Menu Close

Được tin Ba

Tôi xa Mẹ, chỉ khóc đúng bốn ngày thì ngưng. Anh Hai với Chị Ba khóc đòi Mẹ bốn tuần thì dứt. Nhưng trong lòng, đứa nào cũng nghĩ tới Mẹ và mong Mẹ.

Dì Thơ chật vật xoay xở để lo cơm nước và tã sữa mỗi ngày cho ba chúng tôi. Dì Thơ sốt ruột, không biết hai lon sữa này đủ để tôi bú được bao lâu, vì tiền thì đã hết. Gạo trong lu đã gần cạn. Dì không biết lấy gì để cho anh chị tôi ăn. Lòng Dì rối beng. Ðêm đêm, sau khi ba đứa chúng tôi ngủ, Dì cứ nhìn chúng tôi mà thở dài. Dù chúng tôi có làm Dì cực tới đâu, Dì cũng không ngại, vì Dì mê con nít và thương cháu. Mười mấy đứa cháu trong nhà, đứa nào cũng qua tay Dì. Lúc tôi bốn tuổi, đứa con giữa của Cậu Giáo chết non, một tay Dì ẵm bồng nó từ bệnh viện về, tẩm liệm và lo lễ tang cho nó. Bữa đó, Dì khóc hết nước mắt.

Tôi dễ nuôi cũng làm Dì lo, vì tôi không quấy, không khóc. Dì cứ canh giờ cho tôi bú. Tôi không đòi bú, như thể không bao giờ biết đói. Nhà quạnh quẽ, dù có tới bốn người, trong đó có tới ba đứa con nít đang tuổi mau lớn và đùa nghịch. Dì Thơ cứ lo ngay ngáy trong lòng là vì nếu tôi không khóc không quấy, sợ sau này tôi sẽ không biết nói. Dì học luật, nên không rành về kiến thức nhi khoa để làm bác sĩ cho tôi, mà tôi cũng không có bác sĩ nhi đồng. Ðứa trẻ nào bệnh ngặt nghèo lắm thì được nhập viện – cái bệnh viện co rút ở trên Cầu Muối, gần Cầu Long Chánh, phía trên chợ một chút. Không có chuyện đi khám định kỳ.

Mẹ đưa tôi về nhà được một tuần thì Ông Ngoại nóng ruột, đạp xe đòn gánh xuống thăm mấy Dì cháu. Thấy Ông Ngoại, anh chị tôi mừng rơn. Ông Ngoại mở nả đệm, lấy trái cây vườn nhà và mấy đòn bánh tét thơm phức Bà Ngoại gói, đưa cho anh chị tôi. Thấy đồ ăn ngon, anh chị tôi xúm nhau ăn, vì cả mấy tháng rồi, ít khi được ăn đồ ăn nhà Ngoại như hồi trước khi đổi đời, Ba Mẹ hay chở về Ngoại chơi. Bà Ngoại làm bánh tét chuối ngon nhất trên đời, không ai sánh bằng. Mười mấy đứa cháu, đứa nào cũng mê món này của Ngoại, và mê luôn không biết bao nhiêu món ăn hấp dẫn khác mà chỉ Ngoại biết nấu. Hồi đó, Ngoại hay làm bánh mứt và nấu món này món nọ cho cả nhà ăn. Tới mùa hè là cả mười mấy đứa xúm về, tắm ao, lội sông, trèo cây hái trái, chơi mệt thì chạy vô, Ngoại đã nấu sẵn đồ ăn ngon. Mùa hè đầu tiên, ngay sau cuộc đổi đời, không đứa nào được về Ngoại, nhớ nhau, nhớ những trò vui, và nhớ hương vị thơm tho của những bữa cơm đặc sản Ngoại nấu.

Anh Hai ăn trái ổi núm được phân nửa thì nhớ ra, lựa một trái thiệt lớn, đã ửng vàng, đem tới mời Dì Thơ. Mẹ hay dạy, mỗi khi ăn uống, luôn nhớ mời người lớn trước, và khi ăn chung với Ông Bà Ngoại, thì nhớ nhường phần ngon cho Ông Bà, dù Ông Bà Ngoại cũng thường gắp miếng ngon cho cháu khi cả nhà ăn cơm chung. Anh Hai lỡ thèm ổi quá, nên mới quên, ăn hết nửa trái rồi mới nhớ lời Mẹ dạy. Dì Thơ thấy cháu hiếu thảo, kéo Anh Hai vào lòng, siết một cái. Chị Ba ngồi ở một góc, tận hưởng trái ổi núm mà từ bữa Mẹ cộ ba đứa lên Ngoại hơn hai tuần trước tới giờ, Chị mới được ăn.

Ông Ngoại thấy tôi ở nhà thì chưng hửng, nhưng Dì Thơ giải thích là Mẹ mới đưa tôi về một tuần nay vì ông thanh tra không cho tôi ở trường. Ông Ngoại nổi giận:

– Không có sữa mẹ thì con nhỏ lấy gì mà sống!

Dì Thơ kể cho Ông Ngoại nghe chuyện đi mua hai lon sữa mất hết tờ giấy bạc cuối cùng. Ông Ngoại lắc đầu:

– Ðám ăn cướp. Nó cướp từ nhà cửa, sinh mạng, trí tuệ người ta cho tới miếng cơm, manh áo. Ngay cả đứa con nít cũng không yên!

Ông Ngoại thò vô túi quần, lấy ra cái khăn tay cuộn tròn đưa cho Dì Thơ:

– Má tụi bây gởi nè. Ðể dành lo cho mấy nhỏ. Con cũng phải lo ăn uống cho đầy đủ. Con sanh bịnh, thì mấy đứa nhỏ không biết làm sao. Má có gởi mấy con cá lóc với giỏ rau Dì Út sắp nhỏ hái ngoài gò. Còn nửa giạ gạo thơm này, con nấu cho mấy nhỏ ăn. Tội nghiệp, làm sao tụi nó nuốt nổi thứ gạo mốc họ bán theo hộ khẩu! Chó còn không ăn nổi.

Thấy anh chị tôi ngồi bệt trên sàn đất ăn ngon lành, Ông Ngoại biểu Dì Thơ đưa tôi cho Ông ẵm, rồi chắc lưỡi, hỏi tôi:

– Sao không lựa ngày lựa tháng, lựa nơi lựa chỗ, mà sanh ra cái thời này, khổ quá vậy con?

Lúc đó, Ông Ngoại mới nhìn quanh nhà. Ông giật mình lần nữa:

– Chị mày bán hết bàn ghế giường tủ để ăn hay sao mà nhà trống hốc vậy Thơ?

– Dạ, chị con nói bị người ta tịch thu hết. Gạch bông người ta cũng cạy lên, đem đi đó Cha.

Lúc đó Ông Ngoại mới nhìn xuống đất, thấy nền nhà loang lổ thì lắc đầu:

– Rồi con với mấy đứa nhỏ ngủ ở đâu?

– Hồi trước, chị con gom gạch vụn rồi trải chiếu, mấy mẹ con ngủ với nhau. Con cũng làm vậy.

Ông Ngoại không nói gì, vừa bồng tôi, vừa rảo bước quanh nhà. Rồi Ông nói với Dì Thơ:

– Ðể Cha về, đóng cái sạp tre cho mấy đứa nhỏ ngồi ăn cơm. Còn giường thì lấy bớt cái trong buồng của hai đứa bây. Con Hiền ngủ trên cái ván ở nhà dưới cũng được. Ðể Cha mướn xe lôi đạp chở xuống.

Ông Ngoại đưa tôi cho Dì Thơ, rồi như vừa nóng lòng muốn trở về nhà để đóng cái sạp tre cho chúng tôi, vừa không chịu nổi cảnh tan tác từ nhà tới người này, Ông Ngoại xoa đầu anh chị tôi, rồi nói:

– Ông Ngoại về nghe. Ít bữa Ông Ngoại xuống thăm mấy đứa.

Có gạo ngon và cá tươi, Dì Thơ lẹ làng đi nấu cơm để cho anh chị tôi được một bữa no. Anh Chị còn mải mê ăn ổi và bánh tét, quên hết mọi sự trên đời. Dì Thơ kiếm cái lu nhỏ, rộng mấy con cá vô để dành ăn từ từ. Cá lóc dễ sống, rộng trong lu cả tháng cũng được, miễn là thay nước thường xuyên. Dì Thơ ngồi lặt rau mà rơm rớm nước mắt, thương cháu lâu rồi mới được bữa cơm ngon, nhớ má nhớ em ở quê nhiều công việc mà thiếu mất một người. Tôi nằm trên tấm chiếu, nghe mớ gạch vụn trăn trở.

Ba bữa sau, Ông Ngoại đạp xe đòn dông theo ông xe lôi xuống lần nữa. Thời đó, xe lôi rất thịnh hành, vì chở được nhiều người và đồ đạc. Xe gồm một cái thùng có hai bánh ở dưới, và một cái bệ có móc sắt để móc vào yên của chiếc xe đạp đòn dông. Xe không có mui. Khi không chở khách, thì chủ xe có thể gỡ thùng xe ra, lấy xe đòn dông mà đi việc riêng. Một lần có thể chở tới sáu người, vì thời đó ai cũng ốm nhom, ba người phía sau, hai người ngồi ở giữa, thêm một người ở cái bệ. Ông Ngoại tháo cái giường ra để chất lên xe lôi, rồi cột cái sạp tre lên yên sau của xe mình. Tới sân trước nhà chúng tôi, Ông Ngoại phụ ông lái xe lôi lấy đồ đạc xuống, rồi hối hả vác vô nhà. Anh Hai chị Ba hớn hở mân mê cái sạp tre. Mùi tre mới thơm tho, thanh tao, như đưa không gian êm đềm của miền quê về trong căn nhà đổ nát. Từ nay, không phải ăn dưới đất, ngủ trên đá nữa rồi. Ông Ngoại trả tiền cho ông xe lôi rồi ráp giường lại cho chúng tôi, để ở phía trong nhà, gần vách sau. Ông đưa mấy giỏ đồ ăn cho Dì Thơ:

– Má con không biết chừng nào Cha mới xuống nữa, nên gởi thêm cá khô và tôm khô cho mấy nhỏ. Còn con gà này, xào sả cho ba dì cháu ăn nghe. Má có để mấy tép sả với ớt tươi sẵn trong đó.

Dì Thơ đem đồ ăn đi cất. Ông Ngoại cho ba anh em lên nằm thử giường mới. Anh Hai cười tươi rói:

– Giường êm quá, Ông Ngoại ơi! Chắc tối nay, con không ngủ được!

– Sao vậy con? Có giường êm thì phải ngủ ngon chứ nè!

– Tại êm quá, chắc con chưa quen.

Chị Ba đỏ đẻ:

– Con ‘nhủ’ (ngủ) liền! Con quen liền mà! Anh Hai ‘hờ’ (khờ) ‘vá’ (quá)!

Ông Ngoại thấy hai đứa cháu thích thú với cái giường mới thì thương, nói nhỏ:

– Hai đứa cháu của tui ngoan quá! Ðể Ông xuống thăm tụi con thường nghe.

– Nhớ nghe Ông Ngoại! Ông Ngoại nhớ xuống thường nghe!

Nghe Anh Hai nói vậy, Chị Ba mặc cả:

– Ông ‘Quại’ (Ngoại) có đi thăm Mẹ con luôn hum? Cho con theo nữa…

Ông Ngoại gật đầu, rồi đứng lên đi về. Nhắc tới Mẹ, Ông Ngoại lại nặng lo, nhưng không biết làm gì. Bây giờ, không có Dì Thơ ở trên ruộng, Ông Bà Ngoại và Dì Hiền phải làm việc nhiều hơn để kịp mùa lúa, mùa khoai. Dì Thơ dành dụm tiền Bà Ngoại cho để mua sữa cho tôi, vì phải sáu tuần sau khi Mẹ đưa tôi về, chúng tôi mới nhận được tiền lương tháng đầu Mẹ gởi. Một tháng rưỡi trời, Dì phải đi mua sữa bốn lần, mà lần nào cũng phải có ‘thủ tục đầu tiên’ thì cô bán hàng mới cho mua lon sữa đặc có đường với giá đặc biệt. Mỗi lần đi mua sữa là Dì Thơ nhăn mặt rát ruột vì mất một tờ giấy bạc lớn, nhưng không có cách gì hơn. Cứ hai ba tuần, Ông Ngoại lại xuống thăm nuôi chúng tôi, và hỏi thăm tin tức về Mẹ, mà chính chúng tôi cũng không biết. Một lần, Ông than:

– Tội nghiệp! Mấy đứa nhỏ có tội tình gì, mà có cha mẹ cũng bằng mồ côi!

Ðầu tháng Mười Một, lúc Mẹ còn đang đi dạy ở vùng kinh tế mới, cả nhà được tin Ba lần đầu tiên sau bảy tháng ròng rã tìm kiếm. Ông Ngoại tìm ra Ba ở trại cải tạo Hàm Tân. Hôm đó, tình cờ ông gặp lại người bạn kháng chiến cũ ở tiệm hớt tóc. Ông ta nói, có đứa cháu làm việc trên đó về thăm nhà, kể lại đã gặp Ba đi làm rẫy ở trong trại. Ổng hứa lần sau nó về, sẽ cho Ông Ngoại gởi đồ ăn khô cho Ba. Nhưng chúng tôi không có cách gì nhắn tin cho Mẹ biết đã tìm ra Ba. Mẹ phải chờ thêm ba tháng nữa mới biết tin Ba khi Mẹ về thăm nhà dịp Tết. Mẹ lại phải đợi thêm năm tháng nữa khi được nghỉ dạy mùa hè và xin giấy phép đặc biệt để đi thăm nuôi Ba. Ba Mẹ không được gặp nhau cả năm trời, trong khi có rất nhiều thay đổi lớn xảy đến cho gia đình chúng tôi.

Trong nhiều cách, Ba Mẹ cùng ở trên một con đường: con đường bị đày về vùng kinh tế mới. Mẹ cũng bị kiểm soát như Ba, nhưng Mẹ không phải sống trong trại giam chính thức và phải lao động khổ công mỗi ngày từ sáng sớm tới chiều tối như Ba, dù Mẹ phải đi lao động thí công mỗi tuần ngày Chúa Nhật.

Anh Hai và Chị Ba đã thôi không thắc mắc chừng nào Ba mới về, vì cả hai đã quên mặt Ba, và không thiết hỏi nữa vì hỏi đã bảy tháng trời rồi mà không ai biết chừng nào Ba mới về. Mẹ cũng đi mất tiêu, không biết khi nào mới về nữa.

TGT