Ðang buổi kinh tế èo uột, thị trường tài chánh cù cưa, hôm nóng hôm lạnh, người thế giới tất nhiên không an tâm, và khi băn khoăn thì họ giữ chặt túi tiền, không tiêu xài thoải mái nữa. Nhưng cái sự “tiết kiệm” kia có phải là một điều tốt hay không thì chưa ai có thể khẳng định.
Theo kết quả từ cuộc trưng cầu ý kiến của tạp chí Time, 41% số người tham dự nói rằng họ không có đến 500 Mỹ kim phòng hờ lúc hữu sự. Nôm na là lúc cần đến tiền, những người này rỗng túi. Một sự kiện đáng kể khác, bài tường trình của Tổng Nha Ngân Khố (Federal Reserve) công bố rằng chỉ có 52% cư dân Huê Kỳ tiết kiệm tiền bạc (số tiền kiếm được nhiều hơn số tiền tiêu xài). Ðây là con số thấp nhất từ 20 năm qua. Ngoài ra, khoảng 49% các nóc gia thường xuyên để dành tiền. Nói giản dị, các con số kia cho thấy rằng dân Mỹ không tiết kiệm tiền bạc như ta tưởng và nguyên nhân từ đâu? Các chính sách tài chánh của chính phủ có dính dáng chi đến việc người dân không [chịu] tiết kiệm tiền bạc?
Dĩ nhiên là có rất nhiều lý do để người Huê Kỳ không thể tiết kiệm, nền kinh tế của quốc gia này vẫn còn chật vật, người khôn của khó nên đa số cư dân không thể tiết kiệm mà đành làm đồng nào xào đồng đó. Khi các chuyên viên kinh tế hì hục cộng trừ nhân chia, tính toán tỷ lệ lạm phát thì họ phát giác ra rằng lương bổng thay vì gia tăng lại từ từ đi xuống!
Con số chính thức từ Bộ Lao Ðộng cho thấy lương công nhân Hoa Kỳ đã giảm 1.3% kể từ hai năm nay.
Lý do? Sự phục hồi một cách “khấp khểnh” của nền kinh tế: Lợi tức của nhóm người giàu có (20% có lợi tức cao nhất, “top earners”) gia tăng trong khi lợi tức của nhóm trung lưu lại tuột dốc. Tệ hại hơn nữa, một gia đình Mỹ điển hình đã chịu thua lỗ, mất mát 39% tổng số tài sản trong thời gian 2007-2010 (trị giá của những món tiền để dành đã mất gần nửa trong vòng 3 năm)! Nói giản dị là giới giàu thì giàu có hơn, giới trung lưu nghèo đi và người nghèo thì không còn gì cả!
Ngoài sự thua lỗ khi dành dụm kể trên, dân Huê Kỳ còn loay hoay chưa biết làm thế nào để đầu tư số tiền đã tiết kiệm được. Làm thế nào để nuôi con gà đẻ trứng vàng hầu sửa soạn cho những ngày xế chiều, không còn đi làm nữa?
Hiện nay, mức lãi suất từ trương mục tiết kiệm đang hồi thấp nhất. Nha Ngân Khố Hoa Kỳ thực thi chính sách hạ lãi suất tiết kiệm để rủ rê bá tánh tiêu xài. Có mua bán thì đồng tiền mới luân lưu, mới kích thích nền kinh tế mệt mỏi. Lãi suất thấp là một lý do khác khiến bá tánh càng ngần ngại không muốn để dành tiền.
Chưa hết, luật thuế má cũng không có lợi cho việc tiết kiệm, lợi tức kiếm được từ các món tiền tiết kiệm cũng bị đánh thuế nặng nề.
Nói chung, nhiều yếu tố khiến bá tánh không muốn để dành tiền nữa: mức lạm phát hiện nay khoảng 2%; trung bình, lãi suất tiết kiệm ngắn hạn (1 năm) là 0.7%; và người để dành phải đóng thuế trên lợi tức của món tiền tiết kiệm kia. Kết quả là sau khi dành dụm gửi ngân hàng, người tiết kiệm chịu thua lỗ! Nhận thấy sự mất mát ấy, không mấy ai muốn tiết kiệm nữa, vì cuối cùng cũng vẫn nghèo thì để dành làm chi?
Gửi tiền trong trương mục tiết kiệm tại ngân hàng là một cách đầu tư thua lỗ. Mua công khố phiếu (bond) cũng chẳng khấm khá gì hơn. Lãi suất từ công khố phiếu dài hạn hiện nay khoảng 3% (trong khi tỷ lệ lạm phát là 2%); như thế mua công khố phiếu chỉ giúp ta chạy trước mức lạm phát khoảng nửa bước!
Những người chịu ăn thua, có chút máu đen đỏ, có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán, mua các loại cổ phần có lãi suất cao. Luật thuế má có thể sẽ khiến những món lợi tức này không còn hấp dẫn nữa. Từa tựa như việc đánh bạc, thắng thì chính phủ đánh thuế thẳng tay, nhưng thua thì ráng chịu. Ðây có thể là cách đầu tư dài hạn cho những người còn trẻ tuổi, tiếp tục làm ăn trong 20 -30 năm kế tiếp; không phải là cách đầu tư cho những người tính chuyện về hưu và muốn gia tăng quỹ hưu trí.
Những tay phân tích tài chánh đều đồng thuận rằng chính phủ giữ một vai trò quan trọng trong việc kích thích kinh tế qua các chính sách thuế má, lãi suất tiết kiệm. Chính phủ có thể tăng thuế để thu thêm tiền cho ngân quỹ nhưng cần tránh những chính sách gây chán nản, làm ngã lòng những người muốn tiết kiệm. Tài sản của tư nhân cộng chung thành tài sản quốc gia!
Có một điều lạ là khi kết luận (dù không đi đến một lời cổ võ chính xác nào mà các tay phân tích tài chánh kia chỉ nói “tùy theo mức chịu đựng của từng cá nhân mà đầu tư”), các bài báo về kinh tế tài chánh đều cung cấp một số chi tiết về cách tiết kiệm, sao cho đủ tiêu xài khi ngưng việc làm ăn. Và các chi tiết này bao gồm:
– Bắt đầu lúc 15 tuổi, ta sẽ cần tiết kiệm 8% lợi tức hàng năm cho đến suốt đời.
– Bắt đầu lúc 20 tuổi, ta sẽ cần tiết kiệm 11.1% lợi tức hàng năm cho đến suốt đời.
– Bắt đầu lúc 25 tuổi, ta sẽ cần tiết kiệm 15.4% lợi tức hàng năm cho đến suốt đời.
– Bắt đầu lúc 30 tuổi, ta sẽ cần tiết kiệm 21.4% lợi tức hàng năm cho đến suốt đời.
– Bắt đầu lúc 35 tuổi, ta sẽ cần tiết kiệm 30.1% lợi tức hàng năm cho đến suốt đời.
– Bắt đầu lúc 40 tuổi, ta sẽ cần tiết kiệm 43.2% lợi tức hàng năm cho đến suốt đời.
Theo cách chiết tính của công ty tài chánh Fidelity kể trên, bắt đầu để dành càng trễ thì càng khó, vì sẽ phải thắt lưng buộc bụng ráo riết hơn vào tuổi trung niên. Họ lý luận rằng khi lợi tức, sau thuế, ở mức 100 ngàn Mỹ kim hàng năm, ta sẽ phải tiết kiệm một nửa để đến lúc 65 tuổi, có thể về hưu với mức lợi tức là 50 ngàn Mỹ kim, số tiền tiết kiệm kể trên?!
Một bản chiết tính khác, cách tính toán khác chút đỉnh nhưng kết quả cũng từa tựa như nhau:
– Ở tuổi 35, trương mục tiết kiệm cần có một số tiền tương đương với mức lợi tức hàng năm.
– Ở tuổi 45, trương mục tiết kiệm cần có một số tiền lớn gấp ba lần (3X) mức lợi tức hàng năm.
– Ở tuổi 55, trương mục tiết kiệm cần có một số tiền lớn gấp năm lần (5X) mức lợi tức hàng năm.
– Ở tuổi 67, khi về hưu trí, trương mục tiết kiệm cần có một số tiền lớn gấp tám lần (8X) mức lợi tức hàng năm.
Ðây là các bài phân tích chung chung cho đa số người Huê Kỳ dựa theo cách sống và cách tiêu xài của họ. Với người Á Ðông ta, khi về hưu trí, các nhu cầu tiêu xài hầu như đã mất hẳn? Việc chưng diện, quần áo, thời trang hay nhu cầu có nhà cao cửa rộng không còn cần thiết nữa? Và các món tiền tiết kiệm kia hẳn là không mấy quan trọng vì biết dùng vào việc gì?
Ðọc các bài nghị luận, phân tích tài chánh xong, Dế Mèn băn khoăn quá, bức tranh kinh tế kia rối mù, biết đàng nào mà mò, thẳng tay tiêu xài, kiểu Trời sinh Trời dưỡng, hay tiết kiệm phòng khi bão kinh tế lớn cỡ Sandy thổi qua?
TLL