Vụ kiện độc nhất vô nhị vừa kết thúc cùng lời tuyên án với hai viên cảnh sát Ba Lan “ăn bẩn” và giam giữ người Việt trái phép. Án tòa đánh vào chỗ khuất trong cuộc sống cộng đồng Việt Nam – Ba Lan mà hơn chục năm qua chưa được đưa ra công luận.
Chiếc xe chở 5 người Việt bị cảnh sát chặn trên đường. Hai viên cảnh sát tính tiền phạt vì ba người ngồi ghế sau không cài dây an toàn, vì người lái dùng bằng lái hết giá trị, vì thấy trong cốp xe một lượng hàng không hóa đơn – cảnh sát nói số tiền phạt lên tới 1800 pln (khoảng 600 USD). Anh Nguyễn Thanh Nam, người lái, và bạn của anh, Trần Mạnh, yêu cầu cảnh sát ghi phiếu phạt vì không có tiền nộp ngay, đồng thời không đồng ý khoản tiền nộp phạt cho lượng hàng vải trong xe vốn chỉ có giá trị khoảng chục đô-la. Hai người cảnh sát là Tomasz M và Stefan G ngỏ ý muốn những người Việt Nam đút lót 1000 pln (hơn 300 đô-la) nhưng những người Việt không chịu. Hai anh Nam và Mạnh sau đó được cảnh sát yêu cầu lái xe về đồn, 3 người còn lại chia tay hai anh Nam và Mạnh để bắt xe bus đi tiếp quãng đường tới nơi bán hàng.
Câu chuyện bắt đầu như vậy với những diễn biến tiếp theo đầy kịch tính – được những người quan tâm gọi là câu chuyện bi đát được kết thúc có hậu. Nhật báo Gazeta Wyborcza lớn nhất Ba Lan hôm 25 tháng 8 năm 2014 mới đăng bài phóng sự rất chi tiết sau khi tòa án Ba Lan kết thúc xét xử, với án tù cho hai viên cảnh sát. Bài viết này tóm tắt nội dung phóng sự của ký giả Aleksandra Szyllo mang tựa “Sẽ không có đút lót”:

Tôn Vân Anh ( bên trái)
Sau khi không chấp nhận cho người lái xe được nhận giấy nộp phạt để trả tiền tại bưu điện, cũng không đòi được tiền đút lót 1000 pln, hai viên cảnh sát yêu cầu anh Nam lái chiếc xe golf của mình đi theo sau xe cảnh sát để về đồn, anh Mạnh đi theo bạn mình để hỗ trợ ngôn ngữ vì anh nói tiếng Ba Lan thạo hơn.
Đi được một đoạn, xe cảnh sát dừng bên lề rừng, Tomasz M và Stefan G lại lặp lại yêu cầu đút lót để những người Việt Nam được “thả”, còn dọa rằng nếu không đồng ý “nộp phạt”, cảnh sát sẽ trục xuất những người này khỏi Ba Lan. Hai người Việt Nam không chịu.
Tại sao hai thanh niên Việt Nam lại “ngoan cố” như vậy? – Nhà báo đặt câu hỏi. – Có thể vì họ không có tiền phạt, có thể vì họ thấy đã có quá nhiều đồng hương lâm phải cảnh tương tự và họ không muốn họ tiếp tục làm nạn nhân. Phóng sự liệt kê.
Tới đồn, anh Mạnh bị viên cảnh sát trực trong đồn túm áo và gí đầu xuống bàn làm việc vì không đồng ý rút đồ đạc cá nhân trong người ra ngoài khi được yêu cầu. Anh Nam, sau khi để lại ví và đồ dùng cá nhân như điện thoại, chìa khóa… anh bị nhốt trong phòng cách ly của đồn. Anh Mạnh, sau khi bị soát người, cũng bị nhốt cùng phòng với anh Nam.
Một lúc sau, Tomasz M vào phòng giam hai người và nói nếu không có tiền thì hãy gọi điện cho bạn bè mang tiền tới đồn nộp để được thả. Số tiền “phạt” không còn là 1000 pln nữa, mà là 2000. Sau đó nữa, khi phát hiện các anh mang theo một khoản tiền lớn trong ví (do một người bạn giao phó, nhờ mua vé máy bay), hai viên cảnh sát đã thành công khi đòi những người này nộp 2000 pln, trong lúc hai người tiếp tục bị nhốt trái luật và bị dọa không được thả nếu không có tiền “nộp phạt”. Anh Mạnh còn bị thông tin sai sự thật, rằng anh đang trong danh sách người bất hợp pháp nên nếu muốn “giúp đỡ” thì anh phải nộp thêm 1000 pln nữa… Hai anh được ra về và phát hiện ra ngoài số tiền 2000 bị “phạt”, cảnh sát đã lấy thêm của hai anh 350 pln (hơn 100 USD) lúc nào không rõ.
Ngay tối hôm đó, các anh gọi điện thoại tới Tôn Vân Anh, một nhà hoạt động xã hội tại Ba Lan thuộc Hội Tự Do Ngôn Luận, nhân vật này sau đó có mặt trong các buổi hầu tòa và chịu một số soi mói từ bên bênh vực cảnh sát. Số điện thoại cá nhân của Vân Anh, như nhà báo viết, được người Việt tại Ba Lan truyền cho nhau. Các anh Nam, Mạnh gọi điện như nhiều người Việt Nam khác trong hoàn cảnh tương tự, hỏi về cách giải quyết vụ việc. Cùng với sự hỗ trợ của tổ chức La Strada, Vân Anh và các nạn nhân đã tới văn phòng chuyên về Nội vụ Cảnh sát Ba Lan. Sau khi được trình bày sự việc, văn phòng Nội vụ Cảnh sát đã tiến hành điều tra và sau đó, công tố vào cuộc.
Bài báo nói vụ việc vừa đặc biệt, vừa phổ biến. Bởi hiện tượng “ăn bẩn” của cảnh sát Ba Lan đã được coi như chuyện thường trên các ngả đường tới những khu buôn bán đông người Việt, nhưng người Việt thường hoặc là e dè, hoặc không tin vào công lý. Sự việc lần này đặc biệt – bởi khác với những người Việt trước nay, các nạn nhân đã quyết tâm theo kiện tại tòa án Ba Lan.

Bài báo của ký giả Aleksandra Szyllo trên Nhật báo Gazeta Wyborcza về vụ kiện này.
Phiên tòa kéo dài hơn 1 năm, hai viên cảnh sát không nhận tội. Trước tòa, họ sử dụng quyền được từ chối lý giải vụ việc và chỉ trả lời các câu hỏi chọn lựa, thường là do phía luật sư biện hộ của họ đưa ra. Dựa vào các thông tin mang tính định kiến, rằng “người Việt bề ngoài giống nhau và ai cũng như ai” nên hai viên cảnh sát đều khai báo rằng họ “không nhớ hai người Việt này”, rằng người Việt hay dùng giấy tờ giả nên cần lưu giữ để xác nhận danh tính, rằng vụ kiện này là do Tôn Vân Anh “kích động” vì cô này “không thích cảnh sát”. Để biện minh cho các lý lẽ đó, các luật sư của hai viên cảnh sát đã dùng cả những bài báo phỏng vấn Tôn Vân Anh trước đó để chứng minh rằng cô này “định kiến xấu với cảnh sát và khuyến khích người Việt kiện cảnh sát để trả thù”. Các cáo buộc đối với Vân Anh bị bãi khi phía Tôn Vân Anh nộp lên tòa thư của các tổ chức cảm ơn Tôn Vân Anh đã tham gia giảng bài tại những lớp huấn luyện về văn hóa Việt Nam cho Cảnh sát và Biên phòng Ba Lan. Chưa hết, phía các luật sư của cảnh sát, khi thấy Tôn Vân Anh trong tòa đã yêu cầu tòa không cho Tôn Vân Anh theo dự phiên tòa, với lý do để mời cô làm nhân chứng sau này nên với tư cách nhân chứng, cô không được có mặt trong phòng xử. Tôn Vân Anh tận dụng cơ hội và nói rằng: “lần duy nhất mọi người nhìn thấy tôi ở phiên tòa một tháng trước, khi đó tôi để kiểu tóc khác, áo quần khác, vậy mà phía cảnh sát đã nhận ra tôi để can thiệp không cho tôi dự tòa, vậy mọi người đã nhận ra tôi và như vậy các ông đã chứng minh giúp tôi rằng bề ngoài người Việt không giống nhau chút nào”.
Luật sư biện hộ cho cảnh sát, gặp phóng viên sau phiên tòa, vẫn phủ nhận án tòa, nhắc lại là người Việt Nam “không chết” mà thường truyền tay nhau giấy cư trú để hợp thức những người không có giấy tờ hợp pháp. Luật sư này cũng vẫn nhắc lại định kiến rằng người Việt hay dùng giấy tờ chung.
Trong bài báo, Tôn Vân Anh cũng được dẫn lời nói về các định kiến sai lầm và oan uổng cho người Việt, như việc “không chết”, việc người Việt ăn thịt chó và thịt bồ câu Ba Lan cũng được cô bình luận bằng cách nói khôi hài.
Thành công lớn nhất của phiên tòa, đối với hai nhân vật chính của vụ kiện là các anh Nam và Mạnh là ở chỗ họ đã lấy lại được niềm tin về tinh thần công bằng trước pháp luật của Ba Lan. Họ nói với phóng viên muốn những người Việt khác hết lo sợ và không muốn phải sống ở Ba Lan trong âu lo như tại Việt Nam luôn luôn phải hối lộ.
Các viên cảnh sát vẫn không nhận tội và nói sẽ kháng án. Tomasz M và Stefan G đã bị sa thải khỏi ngành cảnh sát, bị phán xử tội hối lộ, tội lạm quyền, và tội nặng nhất là tước đoạt quyền tự do của hai người Việt trong 30 phút ở phòng giam.
Một chi tiết khác không được đề cập tới trong bài viết là việc các nạn nhân – anh Nguyễn Thanh Nam và Trần Mạnh, đã thỉnh cầu tòa phán đúng tội của hai bị cáo nhưng các anh đã xin tòa phán án ở mức thấp nhất đối với các tội danh đó.
Bài báo của ký giả Aleksandra Szyllo đã gây chú ý trong cộng đồng người Việt và người Ba Lan, về vụ kiện có một không hai. Dẫu việc người Việt bị chiếm đoạt tài sản do cảnh sát Ba Lan bắt nạt là hiện tượng thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua, nhưng kiện tụng là điều đầu tiên xuất hiện vì thường các nạn nhân bị hạn chế về hiểu biết pháp luật, ngôn ngữ, và thiếu tự tin để khởi kiện. Dẫu bên đệ đơn là người nước ngoài, thường hay phải nằm ở thế yếu khi đối diện với pháp luật và với các cán bộ công quyền nhưng như bài báo dẫn lời của các anh Nam, Mạnh, vụ kiện còn thành công khi nhắc nhở cộng đồng vượt qua sợ hãi và nên đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Tôn Vân Anh ( thứ 2 bên phải)