Trong thời gian vừa qua, dư luận thế giới đang “sốt xình xịch” vì hiện tượng “Ice Bucket Challenge” nhằm ủng hộ một quỹ từ thiện chống lại căn bệnh ALS. Corey Griffin, một nhà hoạt động từ thiện là “cha đẻ” phong trào dội nước đá, khởi xướng thử thách trên sau khi Pete Frates, một người bạn của anh, cựu vận động viên bóng chày, từng bị chẩn đoán mắc ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis), tạm dịch là “xơ cứng teo cơ một bên”.

Tự dưng tôi nhận được email có nội dung “Ice Bucket Challenge”. Một nhầm lẫn gì chăng hay là một thư rác chứa đầy virus. Tôi chần chừ không mở. Nhưng cuối cùng chữ “challenge” đã chiến thắng áp đảo tâm lý, tôi đành chấp nhận rủi ro cho cái computer của mình có thể bị tê liệt hoàn toàn. Không sao. Mọi thứ đều ổn. Toàn những người nổi tiếng như tỉ phú Bill Gates, cha đẻ Facebook – Mark Zuckerberg, ngôi sao bóng tròn C. Ronaldo, danh thủ golf Tiger Woods và cả cựu Tổng Thống Bush ngồi trên ghế cho phu nhân Laura đổ cả xô nước đá lên đầu. Tôi nhìn số lượt người xem. Chao ôi, cả chục triệu người trở lên. Theo luật chơi, người được lựa chọn sẽ phải thực hiện thách thức “tắm nước đá” hoặc nộp 100 USD vào quỹ Pete Frates. Người tham gia sau đó được lựa chọn ba người tiếp theo thực hiện thách thức này.
Cựu Tổng Thống Bush tham gia gây quỹ Pete Frates
Thực ra tôi đã biết trò “Ice Bucket Challenge” cách nay mấy tháng khi xem chương trình Talk Show của Ellen trên truyền hình. Ban đầu tôi không mấy quan tâm, với cái xô nước đá đổ ụp lên đầu cùng với thông điệp kêu gọi đóng góp quỹ Pete Frates chống lại căn bệnh ALS do Corey Griffin nhà hoạt động từ thiện khởi xướng. Nếu chấp nhận tham gia đóng góp thì khỏi “tắm nước đá”. Thế nhưng gần như ai cũng sẵn sàng chấp nhận cái trò thách thức này như một trò chơi và vui vẻ móc túi đóng góp vào quỹ từ thiện ALS. Đúng ra “Ice Bucket Challenge” xuất hiện khởi đầu từ hồi năm ngoái, lúc đó chưa trở thành làn sóng trào lưu. Mãi cho tới chương trình Talk Show Ellen đưa ra lời bình luận và thực hiện show tắm nước đá lạnh với người nổi tiếng thì “Ice Bucket Challenge” mới được nhân rộng trong mọi tầng lớp xã hội.
Corey Griffin (bên phải) “cha đẻ” của trò chơi gây quỹ Ice Bucket Challenge trước khi bị tử vong ở đảo Nantucket
Thoạt nghĩ, đâu cần phải chịu ướt như chuột lột thế này, người có lòng thì cứ đóng góp ít hay nhiều, không cần đưa ra con số cụ thể, bởi nhiều người còn đóng góp nhiều hơn thế đâu cần tham gia trò chơi thử thách. Tuy nhiên, xét về ý nghĩa, đây không phải trò tiêu khiển vô bổ mà là một phong trào quyên tiền từ thiện với mong muốn tạo ra sự quan tâm và chung tay của mọi người cùng chống lại căn bệnh ALS. Điều này có thể chấp nhận được.
Tôi mở một YouTube coi anh chàng tài tử phim action Vin Deisel chấp nhận thách thức dội xô nước đá lên đầu hưởng ứng trào lưu “Ice Bucket Challenge” mà cả thế giới đang ủng hộ. Sau khi hoàn thành thử thách của mình, nam tài tử đã lên tiếng thách thức Tổng thống Putin, nữ diễn viên Angelina Jolie, và đệ nhất phu nhân Michelle của Tổng thống Obama tham gia thử thách này trong vòng một ngày sau đó. Còn trong clip video của cựu TT. Bush thì thách thức ông Bill Clinton. Riêng bà Ethel Kennedy, người vợ góa của cố nghị sĩ Robert F. Kennedy thì lại thách thức đương kim Tổng Thống Obama. Nói chung toàn những nhân vật quyền lực nổi tiếng tham gia phong trào từ thiện cùng bình dân bá tánh. Những thách thức hấp dẫn lôi cuốn tôi theo dõi những người bị thách thức có làm theo phong trào.
Phong trào Ice Bucket Challenge lan rộng trên toàn thế giới sau khi Corey Griffin qua đời
Thế nhưng, đâu phải mấy ông quyền cao chức trọng đều làm theo những lời thách thức. Trong một thông cáo báo chí, phát ngôn viên Tổng thống Nga, Dmitry Peskov cho biết có thể ông Putin không hề biết về thách thức này và rằng ông còn có những điều quan trọng hơn cần phải làm. “Chúng tôi có những ưu tiên khác trong chương trình làm việc nhưng cam kết sẽ ủng hộ quỹ từ thiện Pete Frates”. Tổng thống Obama cũng thế, ông đã từ chối thực hiện thách thức và quyên góp cho quỹ 100 USD sau khi ông nhận được lời thách đố của bà Ethel Kennedy và nhiều ca sĩ nổi tiếng khác. Và cũng chẳng nghe ông Bill Clinton chấp nhận lời thách thức để bà con có cơ hội cổ vũ hô hào.
Phong trào Ice Bucket Challenge ngày càng bùng nổ vượt khỏi biên giới nước Mỹ lan rộng khắp thế giới kể từ khi Corey Griffin, “cha đẻ” trào lưu dội nước đá, tử vong hôm trung tuần Tháng Tám vừa qua. Trớ trêu thay chính anh là người khởi xướng đưa ra ý tưởng thử thách cảm giác lạnh với xô nước đá. Anh không chết ngộp vì bị dội nước đá lạnh mà lại “nín thở” luôn trong lúc lặn biển ở đảo Nantucket, Massachusetts. Các nhân chứng cho biết, Griffin có nổi lên mặt nước một lần rồi chìm xuống hoàn toàn và sau đó bị phát hiện chết đuối. Dù nhanh chóng được đưa đến bệnh viện nhưng Griffin không qua khỏi. Đến nay, trào lưu này đã giúp quyên góp được số tiền hơn 23 triệu USD cho quỹ nghiên cứu và hỗ trợ bệnh nhân mắc chứng bệnh ALS. Hiện con số ủng hộ vẫn không ngừng tăng lên. Chỉ ít giờ trước khi qua đời, Griffin kêu gọi thêm được trăm ngàn đô la vào quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bệnh nhân mắc chứng ALS. Cha của Griffin, ông Robert, nói con mình là “người hạnh phúc nhất thế giới”. “Nó đã gọi cho tôi vào tối qua và nói với tôi rằng nó đã ở trên thiên đường”, ông Robert chia sẻ trên phương tiện truyền thông báo chí sau đám tang đứa con trai.
Theo luật chơi, người được lựa chọn sẽ phải thực hiện thách thức “tắm nước đá” hoặc nộp 100 USD vào quỹ Pete Frates. Người tham gia sau đó được lựa chọn ba người tiếp theo thực hiện thách thức này
Kể từ sau cái chết của “cha đẻ” phong trào, “Ice Bucket Challenge” ngày càng lan mạnh sâu vào giới chính trị các cấp. Các nhân viên ngoại giao Mỹ được yêu cầu không tham gia phong trào nhằm quyên góp cho quỹ từ thiện về ALS bằng cách dội xô nước đá lên đầu. Hai ngày sau khi Đại sứ Mỹ ở Israel, ông Daniel Shapiro, đăng lên Youtube video tham gia Ice Bucket Challenge và thách Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Liên Hợp Quốc làm điều tương tự, một bức điện tín ngoại giao đã được gửi đi với nội dung cấm các nhân viên cấp cao của Washington tham gia “ trò chơi” này.
“Ở vị trí công dân bình thường, chúng ta không dễ gì khi phải lựa chọn tổ chức từ thiện thích hợp, nhất là những quỹ chống lại bệnh hiểm nghèo”, New York Post dẫn thông báo từ văn phòng Ngoại trưởng John Kerry gửi thông báo đến tất cả các Đại sứ của Mỹ. “Sẽ càng khó khăn hơn khi nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao lại được yêu cầu tham gia vào hoạt động gây quỹ”. Ngoài nhân viên ngoại giao, những luật lệ tương tự cũng được đặt ra cho các nghị sĩ. Nhiều chính trị gia sau đó đã cố gắng xóa đi bất cứ bằng chứng nào cho thấy họ có tham gia thử thách dội nước đá. Không ít người đã gỡ video trên Youtube trong khi các đồng nghiệp khác cũng bỏ hình ảnh trên các trang mạng xã hội của mình.
Trên trang blog của Hoàng tử Thái Lan Nich Khun chia sẻ: “Việc cứu người là quan trọng nhưng việc tiết kiệm nước cũng không thể coi nhẹ. Xin lỗi vì đã làm các bạn phải thất vọng. Tôi sẽ quyên góp theo một cách khác”. Thiếu nước sạch và hạn hán là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt với các nước nghèo. Có lẽ là người từng tận mắt chứng kiến cảnh sống khốn khổ của người dân ở những vùng thiếu nước nên Nich Khun đặc biệt nhạy cảm với vấn đề này. Chàng Hoàng tử Thái là đại sứ cho tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA và đã có một chuyến đi tình nguyện tại Tanzania. Nơi đây, anh đã được chứng kiến cuộc sống khốn khổ của những người nghèo và chung tay với rất nhiều ngôi sao nổi tiếng khác để xây dựng nhà cửa, mang nước sạch và thức ăn đến cho người dân.
Chiến dịch thách thức “Ice Bucket Challenge” đâu chỉ đang lan rộng mạnh mẽ trong cộng đồng giới công nghệ và những người có ảnh hưởng trong xã hội vì mục đích từ thiện. Và, Samsung dường như cũng không bỏ qua cơ hội này để “chế giễu” Apple trong đoạn quảng cáo mới. Theo đó, trong đoạn video mới nhất vừa được Samsung đăng tải trên Mobile UK YouTube của mình, chiếc điện thoại Galaxy S5 cũng tham gia thách thức “đổ nước đá” như những nhân vật nổi tiếng trong làng công nghệ, Bill Gates, CEO Facebook Mark Zuckerberg, CEO Apple Tim Cook… Và, điều thú vị và cũng chính là chủ ý của Samsung nhằm chê các đối thủ khi thách thức iPhone 5S, HTC One M8, và Nokia Lumia 930 cùng “đổ nước đá” giống như mình.
CEO Facebook – Mark Zuckerberg hả hê với xô nước đá dội người
Rõ ràng “Ice Bucket Challenge” từ một phong trào có ý nghĩa ban đầu lan rộng thành một làn sóng vô tình biến thành một trào lưu vô nghĩa, khoe thử thách của mình lên YouTube như để tự quảng cáo cá nhân hay một thương hiệu kinh doanh. Và cũng không thể hình dung được khi các trang mạng xã hội chỉ toàn chuyện dội nước đá lên người. Nó thật sự trở nên nhàm chán!
TN