Menu Close

12 ngày ở Miến Điện – Kỳ 13

Ngày cuối cùng ở Bagan, tôi đạp xe xuyên qua thành phố từ bờ bắc đến bờ nam sông Voi. Bagan có ba khu chính nằm trên một trục lộ trải nhựa, hai bên trồng nhiều cây tếch, lề đường toàn đất đỏ và khô, có các đường đất nhỏ cắt ngang dẫn vô làng mạc sát bờ sông. Con đường dài chừng 20 cây số, bắt đầu từ phía bến tàu Nyaung U ở cực bắc, xuyên qua khu Bagan Cổ ở trung tâm, kết thúc ở khu Bagan Mới ở cực nam.  Toàn bộ phố xá, chùa tháp đều nằm phía tả ngạn sông Voi.

pic

Phụ nữ Miến bên bờ sông Voi

Từ Khanh

Tắm sông

Tôi cột sau yên xe một chai nước, đem theo một gói kẹo để bổ sung năng lượng cho bắp chân. Đường khá dốc nên mới đạp lên một đoạn dốc ngắn đã đổ mồ hôi hột, nhưng bù lại khi xuống dốc lại chạy ro ro khỏe khoắn. Mỗi lần lên dốc hào hển, tôi nhớ lời cô bạn ở Việt Nam chuyên giang hồ bằng xe đạp, nói rất triết lý: “Nó rất công bằng, lên mệt thì khi xuống dốc sẽ được bù lại xứng đáng”.Nó ở đây là con đường, mọi con đường đi qua! Chỉ những người mê chân trời mới nghĩ ra chân lý vô cùng đơn giản ấy. Khi gồng bắp chân rướn người đạp lên dốc, tôi nhớ lời, nên tự nhủ: “Ráng lên con, chút xíu nữa mày sẽ sướng!”

pic

Đại tự Shwesandaw

Bagan là kinh đô từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Khu tháp cổ có diện tích khoảng 40 cây số vuông hiện nay vẫn còn 2.230 chùa, tháp, tự viện, nhưng chỉ bằng một phần năm số đền đài chùa tháp nguyên thủy. Trong số này có 911 ngôi chùa, trong đó 347 chùa có tranh vẽ hình tướng bồ tát và chư Phật trên tường, nhiều tranh tường chỉ còn những nét mờ như phấn trắng. Ngoài ra còn có 524 tháp và 415 tự viện còn tồn tại. Tính trung bình cứ 17 mét vuông có một di tích chùa chiền hay đền tháp.

Lịch sử Bagan ghi nhận ông vua đầu tiên có công xây chùa và phát triển đất nước là vua Anawrahta (1044-1077). Ông xây cụm chùa tháp trên diện tích mô phỏng cấu trúc mạn-đà-la, ở bốn góc có bốn chùa lớn, giữa trung tâm mạn-đà-la là đại tự Shwesandaw. Hai ông vua nối ngôi tiếp tục xây thêm chùa là Kyanzittha (1084-1112) and Narapatizithu (1170-1211). Thế kỷ 12 vì vậy không những là Thời Hoàng Kim của Chùa Tháp Bagan, và thời đại đó đã biến Bagan thành nơi tu học của tăng chúng tứ phương cho đến ngày nay. Năm 1287, quân Mông cổ xâm lăng, tàn phá đền đài, vua Narapatizithu phải lánh nạn, Bagan từ ấy tàn tạ, không còn là kinh đô chính trị, nhưng vẫn là kinh đô của Phật giáo Miến Điện.

pic

Vua Anawrahta (1044-1077)

*

Tôi vòng vèo đi qua vô số tháp nhỏ, tháp lớn, tháp nâu, tháp xám, tháp vàng, có tháp rêu phong đổ nát, có cái mới được trùng tu, có tháp cỏ cây che khuất, có đền còn tượng Phật, có nơi bốn mặt đền không còn tượng duy dấu gạch nâu, có cái trống không. Nhưng không mà có. Có những tượng phải chui vào mới thấy, rồi những tượng chỉ cần ngừng xe, chống chân, nghiêng người nhìn vào thấy Phật ngồi buồn sau những hàng gạch vương vãi. Khác với cảm xúc khi đứng trên cao nhìn muôn đỉnh tháp vươn trên rừng cây xanh, lần này đi xuyên qua các miếu đền, tôi có cảm tưởng đi ngược thời gian, đi qua những ngẩn ngơ, ngậm ngùi. Thời nào như hiện tới, thoắt lui, một tiếng kinh ngân lên, tắt lịm, con sóc nhỏ băng qua bụi đường biến vào lùm cây sột soạt, tiếng bò kêu uể oải, vó ngựa đâu lóc cóc buồn.

Tôi vào chùa A Nan (Ananda Temple). A Nan là thị giả thân cận nhất của Đức Phật, nổi tiếng có trí nhớ vô song, nhờ vậy khi kết tập kinh điển lần đầu tiên (bốn tháng sau khi Phật nhập niết bàn) ông đọc thuộc lòng các bài thuyết pháp của Phật để về sau ghi lại thành một trong ba bộ kinh điển là tạng Kinh.

Tôi thích A Nan vì ông dễ thương và thật thà. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, khi Phật hỏi A Nan nguyên nhân ông xuất gia theo Phật, A Nan trả lời vì ông thấy ba mươi tướng của Phật hết bực tốt đẹp, sáng chói như ngọc lưu ly, nên tôi thương Phật, mến Phật, mà đành cạo đầu đi tu. Tôi rất chịu cách trả lời của A Nan, không quanh co né tránh. Thêm một điều đáng yêu nữa là Ngài A Nan suýt tiêu tùng sự nghiệptu hành vì khất thực trúng vào nhà nàng Ma Đăng Già, emnày dụ ông vào nhà rờ rẫm vuốt ve, may mà Văn Thù đem phép Phật đến giải thoát ông đúng lúc. Đoạn kinh này rất hay cả với người không phải Phật tử, tả cảnh ông A Nan khất thực và vì sao gặp nàng Ma Đăng Già:

“… Đến chừng trở về giữa đường, lại nhắm bữa không có ai cúng, ông bèn mang bình bát tới thành phố mà khất thực.

Trong ý muốn ông trước cầu một người lâu nay chưa có trai tăng khi nào, mà làm một vị Thí Chủ, bất kỳ giàu hay nghèo, nhơ hay sạch, nhà nào cũng đặng, chớ ông không lựa.

Lòng ông muốn làm cái pháp bình đẳng để viên thành cái công đức vô lượng cho tất cả chúng sanh.

pic

Tượng Phật chùa Ananda

Vì ông đã từng nghe Phật quở ông Tu Bồ Đề, và ông Đại Ca Diếp, làm bực A La Hán đi khất thực mà một người bỏ nhà giàu xin nhà nghèo, còn một người bỏ nhà nghèo xin nhà giàu, tâm không đặng quân bình, nên chi ông tuân theo lời Phật, mở lòng lành vô ngại mà độ cái miệng khinh khi của đời.

Ông bèn đi trải qua ngoài thành, rồi lần lần rảo bước vào trong cửa thành, nghiêm chỉnh oai nghi, kính trọng một phép trì trai vậy.
Trong khi khất thực, ông đi ngang một nhà tục, bị nàng Ma Đăng Già dùng phép chú thuật của ngoại đạo mà bắt ông vào phòng rờ rẫm vuốt ve, toan làm cho ông phá giới.

Phật đương chứng trai nơi cung Vua Ba Tư Nặc, biết ông bị nạn, ăn rồi liền cáo về.”

(Đoạn kinh trên khởi đầu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, một bộ kinh thượng thừa tích cực cứu thế của Phật giáo. Và cũng nhờ nguyên nhân ông A Nan mắc nạn, Phật mới nói kinh này.)

*

Chùa A Nan là một trong các chùa cổ nhất ở Bagan, xây từ năm 1105. Tường thành bao quanh khuôn viên chùa có hàng ngàn hoa văn khắc chạm, bên trong có nhiều điện thờ lớn nhỏ và vô số hình tượng chạm lên tường ngoài tường trong. Ngôi điện chính có đáy vuông, mỗi bề dài 53 mét, phía trên có hai tầng (sân thượng) nâng một ngôi tháp màu vàng cao 51 mét. Ở bốn góc của mỗi tầng đều có sư tử đá đứng gác. Lối vào bên trong qua một hành lang dài, có bốn cửa theo đúng bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Bên ngoài đền trang trí 1.500 hình tượng. Khi đi trên hành lang vào đến cửa chính sẽ gặp một hành lang hẹp bao quanh bên ngoài, đi theo hành lang này sẽ thấy 80 ô hình bán nguyệt nhiều kích cỡ khác nhau đục sâu vào tường, trong mỗi ô đều có tượng mô tả các sự kiện quan trọng của cuộc đời Đức Phật, những ô cao quá phải dùng thang leo lên mới thấy.

pic

Chùa Ananda

Hành lang này đi ngang bốn cửa chính, mỗi cửa đều có tượng Phật Thích Ca đứng cao 9.5 mét mạ vàng. Hướng dẫn viên du lịch có thể bốclà bốn pho tượng này bằng đồng nhưng thật ra bằng gỗ tếch. Trong bốn pho tượng này chỉ có hai tượng hướng bắc và nam là có từ thời xây chùa, hai tượng kia mới làm sau này vì bị hư hại trong một lần hỏa hoạn. Cả hai bức tượng nguyên thủy hướng cửa bắc và nam   rất dễ nhận biết vì tay Phật đang bắt ấn thuyết pháp (để trước ngực). Tượng phía Tây tay Phật bắt ấn vô úy (lòng bàn tay phải ngửa ra trước ngực), trên hành lang ở hướng này có khắc hai dấu chân Phật trên đá, mỗi bàn chân chạm khắc tỉ mỉ 108 tướng tốt nhưng do người ta sờ mó quá nhiều nên dấu vết chỉ còn lờ mờ. Riêng tượng phía đông hai tay pho tượng thẳng xuống nắm khẽ vạt áo. Tôi để ý ở chùa Miến Điện nhiều tượng Thích Ca có hình tướng này nhưng không hiểu có ý nghĩa gì, nhưng nếu ngắm nhìn lâu sẽ có cảm tưởng như Phật đang đi. Cả bốn tôn tượng đều sinh động dưới ánh sáng thiên nhiên xuyên qua ô cửa trên trần điện, riêng tượng nhìn ra hướng nam nếu đứng gần nhìn lên sẽ thấy một vẻ buồn buồn, nhưng đứng ngoài cửa nhìn lên lại thấy Phật như mỉm cười hoan hỉ. Thật là một kiệt tác nghệ thuật.

Mặc dù mật độ chùa tháp dầy nhưng mỗi đền tháp đều nằm riêng lẻ, không kết nối với nhau. Từ chùa A Nan qua chùa lớn Thatbyinnyu kề bên chỉ năm phút đi bộ, nhưng mỗi chùa một vẻ. Cái chung nhất là các chùa lớn đều tường thành bao quanh, có cổng vào nhìn ra chính hướng, ở giữa là điện chính, trên điện có tháp cao thường là hình chuông. Còn chùa và tháp nhỏ thì ngay sát lối đi, gần gũi với con người như nhà cửa bình thường.

 Điểm chung thứ hai là có ba loại kiến trúc ở Bagan, chùa, tháp, và tự viện. Tháp khác với chùa ở chỗ tháp không có cửa vào bên trong nội điện, xây kín và bên trong thường cất giấu xá lợi Phật. Tự viện lớn hơn chùa, gồm một khối kiến trúc độc lập hoặc một dãy kiến trúc gồm nhiều điện, phòng ốc và sảnh lớn để tăng sinh tu học. Đây chỉ là cách phân biệt tương đối vì thường trong chùa đều có tháp lớn và nhỏ bao quanh.

Đặc tính thứ ba là hầu hết vật liệu dùng xây cất chùa tháp ở Bagan đều bằng gạch, chỉ có ba ngôi chùa bằng đá hoặc tường gạch lát đá.

Một kiến trúc khác hẳn và độc đáo còn tồn tại là hoàng thành bao quanh cung điện. Hoàng thành vuông tương tự như hoàng thành ở Mandalay, nhưng bờ thành phía sông Voi   hướng bắc   hoàn toàn biến mất do bị xâm thực, tường thành hướng tây và nam cũng không còn dấu vết. Loanh quanh hết các chùa tháp ngoài thành, tôi đạp xe đến cổng thành duy nhất còn sót lại ở hướng đông (hướng về khu Nyaung U và nằm trên trục đường chính), cổng Tharaba. Cổng này chỉ còn hai khối gạch đỏ, mặt trên và bề mặt hai tường thành hai bên đã hư hại nặng, long lở và trồi sụt hình thù. Bên ngoài và hai bên cổng có thờ hai vị thần nat. Không có dấu tích gì chứng tỏ cổ thành đang được trùng tu, nhưng chính nhờ thế nên thành cổ mang một bầu khí hoài cổ, lặng lẽ và cam chịu ở một nơi vắng người.

pic

Tượng Phật chùa Ananda

Bên trong nội thành cây cối rậm rạp, nhà cửa hai bên đường thưa thớt như một vùng đất hoang, dù tận bờ sông có làng và khách sạn nhiều sao. Lúc này đã giữa trưa, trời nóng bức, hai bên đường không có quán xá gì để hỏi đường, chai nước cột sau yên xe rớt từ hồi nào nên cổ họng khô đắng. Tuy đã nghiên cứu bản đồ nhưng đạp hoài vẫn chưa tới khu Bagan Mới. Thời may tôi thấy một cái nhà nhỏ chứa hai lu nước uống bên đường. Khắp Miến Điện nơi nào cũng có hai hoặc ba lu chứa nước uống xây bên đường đi cho khách lỡ đường. Người ta xây một trạm xi măng nhỏ giống như các miếu hay am bên mình, trên có mái che, bên trong đặt hai, ba cái lu đất có nắp đậy, trên để một ly nhựa. Hằng ngày có người đạp xe chở nước uống từ đâu đó đến châm vào lu. Tôi chưa bao giờ nghĩ có lúc mình sẽ cần đến mấy cái lu này, nhưng vào lúc lỡ đường lỡ xá này mới thấy nó cần thiết. Giữa trưa, múc một ly nước trong lu uống giữa cơn khát cháy tưởng như uống từng ngụm chanh đường ngọt lịm. Trong cái am chứa nước có hai chiếc chiếu nhựa cuộn tròn. Tôi trải chiếu ra dưới gốc cây, làm một giấc ngắn.

Tôi đạp xe đi chừng nửa tiếng nữa thì tới khu Bagan Mới. Đây là một thị trấn xinh xắn, thanh lịch hơn khu Nyaung U. Đường phố dốc như cao nguyên, quán xá không nhiều nhưng ngăn nắp sạch sẽ. Tôi xem bản đồ và đạp tiếp đến cuối đường để vào một nhà hàng nằm trong công viên Lawkananda ven sông. Cổng vào có một thanh gỗ chắn ngang, một nữ cảnh sát đứng gác. Tôi cứ đạp thẳng vào, cô cảnh sát ách lại, ra dấu không được vào. Tôi ra dấu muốn vào nhà hàng ăn, nhưng cô ta cứ xua tay đuổi lia lịa. Nhà hàng này chắc chỉ dành cho khách đặc biệt. Tôi nản chí quay ngược đường cũ, dắt xe đi ngược lên dốc. May quá thấy một tấm bảng ghi “Si Thu Restaurant” nằm bên bờ sông Voi. Đó là một nhà hàng khá lớn bằng gỗ, không có thực khách nào. Ngồi trong nhà hàng nhìn qua bên kia sông là rặng núi thấp chạy dài trên một thung lũng rộng và vắng. Tuy ở vị trí lý tưởng nhưng đồ ăn  rẻ, đặc biệt sạch sẽ và phục vụ như một nhà hàng năm sao. Một vài chiếc đò giương buồm từ bờ bên kia lững thững trôi về bên này. Tôi chợt nảy ý định thuê một chiếc thuyền đi ngược dòng sông Voi về lại Nyaung U. Người bồi nói ở khu này không có dịch vụ đó, vả lại ở đây chỉ có đò ngang chạy bằng buồm nên không ai đi ngược dòng nước đến 20 cây số. Tôi không nản, nhờ anh ta coi giùm ba lô rồi đi xuống một ngôi làng bên ngoài nhà hàng. Đó là một cụm dân cư nhỏ, nhà lợp tranh, vách nứa. Tôi quanh co tìm lối xuống bờ sông, thấy một chiếc đò nhỏ vừa cập bến. Tôi ách ông lái đò, lật bản đồ ra dấu muốn đi ngược về Nyaung U. Ông ngần ngừ rồi thảo luận với cậu thanh niên ngồi trước mũi. Mấy cô gái Miến đang tắm sông vừa kỳ cọ vừa tò mò nhìn. Sau một hồi lưỡng lự cậu thanh niên đưa hai bàn tay lên ra dấu mười ngàn kyat (10 đô Mỹ).

Tôi lật đật về lại nhà hàng, ăn xong dắt xe ra thì bác chèo thuyền đã đợi sẵn ngoài cửa. Bác phụ tôi vác chiếc xe đạp xuống bến vì đường đất khá dốc và xấu không đạp được. Chiếc thuyền bề ngang khoảng tám tấc, dài chừng sáu, bảy thước. Tôi để xe đạp lên thuyền, ông lái đò ngồi đằng sau vừa chèo vừa điều khiển buồm bằng một sợi dây cước móc vào ngón chân cái, đằng mũi cậu thanh niên vừa chèo vừa lái.

Đò ngược nước không đi nhanh được, lại sát phía tả ngạn nên cảnh trên bờ rất rõ. Sông Voi dài khoảng 2000 cây số, khởi nguồn từ hướng bắc, do hai con sông nhỏ Maykha và Malikha hợp lưu ở tiểu bang Kachin. Nguồn của hai con sông thượng nguồn này từ tuyết của Hi Mã Lạp Sơn đổ xuống. Khác với sông Mê Kông chảy qua năm nước, sông Voi hoàn toàn ở bên trong lãnh thổ Miến Điện, khi tới phía nam thì trổ ra chín cửa chảy vào biển Andaman. Thời chưa có đường bộ, sông Voi là đường thủy huyết mạch từ Ấn Độ Dương vào đất liền. Năm ngoái tôi đi ngược dòng Mê Kông ở Thượng Lào, từ cố đô Luang Prabang lên Huay Xay để từ đó băng ngang sông đến khu Tam Giác Vàng. Cảm giác lúc đó khác bây giờ vì chiếc thuyền cao tốc ở Lào chạy đến 70 cây số một giờ, chở tối đa sáu người ngồi co chân, không có mui. Sông Mê Kông ở Thượng Lào hẹp, nước chảy xiết, hai bên núi dựng đứng hiên ngang và hoang liêu, không một bóng người. Đường đi nguy hiểm, nếu người lái thuyền đưa mình tới đâu cũng không ai biết, cho nên vừa “đã”vừa sờ sợ. Cảm giác đi ngược dòng sông Voi khác hẳn. Phía hữu ngạn núi đồi bươn chải, thung lũng thoai thoải vàng xanh, đàn ngựa trắng ngập ngừng lượm cỏ. Bờ tả ngạn rải dăm mái tranh, trước mũi đò sóng nước rộng giăng ngang.

Đời sống làng mạc ven sông chậm rãi. Phụ nữ thường giặt giụa trên một cục đá, dùng cây gỗ đập áo quần trong khi con cái trần truồng nô đùa cạnh đó. Một người đàn ông đang đãi cát tìm vàng, một người khác nón lá sụp kín mặt buông câu.

pic

Phụ nữ Miến

Chiều sắp tàn, đò ghé bờ trước một cụm làng nhỏ. Tôi dắt xe đi xuyên qua bãi cát mịn rồi đạp về nhà khách trả xe, thay áo quần để ra lại bờ sông cho kịp tắm trước khi nắng tắt. Con đường nhỏ trong làng ngoằn ngoèo đầy bụi đất và phân heo. Gà, chó, heo và bò qua lại nhởn nhơ chung với người. Các thiếu nữ Miến Điện mặc xà rông đang tắm dọc theo mép sông, bên cạnh những chiếc đò nhỏ. Có cô vừa tắm vừa giặt, cô nào tắm xong cũng đội một thùng nước trên đầu đi về nhà. Tôi đi trên một thảm cây dại nửa chừng thì mấy thanh niên đứng gần đó ra dấu tránh xa vì có nhiều rắn. Lúc đó mặt trời đã khuất sau đỉnh núi bên kia sông. Trăng rằm đã lên lưng lửng. Tôi ùa xuống dòng nước ấm áp gợn sóng xuyên qua cây cỏ, màu nước sông Voi xám như tà áo lam tu sĩ lay động giăng ngang hai bờ, tháng Tám, ở quê tôi đang mùa giông bão, nơi đây, chiều đã vàng, một chút nắng níu trên tháp cổ Bagan gợi một mùa thu xa.

Hình thể Miến Điện như một ngọn lửa có bốn ngọn chiếu ra bốn hướng chính, nhưng cũng giống lưỡi mai cào đất.

Ngọn lửa dễ thấy, nhưng bên dưới lưỡi mai còn nhiều cất dấu.

TK