Cơ quan An toàn Giao thông (Transportation Security Agency – TSA) được thành lập sau biến cố 9/11 nhằm mục đích củng cố an ninh ở phi trường và ngăn chặn các biến cố tương tự trong tương lai. Để hiểu rõ hơn về công việc của nhân viên an ninh phi trường và những gì hành khách nên biết để tiến trình kiểm tra được nhanh chóng và dễ chịu, báo US News đã tiếp xúc với người phát ngôn của TSA và được cung cấp các dữ liệu sau đây:
Nhân viên được thử nghiệm thường xuyên
Ngoài việc được huấn luyện mấy tuần lễ trước khi bắt đầu làm việc, nhân viên TSA còn được thực tập tại chỗ thêm một tháng với các viên chức, và được thử thách hàng ngày. Kỹ thuật tân tiến buộc họ phải giữ cho khả năng được sắc bén và đôi mắt tinh tường đối với các mối nguy có thể xảy ra.
TSA cung cấp tài liệu giúp bạn làm nhanh thủ tục
Mỗi mùa trong năm, TSA cung cấp một check list để hành khách chuẩn bị trước khi ra phi trường. Vào mùa hè chẳng hạn, danh sách này cho biết khóa hành lý phải phù hợp theo tiêu chuẩn, không được mang theo pháo, phải có thẻ ID và boarding pass sẵn sàng trước khi vào khu kiểm tra.
My TSA app là một áp dụng hữu ích cho điện thoại khi cần biết về các thủ tục và ngày giờ của chuyến bay có chậm trễ hay không.
Biết tuân giữ luật 3-1-1 sẽ giúp dễ dàng cho bạn
Luật này liên quan đến các chất lỏng, gel, aerosol (keo xịt), cream hoặc paste được mang theo trong túi: chai lọ chứa chỉ được bằng 3.4 oz hay nhỏ hơn, đựng trong bao plastic cỡ 1 quart có zip lock. Không chỉ áp dụng cho dụng cụ vệ sinh cá nhân mà còn với những vật phẩm khác, như peanut butter chẳng hạn. Tất cả những chất lỏng hoặc gel nào bạn có thể phết ra được, xịt được, đổ ra được, bơm được, đều phải để trong bao plastic.
Họ không muốn làm chậm bạn
Họ chỉ muốn bạn qua trạm kiểm soát từ 2 đến 5 phút chứ không muốn bạn phải ở đó lâu hơn. Điều cần là bạn phải chuẩn bị: đi giày dễ tháo ra khỏi chân, đến phi trường sớm, áp dụng check list và tuân theo chỉ dẫn của nhân viên.
Bạn có quyền quyết định về những vật bị cấm
Trong trường hợp bạn có vật cấm, như con dao trong túi xách, TSA không tịch thu hoặc vất bỏ, mà bạn có thể mang trở ra xe hoặc đưa lại cho người không đồng hành, nếu còn đủ thì giờ để làm chuyện đó. Nhưng cũng có một số tiểu bang coi những vật đó là bất hợp pháp và cảnh sát sẽ tịch thu.
TSA điều hành các vật dụng “mất và tìm được”
TSA tiếp xúc hàng ngày với khoảng 2 triệu hành khách, nhiều người vội vã cho kịp chuyến bay nên vô ý bỏ quên lại đồ vật tại trạm kiểm soát mà không biết là TSA thu thập các vật dụng bỏ quên đó và lập danh sách đàng hoàng. Kiếng mát, dây thắt lưng, tiền lẻ, áo khoác, nón, mũ… là những đồ thường bỏ quên lại, nhưng cũng có những vật dụng thật khó tin mà hành khách quên được như đàn guitar, laptop, tablet, ngay cả đồng hồ nạm hột xoàn nữa…
Những đồ bỏ quên đó được dán nhãn ghi ngày và nơi thu được, xếp theo loại để dễ cho hành khách khi kiếm tìm. Các vật dụng bỏ quên được lưu giữ 30 ngày, sau đó tiểu bang tiếp nhận để vào kho thặng dư hoặc bán trên mạng. Chỉ có tiền lẻ là TSA giữ. Năm 2014 họ thu được tổng cộng đến $670,000; số tiền không ai tìm lại được sung vào quỹ điều hành.
Nếu bạn để quên đồ vật tại trạm kiểm tra của TSA, có thể vào trang mạng để tìm cách tiếp xúc với nhân viên điều hành và làm thủ tục nhận lại. Nếu để quên nơi khác, như tại phi trường, tại cửa, thì liên lạc với nhân viên của phi trường.
Nhân viên TSA đương đầu với thử thách
Các thử thách mà họ đối mặt gồm đủ tình huống, từ lượng hành khách khổng lồ trong mùa lễ, đến những trẻ em sợ hãi thất thần khi qua máy rọi, mà luôn luôn phải chú tâm để phát hiện ra những mối đe dọa có thể xảy ra, không được sơ hở hoặc một lần thất bại.
Công tác khó khăn nhất là giúp những người thiếu kinh nghiệm vì không thường di chuyển bằng đường hàng không, sao cho họ được kiểm tra nhanh chóng và hữu hiệu, không làm chậm trễ những hành khách khác, đồng thời duy trì được một môi trường bình lặng để mọi người an tâm.
Một điều thường xảy ra là hành khách hay bị hồi hộp, thiếu bình tĩnh. Lời khuyên của TSA: Bạn cứ thư giãn và hiểu rằng nhân viên TSA làm phận sự là để giúp bạn chứ không để làm khó dễ.
HV