Menu Close

Ai là thủ phạm & ai là nạn nhân?

Một gia đình trung lưu gốc Việt. Xe Lexus, xe Mercedes. Một người cha nghiêm khắc. Một kỳ vọng nghề y. Những bảng điểm A. Lớp piano. Trường tư Công Giáo. Trường học thêm. Một lịch trình học hành dày đặc… Hình ảnh, suy nghĩ và hành xử của một gia đình gốc Việt đặc trưng  có thể bắt gặp khắp nhiều nơi, trong nhiều gia đình gốc Việt khác. Để rồi một bi kịch xảy ra. Một gia đình tan vỡ. Án mạng. Tù tội. Đổ vỡ. Tan nát. Câu chuyện như thế nào? Tại sao? Ai là thủ phạm? Hay nạn nhân?

ai la thu pham1

Jennifer Pan (giữa) mang hương tại tang lễ của mẹ cô trong năm 2010 – nguồn thestar.com

Câu chuyện cô gái gốc Việt Jennifer Pan thuê sát thủ giết hại cha mẹ rồi bị nhận án tù chung thân vẫn còn đang là đề tài bàn tán trong cộng đồng người Việt Canada. Hay rộng hơn là các cộng đồng người Việt tại Mỹ, Việt Nam và khắp thế giới. Câu chuyện được nhắc đến trong bàn ăn gia đình, trên phương tiện truyền thông phương Tây và Việt ngữ. Với nhiều suy nghĩ khác nhau, tùy theo cái nhìn Đông hay Tây. Tùy theo cái nhìn từ người làm cha mẹ hay từ những đứa con. Vì sau khi bài báo của ký giả Karen Ho đăng trên tờ Toronto Life – một phóng sự kể lại khá chi tiết và đầy đủ về gia đình Jennifer Pan, ít nhiều cho người ta dăm lý do để lý giải hay suy ngẫm. Và nhận thấy hình ảnh của gia đình Jennifer không có nhiều khác biệt với không ít gia đình Á Châu hay gốc Việt khác.

ai la thu pham2

Huei Hann Pan và Bích Hà Pan – trước khi Bích Pan bị bắn chết và Hann Pan bị thương vào ngày 08 Tháng 11 năm 2010 – nguồn thestar.com

Cha mẹ Jennifer là những người gốc Việt định cư tại Canada trong làn sóng thuyền nhân vượt biển những năm cuối thập niên 70. Ông Huei Hann Pan, cha Jennifer đến Canada năm 1979, gặp và lấy bà Bích Hà – cũng là một người tị nạn định cư Canada. Jennifer ra đời năm 1986 thì em trai Felix ra đời ba năm sau.  Một gia đình tị nạn gốc Việt căn cơ, cần mẫn như hầu hết các gia đình tị nạn khác, đến năm 2004 thì gia đình này đã dọn vào một ngôi nhà to lớn, chồng lái xe Mercedes và vợ Lexus, nhà băng rủng rỉnh đôi trăm ngàn tiền mặt. Ông Huei sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, cần cù và nghiêm khắc như nhiều người cha Á Đông khác. Ông kỳ vọng con cái phải siêng năng, chăm chỉ như ông bà đã gầy dựng trên xứ người để đạt đến những gì họ mơ ước. Bốn tuổi, Jennifer đã được gởi đến lớp piano, được cho đi học trượt băng nghệ thuật với kỳ vọng ít ra cũng lãnh giải quốc gia, nếu không phải Olympic. Bậc tiểu học, Jennifer đã được cho tập trượt băng đến mười giờ đêm rồi về nhà, học và làm bài đến nửa khuya. Những thứ như học múa là những đồ vô bổ, chẳng ích lợi gì đến tương lai. Bảng điểm cần phải toàn điểm A và một mục tiêu đặt ra là phải tốt nghiệp thủ khoa. Còn nhỏ, Jennifer đã chịu và cảm nhận được những áp lực đặt lên mình như thế nào. Đến độ có lần, Jennifer đã phải dùng dao rạch vào tay mình – coi như một tai nạn để tránh phải học và tập quá nhiều như vậy và nhen nhúm những sự nói láo để đối phó lại áp lực nặng nề từ cha mẹ. Jennifer bắt đầu giấu cha mẹ nếu không lãnh được giải ở những cuộc thi, cho dù các cúp vàng tại các giải piano đã được trưng bày chất nhà.  Được cho học ở trường Công Giáo tư, trong một môi trường nghiêm ngặt về việc học, trang phục và kỷ luật với những phụ huynh muốn và buộc con mình phải chơi hai thứ nhạc cụ, phải đi thi lãnh giải môn chơi nào đó, học những lớp khó bậc cao…, cái bề ngoài tự tin và thân thiện của Jennifer là một sự che giấu nỗi lo lắng thua sút, xấu hổ, nghi ngờ… lẫn lộn. Bảng điểm A ở bậc tiểu học dễ dàng đạt được, nhưng từ giữa những năm bán trung học cho đến trung học, Jennifer bắt đầu sa sút, không còn giữ được điểm cao như vậy. Với bạn bè, một bảng điểm xen lẫn điểm A, B đã là đáng nể, nhưng với những gia đình gốc Á Đông như Jennifer, đó là một điều khó thể chấp nhận, buộc Jennifer phải bắt đầu làm… bảng điểm giả để đem về trình cha mẹ.  Lấy bảng điểm cũ ở bậc tiểu học, Jennifer cạo sửa rồi đem sang lại để có bảng điểm toàn điểm A đem về. Với không ít những cha mẹ Á Đông như vậy, học và học. Không tiệc tùng, đừng bao giờ nói đến từ “bồ bịch” cho đến sau khi tốt nghiệp đại học. Cho đến 22 tuổi, Jennifer chưa bao giờ đặt chân đến club, nhấp tí bia rượu, đến nhà bạn bè hay đi chơi đâu xa mà không có cha mẹ đi cùng. Nói chung, là những điều không khác lắm hành xử và suy nghĩ  trong nhiều gia đình Á Đông: việc học phải đứng đầu lớp, việc “chơi” là những thứ để lãnh giải, để làm hãnh diện gia đình, và sự ngoan ngoãn là sự phục tùng, vâng lời tuyệt đối theo cha mẹ. Cho dù có đạt được thành tích như thế nào thì lời khen, khuyến khích với con cái chỉ là điều hiếm hoi và thay vào đó là những bày tỏ không hài lòng vì không muốn con cái thỏa mãn với điều đạt được, cho dù những thành tích đó trở thành điều hãnh diện, được khoe khoang với những bậc cha mẹ ở nhiều nơi khác… Và tất cả những điều này chỉ là tình yêu thương và sự bảo bọc con cái, là những điều tốt nhất mà cha mẹ đã hy sinh và muốn đem lại cho con cái (!?). Theo quan niệm Á Đông. Của không ít người.

Và cho dù có cấm cản bao nhiêu thì mọi việc vẫn xảy ra như vốn dĩ với độ tuổi mới lớn: Jennifer có bạn trai từ năm lớp 11, sau một lần lên cơn suyễn và được một người bạn học, một thanh niên gốc Hoa giúp đỡ, trong sự sợ hãi, che giấu cha mẹ. Hơn thế nữa, Jennifer bị buộc phải tiếp tục sự đối phó của mình về việc học. Thay vì được nhận vào đại học theo học chương trình dược sĩ, Jennifer bị từ chối vì bị rớt môn toán ở năm cuối trung học, không đủ điểm ra trường trung học. Những giấy chấp nhận được vào đại học, các hồ sơ cấp học bổng, cho vay tiền… được Jennifer làm giả để đưa về cho cha mẹ. Và rồi Jennifer cũng hàng ngày đi học, mà thực ra chỉ quanh quẩn, lang thang đến thư viện, quán cà phê hay đến trường đại học mà bạn trai mình đang theo học, rồi nhận công việc chạy bàn, dạy thêm piano… cho qua ngày. Mọi việc cứ như vậy cả một thời gian dài. Là bảng điểm giả. Là những kỳ thi giả. Là những chương trình chuyển tiếp đại học giả. Trong sự dối trá,  mặc cảm, xấu hổ. Với cha mẹ, bạn bè và bản thân mình.  Cho đến khi sự thật bị phát hiện vì những việc như vậy chẳng thể kéo dài cả vài năm, khi người cha bắt đầu nghi ngờ và theo dõi con gái. Sự thật phơi bày: Jennifer chưa bao giờ được nhận vào học dược sĩ như lời cô nói và cô đã có bạn trai. Đó là một sự sỉ nhục, một sự tan nát với những người làm cha mẹ như cha mẹ Jennifer. Ông Huei đùng đùng đòi đuổi đứa con bất hiếu, hư hỏng ra khỏi nhà, trước sự khóc lóc, năn nỉ của người mẹ. Điện thoại bị tịch thu, tin nhắn bị kiểm duyệt, đồng hồ xe được kiểm tra mỗi ngày đã chạy bao nhiêu cây số, đi đâu, tuyệt giao với bạn trai…  Người bạn trai cũng bắt đầu chán ngán cảnh quen biết lén lút, chán ngán sự sợ hãi, phục tùng cha mẹ của Jennifer để quyết định chia tay. Những tình cảnh đưa Jennifer vào những sự trầm cảm, đau khổ, giận dữ. Và khai mào cho một ý nghĩ xấu nhen nhúm.

ai la thu pham

Jennifer Pan tại tòa án ở Newmarket qua một phác họa   – nguồn thestar.com

Câu chuyện còn lại là sau khi quay lại với bạn trai, trong một lần tình cờ nghe câu chuyện của một thanh niên lêu lổng kể rằng hắn ta từng mang ý định sát hại cha mẹ, Jennifer đã bị ám ảnh với suy nghĩ đó và cho rằng chính họ đã đẩy cô vào những đau khổ đang chịu. Cùng với bạn trai, Jennifer được giới thiệu đến những sát thủ đồng ý ra tay với giá mười ngàn đô la. Kế hoạch đã vạch ra, dù Jennifer thay đổi ý định muộn màng, những kẻ sát thủ cũng đã ra tay vào một đêm khuya và cảnh sát chẳng khó khăn để tìm ra các thủ phạm trước những nghi ngờ về những lời khai của cô, khi những hung thủ ra tay sát hại cha mẹ cô. Mẹ mất, cha may mắn còn sống sót dù nhận một phát đạn vào đầu. Jennifer và bạn trai cùng những hung thủ vừa bị tuyên án tù chung thân hồi tháng trước vì vụ mưu sát. Bản án chung thân với mức tù tối thiểu 25 năm trước khi được xét giảm ân xá, xem như cuộc đời cô gái trẻ đã chấm dứt. Và một gia đình tan nát.

Lời bình các độc giả trên các trang mạng tiếng Việt dồn vào cô gái gốc Việt đang giày vò, đau khổ sau song sắt. Những lời lẽ nặng nề nhắm vào đứa con bất hiếu, bất nghĩa. Trong khi bên dưới bài báo của Karen Ho trên trang Toronto Life, những chia sẻ, lời bình tiếng Anh dường như thiếu hẳn những cáo buộc nhắm vào Jennifer. Và họ cũng chẳng lên án, kết tội ai. Thay vào đó những thanh niên Châu Á kể lại những áp lực, những tình cảnh họ đã trải qua trong những gia đình chẳng khác bao nhiêu với những gì Jennifer đã chịu đựng. Họ kể lại những đứa con trong gia đình đã bắt đầu nói dối từ lúc lên năm, lên bảy để đối phó với những chuẩn mực cha mẹ đặt ra. Họ kể lại họ bị áp lực, la mắng như thế nào khi bài chính tả 40 từ và họ bị viết sai ba, bốn từ. Họ kể lại những kỳ vọng nhất nhì lớp, những giấc mơ ngành y dược cha mẹ đặt lên mình… Và A. L, một thanh niên có lẽ gốc Hoa đã kết luận rằng, có lẽ anh và gia đình anh đã may mắn để không xảy ra những gì mà Jennifer và gia đình cô đã chịu vì những gì trong nếp nghĩ và hành xử của gia đình họ chẳng khác gì bao nhiêu. Như vậy vụ án sát hại cha mẹ này, ai là thủ phạm và ai là nạn nhân? Liệu điều gì để một cô gái bé nhỏ trong gia đình khuôn mẫu truyền thống Á Châu lại trở nên một tội phạm tày đình trước pháp luật và một tội ác khó tưởng tượng theo luân lý xã hội? Câu trả lời ắt chẳng dễ dàng với những người theo dõi câu chuyện nhưng cũng chẳng phải quá khó khăn để lý giải.

ai la thu pham3

Ngôi nhà của gia đình Pan  – nguồn o.canada.com

DYT