Người bạn từ thời còn đi dạy học mới sang định cư ở Santa Ana hơn tháng, gọi điện tâm sự chuyện lạ nước Mỹ. Tưởng gì, hóa ra chuyện leng keng cà rem cũ mèm bạn vừa phát hiện trong lúc chưa kiếm được việc làm, đi dạo lòng vòng khu phố nơi mình ở. Nghe giọng nói bạn thật vui như vừa trúng số. “Hey, tao kiếm được chiếc xe van bán cà rem, không phải của người Mễ mà là của một ông H.O sĩ quan đàng hoàng. Ổng không còn làm nghề này từ năm ngoái. Bán lại chiếc xe gần như cho không, tân trang chút đỉnh, sang tên là xong”. Hừ, đúng là lạ. Người Việt sang Mỹ, mấy ai đi bán cà rem.

Có lẽ bạn tôi “ngứa” nghề. Với kinh nghiệm bán cà rem có thừa từ thuở thiếu thời phải nuôi thân và cả mấy đứa em nhỏ dại. Cha đi theo vợ bé rồi vượt biên sang Mỹ bặt tin. Mẹ bệnh lao phổi qua đời. Một mình bạn tôi một buổi đi học, một buổi bán cà rem thùng xốp trên tuyến xe lửa xuôi ngược từ ga Hòa Hưng đến ga Cầu Hang, Gò Vấp. Đó là chuyện riêng gia đình bạn kể tôi nghe từ khi chúng tôi được bổ nhiệm về dạy học chung một trường ở vùng Duyên Hải. Kể ra bạn tôi là người dễ chịu đựng và có ý chí vươn lên dù cuộc sống có vô vàn khó khăn đến mấy. Nghe phôn, không biết trong đầu thằng bạn dự tính điều chi, tôi chỉ có lời than vãn: Hồi trước ông già, bỏ rơi con cái, cho mày đi bán cà rem. Bây giờ, ổng già nhớ tới anh em tụi bây, về tìm bảo lãnh sang đây, bộ tính làm “ông cà rem” thiệt sao? Ở xứ này thiếu gì việc để làm.
Trẻ con khoái cà rem cho dù chợ có bán đầy các loại kem ngon ngọt
Nói xong tôi thấy hớ hênh. Bởi ông bác bán xe cho bạn tôi cũng từng là một sĩ quan cấp tá, một thời vàng son hét ra lửa, sang đây lại đi bán cà rem suốt cả hai chục năm ròng. Nghề nào chả là nghề kiếm sống. Chẳng qua tôi thấy chuyện bán cà rem không ổn, quá coi trọng sĩ diện, từ một anh thầy giáo làm thêm nghề báo sang Mỹ đi lắc chuông leng keng mời mọc mấy em nhỏ mua từng cây cà rem kiếm đồng bạc lẻ. Gặp ngày mưa gió ma thèm ăn kem, đem về nhà vợ chồng con cái xúm nhau ăn trừ cơm cho đỡ lỗ. Lại còn mùa đông nữa chứ, nghỉ xả hơi dài dài, lúc đó lại lăng xăng chạy đi kiếm việc làm. Chẳng ổn định tí nào, trong khi cuộc sống còn nhiều điều phải lo toan trước mắt. Tôi nói dường như muốn làm nhục ý chí vươn lên của thằng bạn hơn là đồng tình ủng hộ “sáng kiến” tìm một công việc tự do. Thằng bạn nghe phôn mà cứ ừ hử cho qua, lại còn chống chế. Ông bác bán rẻ xe bảo rằng, muốn làm nghề bán cà rem ổng chỉ đường đi nước bước cho. Sống được lắm, tự làm chủ lấy mình, không bị gò bó thời gian, không cần nghe ai sai bảo. Đúng là những người có cá tính!
Ngừng một lúc, tự dưng thằng bạn hỏi: “Ông từng ăn cà rem rồi phải không?”. Tôi ầm ừ trong họng chưa kịp trả lời thì nghe bạn nói tiếp: “Khi đưa cây cà rem vào miệng, ông có cảm giác gì không? Mát lạnh, ngọt ngào, thơm phức và ông cứ để nó tan qua cổ họng cho đến khi nào cây cà rem biến mất”. Nghe hao hao ông thầy đang giảng bài đưa ra câu trả lời gợi ý. Có chuyện gì hấp dẫn cho bài học “cảm nhận cà rem” mà bạn tôi “ngộ” ra khi sang xứ này và bắt gặp chiếc xe van bán cà rem từ trên trời rơi xuống. Tôi thầm nghĩ trong đầu, chẳng lẽ mấy năm trời lăn lộn với thùng cà rem và cuộc sống cơ cực tranh giành kiếm sống ở chợ đời, khiến bạn tôi trở thành một nhà triết học cà rem thâm thúy. Bạn nói như thế này:
Một cơ sở cho thuê xe bán dạo cà rem
“Thưởng thức một cây cà rem cũng giống cách cảm nhận một niềm hạnh phúc, dù ngắn ngủi nhưng trọn vẹn và ngọt ngào. Khi bạn thưởng thức từ từ, hương vị của cây cà rem cũng sẽ từ từ thấm đượm và cảm giác dần dần lan tỏa. Nếu bạn hơi vội vã, bạn sẽ thấm thía sự “tê tái” tạm thời. Cũng là vị ngọt ngào đó thôi nhưng cảm giác sẽ khác hẳn và mất đi sự tận hưởng trọn vẹn lẽ ra bạn nhận được.
Bạn không thể giữ mãi cây cà rem, cũng như bạn không thể sống mãi trong niềm hạnh phúc. Cà rem sẽ tan, hạnh phúc sẽ không còn nguyên vẹn. Dù muốn hay không, bạn cũng phải chọn một trong hai cách: hoặc tận hưởng sự hiện hữu của nó, hoặc để nó tự nhiên tan biến đi. Lẽ dĩ nhiên, không ai muốn mất đi cảm giác cảm nhận niềm hạnh phúc của mình, nhưng thử hỏi mấy ai đủ can đảm để đi đến tận cùng sự khám phá ấy?
Tiếng chuông cà rem leng keng đầy hấp lực với đám trẻ con
Trẻ con thì khác. Trẻ con thường thích ăn cà rem, vì một điều đơn giản là cà rem rất ngọt ngào và hương vị thật hấp dẫn. Trẻ con không có khái niệm hạnh phúc một cách rõ ràng, và tự nhiên, chúng nhận được cảm giác ấy. Người lớn không thích ăn cà rem như trẻ con. Người lớn chỉ thích cảm nhận niềm hạnh phúc – cái niềm hạnh phúc ấy phải được gọi tên. Và vì thế đôi khi vô tình đến cố tình, họ đã đánh mất cảm nhận ngọt ngào. Vì thế bạn hãy tận hưởng những hạnh phúc đang hiện hữu, đừng lo toan những gánh nặng cuộc đời đang chờ đợi bạn”. Bạn tôi muốn đưa ra một câu nói “đủ dài” đại loại kết nối cảm xúc với khách hàng. Chẳng hạn “Gánh nặng lớn nhất của cuộc đời là không có gánh nặng nào cả” (Vô Danh).
Thì ra thằng bạn tôi muốn tìm kiếm câu slogan cho xe cà rem và đưa ra một thông điệp kêu gọi người lớn hãy ăn cà rem. Chuyện này thì tôi chịu thua không có sáng kiến tiếp thị nào hữu ích. Chỉ khác nhau một đàng là sản xuất sản phẩm, một đàng là phân phối sản phẩm bán lẻ trên đường phố. Câu chuyện cà rem làm tôi nhớ hình ảnh ông già còng lưng vác cái thùng kem đi ngang sân trường tiểu học, tay cứ lắc chuông đồng leng keng ngày xưa, bọn con nít chúng tôi nghe tiếng chuông leng keng là túa ra, bu quanh ông già bán cà rem. Âm thanh tiếng chuông cà rem hấp dẫn đến lạ lùng!
Có lẽ tôi chậm động não và không có thiên khiếu về phương cách làm ăn dù nhỏ hay lớn. Bạn có nhớ M&M’s có một slogan nhấn mạnh lợi ích thương hiệu: “Melt in your mouth, not in your hand” (Tan trong miệng không phải tan trong tay). Thực ra thì kẹo M&M’s vẫn tan chảy trong tay đấy thôi, nhưng ai quan tâm, đó không phải là điều slogan nói đến. Có một điều rất đúng là khách hàng thường bị thu hút bởi lợi ích thương hiệu. Mặt khác, mối quan tâm đến lợi ích lại có khả năng bị chi phối bởi những đặc điểm riêng biệt của sản phẩm khách hàng chọn mua. Đặc điểm độc đáo của kẹo M&M’s (lớp vỏ cứng bên ngoài giữ cho nhân chocolate bên trong không bị chảy khi cầm trong tay) cũng có giá trị tương đương với lợi ích mà khách hàng thu được.
Tôi phải trở lại nơi tôi chân ướt chân ráo đến Mỹ gần hai mươi năm trước, ở khu vực gần Downtown Fort Worth để tìm hiểu một chút nghề bán cà rem. Cạnh ngôi nhà tôi thuê có một gia đình người Mễ có chiếc xe van bán kem. Cứ mỗi chiều tối xe về là tiếng nhạc chuông kêu leng keng nghe rất vui tai. Tôi thường hay bước ra ngoài cửa, đứng nhìn, giơ tay “Hola” một tiếng. Điều thú vị là người hàng xóm bán cà rem rất yêu nghề không kém ông bác H.O bán chiếc xe kem cho thằng bạn tôi nối nghiệp. Người hàng xóm giờ không còn bán nữa, ông đã mất và chiếc xe kem đậu trong sân nhà hình như mới hơn và trang trí đủ màu sắc tươi vui. Tiếng chuông vẫn như xưa. Thằng cháu ông nối nghiệp đi bán khắp nơi trong thành phố. Bán kem sống được lắm, có dư tiền gởi về giúp đỡ thân nhân bên Mễ.
Muốn có thu nhập cao hơn, phải có xe ngon lành và xin bán ở những khu vực du lịch đông đúc. Nhiều xe kem bán ở vùng biển mùa hè thì khỏi nói. Tuy nhiên phần đông xe kem của người Mễ chỉ nhắm vào trẻ em sống ở những khu dân cư nhà nghèo. Và cũng không cần phải sắm xe van đi bán kem, ngay cả những anh Mễ không vốn liếng làm ăn, có hẳn cơ sở cho thuê xe đẩy hoặc đạp đi bán kem dạo. Nghe kể ở Dallas có một cơ sở người Mễ chuyên làm công việc này. Người muốn đi bán có thể đến tại chỗ thuê mướn hoặc “công ty” phân phối kem lẻ chở những xe kem đến những địa điểm giao cho người đi bán được thuận tiện trong khu vực hoạt động. Bán kem dạo không vốn, kem bán không hết đem về trả lại, chỉ cần bỏ sức lao động đạp xe mỗi ngày kiếm trăm đô la là chuyện bình thường.
Duy chỉ có một điều tôi vẫn thường nghĩ về cái chuông cà rem leng keng. Đặc biệt trên những chiếc xe bán cà rem đều được gắn chuông đồng theo truyền thống dù Âu hay Á. Tôi chưa có dịp tìm hiểu tại sao phải treo chiếc chuông đồng trên xe bán cà rem. Có người bảo tiếng chuông là một lời rao đầy hấp lực đến lỗ tai tụi con nít. Nhưng thật ra, người lớn vẫn thích nghe tiếng chuông leng keng bởi nó gắn liền với que cà rem ngọt bùi của tuổi thơ ngày xưa ấy.
Tôi chợt nghĩ lời triết lý cho cái slogan cà rem của thằng bạn. Hình như nó cao siêu quá, cần cái gì thực tế hơn như hồi xưa tôi nhớ. Xóm tôi có ông bán cà rem thỉnh thoảng thường dừng chiếc xe đạp đầu ngõ. Nghe tiếng leng keng đã khoái rồi, lại còn nghe lời rao đầy hóm hỉnh: “Lem kem, lẽm kẽm, lèm kèm, có tiền bỏ túi nhịn thèm làm chi”.
Không có cà rem, không còn là lễ hội
TN