Menu Close

60 năm, người Hà Nội…

Vừa qua (vào lúc 21 giờ đêm ngày 10/10), Hà Nội đã tổ chức bắn pháo hoa đồng loạt tại 30 điểm trong thành phố để kỷ niệm cái gọi là ‘60 năm ngày giải phóng thủ đô’. Để có một chỗ ngồi xem pháo hoa bên Hồ Gươm, rất nhiều gia đình đã phải đi sớm ‘xí chỗ’ từ ba bốn giờ chiều. Bàn về Hà Nội, đứng từ góc độ nào, ở thời điểm nào cũng dễ nhận thấy có hai mặt đối lập. Giữa hai mặt đối lập đó, tồn tại một khoảng mờ mờ nhân ảnh. Rất nhiều người Hà Nội đã kịp chạy vào khoảng mờ đó, và sống khỏe. Nhưng thế nào là người Hà Nội?

alt

Một cụ Bắc 54, vào Sài Gòn lâu vẫn giữ cách ăn mặc, sinh hoạt dịp Tết như thời còn ở Hà Nội

Với công an và với người dễ tính, thì người Hà Nội là người được sinh ra ở Hà Nội, có hộ khẩu Hà Nội, có nghề nghiệp ổn định ở Hà Nội. Với nhà văn hóa, với người khó tính thì ba chữ người Hà Nội không mua được bằng tiền, bằng hộ khẩu. Một khi đã mang danh hiệu ‘người Hà Nội’ thì đi đâu cũng không lẫn. Tiếng đàn Hà Nội cất lên, tà áo con gái Hà Nội lướt qua, bát phở Hà Nội bê lên, chén trà Hà Nội đặt xuống… cứ gọi là ngất ngây tận âm ti củ tỉ. Vậy nhưng được là người Hà Nội chánh gốc không hề dễ chút nào.

Không kể lịch sử ngàn năm văn hiến dài dòng, chỉ đơn cử một giai đoạn ngắn, từ cuộc kháng chiến chống Pháp (46-54), tầng lớp trí thức, tư sản, nghệ sĩ, dân buôn, dân thợ thủ đô vợi hẳn. Lớp bị đấu tố, giam giữ, xử tử, lớp di cư vào Nam, lớp ngã xuống ngoài chiến trận. Thường dân các tỉnh tràn về Hà Nội. Lâu dần, được coi là người Hà Nội (Hà Nội đợt 1). Hai thập niên 60, 70 sau đó, Hà Nội ngập chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến “nằm mùng chống muỗi”. Đường phố đầy công sự, hầm trú ẩn. Nhà máy, cơ quan sơ tán về thôn quê. Các gia đình Hà Nội lại phân ly – cha đi với cơ quan cha, mẹ theo công ty của mẹ, con theo trường của con. Nhà cửa cứ khóa sơ, thỉnh thoảng ai tạt về lấy cái này cái nọ thì viết vài chữ lên cánh cửa để người sau về đọc được, biết tin. Thế hệ trẻ Hà Nội nối nhau vào chiến trường, chết dọc Trường Sơn, Quảng Trị, Nam Lào, Thừa Thiên… Người Hà Nội lại vợi đi. Người các tỉnh lại ào về, sinh ra lớp công dân mới trên đất Hà Nội, (Hà Nội đợt 2). Sau năm 75, hòa bình lập lại, dân số “thủ đô” tăng nhanh, cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa chật, buộc Hà Nội phải mở rộng diện tích bằng cách ‘ngoạm’ những tỉnh thành lân cận. Vì thế, người Hà Đông, Hòa Bình, Sơn Tây đang là dân nhà quê, dân tỉnh lẻ, do ‘được ngoạm’ nên nghiễm nhiên trở thành người Hà Nội mà không phải chạy chọt cửa nào (Hà Nội đợt 3). Hiện tại, tuy diện tích Hà Nội rộng gấp bốn lần trước đây nhưng cái giá phải trả cho sự mở rộng ấy rất đắt. Những địa danh làm nên ký ức Hà Nội một thời như ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, hồ Gươm, phố Khâm Thiên, Quốc Tử Giám, Ba Mươi Sáu Phố Phường… đang chết dần hồn cốt.

alt

Một sư trụ trì khó xử vì lệnh cấm bày sư tử đá (bị cho là ngoại lai, không có dân tộc tính) trước cổng chùa

Sài Gòn, cách xa Hà Nội hơn ngàn cây số, không bị Hà Nội ‘ngoạm’ nhưng ‘bị’ không ít người Hà Nội 54 và người Hà Nội sau 75 chọn làm bến đỗ suốt đời. Ngày thường, cánh Bắc cũ, Bắc mới không mấy ưa nhau. Vào những dịp lễ lạt nhạy cảm – như lễ kỷ niệm “60 năm giải phóng thủ đô” ngày 10/10 này chẳng hạn – hai bên càng dị ứng. Không nói những chuyện chính chị chính em dễ ‘bóc lịch’, chỉ nói chuyện phở Hà Nội, món ăn quốc hồn quốc túy, vậy mà cũng không ai chịu ai. Người mới nói chắc nịch ‘phở mà không cho thìa mì chính, bất thành phở’. Người cũ bảo ‘phở mì chính, bất thành phở’. Hay như chuyện trục xuất sư tử đá trước các cổng chùa Hà Nội vì lý do những con vật này không có dân tộc tính. Trong khi các sư trụ trì bối rối, các ban quản lý “bức xúc”: Cấm để ra vẻ ‘thoát Trung’ thì có hàng tỷ thứ khác đáng ‘thoát’ hơn lại không ‘thoát’, nhè ‘ thoát’ mấy con sư tử đá, các làng chạm khắc đá Đà Nẵng, Ninh Bình phản đối vì mẫu sư tử này (được cho là rập khuôn sư tử canh lăng mộ của Trung Quốc) bán mua công khai hơn chục năm nay trước mũi nhà “quản lý văn hóa”, không thấy ai phản đối…, thì người Hà Nội mới lại khen chính quyền Hà Nội dẹp sư tử đá, tuy muộn, nhưng chứng tỏ không khiếp nhược trước ‘ai kia’ còn người Hà Nội cũ bĩu môi, buông gọn một câu, ‘quản lý cái con tườu!’ Thế là lại cãi nhau!

Người Sài Gòn, chứng nhân của những màn đấu khẩu, thay vì bực bội, chỉ chăm chăm… tát nước. Ai đời, trời nắng chang chang mà ngày hai cữ buổi sáng buổi chiều, vào giờ đi học đi làm, giờ tan tầm tan sở, rẽ qua rẽ lại, quanh tới quanh lui, thấy đường nào cũng triều cường lênh láng, nước ngập nửa bánh xe, nhà cửa, quán hàng nửa nổi nửa chìm, tiếng than trời ảo não, tiếng cãi vã ồn ào, tiếng quét nước, tát nước sồn sột. Chưa sắm gầu tát cạn Biển Đông, chỉ tát nước triều cường vài bữa đầu tháng Mười, mà dân Thủ Đức, quận 6, quận 8, Bình Thạnh, Hóc Môn, Củ Chi… đã sụm ba chè, chẳng hơi sức đâu nghe ‘Bắc kỳ đà’, ‘Bắc kỳ nhông’ tranh luận. Chỉ khi điếc con ráy lắm họ mới đổ quạu, nạt ngang: ‘Nước còn, không lo chung nhau tát, ở đó lo cãi lộn. Chừng mất mẹ nó nước rồi, muốn tát cũng không có gì để tát, trừ cái mặt…’ Ái cha cha! Ai dám bảo chỉ có Bắc Kỳ mới thâm thúy…i dài!

alt

Chuyện nhỏ Sài Gòn: mưa nắng hay không, đường cũng ngập, người cũng quen…

XH