu hiệu của sự may mắn, “bát” hay “phát” có âm hưởng từa tựa như nhau. Sau đó tám pho tượng được dùng để chế biến 108 pho tượng khác, kiểu chế biến hàng loạt rồi điều chỉnh để tạo ra sự khác biệt cho mỗi pho tượng. Mỗi pho tượng cao cỡ 5 bộ Anh, nặng khoảng 260 cân Anh.

Khi được phỏng vấn, bà Nourry nói rằng tại Hoa Lục, sự thiếu cân bằng về giới tính khá lớn, nhiều nam hơn nữ, sự khác biệt lên đến 34 triệu người vào năm 2010. Bà ấy muốn nhấn mạnh về sự khác biệt kia để thu hút sự chú ý của cư dân Tàu cũng như người thế giới. Đây là một chương trình nghệ thuật có chủ tâm về nhân chủng, xã hội. Cũng như chương nhân chủng về đoàn âm binh Tần Thủy Hoàng, chương trình “Bé gái đất nung” cũng sẽ được đem về hầm mộ sau khi triển lãm cho đến năm 2030 khi dân Tàu sẽ lâm vào sự khủng hoảng “trai thừa gái thiếu” và các nam nhân Hoa Lục sẽ phải chạy vắt giò lên cổ để tìm vợ vì số phụ nữ sẽ xuống thấp đến mức trầm trọng!

Không biết đến lúc ấy, 2030, dân Tàu sẽ phải xâm chiếm những mảnh đất nào nữa để di dân kiếm vợ? Chính phủ họ chắc sẽ chẳng cần dụ khị “có 72 trinh nữ đang chờ đợi trên thiên đường” vì đoàn chiến binh kia, với testosterone đầy ứ, chỉ cần giơ mấy tấm ảnh kiều nữ địa phương, sẽ nhắm mắt xông pha đến cùng?!

alt

Nourry bắt đầu dự án của mình bằng điêu khắc hình ảnh của tám cô gái mồ côi mà cô đã gặp ở Madaifu. Sau đó, cô tạo ra 108 tượng khác dựa trên tám cô gái ban đầu. NGUỒN ALTFORLIVING.COM

TLL