Tháng 8, với người Việt chúng ta, đánh dấu sự ra đi của hai nhà thơ yêu dấu. Nguyễn Bắc Sơn vừa mới đây thôi, sáng ngày 4 tháng 8. 2015 ở Phan Thiết. Còn Nguyễn Tất Nhiên thì đã ngoài 22 năm, vào ngày 3 tháng 8. 1992 trong một hoàn cảnh tuyệt vọng ở một ngôi chùa vùng Nam California.
Nguyễn Tất Nhiên, tên thật Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại xã Bình Trước, quận Châu Thành Biên Hòa.
Học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ và thơ được bạn bè khen là rất hay. Trong tập đầu với bạn là Đinh Thiên Phương, Nhiên lấy bút hiệu Hoài Thi Yên Thi.
Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và đây là một mối tình vô vọng vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Dù vậy, tên Duyên cũng đã là cảm hứng cho Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ “Khúc tình buồn”, hay các bài “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”, “Linh mục”, “Em hiền như ma sơ”.
Mối tình vô vọng với Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ làm người đã tạo nên phong cách thơ Nhiên.
Giai đoạn từ năm 1971 trở về sau
Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công. Cho đến khi thơ Nhiên được một số thầy giáo gửi đăng báo Sáng Tạo của Mai Thảo; rồi Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy đó mà phổ nhạc thì mới bắt đầu nổi tiếng.
Vào khoảng năm 1972 hoặc 1973, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ vào trường Võ khoa Thủ Đức. Tuy nhiên mới vào Trung Tâm 3 Quang Trung, đã được cho thôi về vì lý do tâm thần bất ổn.
Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước. Năm 1980, định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Mỹ sống ở Quận Cam. Nguyễn Tất Nhiên kết hôn với Minh Thủy, có với nhau 2 con trai.
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy anh nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California.
(theo Wikipedia tiếng Việt)
Thơ của Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng với những tác phẩm viết về tuổi trẻ, bằng cách đào sâu cảm xúc, suy tưởng về tình yêu và đời người. Anh thổi một làn gió mới vào thơ Việt Nam với đầy những ý tưởng ngông cuồng, kỳ lạ.
Do đó Thơ Nhiên được đón nhận như một hiện tượng. Và với sự quan tâm của các nhạc sĩ nổi tiếng lúc ấy như Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, những dòng thơ độc đáo đã được phổ biến hầu khắp, được nhiều giới yêu thích.
Tác phẩm đã in:
– Nàng thơ trong mắt (thơ, Biên Hòa, 1966, cùng với Đinh Thiên Phương)
– Thiên Tai (Thơ, 1970)
– Thơ Nguyễn Tất Nhiên (thơ góp nhặt từ 1969-1980, nhà xuất bản Nam Á – Paris in lần đầu tiên năm 1980)
– Những năm tình lận đận (tập nhạc 1977-1984, nhà xuất bản Tiếng Hoài Nam, Hoa Kỳ 1984)
– Chuông mơ (Thơ từ năm 1972-1987, nhà xuất bản Văn Nghệ – California, 1987)
– Tâm Dung (thơ, Người Việt 1989)
Sau đây, để tưởng niệm người thi sĩ tài hoa yểu mệnh, mời các bạn yêu thơ đọc lại vài bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên.
SAO KHUÊ
Cô bắc kỳ nho nhỏ
Ðôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn anh rất … Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Ðể anh đừng uổng mớ tình si
Anh vái trời cho cô thích mộng
Ðể anh ngồi kể chuyện nằm mơ
“Ðêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò “
Anh chắc rằng cô sinh trong nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng?
Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng
Anh vái trời cho cô dửng dưng
Coi như Hà Nội – xứ hoang đường
Ðể anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương
Anh vái trời cô thích cải lương
“Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn”
Mốt mai thê thảm quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan
Ðôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô nhớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà hãy nhìn anh cay lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương
(1973)
Hai năm tình lận đận
1.
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Mùa đông, hai đứa lạnh
Cùng thở dài như nhau
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng hư hao
Em không còn thắt bính
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn luýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư
Hai năm tình lận đận
Hai đứa đành xa nhau
Em vẫn còn mắt liếc
Anh vẫn còn nôn nao
Ngoài đường em bước chậm
Trong quán chiều anh ngóng cổ cao
2.
Em bây giờ có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ
Xin làm người tình thua
Chuông nhà thờ đổ mệt
Tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
Rơi xuống trần gian mưa
Dù sao thì Chúa cũng
Một thời làm trai tơ
Dù sao thì Chúa cũng
Là đàn ông… dại khờ
Anh bây giờ có lẽ
Thiết tha hơn tín đồ
Nguyện làm cây thánh giá
Trên chót đỉnh nhà thờ
Cô đơn nhìn bụi bặm
Làm phân bón rêu xanh
Dù sao cây thánh giá
Cũng được người nhân danh
3.
Hai năm tình lận đận
Em đã già hơn xưa!
(1972)
Khúc tình buồn
1.
Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
2.
Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng
(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
(1970)
Đinh Cường