* Riêng gửi Becky, Curtis, và cô cún Daphne – những ‘đại sứ thiện chí’ của thủ đô Madison*
Stockholm: nữ quyền, nhân quyền, bình quyền. Lần đầu tiên tôi được nếm hương vị con đường quê là trong một năm trời tôi sống tại ký túc xá Lappis, bên cạnh trường đại học Stockholm. Sau những cơn mưa lạnh mùa thu hay những trận mưa rào mùa hè, con đường nhỏ dẫn từ ký túc xá qua khuôn viên đại học trở nên một giấc mơ tuổi thơ: tôi bỏ giày, để đất thấm vào lòng bàn chân, truyền vào da thịt. Con đường đất quê tôi ở sáu tỉnh miền Tây thì có khác gì với con đường này chứ! Và cũng ở trong cánh rừng nhỏ sau lưng Lappis, tôi đã nghe lại lần đầu tiên âm hưởng của thinh không, cái sự tĩnh đọng mà người ta chỉ có thể nghe được ở những con sông nhỏ trên vùng nước lợ Bình Phú Đông.
Cái êm đềm và thiên nhiên bình lặng của Stockholm, mãi đến hai năm sau khi trở lại Hoa Kỳ, tôi mới được nếm lại. Mùa hè của thời tiết bốn mùa khác hẳn mùa hè của thời tiết không có chu kỳ tại quận Cam. Khi tôi đặt chân đến Madison, thủ đô của tiểu bang Wisconsin, Stockholm trở lại, tràn ngập trong tôi.
Trước hết là sự bừng sống của thiên nhiên. Mùa hè như huyền hoặc, và những mặt hồ phất phới cánh buồm. Madison và Stockholm giống nhau ở rất nhiều điểm. Từ khung cảnh êm đềm, thiên nhiên trù phú, đến lịch sử lâu đời, lòng yêu chuộng hòa bình, và sự tôn trọng nữ quyền. Và nước ở khắp nơi. Madison có nhiều hồ, xuyên suốt thành phố, cho tôi cái cảm giác mát lạnh mà vô cùng dễ chịu của gió hè Stockholm thổi lên từ lòng biển đã len lách giữa những hòn đảo vào tận đất liền.
Hoa cỏ Stockholm
Thật là lạ: hình như tôi đã đi vào một thế giới khác sau khi máy bay hạ cánh. Đồng cỏ xanh rì nối dài, ẩn hiện giữa những mặt hồ xanh mát. Con đường mòn thoai thoải, ỡm ờ dưới rặng cây cao. Cuộc sống như xuất hiện trong những vạt lá lập lờ theo cơn gió hè. Hoa đồng cỏ nội thập thò khắp nơi. Hay quá! Phố xá êm ả như trong một chuyện tình lãng mạn, thật tiểu thuyết.
Buổi chiều, tôi đạp xe quanh thủ đô, và phải lòng với cuộc sống đang rụt rè đâu đó. Nhịp sống ở Madison thong thả như một chiều xuân vô ưu. Trên những con đường dành riêng cho xe đạp, bố mẹ đèo con đi hóng gió chiều và thưởng cảnh đẹp mùa hè. Có những con lạch nhỏ dọc ngang, người người chèo canô đi du ngoạn. Ở đây, vào mùa ‘dọn nhà’ đầu thu hằng năm, người ta có tục lệ gọi là ‘Giáng Sinh Hồng.” Mới hồng thôi, vì đâu đã Giáng Sinh thật đâu mà ‘đỏ’ hay ‘trắng.’ Vì hợp đồng thuê nhà thường hết hạn hoặc bắt đầu vào mỗi mùa thu, người địa phương có phong tục dọn những gì mình không cần hoặc không muốn mang theo ra vỉa hè. Ai cần gì, cứ chạy một vòng thành phố, sẽ có một căn nhà tươm tất. Đôi khi bạn bè đến nhà nhau, nhận đồ nhận đạc sôi nổi hẳn lên.
Madison, thủ đô Tiểu Bang Wisconsin – nguồn apps.iss.wisc.edu
Cái êm ả của Madison, cũng như của Stockholm, có lẽ ngự trị trong tinh thần yêu chuộng hòa bình của người dân. Tôi phóng xe đạp vèo qua những con hẻm nhỏ, những căn nhà xinh xinh đầy hoa, và bắt gặp tư duy ôn hòa của thành phố này. “United for Peace.” “No War.” Có những cơ sở chuyên nghiệp như The Pyle Center trực thuộc trường đại học Wisconsin tại Madison cũng trưng bày những cuộc triển lãm tranh-ảnh-thơ-họa cổ động cho hòa bình.
Trong tôi, Madison lắng đọng những cảm xúc rất nhân bản, và rất tự nhiên, hết sức gần gũi. Như đạp xe giữa những con sông bóng cây và những bầu trời vun vút xa. Như đi vào quán kem đặc sản của thành phố, như ngắm trời đêm, xanh lơ như vòm trời Địa Trung Hải tôi đã từng ngưỡng mộ ở Ý Đại Lợi. Như buổi trưa, đi hái dâu tằm ở bên đường, thấy chú vịt trời nằm ngủ trong vạt cỏ, tận hưởng cái tĩnh mịch của đồng quê. Như đi thăm vườn rau cộng đồng, mỗi người một mảnh đất, mỗi người trồng một thức. Như đứng đợi xe buýt ở ngã tư, nghe xe cộ thở trên con đường không vội vã.
Một góc khuôn viên Đại học Stockholm
Mọi người ở đây đều rất thân thiện. Anh nhân viên an ninh tại phi trường cũng niềm nở mời mọi người vào hàng. Ngay cả trong khu kiểm soát an toàn, tôi cũng không thấy bị ‘nhức óc’ vì những thông báo an ninh được phát thanh quá lớn. Dĩ nhiên tôi sẽ cóng người và có lẽ co rúm khi tôi đến Madison vào mùa đông giăng giăng tuyết lạnh. Nhưng, mỗi cuộc tao ngộ là một cái duyên, và mỗi người sẽ cảm nhận Madison theo kinh nghiệm của họ. Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng mạnh mẽ, và lâu dài. Tôi chọn giữ lại những ấn tượng đầu tiên này cho Stockholm thứ hai của tôi.
Đã là công dân Mỹ, nhưng nước Mỹ vẫn còn xa lạ đối với tôi khi tôi mới đặt chân lên thủ đô Madison này. Người Mỹ vẫn có thành kiến với ‘khoảng giữa’ vì cho rằng mọi sự thú vị của Hợp Chủng Quốc xảy ra và hiện diện ở hai miền Đông & Tây của xứ này. Tôi cũng cả tin, và mơ hồ chấp nhận cái nhìn đó. Cho đến khi đặt chân đến Madison. Tôi chợt nghĩ, mình đang đi tìm nước Mỹ ở ngoại vi của hai cực ‘bờ Đông, bờ Tây.’ Madison làm cho tôi nghĩ tới cái sự phong phú giữa hai bờ biển Hoa Kỳ. Người ta thường chú ý tới hai điểm đầu và cuối, mà quên rằng, khoảng giữa nhiều khi chính là một kho tàng khiêm nhường mà độc đáo.
Madison êm đềm, một chiều đáo hạ
TGT