Trong tất cả các trận đánh quân đội Mỹ tham dự trong lịch sử, kể cả hai cuộc thế chiến, trận Gettysburg được coi là thảm khốc nhất, kinh hoàng nhất và gây nhiều tổn thất nhân mạng nhất. Đau đớn hơn nữa, đó lại là trận chiến cốt nhục tương tàn giữa hai phe Liên Bang (Union, Bắc quân) và Hợp Bang (Confederate, Nam quân) trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ kéo dài trong bốn năm, từ 1861 đến 1865.
Đài tưởng niệm tử sĩ bên thua cuộc, nghĩa trang và mộ phần, tượng vị tướng tư lệnh Nam quân Robert E. Lee được dựng lên ở Gettysburg.
Phe Hợp Bang Miền Nam yếu thế hơn, thua cuộc, đầu hàng. Phe Liên Bang Miền Bắc thắng cuộc, tức khắc xóa bỏ hận thù, không huênh hoang, thắm thiết chung vai cùng người anh em thua cuộc xây dựng đất nước. Danh dự và phẩm cách của quân nhân phe Miền Nam được tôn trọng, kính phục. Đài tưởng niệm tử sĩ bên thua cuộc, nghĩa trang và mộ phần, tượng vị tướng tư lệnh Nam quân Robert E. Lee được dựng lên ở mọi nơi, trong đó có Gettysburg.
Bùng binh Lincoln Square
Năm vừa qua (2013), nghe nói đến, đọc tài liệu về buổi lễ long trọng đánh dấu 150 năm của trận chiến, tôi mong ước thực hiện một chuyến đến nhìn tận mắt di tích lịch sử nổi tiếng này. Hè năm nay (2014), từ Toronto tôi lái xe sang Lancaster, Pennsylvania và trú ngụ ở nhà một người bạn rất ưu ái tiếp đãi bạn bè. Ngày kế tiếp, từ Lancaster, chúng tôi thức dậy sớm, lái xe trên bang lộ 30 đi về hướng tây khoảng 70 km để đến Gettysburg, đi ngang qua vùng quê hiền hòa với những cánh đồng trồng bắp, trang trại nuôi gia súc và những quầy bán đồ vật xưa cũ.
Bang lộ 30 (còn gọi là Lincoln Highway) chạy thẳng vào trung tâm thị trấn Gettysburg. Quang cảnh với nét kiến trúc cổ kính thu hút du khách; chúng tôi dừng xe lại tại bùng binh Lincoln Square. Nó khiến tôi nhớ đến các “công trường” ờ Sài Gòn ngày xưa, nơi không có đèn xanh đèn đỏ báo hiệu lưu thông, dòng xe cộ từ khắp ngả cứ vòng theo bùng binh mà đi đúng lối.
Bỏ 50 xu vào trụ đậu xe bên đường cho một giờ, chúng tôi thả bộ qua các đường phố trung tâm để chụp ảnh. Đâu đâu cũng đều là di tích lịch sử, không nhiều thì ít có liên hệ đến trận chiến. Đây là thư viện công cộng quận hạt Adams (Adams County Public Library) trên đường Baltimore St với tượng Tổng Thống Abraham Lincoln đứng đọc bài diễn văn “Gettysburg Address” nổi tiếng nhất và là một trong những bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông đọc tại Lễ Cung hiến Nghĩa trang Chiến sĩ Quốc gia Gettysburg chiều ngày Thứ Năm 19 tháng 11 năm 1863, bốn tháng rưỡi sau khi trận Gettysburg kết thúc.
Di tích trận đánh Gettysburg, bảo tàng viện, nhà lưu niệm, trung tâm lịch sử, trung tâm di sản, nghĩa trang, v.v. quá nhiều, trong một ngày chúng tôi không thể nào xem hết. Mục đích chính của chúng tôi là thăm bãi chiến trường. Và sau cùng, tôi cũng đã đặt đôi chân đi không vững của mình lên cái nơi chốn ám ảnh tâm trí tôi từ bấy lâu nay. Những khẩu đại bác xanh màu thép đặt trên đồi cao chĩa nòng xuống cánh đồng bát ngát. Những bức tượng đồng to lớn của các vị tướng cưỡi ngựa trên đài cao, uy nghi, trang trọng in hình trên bầu trời. Tôi ngước nhìn, tôi cúi mặt suy niệm, tôi liên tưởng đến cuộc chiến trên quê hương tôi xảy ra sau hơn một thế kỷ nhưng kết thúc trong phân hóa đớn đau, chia cắt ngậm ngùi, trả thù tàn khốc đọa đày.
Sơ lược về cuộc nội chiến Hoa Kỳ
Năm 1860, trong cuộc vận động bầu cử tổng thống, đảng Cộng Hòa của Abraham Lincoln hô hào chống lại sự bành trướng nô lệ tại các tiểu bang mới và trẻ ở miền Nam. Sự đắc cử của ông đã khiến cho bảy tiểu bang chủ trương duy trì nô lệ miền Nam tuyên bố ly khai khỏi chính quyền Liên Bang và được đặt dưới sự lãnh đạo của Jefferson Davis, vị Tổng Thống duy nhất, đầu tiên, và cũng là cuối cùng của miền Nam ly khai. Hành động này bị chính quyền Liên Bang ở Hoa Thịnh Ðốn coi là một cuộc phản loạn.
Trận Gettysburg – nguồn washingtoncouldlearnalot.com
Xung đột thù nghịch bắt đầu diễn ra vào ngày 12 Tháng Tư năm 1861 khi Nam quân tấn công một căn cứ quân sự: thành trì quân đội Sumter ở tiểu bang South Carolina. Tổng thống Lincoln phản ứng bằng cách kêu gọi mỗi tiểu bang phải đóng góp cho Quân đội Liên Bang một lực lượng tình nguyện. Sự đòi hỏi này khiến cho thêm bốn tiểu bang miền Nam nữa bất mãn và ly khai ra khỏi Liên Bang. Như vậy, phe Liên Bang (Bắc) có 23 tiểu bang; phe Hợp Bang (Nam) có 11 tiểu bang. Ngoài ra còn có 5 tiểu bang Delaware, Kentucky, Maryland, Missouri, và West Virginia, tuy sử dụng nô lệ và thuộc về miền Nam, nhưng vì giới cầm quyền chia rẽ nên được xem là vùng trái độn, xôi đậu, ở giữa, bị lôi kéo bởi cả hai phe.
Tương tự như trường hợp cuộc chiến Việt Nam, có những gia đình, anh em cùng chung huyết thống nhưng đầu quân hai phe khác nhau, để rồi giết nhau, ngoài chiến trận. Hai phe thành lập những đạo quân riêng. Phe Liên Bang của Bắc quân dành được quyền kiểm soát vùng trái độn và thiết lập sự phong tỏa đường biển để cắt đứt tiếp vận của phe Nam.
Nam quân của Hợp Bang, dưới quyền tư lệnh của tướng Robert E. Lee, thắng thế trong những trận tấn công ban đầu trên các chiến trường miền Ðông.
Nhưng, năm 1863, công cuộc Bắc tiến của ông bị chận đứng trong trận Gettysburg. Kể từ đó, chiều hướng thắng thế đã thay đổi; mộng ước tách ra để trở thành một quốc gia miền Nam độc lập đã “cuốn theo chiều gió”, giống như cảnh thành trì Atlanta, tiểu bang Georgia, bị Bắc quân của tướng Liên Bang William Sherman tàn phá, mà tác phẩm tiểu thuyết tiêu biểu Gone With The Wind của Margaret Mitchell đã mô tả. Số phận miền Nam đành khép lại qua sự kiện tướng Robert E. Lee chính thức ký lệnh đầu hàng ngày Chín tháng Tư, 1865.
Cuộc Nội Chiến Mỹ trong bốn năm đã gây tổn thất cho 620,000 binh sĩ (chết, bị thương hoặc mất tích) cùng số tổn thất không rõ của thường dân.
Bên tượng Abraham Lincoln
Sơ lược về trận Gettysburg
Trận đánh Gettysburg từ ngày 1 đến ngày 3 Tháng Bảy, 1863, xảy ra tại một thị trấn nhỏ và vùng đồng trống chung quanh Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania, cách thủ đô Hoa Thịnh Ðốn khoảng 75 dặm Anh về hướng Bắc. Ngay trước đó, ngày 6 Tháng Năm, 1863, chiến thắng vẻ vang mang tính chất táo bạo một chọi hai ở Chancellorville, tiểu bang Virginia, của đạo quân Hợp Bang, được xem là trận đánh toàn hảo của tướng Robert E. Lee. Ông vốn sinh quán ở miền Nam (tiểu bang Virginia) và từng là thủ khoa của trường võ bị quốc gia danh tiếng West Point. Hai năm trước đó, ông đã từ khước chức vụ tư lệnh Liên Bang do chính Tổng Thống Abraham Linlcon muốn giao phó cho ông chỉ vì ông muốn chiến đấu cho lý tưởng miền Nam.
Thừa thắng xông lên, vị tư lệnh Hợp Bang của miền Nam mở chiến dịch Gettysburg, thọc sâu vào lòng địch về hướng Tây Bắc, với chủ đích là sẽ đánh lên tận Harrisburg. hoặc xa hơn nữa, là Philadelphia nhằm tạo tiếng vang và thế mạnh, áp lực phe chính trị chủ hòa của Liên Bang phải chấp nhận giải pháp ngưng bắn.
Những nòng súng vẫn chĩa xuống cánh đồng
Ngày 1 Tháng Bảy, 1863, hai phe đụng độ. Hai quân đoàn của tướng Lee từ hướng Bắc và Tây Bắc tấn công một sư đoàn kỵ binh của Liên Bang đang lập tuyến phòng thủ trên một dãi gò đất không cao lắm. Hai quân đoàn Liên Bang nữa của Trung Tướng George G. Meade đến tăng viện nhưng đã bị đẩy lui. Qua ngày thứ hai, tướng Lee ra lệnh đánh mạnh vào hai cạnh sườn quân Bắc. Hai bên quần thảo tại sáu địa điểm khác nhau, giao chiến mãnh liệt.
Tuy phải gánh chịu tổn thất khá nặng, quân Liên Bang cố thủ và giữ vững phòng tuyến. Ðến ngày thứ ba, Trung Tướng George Pickett vâng lệnh Đại Tướng Lee dẫn chín lữ đoàn bộ binh gồm 12,500 quân Nam liều lĩnh băng qua một khoảng trống dài cả một cây số, đồng loạt xung phong, thọc mũi dùi tấn công vào ngay giữa tuyến phòng thủ của Bắc quân.
Nhưng, tướng Meade đã đoán đúng được ý định này, nên đã tập trung hỏa lực pháo binh bắn xối xả vào biển người quân Nam. Ðoàn quân Nam, dù với tinh thần chiến đấu hăng say hơn, nhưng trang bị yếu kém hơn, gần như hoàn toàn bị tiêu diệt. Tướng Lee đau đớn lui binh về Virginia. Kể từ thời điểm đó trở đi, quân Nam bị dồn vào thế bị động phòng thủ cho đến khi tàn cuộc chiến.
Sự kiện này không khỏi bắt chúng ta liên tưởng đến sự kết thúc của cuộc nội chiến Hoa Kỳ xảy ra trong buổi lễ ký kết đầu hàng giữa tướng Robert E. Lee, phe miền Nam và tướng Ulysses S. Grant phe miền Bắc đầy lòng hào hiệp và tinh thần mã thượng tại thị trấn Appamatox, thuộc tiểu bang Virginia ngày 9 tháng 4 năm 1864. Sau khi tướng Lee đặt bút ký tên vào văn bản đầu hàng, để xoa dịu nỗi đau buồn tủi nhục của người bại trận, tướng Grant bắt tay cựu đối phương và nói: “Trong cuộc chiến này, chỉ có nước Mỹ chiến thắng chớ không có ai thắng ai thua.”
Thật vậy, tướng Grant ra lệnh cho quân sĩ dưới quyền không được reo hò chiến thắng và phải đối xử kính trọng với chiến binh bại trận. Các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đang có mặt đều đưa tay kính cẩn tiễn chào tướng Lee ra về. Thể theo lời yêu cầu của tướng Lee, tướng Grant cho phép binh sĩ phe miền Nam được mang lừa ngựa về quê quán để sử dụng trong nông trại vì đó là tài sản của riêng họ mang theo khi gia nhập quân đội. Ngay cả cờ của phe miền Nam không hề bị cấm, vẫn tự do tung bay bất cứ nơi nào. Ngày nay, khi viếng thăm Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington ở thủ đô Washington DC, chúng ta sẽ thấy mồ mả binh sĩ Miền Bắc và Miền Nam đều giống nhau không phân biệt ai là “liệt sĩ anh hùng” ai là “lính ngụy”. Trong sách giáo khoa hay tất cả các bảo tàng viện khắp nước Mỹ, tài liệu lịch sử, di tích, hình ảnh quân đội hai bên đều được trung thực ghi lại và gìn giữ trân trọng như nhau không thiên vị bóp méo. Phải chăng đó là do truyền thống tốt đẹp với tinh thần mã thượng hào hiệp.
Suy niệm Gettysburg
– Thời gian: 3 ngày, từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 7 năm 1863
– Địa điểm: Gettysburg, quận Adams, tiểu bang Pennsylvania
– Lực lượng tham chiến:
. Phe Liên Bang Miền Bắc: ước lượng vào khoảng từ 83,300 đến 94,000 quân và đặt dưới quyền chỉ huy của tướng George G. Meade
. Phe Hợp Bang Miền Nam: ước lượng vào khoảng từ 71,700 đến 75,000 quân và đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Robert E. Lee
– Tổn thất tổng cộng của cả hai bên trong 3 ngày giao chiến được ước lượng từ 46,000 đến 51,000
. Phe Liên Bang Miền Bắc thiệt hại khoảng 23,000 gồm 3,000 tử trận, 14,500 bị thương, 5,500 bị bắt làm tù binh hoặc mất tích.
. Phe Hợp Bang Miền Nam thiệt hại khoảng 28,000 gồm 4,700 tử trận, 12,600 bị thương, 11,700 bị bắt làm tù binh hoặc mất tích.
– Tổng số sĩ quan cấp tướng của hai bên tham dự trận đánh là 120, trong đó 9 người tử trận.
– Trong ngày cuối của trận đánh, nhiệt độ nơi chiến trường lên đến 90 độ F và mấy ngày sau thì mưa tầm tã.
– Gettysburg có tổng cộng 1,400 tượng, đài tưởng niệm, bảng ghi dữ kiện và bảng đánh dấu.
– Trong 3 ngày giao tranh, hai bên xài khoảng 569 tấn đạn dược.
– Gettysburg lúc bấy giờ chỉ là một thôn làng với 2,000 dân cư. Tàn cuộc giao tranh, cùng với một số người tình nguyện đến từ nơi khác, họ phải đốt 3,000 con ngựa chết trận và phải chăm sóc vết thương cho hàng ngàn lính của cả đôi bên.
– Chỉ có một thường dân duy nhất bị thiệt mạng do đạn lạc vào nhà; người đó là cô thợ may Mary Virginia (Jenny) Wade. Ngôi nhà của cô ngày nay trở thành nhà bảo tàng “Jennie Wade House”, một di tích lịch sử được nhiều du khách ưa chuộng viếng thăm.
PH