Menu Close

Trịnh Cung người vẽ tiếp đời mình

alt

Chúng tôi gọi đùa ông như vậy trong chuyến ông đến Dallas vào tháng 10 năm nay. Ông là họa sĩ Trịnh Cung, một thành viên trong nhóm Họa Sĩ Trẻ của Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, trước 1975. Do sự gợi ý của nhà văn Trần Vũ, và cái duyên hội ngộ với  độc giả Dallas, buổi nói chuyện về đề tài “Hội họa Việt Nam trước và sau 1975” được Trẻ đứng ra thực hiện vào lúc 1:30 ngày Thứ Bảy 11-10-2014, tại Trung tâm Sinh hoạt Cao Niên Dallas.

alt

Họa sĩ Trịnh Cung ký sách cho khách

Trịnh Cung là một họa sĩ đã thành danh từ thời ông còn trẻ, ông từng đoạt nhiều giải thưởng hội họa quốc gia, ông còn là nhà thơ có những bài thơ độc đáo, mới lạ, và là  sĩ quan, cấp bậc sau cùng là đại úy, của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau biến cố tháng 4/1975, như những đồng ngũ, ông đi tù cải tạo 3 năm. Cải tạo về, chán nản trước thời thế và những khó khăn của hoàn cảnh gia đình, ông bỏ hẳn vẽ, ra đường lăn lóc kiếm sống và nuôi gia đình bằng việc giúp vợ bán xôi. 10 năm sau, tình cờ gặp được những người mến mộ tài năng, ông tìm được cảm hứng trở lại với hội họa, với màu sắc và đường nét. Tranh của ông lại được treo lên trong những cuộc triển lãm trong và ngoài nước, thường là ở Mỹ; ông được những đại học ở Mỹ mời đến thỉnh giảng về hội họa; với vốn kiến thức sâu dày, ông còn soạn và viết sách về mỹ thuật: “TRINH CUNG, ECHO OF THE LAND”, “Hội họa Việt Nam và những vấn đề xoay quanh”.

alt

Họa sĩ Trịnh Cung trả lời những thắc mắc về hội họa của khán giả

Hiện nay, ông đang hoạch định một giai đoạn mới trên nước Mỹ, cho mình, cho gia đình nhỏ, và cho những khát khao sáng tạo.  

Hội trường đông dần lên, chúng tôi ước lượng có đến hơn 100 quan khách tham dự ngồi kín căn phòng. Sau nghi thức chào đón quan khách, chương trình sinh hoạt văn nghệ do MC Đinh Yên Thảo giới thiệu một cách rất duyên bắt đầu. Mọi người nhâm nhi chút rượu vang và thưởng thức. Với chúng tôi, ấn tượng nhất của phần này là ca khúc “Tình hoài hương” của cố nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Lệ Hiền trình diễn, và ca khúc nổi tiếng “Cuối cùng cho một tình yêu”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thơ Trịnh Cung do ca sĩ Trần Khôi trình diễn.

alt

Lệ Hiền, Trần Đại Phước, Lan Hương với cá khúc “Nhìn những mùa Thu đi”

alt

Hoàng Chu và “Mùa Thu không trở lại”

alt

Nhà văn Trần Vũ trình bày về cơ duyên hình thành nên buổi sinh hoạt hôm nay. Anh cách Trịnh Cung đến mấy thế hệ, với ông, anh là một người bạn văn nghệ vong niên. Lần đầu gặp ông ở Paris, khoảng 1994, Trần Vũ đã cảm nhận sự cô đơn trong tính cách và nội tâm của ông. Bẵng đi 20 năm, anh rời nước Pháp sang Mỹ, thời gian đầu sống ở tiểu bang California. Một hôm, khi lang thang trên bãi biển, anh tình cờ gặp lại ông, và trực nhận ra sự đồng cảm về tình cảnh của những người nghệ sĩ vừa đặt chân lên đất nước này để mưu cầu một thay đổi cho đoạn đời mới.

Như Trần Vũ đang viết tiếp, thì Trịnh Cung vẽ tiếp, cuộc đời của họ.

alt

alt

Quan khách tham dự 

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp tiếp lời Trần Vũ. Ông và Trịnh Cung là những người bạn đồng thời, họ có cùng nhau những người bạn chung và những quãng đời ngắn, trải dài từ thuở tóc còn xanh trong chiến tranh đến những ngày thất thế, đau buồn theo vận nước, rồi đến những lần gặp lại sau này ở Mỹ. Những tâm sự của ông làm Trịnh Cung và khán giả xúc động.

Trịnh Cung trình bày chủ đề của ông, phần chính của chương trình. Ông nói về sự hình thành nền mỹ thuật Việt Nam bắt đầu từ thời Pháp, hội họa miền Nam dưới chính thể Cộng Hòa của thế hệ các họa sĩ đàn anh và thế hệ của ông, sự khác biệt giữa hai nền mỹ thuật miền Nam tự do và mỹ thuật miền Bắc dưới chế độ CS, sự đứt rời của hội họa miền Nam sau 1975, và sau cùng là những ý kiến về việc tiếp cận và thưởng ngoạn tranh. Câu chuyện của ông rất thú vị và bổ ích, không mang nặng tính hàn lâm, gần gũi và thiết thực với đại chúng. Ông còn kể lại những trải nghiệm sáng tác của mình trong địa hạt thi ca, cảm hứng và hoàn cảnh tù đày mà ông viết bài lục bát “ở đây thôi ở đây đành”, sau này nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ thành ca khúc. Ca khúc này cũng được Việt Phương trình diễn trong chương trình.

Hôm nay, khi tôi ngồi gõ những dòng này, thì Trịnh Cung đang sửa soạn hành lý để về lại California. Trên bức tường phòng khách nhà Trần Vũ là bức tranh mới nhất của ông, vẽ chân dung Thanh Mai, hiền thê của Trần Vũ. Trịnh Cung tiếp tục làm việc, ông đang vẽ, vẽ tiếp phần đời trước mặt trên quê hương mới. Tôi vui mừng được thấy sự sung mãn và tự tin của ông. Và tôi mong chờ, những bức tranh và bài thơ mới từ người nghệ sĩ chẳng bao giờ nhận rằng mình già, mà thật sự ông chẳng bao giờ già.
Trịnh Cung trẻ dai, trẻ hoài, trong nghệ thuật và ngoài cuộc đời.

alt

alt

Lệ Hiền với “Tình Hoài Hương”

alt

alt

Nhà văn Trần Vũ

alt

 Cẩm Tú với “Giáng ngọc”

alt

Trần Khôi với “Cuối cùng Cho một tình yêu”

alt

Kiều Trang và “Mưa trên biển vắng”

alt

TN