Bên lề cuộc gặp gần đây, giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và nhân vật đứng đầu CSVN Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, có lởn vởn bóng đen Trung cộng, 1 cách gián tiếp lẫn trực tiếp.
Người Việt bài Tàu cộng. Ảnh www.huffingtonpost.com
Hầu như cùng thời điểm, đã có các cuộc tập trận của Bắc Kinh diễn ra hối hả trên Biển Đông, và bắn đạn thật, hẳn không phải để… hù tôm cua cá. Bộ Trưởng Quốc Phòng của Hà Nội, ông Phùng Quang Thanh, 1 nhân vật từng có không ít phát ngôn ít nhiều nhún nhường trước Trung cộng, cũng thình lình… lặn sâu 1 cách khó hiểu. Dọc vùng biên giới Việt Nam-Cam Bốt thì lập tức nổ ra những vụ xô đẩy, lời qua tiếng lại, tình thế đôi lúc căng thẳng. Chánh phủ Cam Bốt dưng không đồng loạt hạ khẩu khí chống lại Việt Nam, vịn vào chủ nghĩa dân tộc Khờ Me đang lên. Những diễn biến này có lẽ càng tô đậm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng tại Cam Bốt, và thu hút thêm sự chú ý của công luận người Việt quốc nội lẫn quốc ngoại
Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ash Carter và tướng lãnh Hà Nội. Ảnh Reuters
Trên thực tế, rất có thể chuyến đi Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng nằm ngay tâm điểm chiếc tam giác sắt: mối giao hảo Việt Nam-Hoa Kỳ-Trung cộng. “Cuộc tình” tay 3 này không thiếu những éo le uẩn khúc của riêng nó. Thời 1950 và 60, Mao Trạch Đông chống lưng Hà Nội chống cự Hoa Kỳ và phá hoại nền Cộng Hòa tại Miền Nam VN. Sang thời 1970 và 80, Đặng Tiểu Bình về phe với Washington cô lập CSVN. Đến những năm đầu của thập niên 1990, mật ước Thành Đô với Hà Nội hợp lực với Bắc Kinh Trung Quốc “bảo vệ CNXH chống đế quốc”. Và giờ đây, nước lại đổi chiều, với Washington và Hà Nội có vẻ củng cố mối giao hảo chiến lược nhằm kềm chế mãnh lực Trung cộng.
Trong chuyến đi Hoa Kỳ vừa qua, Nguyễn Phú Trọng thậm chí đã gọi Hoa Kỳ là “địa bàn cực kỳ quan trọng” vào thời điểm này, mà không phải là Trung cộng. Phát ngôn của NPT không phải tình cờ, thiếu cân nhắc, nhất là trong bối cảnh bang giao quốc tế, 1 cách chánh thức, Hoa Kỳ và CSVN chưa có quy chế “đối tác chiến lược toàn diện”. Trong khi đó, CSVN đã thiết lập quy chế này với Nga (1-2001) và Trung cộng (5-2008). Riêng về kinh tế, từ lâu nay Hà Nội lệ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh. Số liệu năm ngoái, thương mại song phương lên trên $80 tỉ, và dự báo lên đến $100 tỉ trong năm 2017. Gần 30% lượng hàng hóa nhập cảng vào VN mỗi năm có nguồn gốc từ Trung cộng.
Một màn đấu súng nước giữa tàu Việt và Trung cộng trên Biển Đông. Ảnh Getty Images
Để tiện so sánh, giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện tại mới chỉ đạt $36 tỉ. Không phải là bất ngờ khi diễn biến chánh yếu trong chuyến đi Hoa Kỳ của NPT là hơn chục cuộc ký kết hợp đồng cộng tác lớn trên những lãnh vực kinh tế trọng yếu như hàng không, thuế, ngân hàng, năng lượng/dầu khí/điện năng, v.v… Các giao dịch thương mại với Hoa Kỳ, và viễn ảnh Hà Nội gia nhập Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương hay TPP, có thể giúp Hà Nội thoát dần gọng kìm kinh tế-chánh trị mang tên Trung cộng.
Theo thăm dò xã hội, trên 70% người Việt và người Phi hậu thuẫn giải pháp Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự tại Á Đông. Kết quả thăm dò dư luận mới đây của hãng PEW cho thấy có đến 90% người Việt muốn kết thân với Hoa Kỳ, trong khi chỉ 10% thích Trung cộng, và 40% muốn xích lại gần người Nhật. Một bí ẩn nho nhỏ nhưng có thể dự báo khá chắc chắn: cảm giác thích xích lại gần với Hoa Kỳ hẳn cũng rất… có lý đối với 1 con số không nhỏ trong số 3 triệu thành viên ĐCS. Trong số trên 16,500 sinh viên học sinh là công dân CHXHCNVN đang du học tại Hoa Kỳ, 1 số không ít là con cái của chính các thành viên ĐCSVN. Cũng hiếm thấy con cái của các sếp lớn trong ĐCSVN qua Trung cộng du học. Đa phần chọn Hoa Kỳ, hoặc chí ít cũng là Úc, Anh hay Canada.
“Bộ đội tăng thiết giáp” của Hà Nội bắt tay huấn luyện viên Hoa Kỳ. Ảnh U.S. Army Pacific Public Affairs
Cũng cần nhắc Biển Đông là 1 đề tài chánh yếu trong cuộc gặp giữa TT Obama và TBT Nguyễn Phú Trọng. Trong bản “Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung Hoa Kỳ-Việt Nam”, Washington và Hà Nội mạnh mẽ tỏ ý muốn duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không; bảo đảm không cản trở giao thương; kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng; và nhất là bác bỏ sự cưỡng ép, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực (gián tiếp nhắn nhe Trung cộng). Không ít dấu chỉ cho thấy đôi bên có thể đang điều chỉnh để đạt đến sự song hành lợi ích chiến lược khi liên quan đến Trung cộng và Biển Đông.
Sự lớn lối của Trung cộng chỉ hiệu quả đối với các lân quốc bé nhỏ, ngược lại cường lực của nó bị giới hạn nhiều một khi Hoa Kỳ dùng ảnh hưởng lẫn sức mạnh hải quân của mình tại Biển Đông. Đơn cử năm 2013, Hoa Kỳ thình lình công bố viện trợ $18 triệu giúp Hà Nội mua tàu tuần tra duyên hải. Mối cộng tác Hà Nội và Washington tăng cường cộng tác trên Biển Đông có tiềm năng trở thành yếu tố đối trọng, khắc chế tham vọng lấn lướt của Trung cộng trên biển cả. Sự việc Hà Nội bắt tay với Washington cũng có thể khuyến khích các xứ Đông Nam Á khác trong khối ASEAN như Indonesia, Malaysia, Brunei… thay phiên quay sang ký giao kết với Hoa Kỳ, cô lập Trung cộng nhiều hơn.
Đại diện hải quân CSVN chào đón Tư Lệnh chiến hạm USS Lassen Lê Bá Hùng. Ảnh US Navy
Một thực tế không khó thấy là Hà Nội chưa đủ cường lực quân sự để thách thức Trung cộng. Nếu chiến tranh nổ ra, VN khó tránh khỏi thảm bại. Một trong những tin tức gây nhiều chú ý trong chuyến đi của NPT là sự chánh thức công bố Hà Nội từ đây sẽ yểm trợ các sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Dĩ nhiên khi ra sân chơi lớn hơn, bộ đội Hà Nội sẽ cần được huấn luyện và trang bị bởi… Washington, mà không phải là Bắc Kinh hay Trung Nam Hải.
Đây chỉ là diễn biến mới nhất trong 1 loạt nỗ lực bắt tay Uncle Sam chặt chẽ hơn của Hà Nội. Suốt thập niên qua, Washington và Hà Nội đã tuần tự thiết lập nhiều bước nhằm thắt chặt quan hệ quân sự (mở hội nghị quốc phòng hỗn hợp mỗi năm, tập trận chung 1 cách hạn chế, tháo gỡ bom mìn thời chiến, viện trợ thuốc men…) Năm 2013, Hoa Kỳ quân viện Hà Nội $18 triệu để mua tàu bè tuần tra duyên hải. Sang 2014, Hoa Kỳ đã tháo gỡ một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Hà Nội. Rất có thể, trong tương lai gần, Washington sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này, thậm chí tiến tới việc mở các chương trình cộng tác chế tạo và bảo quản võ khí đặt ngay tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp giữa Obama và NPT, cái tên Trung cộng cũng không trực tiếp xuất hiện. Nhưng sự đồng thuận cùng thúc đẩy Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương hay TPP biểu hiện ý chí kéo Hà Nội khỏi sự thao túng về kinh tế của Trung cộng. Các chuyển biến trên 2 mặt thương mại lẫn quân sự, dù lớn hay nhỏ, có thể cho thấy Hà Nội tỏ xu hướng muốn nghiêng về Hoa Kỳ và Tây Phương hơn. Về lâu dài, có thể dẫn đến những thay đổi khác, có ý nghĩa hơn về phương diện chánh trị quốc gia.
NPT chứng kiến một giao kết thương mại giữa Murphy Oil Corporation và Petrovietnam. Ảnh nsrp.vn
TD