Máy bay của hãng hàng không Yangon từ Yangon đến Mandalay mất khoảng 40 phút. Cả phi đội hàng không dân dụng Yangon chỉ có loại máy bay hai chong chóng ATR 72 chở được 70 hành khách.
Máy bay ATR của hãng hàng Không Yangon
Từ Khanh
Mandalay, ngày đầu
Khi ở Yangon mua vé đi Mandalay, tôi chỉ muốn đi hai hãng hàng không nội địa khác là Mandalay và Bagan vì các chuyên gia giang hồ khuyên như thế. Họ nói rằng máy bay của hãng Yangon rất tệ, không an toàn vì của nhà nước. Thật ra ở Miến Điện làm gì có hãng của tư nhân. Nhưng cuối cùng phải đi Yangon Airways vì mùa này không phải mùa du lịch nên các hãng kia ít chuyến bay. Đành vậy.
Phi trường Yangon
Nữ tiếp viên Hàng Không Yangon
Khu hàng không quốc nội của Yangon trông như ga xe lửa Việt Nam thập niên 1980. Trong phòng đợi vài chục hành khách chỉ có một ngọn đèn vàng nhợt nhạt. Trần và tường nhà cũ kỹ. Không có bảng chỉ dẫn gì cả, thấy người ta ngồi thì mình ngồi. Máy bay trễ hai tiếng (nghe nói đây là lệ làng của hãng hàng không Yangon). Không có loa thông báo, chỉ thấy một ông dán tờ giấy A4 lên ô check-in, đến gần thấy ghi bằng tiếng Anh do “máy bay chuyến đến trễ”. Khi đến giờ vào cửa, tất cả các thủ tục đều làm bằng tay. Thẻ lên tàu (boarding pass) in sẵn, in luôn số ghế, vì vậy có tình trạng một gia đình đi chung nhưng có khi ngồi xa nhau, lên máy bay thì tự thương lượng với khách để ngồi gần nhau. Sau này tôi đi một chuyến bay của hãng Bagan thì cũng tình trạng như vậy. Thẻ lên tàu in sẵn, họ phát cho khách và không có cả số ghế, muốn ngồi đâu thì ngồi. Chưa kể khi đang đưa hành lý qua máy dò thì điện cúp, thế là kiểm tra hành lý bằng tay. Nhớ hôm trước nói chuyện về cúp điện, chàng lái taxi mỉm cười hóm hỉnh, nói: “This is Myanmar!”
Taxi ở Mandalay
Lúc ngồi trong lòng chiếc máy bay nhỏ hẹp, cài dây an toàn, đọc tờ hướng dẫn thấy dấu hiệu (logo) của Yangon Airways là một con voi trắng mập ú đang tung hai chân trước lên, trên lưng có hai cánh chim thì mới thấy cái logo buồn cười. Máy bay mà “chơi” một con voi nặng nề thế thì quả là bất an, không biết hai cánh chim nhỏ bé kia làm sao mà nhấc nổi chú voi ngây ngô nặng nề. Lo sợ vẩn vơ như vậy nhưng khi thấy hai cô tiếp viên mặc áo tím và váy tím thật xinh đẹp, tôi liền tự an ủi: Kể ra, nếu có banh xác thì “đi” chung với hai em này xuống âm phủ cũng không đến nỗi buồn. Người ta đẹp thế kia mà banh xác mới tiếc, chứ mình trai già kể gì!
Nhìn xuống Mandalay toàn cát và cây cối lưa thưa. Vài con sông (hay suối) cạn nước, chỉ còn thấy lòng sông trơ đáy cát vàng ngoằn ngoèo tít tắp. Thỉnh thoảng trên mặt đất khô hạn nổi lên vài ngôi tháp vàng óng ánh hay màu trắng dưới nắng chiều. Mandalay, thành phố nhiều huyền thoại, từ trên cao nhìn xuống chỉ một màu khô khốc.
Đến phi trường Mandalay đã gần 5 giờ chiều. Coi như toi gần một ngày. Mây đầy trời đe dọa một cơn mưa. Phi trường khá lớn, sạch sẽ, có vẻ quốc tế hơn phi trường Yangon. Họ tổ chức cũng tốt hơn phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả taxi về thành phố (cách 40 cây số) đều đồng giá 18,000 kyat (18 đô Mỹ). Lúc còn ngồi trong phòng chờ ở Yangon, tôi thấy một gia đình người Thái gồm năm người. Người đàn ông Thái tưởng tôi đồng hương nên gợi chuyện, nói tới Mandalay thì đi chung với gia đình ông ta để chia đều tiền taxi. Tôi đồng ý liền. Nhưng một tiếng sau tôi để ý thấy cử chỉ ông ta hơi bất thường, ắt-xì liên tục, mắt mũi kèm nhèm và khuôn mặt ửng đỏ. Dịch cúm H1N1 đang tùm lùm nên tôi đâm ngại. Đến Mandalay, tôi chuồn ra cổng trước vì không có hành lý gì trong khi gia đình ông ta còn chờ bên trong. Một ông quấn xà-rông xanh cầm cuốn sổ tiến lại, trên đầu sổ có ghi 18,000 kyat. Ông giải thích là đi bao nhiêu người cũng giá cố định, khuyên tôi nên chờ ai đó để đi chung chia tiền. Đặc biệt là tuy các bác tài taxi đứng chung quanh nhưng không ai mời mọc níu kéo. Tất cả hành khách đều được ông phân bố xe, tài xế không phải giành giựt ơi ới gì cả.
Đa số hành khách là người địa phương nên có thân nhân đến đón. Tôi đứng xớ rớ chưa biết “bắt bồ” với ai thì có một cô đeo kính cận, tròn trịa, da vàng chứ không nâu sẫm như nhiều người Miến khác. Cô gái đẩy chiếc xe có ba cái va li lớn, tiến lại, nói tiếng Anh trôi chảy.
– Anh đi chung với tôi về Mandalay không, mình cưa đôi.
Thấy con gái là tôi đã mừng, lại được đề nghị đi chung đỡ mất tiền. Tôi gật đầu lia lịa, khỏe!
Một anh taxi trẻ dẫn chúng tôi ra bãi đậu. “Hai đứa tôi” lên băng sau. Lòng tôi đắc ý. Có cha thầy bói nói tôi có số đào hoa chiếu mệnh, đàn bà con gái nó “chịu”lắm, mà tôi cũng “chịu” ngay thánh địa Mandalay, chưa gì đã được tổ đãi một em tuy không xinh lắm nhưng giọng nói ngọt ngào trên đoạn đường 40 cây số.
Cô gái hỏi tôi về đâu. Tôi thiệt thà trả lời là không biết, cứ vô thành phố rồi kiếm khách sạn. Cô tròn xoe đôi mắt tròn sau cặp kính trắng tròn trịa, thốt lên: Sao anh gan thế!Tôi đắc ý: “Bộ xứ này người ta ăn thịt người sao”.Cô bảo:
– Hay anh về khách sạn của bà dì tôi đi, bà dì tôi có một khách sạn ngay trung tâm thành phố.
Tôi lôi tấm bản đồ Mandalay trong túi ra, hỏi cô khách sạn bà dì ở đâu. Cô ta nói chưa bao giờ đọc bản đồ Mandalay vì sinh ra và lớn lên ở đây. Người ta không cần bản đồ ở ngôi làng mình sinh ra. Cô dò một lúc rồi định vị cái khách sạn, quả là nó ở gần ga xe lửa, theo bản đồ là khu trung tâm. Tôi hỏi thế bà dì cô tính phòng giá bao nhiêu?
– Có 20 đô à, rẻ nhưng tiện nghi lắm.
Tôi bảo tôi chỉ ở khách sạn dưới 10 đô. Mức đó cao gấp đôi ngân sách. Cô ta trề môi:
– Anh không hình dung mấy khách sạn 10 đô đâu. Kinh khiếp lắm, rất dơ bẩn thiếu tiện nghi, tin tôi đi.
Tôi nói tất nhiên là tôi tin cô ta, nhưng 10 đô thôi em. Làm ơn hỏi ông taxi đưa giùm tới cái nào giá đó, và nếu ở gần Đồi Mandalay càng tốt vì tôi cần đến đó. Cô ta nói gì với anh taxi ngồi trước, hai người thảo luận một hồi rồi cô ta nói:
– Được, anh taxi sẽ đưa anh về một khách sạn 8 đô trước rồi đưa tôi về nhà sau.
Nhà cô ta ở khu vực, sau này tôi mới biết, nhà giàu. Tôi gạ gẫm:
– Hay nhà cô có chỗ nào cho tôi ở tạm vài ngày không, ngủ trên sàn cũng được. Cô cứ tính giá “reasonable” là được!
– Không được đâu. Còn bố mẹ…
– Thế con gái Miến Điện không được đưa… trai về nhà à?
– Bố tôi người Hoa, mẹ tôi Miến Điện.
Tôi nói thảo nào da cô trắng thế, nhưng bố cô người Hoa thì tổ sư bảo thủ những chuyện trong trắng. Tôi nói chắc chắn cô đã học nước ngoài, nghe cách nói chuyện là biết. Cô ta gật đầu. Cô sinh ở Mandalay, học hết trung học thì bố đưa qua Trung Quốc, hiện đang học năm thứ ba ngành Luật ở đại học Thượng Hải, nghỉ hè về thăm gia đình. Bố có cửa hàng điện buôn bán phát đạt, và ông không muốn cô học đại học Mandalay. Tôi hỏi thế học xong có tính về Mandalay làm luật sư không. Cô cười khỉnh, nói ở đây không cần luật sư, chắc ở luôn bên Thượng Hải “tuyệt vời. Tâm trạng cô gái có giòng máu Hoa này không khác các “khách” ở Việt Nam. Người Việt gọi người Hoa trong Chợ Lớn là “khách”. “Khách” có trường học riêng, lễ lạc riêng, ở nhà nói tiếng “khách”, cái gì cũng “khách” dù khách nhờ nhà chủ mà giàu có.
Tôi nhờ cô chỉ cho vài nhà hàng có cơm, có nước mắm, có ớt càng tốt. Cô ghi ra mảnh giấy nhỏ một nhà hàng Tàu mà sau này tôi không vào vì thuộc loại sao. Cô cũng ghi địa chỉ hai nhà hàng Thái có món tom-yum rất cay (cũng thuộc loại sao). Con đường dài nhưng thành ngắn nhờ tán dóc, hai bên đường cây cối khá xanh dù trời khô khốc, thỉnh thoảng có vài cụm nhà tranh vách nứa. Không khí yên bình, vắng vẻ, nhưng không buồn thảm ủ dột như Yangon. Tôi như ngửi được trong không khí một khí hậu sinh động, con người cởi mở hơn, đường sá thoáng đãng hơn, thành phố sáng sủa hơn. Và tôi đã đúng.
Xe lửa ở Mandalay
Chiếc xe chạy ngang qua khách sạn bà dì, rồi đi ngang một nhà ga lớn. Tôi nói muốn đi xe lửa lên miền Bắc có nên không. Cô trề môi, lắc đầu:
– Đừng bao giờ đi xe lửa, nó nằm giữa đường là anh không biết xoay xở đâu được. Nếu đi thì nên đi xe, có chết máy nhưng còn có thể bắt xe khác.
Tôi cãi là trên mạng họ giới thiệu xe lửa ở Mandalay tốt lắm mà, lại rẻ. Cô ta bảo: “Mạng biết gì, tôi ở đây biết rành hơn chứ!”
Tôi có cảm tưởng cô bé này chỉ mượn đất Miến Điện để dung thân, cái gì cũng chê, tưởng như cô là khách lạ, không biết ông già người Hoa của cô có vậy không.
Tất nhiên tôi tin, nhưng nhìn nhà ga có mặt tiền đẹp thật khó tin những gì cô gái vừa nói. Đường sá khá rộng, các cửa tiệm, xe nước mía, và xe cộ đi lại không khác gì đang đi trên thành phố Rạch Gia, Cần Thơ, Nha Trang, hay Long An. Có cảm tưởng thật gần gũi như đang đi rong trên quê hương mình. Cả cái cách họ bày hàng hóa cũng giống người Việt Nam, xe máy nhiều hơn xe hơi (ngược lại với Yangon). Lề đường sạch (ngược lại với Yangon). Tưởng như đi trên đường Hai Bà Trưng của Sài Gòn thời chưa đào đường đầy lô cốt như hiện nay!
Mặt tiền Nylon Hotel
Chiếc xe ngừng ở một góc ngã tư trước một nhà khách cao năm từng, “Nylon Hotel”, phía trước nhiều chiếc xe lôi đạp đang đậu. Ông chủ khách sạn đang ở trần quấn xà rông, nói ngay giá là 10 đô. Tôi trả 5 đô. Ông ta ngần ngừ rồi nói:
– Năm đô cũng có nhưng ở tầng năm, anh phải đi bộ.
Ông ta sai bồi phóng dẫn tôi đi một lượt coi các giá phòng, từ 10 đô đến 5 đô. Phòng 5 đô ở tầng cao nhất, phía trước có sân thượng, lợp tôn, không có cửa sổ, bước vào hơi nóng hực ra không khác gì một chuồng cu. Tôi chặc lưỡi nói thôi tôi lấy phòng 7 đô tầng một. Khi sắp bước xuống cầu thang, anh bồi chợt chỉ tay phía xa xa: “Kìa là Đồi Mandalay”.Tôi nhìn theo hướng anh ta chỉ, thấy một ngọn đồi không xa lắm, phía trên có một tháp vàng lấp lánh trong nắng chiều.
Tầng này thật lý tưởng, không một người khách, ra khỏi phòng là thấy đỉnh đồi, mục đích của chuyến đi.
Tầm nhìn từ Nylon Hotel
Căn phòng tôi ở đúng như những gì cô gái tả. Phòng nhỏ, tối, máy lạnh phải đập máy cái mới khập khù khởi động, phòng tắm thuộc loại kinh, hai cái van mở nước tròn và to như loại van vòi chữa lửa, bồn rửa mặt xả thẳng ngay xuống chân, tivi và tủ lạnh đều có nhưng không có cái nào hoạt động, chỉ để trang trí, nệm mềm và bẩn thỉu.
Dù sao cũng là chỗ qua đêm.
Dù sao người khác sống được.
Dù sao sẽ là kỷ niệm.
Tôi xuống phố hỏi một chiếc taxi đi lên đồi Mandalay. Taxi ở đây giống xe lam, chỉ khác là chỗ tài xế có cửa, thùng xe sau đặt hai băng ghế song song mỗi bên ngồi được hai người. Anh taxi đen nhẻm, vừa nhai trầu móm mém vừa đòi giá 4 đô, anh bảo sẽ chờ tôi dưới chân đồi cho đến khi nào tôi xuống mới thôi, dù có nửa đêm cũng chờ. Hôm đó tôi lên đồi Mandalay lúc trời đã sụp tối, trăng mùng 8 đã lên cao.