Đống Ða là một con đường yên tĩnh, thơ mộng, nhiều cây lớn. Trên đường này có một vũ trường nhỏ nhưng rất lịch sự, sang trọng, ấm cúng. Vũ trường Korean House. Tên như vậy là do chủ nhân của nó là người Hàn Quốc.Vũ trường có một ban nhạc chơi hằng đêm. Tôi là một nhạc công trong ban nhạc đó.
Vũ trường đông khách, nhưng được mong đợi nhất là hai người: Hoàng Ðế Năm Heo và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Người thứ nhất không biết tên thật là gì nhưng được gọi là Hoàng Ðế là vì phong cách ứng xử và xài tiền, còn Năm Heo là do nghề nghiệp. Buôn heo liên tỉnh. Từng đoàn xe tải chở đầy heo ngày đêm nối đuôi nhau từ Quảng Trị đến tận Cà Mau. Ðêm nào chiếc xe Huê Kỳ bóng lộn, mui trần, dài như một chiếc lá và hầu như là không nghe tiếng máy nổ, êm ru chạy vào trong sân vũ trường là các cô vũ nữ mừng lắm. Tài xế xuống xe mở cửa, từ hàng ghế sau, hoàng đế mặc áo vét, thắt cà vạt oai vệ bước xuống, mặt hằm hằm. Tuy được gọi là hoàng đế nhưng gương mặt ngài lại như một nông dân mất mùa, lúc nào cũng hằm hằm, ít khi thấy ngài cười nói với ai. Ngài ngồi im lặng hút xì gà, những cô vũ nữ đẹp nhất vũ trường được ngón tay trỏ của ngài ngoắc lại, xúm xít quanh ngài dâng rượu. Ngài uống hũ chìm hũ nổi không hề biết say, ngài không nói chuyện với cô nào nhưng các cô muốn uống bao nhiêu tùy thích, đấng quân vương lượng tựa hải hà… nhưng các cô phải ngồi hầu rượu ngài suốt đêm. Mặc kệ má phấn với môi hồng, yến oanh thỏ thẻ, gương mặt nông dân của hoàng đế vẫn cứ lầm lì, cáu kỉnh. Ðôi khi ngài cũng trả lời những câu nói ngọt ngào của các cô bằng những tiếng cộc cằn hay cười nửa miệng để lộ ra những cái răng vàng. Ngài không ra sàn nhảy vì ngài không biết nhảy và cũng chẳng biết điệu Rhumba khác với điệu Slow như thế nào, những kẻ độc mồm độc miệng còn kháo nhau rằng ngài mù chữ, ngài chỉ biết đếm tiền. Ngài ngự giá thân chinh đến đây không phải để nhảy nhót, càng không phải vì gái gú, ngài đến để xài tiền cho bõ ghét, để trả thù những tháng năm cơ cực. Khi tàn cuộc sẽ là tiền boa. Mà hoàng đế đã boa thì phải biết, chắc chắn không phải là tiền lẻ. Tin như thế đi.
Nhân vật thứ hai được mong đợi: Dù đang chơi bản nhạc gì, nhưng hễ ông nhạc trưởng ra hiệu cho ban nhạc ngừng chơi, rồi ông nâng kèn saxo lên: “Qua bến nước xưa… lá hoa về chiều…” là cả ban nhạc mừng lắm, vì đêm ấy sẽ là một đêm say sưa. Người vừa bước vào là một trung niên, lùn và mập. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Khác hẳn vị hoàng đế, ông lịch sự mỉm cười cúi đầu chào, lên sân khấu bắt tay nhạc trưởng, tặng ban nhạc vài thùng bia và mấy hộp pate. Và để tạ ơn, ban nhạc chơi bản Nắng Chiều của ông bằng những phong cách hiện đại như Jazz, Pop, Rock… vv…Tác giả bài hát lặng người đi vì xúc động. Ðêm vui quá. Ông Nguyễn tuy lùn nhưng nhảy đầm rất giỏi, ông còn là một tay Piano đẳng cấp. Ðôi khi cao hứng, ông lên sân khấu độc tấu những bản Valse, Nocturne, Mazurka của F. Chopin rất tình tứ.
Xin được nói lạc đề. Trong những năm chiến tranh, đất nước bị chia cắt, miền Bắc cấm ngặt những tác phẩm văn học nghệ thuật được xem là lãng mạn tiểu tư sản như là:” Ðêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ” hay là “ Yêu là chết ở trong lòng một ít. Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu…” Những cái này làm mềm lòng chiến sĩ là những kẻ phải sống theo chủ nghĩa anh hùng. Vì thế, những ca khúc thời bấy giờ phần lớn là những ca khúc viết theo nhịp 2/4, điệu March: “ Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết chiến, bước oai nghiêm theo tiếng quân đi tung hoành” (Phạm Duy) Hay là: ” Dồn trong đêm vắng ngàn tiếng đồng loa vang rền, đầu người lô nhô khuất sau bờ núi sông hò reo, thây tan trong máu…”(Văn Giảng) Toàn những giọng hùng ca thúc giục người ta vào mặt trận hy sinh mạng sống cho tổ quốc. Phạm Duy, một kiện tướng của thể loại này có nói bóng gió trong hồi ký rằng nếu không có những ca khúc của ông, cuộc kháng chiến chống Pháp chưa chắc đã thành công. Ðúng sai, hay dở chưa bàn tới, nhưng một điều rõ ràng không bàn cãi là những chiến binh ngoài mặt trận không hẳn là chỉ cần những bản hùng ca. Chúng ta chiến đấu để làm gì nếu không phải là để bảo vệ những thướt tha yêu kiều đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn?
Miền Nam thì khác, những bản hùng ca chỉ dành cho những cuộc duyệt binh hay được phát liên tục trên đài phát thanh trong những ngày có biến động. Lính tráng chỉ khoái nhạc tình, càng mùi mẫn, càng sướt mướt càng tốt. Chủ đề của loại nhạc này thường là anh lên đường tòng chinh, khi quay về thì em đã không còn, đã sang sông, sang ngang, đã bị thằng khác cuỗm mất rồi! Ðại khái như:”một chiều hành quân qua thôn xưa, lúc nắng xuân chưa nhạt mầu, chạnh lòng tìm người em gái cũ em tôi đã đi phương nào…” Hay là: “ tìm em, tôi gặp người trong xóm nói đã sang ngang rồi…” Ưu thế của loại nhạc này là bình dân, chân thật nên rất có hiệu quả. Nắng chiều là một trong những ca khúc xuất sắc loại này, cũng điệu Boléro nhưng điệu thức là Majeur mood nên không bị “sến” như những bài khác.
Gần nửa thế kỷ sau tôi mới quay về thành phố cũ. Tôi đi tìm con đường vắng lặng đầy hoa phượng đỏ và vũ trường xưa, nhưng một dòng sông người và xe đã xóa mất không còn gì. Chỉ còn mầu nắng chiều trên những mái nhà và những ngọn cây, mịt mù dấu tích. Tôi người xa lạ đứng giữa một cõi đời xa lạ. Không biết bây giờ vị hoàng đế hận đời và người nhạc sĩ tài hoa về đâu hay đã thành người muôn năm cũ?
NQT – Đà nẵng 1970