Giải Nobel Hòa Bình
Hội đồng tuyển chọn Na Uy (những giải Nobel khác đều do hội đồng tuyển chọn Thụy Điển) đã trao giải Nobel Hòa Bình năm nay cho ông Kailash Satyarthi và cô Malala Yousafzai. Cả hai người đều hoạt động trong lãnh vực nhân quyền và chú trọng đến trẻ em.
Malala Yousafzai nổi tiếng lẫy lừng khi cô bé bị phiến quân Taliban đón đường chặn xe bus và bắn trọng thương. Cô bé mới 14 tuổi được chuyển qua Anh để chữa trị, và từ đó cùng gia đình định cư tại Birmingham, Anh. Malala bị đón đường chặn ngõ chỉ vì cô bé viết bài đăng trên mạng ảo, lên tiếng đòi quyền được đi học cho các em bé gái sinh sống khắp nơi. Sinh trưởng tại Pakistan, cô được cha mẹ cho đi học nhưng những đứa trẻ khác thì bị cấm hẳn. Và cô lên tiếng dùm. Chỉ có thể mà cũng hứng đạn thù. Phiến quân Taliban không chấp nhận việc phụ nữ được giáo dục, và lập mưu đón đường hòng giết cô bé để tắt tiếng nói phản kháng. Thoát chết, Malala tiếp tục lên tiếng và cô trở thành tiếng nói của phong trào đòi quyền được đi học cho các bé gái. Năm nay, 17 tuổi, Malala là người đoạt giải Nobel nhỏ tuổi nhất của thế giới.
Malala nổi tiếng nhường ấy nhưng người cùng đoạt giải Nobel thì không mấy lừng danh. Ông Kailash Satyarthi, 60 tuổi, người Ấn Độ, nguyên là kỹ sư điện nhưng bỏ nghề đi tranh đấu cho quyền làm người của các trẻ em con nhà nghèo khó. Ông ấy thành lập và cộng tác với ‘Bachpan Bachao Andolan’, một tổ chức tư nhân (non-governmental organization hay NGO) tại New Delhi. Tổ chức này giúp đỡ trẻ em [bị] làm lao công.
Giải thoát trẻ em khỏi xiềng xích lao động và đưa về trường học là tâm nguyện của ông Satyarthi. Ông ấy đã tổ chức nhiều chương trình huấn nghệ để giúp những đứa trẻ bị cha mẹ bán làm nô lệ để trả nợ. Ông Satyarthi cũng đứng ra biểu tình, phản kháng chống đối những hoạt động lạm dụng trẻ em, bắt chúng làm công việc nặng nhọc. Nhưng các cuộc biểu tình phản kháng ấy đã theo đúng tinh thần “bất bạo động” của Gandhi. Ông ấy cũng đã đóng góp trong việc phát triển các đạo luật quốc tế về quyền làm người của trẻ em.

Kailash Satyarthi và Malala Yousafzai, đoạt giải Nobel Hòa Bình
Ông Satyarthi đã từng bị chủ nhân của [nô lệ] trẻ em săn đuổi đánh đập bị dám gọi cảnh sát can thiệp và giải thoát đám trẻ bị bắt làm công nhân. Tính đến hôm nay, khi đoạt giải Nobel, ông Satyarthi và tổ chức của ông ấy đã giải thoát được 80 ngàn đứa trẻ. Và khi được báo chí phỏng vấn, ông ấy vẫn nói rằng con số 80 ngàn kia quá nhỏ so với số trẻ em bị mua bán làm nô lệ khắp Ấn Độ.
Người đàn ông can đảm ấy được mô tả là ‘quá bình thường’, không nổi bật như bất cứ một người đoạt giải Nobel nào cả. Ông ta dùng hộp điện thư gmail, tự viết thư, trả lời thư, đưa số điện thoại di động của mình cho mọi người và ai cũng có thể gọi cho ông ấy…
Với ông Kailash, luôn luôn là các câu chuyện về trẻ em bị cưỡng bách lao động, báo chí có thể và nên báo động rầm rộ hơn để nhà cầm quyền ban hành các đạo luật kiểm soát lao động chặt chẽ hơn, trừng phạt những kẻ mua bán trẻ em. Cấm việc kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt nhi đồng, cần xây dựng nhiều chương trình giáo dục, huấn nghệ nhiều hơn nữa… Và không chỉ tại Ấn Độ mà các quốc gia khác cũng cần bày tỏ phản ứng mạnh mẽ trước việc cưỡng bách trẻ em lao động …
Thủ Tướng Ấn, Narendra Modi, đã lên tiếng chúc mừng ông Satyarthi về việc đoạt giải Nobel.
Kailash Satyarthi là người Ấn thứ bảy đã đoạt giải Nobel. Trước đó là bà Amartya Sen đoạt giải Nobel về Kinh Tế năm 1998 và các nhân vật khác như nhà thơ lỗi lạc Rabindranath Tagore, CV Raman, Har Gobind Khorana, Mother Teresa và Subrahmanyan Chandrasekhar.
Trong khi các viên chức chính phủ Pakistan lên tiếng ca ngợi cô bé Malala thì giới trung lưu tại Pakistan lại cho rằng cô bé kia bị dùng để bôi nhọ quốc gia họ, Pakistan bị nhìn ngắm như một nơi tăm tối, lạc hậu và bất bình đẳng!
Theo hội đồng tuyển chọn Nobel Hòa Bình, tại các quốc gia nghèo khó, 60% cư dân là những người dưới 25 tuổi. Được đi học, được bảo vệ để đến trường là những quyền làm người căn bản, cho cả trẻ em cũng như người lớn. Con người được giáo dục và được bảo vệ đầy đủ sẽ dẫn đến nền hòa bình thế giới. Tại những vùng đất bất ổn, trẻ em bị đày đọa, bạo hành liên miên đã đưa đến các cuộc khủng hoảng, chinh chiến qua nhiều thế hệ.
Hai người đoạt giải Nobel năm nay là hai con người can đảm, hy sinh chính bản thân để đối đầu với bạo lực. Đây là những yếu tố quan trọng cho một người Ấn (theo Ấn Giáo, Hindu) và một người Pakistan (theo đạo Hồi, Muslim), đã chung lưng tranh đấu cho cùng mục đích, bảo vệ trẻ em và chống lại quá khích.
Giữa hai con người quả cảm kia là một sự tương phản khó ngờ: Một cô gái trẻ tuổi, một người đàn ông bước vào tuổi vàng, một người Ấn, một người Pakistan (hai dân tộc đối đầu thù hận), người nổi tiếng và kẻ tương đối vô danh.
Thực ra hai con người ấy chỉ là hai mặt của một đồng tiền: Cả hai đều tranh đấu cho quyền làm người của trẻ em, trả nhi đồng về tuổi thơ ấu của chúng.
Giải Nobel Văn Chương
Ông Patrick Modiano, 69 tuổi, người Pháp đã đoạt giải Nobel Văn Chương năm nay, ông nhà văn là người Pháp thứ 11 đoạt giải thưởng cao quý này.
Ngoài giải Nobel, ông Modiano đã đoạt nhiều giải văn chương khác như Grand prix du roman de l’Académie française, the Prix Goncourt, the Prix mondial Cino Del Duca và the Austrian State Prize for European Literature.

Patrick Modiano, đoạt giải Nobel Văn Chương
Văn sĩ Modiano không phải là người đứng đầu danh sách “phỏng đoán” của các nhà phân tích văn học thế giới, họ bỏ khá nhiều phiếu cho các nhà văn khác như nhà thơ Ngũgĩ wa Thiong’o (người Kenya) và văn sĩ Haruki Murakami của Nhật Bản. Bá tánh đã từng phỏng đoán việc ông Murakami đoạt giải Nobel từ năm ngoái, nhưng kết quả không như dự đoán.
Một số các tác giả quen thuộc với người đọc Hoa Kỳ như Philip Roth, Joyce Carol Oates và Thomas Pynchon cũng nằm trong danh sách dự đoán nhưng vẫn không được chọn kể cả ca-nhạc sĩ Bob Dylan.
Việc tuyển chọn giải Nobel Văn Chương khá kín đáo, ngay cả những người được đề cử cũng không hề hay biết. Ban tuyển chọn (18 thành viên của viện Hàn Lâm Hoàng Gia Thụy Điển) lựa chọn từ danh sách đề cử của các tác gia, những nhà tư tưởng, nhân sĩ, những người đoạt giải Nobel trước đó và những nhà tuyển chọn trên thế giới.
Giải Nobel Văn Chương và Hòa Bình là hai giải thưởng chịu điều khen tiếng chê nhiều nhất vì các tiêu chuẩn lựa chọn không chính xác, rõ ràng như khoa học, hai với hai là bốn, dễ cân đong đo đếm. Các tác giả nổi tiếng, được ưa chuộng không hẳn sẽ là người đoạt giải Nobel, các tác giả có tác phẩm ảnh hưởng đến xã hội nhân quần cũng không hẳn sẽ đoạt giải Nobel Văn Chương.
Tác phẩm của ông Patrick Modiano là các cuốn tiểu thuyết dựa trên bối cảnh thời Đức Quốc Xã chiếm đóng Pháp, các câu chuyện ngắn gọn và đôi khi nặng phần tưởng tượng đã đưa đến giải thưởng Nobel năm nay. Ông Peter Englund, của the Swedish Academy, gọi nhà văn là một “Marcel Proust tân thời”, luôn đề cập đến kỷ niệm, sự mất mát, nhân cách…
Dân Tây, tất nhiên là vô cùng hoan hỷ về việc ông Modiano đoạt giải Nobel, họ cho rằng đây là sự nhìn nhận nền văn chương Pháp với các tác gia lâu đời cũng đoạt giải Nobel như Jean-Paul Sartre và Albert Camus. Thế giới sẽ nhìn về Pháp với đôi mắt thán phục như những ngày xa xưa… Ông Modiano không phải chỉ là nhà văn của Pháp mà là của thế giới!
Nhà văn Modiano sinh trưởng tại Pháp năm 1945, ngay sau Thế Chiến thứ Nhì. Mẹ là một tài tử người Bỉ gặp gỡ cha ông, một người Ý gốc Do Thái, trong những năm Pháp bị chiếm đóng. Ông Modiano là người thích âm thầm, ẩn danh, tránh tiếp xúc với báo chí.
Tại Pháp, tác phẩm của ông Modiano được ưa chuộng, phần lớn nhờ văn phong ngắn gọn, không rườm rà lê thê. Ông nhà văn viết trên dưới 30 tác phẩm nhiều thể loại; một số được chuyển dịch ra tiếng Anh. Nổi tiếng nhất là “Missing Person” cuốn sách về một người lang thang khắp thế giới đi tìm ‘thẻ căn cước” của mình. Cuốn tiểu thuyết này đoạt giải Prix Goncourt năm 1978 nhưng chỉ bán được đâu đó 2 ngàn bản tại Hoa Kỳ. “Dora Bruder” là câu chuyện tìm kiếm tông tích của một cô gái Do Thái mất dấu năm 1941. Cuốn “Out of the Dark” mô tả câu chuyện một văn sĩ trung niên hồi tưởng mối tình của một người lang thang trẻ tuổi. Người đọc Huê Kỳ xem ra không mặn nồng cho lắm với các tác phẩm của ông Modiano.
Giải Nobel sẽ giúp tác giả bán tác phẩm rầm rộ hơn. Nhà xuất bản sách vở của ông Modiano công bố rằng họ sẽ in thêm ít nhất 100 ngàn cuốn sách từ mỗi tác phẩm của ông nhà văn. Riêng tại Huê Kỳ, nhà xuất bản David R. Godine, đã phát hành ba tác phẩm của ông văn sĩ, hứa hẹn rằng họ sẽ in thêm 15 ngàn cuốn mỗi tác phẩm.
Giải Nobel Kinh Tế
Năm nay hình như dân Pháp được mùa sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, người Pháp thứ nhì đoạt giải Nobel là nhà kinh tế Jean Tirole qua công trình nghiên cứu về mãi lực và luật lệ [điều hành kinh tế].
Hội Hàn Lâm Khoa Học Thụy Điển ca ngợi ông Tirole, công trình của ông ấy dẫn đến sự thấu hiểu của người thế giới về cách kiểm soát [qua luật lệ] các ngành kỹ nghệ nắm trong tay một số rất ít các công ty.

Jean Tirole, đoạt giải Nobel Kinh Tế
Từ giữa thập niên 80, ông Jean Tirole đã miệt mài tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự suy sụp của thị trường; sự thấu hiểu này đã giúp nhà cầm quyền kiểm soát các cuộc “gom chung” (merger) công ty và những “đầu nậu” kiểm soát các công ty ấy hầu ban hành luật pháp cấm đoán hay giới hạn việc buôn bán độc quyền. Qua các bài tham luận và sách vở đăng tải rộng rãi, ông Tirole đã trình bày các chính sách kiểm soát thị trường một cách hiệu quả, từ ngành kỹ nghệ truyền thông đến kỹ nghệ tài chánh.
Ông Tirole, 61 tuổi, làm việc tại the Toulouse School of Economics, Pháp. Ông ấy áp dụng lý thuyết chơi trò chơi, game theory, để tìm ra cách kiểm soát các công ty đang thống chế thị trường.
Theo hội đồng tuyển chọn, giải Nobel Kinh Tế năm nay nhắm đến việc tiết giảm quyền lực của các công ty lớn. Đại diện cho hội đồng tuyển chọn, ông Staffan Normark trao giải Nobel Kinh Tế, the Sveriges Riksbank prize, cho kinh tế gia Tirole theo tinh thần của người thành lập Alfred Nobel, chú trọng đến các ngành kỹ nghệ thiết yếu cho đời sống như nước, điện và truyền thông. Các kỹ nghệ này từ quốc gia đã trở thành công ty tư nhân mỗi ngày một nhiều. Khi các kỹ nghệ thiết yếu ấy nằm trong tay công ty tư nhân thì người tiêu thụ dễ bị bóp chẹt mà không có lối thoát.
Kết quả nghiên cứu của ông Tirole đã giúp các chính phủ điều hành dễ dàng hơn các ngành kỹ nghệ cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho đời sống con người điển hình là đặt giới hạn cho giá cả (cấm bán quá giá luật định). Khi công ty không thể tha hồ đặt giá cả thì việc độc quyền sẽ tiết giảm. Nói giản dị là mức lợi tức của người buôn bán một dịch vụ thiết yếu bị giới hạn thì việc cạnh tranh bớt rầm rộ.
Ông Tirole và đồng sự, ông Roland Bénabou, đã phân tích kỹ lưỡng cách trả lương phụ trội [để khuyến khích nhân viên nỗ lực] của ngành ngân hàng; các món tiền phụ trội này đã dẫn đến việc làm ăn cẩu thả, cho vay bừa bãi để lấy tiền thưởng nhanh chóng khiến ngân hàng thua lỗ nặng nề. Nôm na là kiểu làm ăn tắt của một số người tham tiền thưởng đã đưa đến sự suy sụp lâu dài của ngành tài chánh.
Làm thế nào để kiểm soát công ty lớn như Google? Theo ông Tirole thì kỹ nghệ kia (buôn bán trên mạng ảo) có khá nhiều công ty lớn nhỏ đang tranh giành, sự cạnh tranh khiến Google khó lòng chiếm vị thế độc quyền. Bán giá cao? Lập tức sẽ có một công ty khác cung cấp dịch vụ tương tự với giá rẻ hơn. Và người tiêu thụ do đó bớt bị bóp chẹt!
Đây là lần đầu tiên từ năm 1999, giải Nobel Kinh tế không có mặt người Hoa Kỳ!