Khi mạng ảo trở nên phổ thông, và hầu như mọi người dưới 50 tuổi đều sử dụng mạng ảo để liên lạc với thân nhân, trao đổi hình ảnh hoặc kết bè kể chuyện trên trời dưới đất, những câu chuyện không thể kể cho người chung quanh hoặc không có người chung quanh để kể lể.
Mạng ảo thu ngắn các khoảng cách xã hội, và con người, những người dùng mạng ảo ngày đêm, đọc báo, xem tivi, phim ảnh, truyền tay những tin tức xem ra giật gân, không báo không được và theo dõi các mẩu “tin nhắn”.
Facebook là một trong những trang xã hội được sử dụng rộng rãi nhất. Lý do? Ngoài việc dễ sử dụng, Facebook hoàn toàn miễn phí, chỉ cần ghi danh với một ít dữ kiện cá nhân là người ta có một trương mục để trò chuyện, đăng hình ảnh và nhất là kết bè kết “bạn” với những kẻ ngàn dặm xa xôi. Instagram cũng làm ăn theo kiểu từa tựa như thế, nơi bá tánh chụp hình và truyền tay; trong nháy mắt các tấm hình đẹp cũng như không đẹp [theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng] được gửi đi khắp nơi. Không lạ lùng vì Instagram là con nuôi của Facebook!
Bánh ít trao tay liền liền như thế nên công ty kia phải thu về bánh quy để kiếm tiền mà làm ăn tiếp ngoài việc lời lãi bạc tỷ. Facebook kiếm tiền ra sao? Họ bán các chi tiết về người sử dụng cho các công ty thương mại. Sinh sống ở đâu, cỡ tuổi nào, nghề ngỗng là gì, kết bè với những ai, thích du lịch những nơi nào, dùng máy móc loại gì… Các chi tiết này đến từ những chữ “gốc” người sử dụng Facebook thường dùng để trò chuyện, kể lể… Cách làm ăn cũng từa tựa như Google, một công ty nức tiếng về quảng cáo trên mạng. Google cung cấp các kho dữ kiện miễn phí khi ta cần tìm kiếm một đề mục nào đó, cứ việc vào trang mạng Google, gõ mấy chữ gốc, bấm nút, và voilà… Google lấy lại bánh quy qua việc âm thầm thu góp các chi tiết cá nhân của người dùng, sinh sống ở đâu, hay tìm kiếm các đề mục nào… và bán các chi tiết ấy.

NGUỒN TERR.UBC.CA
Dù biết hay không biết, vô tình hay cố ý, người sử dụng đã “tặng” các trang nhà kia những chi tiết, đôi khi vô cùng riêng tư, về cá nhân mình. Và việc “nhặt nhạnh” ấy hoàn toàn hợp pháp. Nguyên lý “bánh ít, bánh quy” này không sai chạy chút nào.
Thu góp dữ kiện cá nhân xem ra chưa đủ, các trang nhà trên mạng còn lập ra các phòng thí nghiệm, và thân chủ, người sử dụng, là các con chuột để công ty chủ nhân dùng để thử!
“Phòng thí nghiệm” không chỉ giới hạn ở những quầy đặt máy móc, ống nghiệm, kính hiển vi hay hóa chất mà bao gồm cả núi non, biển cả…, một không gian thật và ảo mênh mông!
Mạng ảo tất nhiên không là ngoại lệ; công ty chủ nhân trang mạng thường dùng loại thí nghiệm có tên “A/B test”: Công ty chủ nhân cung cấp một “kinh nghiệm” đặc biệt cho một số nhỏ những người sử dụng. Bằng cách nào, họ lựa chọn nhóm người [để] thí nghiệm này thì Dế Mèn không rõ nhưng có thể đoán mò rằng tùy theo đề tài của cuộc “thí nghiệm”, công ty chủ nhân chọn “chuột” dựa trên một số tiêu chuẩn như lương bổng, cách tiêu xài, tuổi tác, nơi sinh sống… Khi được [bị] chọn, màn hình của người sử dụng sẽ khác biệt với màn hình của những kẻ khác dù vào trang nhà kia cùng lúc!
Google luôn tay táy máy, đưa ra các thí nghiệm A/B, bằng cách thay đổi một số chi tiết trong các “search engine” xem trang nhà của họ làm ăn ra sao, có dễ tra khảo và đem lại nhiều kết quả hay không, so với trang nhà cạnh tranh như Yahoo, Ask.com thì sao… Công ty CNN.com dùng thảo trình để thay đổi cách trình bày đề tựa, xem tựa đề nào thu hút nhiều cái bấm chuột hơn và dĩ nhiên Facebook cũng thí nghiệm liên tục, từ cách đặt bản quảng cáo sao cho hấp dẫn đến việc mẩu quảng cáo kia xuất hiện như thế nào trên mỗi mẩu “News Feed” của người sử dụng!
Cách rà chuột, cách bấm chuột sau vài giây, vài phút, hay bỏ lờ tiết mục nào đó… của người đọc là câu trả lời cho công ty chủ nhân.
Ấy là các cuộc thí nghiệm tí hon, và người sử dụng hoan hỷ tình nguyện làm “chuột” dù có ý thức được việc tham dự của mình hay không. Đi xa hơn, không mấy người dùng tẩn mẩn đọc các hàng chữ “tránh trách nhiệm” (disclaimer) của công ty chủ nhân nên chẳng ai biết công ty nọ sẽ dùng các chi tiết về cá nhân như thế nào. Thí dụ? Người ghi danh mở trương mục trên Facebook [đã/sẽ] đồng ý với công ty chủ nhân (qua Data Use Policy) rằng Facebook có thể dùng chi tiết cá nhân trong việc làm [ăn], sửa chữa, cập nhật máy móc, thảo trình, phân tích, thí nghiệm và áp dụng để việc làm ăn [buôn bán] tiến bộ, hoàn thiện hơn! Hay quá phải không bạn? Ai lại chẳng muốn giúp đỡ Google hay Facebook cải tiến để hay ho hơn? Nói một cách khôi hài [đen] là giúp Facebook đè bẹp các đối thủ trên thương trường?
Hầu hết các thí nghiệm A/B đều có hai mục đích: giúp công ty chủ nhân cải tiến cách làm ăn và khiến người sử dụng vừa ý hơn khi đến trang nhà kia. Một bài quảng cáo thu hút, đặt đúng chỗ sẽ bán được nhiều hàng hóa hơn. Một kết quả tìm kiếm dễ dàng và đầy đủ sẽ khiến người dùng trở lại và tiếp tục sử dụng, đại để là trang nhà giữ được khách đến thăm và thân chủ quảng cáo tiếp tục mua quảng cáo.
Riêng Facebook thì họ đã đi hơi xa trong việc dùng người sử dụng trang mạng làm chuột thí nghiệm, một thí nghiệm về sự thay đổi cảm xúc (mood experiment). Năm 2012, trong suốt một tuần lễ, Facebook đã thay đổi phần “News Feed” của 690,000 người sử dụng. Trong nhóm này, một số [được] thấy các tiết mục vui vẻ, hân hoan, một số khác [bị] thấy các tiết mục rầu rĩ, ủ ê. Với một số người sử dụng, kinh nghiệm của họ qua thời gian này là một giai đoạn “tệ hại”. Việc Facebook “điều khiển” tâm tư người sử dụng qua thí nghiệm này có mục đích gì thì chưa ai đoán ra.

Khi sự việc vỡ lở, hiểu ra việc Facebook cố tình điều khiển cảm xúc của người sử dụng trang nhà thì bá tánh nổi giận. Họ nổi giận vì bị Facebook điều khiển, làm cho họ ủ ê buồn nản để quan sát mà không xin phép trước. Và Facebook chỉ đăng đàn nói mấy câu giản dị, đại để là thí nghiệm ấy được thực hiện để cải tiến cách phục vụ khách hàng và các đề tài được trình bày thêm phần thu hút cũng như đáng chú ý!
Sự khác biệt khá lớn giữa các cuộc thí nghiệm A/B dò ý kiến thông thường và việc Facebook điều khiển cảm xúc của khách hàng để quan sát khiến bá tánh lo âu. Hầu như ai cũng muốn lựa chọn việc tham gia hay lắc đầu từ chối. Facebook lấy đi sự lựa chọn ấy.
Kết quả của cuộc thí nghiệm được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science trong Tháng Sáu vừa qua bởi các chuyên gia từ đại học Cornell, the University of California, San Francisco và Facebook. Họ tường trình rằng khi đọc các bài viết ủ ê, người đọc cũng viết mấy bài uể oải tương tự; ngược lại nhóm người được thấy các mẩu tin tức hình ảnh vui vẻ, phấn chấn, họ cũng viết những lời phấn chấn vui vẻ như thế. Tóm lại là trang nhà kia có thể “điều khiển” cảm tính của khách thăm viếng qua việc trình bày tin tức hình ảnh. Diễn nôm na là muốn thu hút khách hàng, hãy đưa ra các bản quảng cáo ồn ào, khích động thì sẽ bán được nhiều hàng hơn!
Phản ứng của cư dân Facebook? Họ gọi Facebook là “ma quỷ”. Bằng chứng là khi gõ vào Google mấy chữ như “Facebook is evil”, ta sẽ nhận được 249 triệu kết quả so với câu “the devil is evil”, chỉ có 58.7 triệu kết quả!
Bá tánh bất bình như thế nhưng không vì vậy mà ngành tài chánh bỏ rơi Facebook. Bằng chứng là cổ phần của Facebook lên giá đều đều. Nửa năm đầu của 2014, giá cổ phần của Facebook tăng đến 23%. Các tay buôn bán vẫn bỏ tiền ra mua từ Facebook các chi tiết về khách hàng hiện tại [và tương lai], những người sinh hoạt trên mạng ảo.
Trừ khi ta bỏ phiếu bằng chân (ở đây là bằng mấy ngón tay gõ bàn phím), từ bỏ Facebook không còn tham gia nữa thì may ra công ty kia thay đổi cách làm ăn. Khi cả tỷ con người khắp nơi vẫn tiếp tục trò chuyện sinh hoạt và theo dõi đều đều từng mẩu tin, ai vừa đăng cái chi mới, qua News Feeds thì chẳng khi nào Facebook hay Wall Street thắc mắc hay bận tâm. Họ để thời giờ để tìm cách kiếm ra nhiều tiền bạc hơn?!

Trung tâm dữ liệu của Google – NGUỒN CNET.COM