Như chuyên mục đã tóm lược về bi kịch một gia đình gốc Việt tại Canada trong số báo kỳ trước, câu chuyện về Jennifer Pan- từ một cô bé tài năng, học giỏi và ngoan ngoãn đã trở nên sa sút học vấn, xáo trộn tinh thần trước những áp lực nặng nề và kỳ vọng mà cha mẹ mình đã đặt ra, để rồi phẫn trí thuê những sát thủ hạ sát chính cha mẹ ruột của mình, vụ án mạng gây xôn xao không phải vì tính chất vô nhân tính, tàn bạo hay dã man như những vụ giết người khác, mà nó là một bi kịch đến từ hệ lụy một cách giáo dục con cái nghiêm khắc nhưng khá phổ biến trong nhiều gia đình Á Đông. Chuyên mục một lần nữa quay lại đề tài này qua sự trích dịch suy nghĩ của một số thanh thiếu niên gốc Á Đông đã chia sẻ bên dưới bài báo có tựa đề Jennifer Pan’s Revenge (Sự báo thù của Jennifer Pan) đăng trên tờ Toronto Life, với mong ước các bậc phụ huynh sẽ để tâm suy nghĩ hơn về cách giáo dục cùng mối quan hệ của mình với con cái.
Đinh Yên Thảo
chuyển dịch
Rahman: Tôi hiểu cái không khí gia đình mà Jennifer đã sống. Tôi là người Á Đông có cha mẹ kiểu Á Đông đặc trưng. Ba tôi rất nghiêm khắc và cứ bắt tôi học toán. Thật ra tôi giỏi toán cho đến khoảng lớp 8, nhưng ngày càng sa sút cái môn mình giỏi nhất này. Lý do là ba tôi không phải thầy giáo giỏi, cứ mỗi khi tôi không giải được bài toán nào đó là ông la hét, đánh tôi. Nó xảy ra hàng ngày đến độ ngồi vào học là đầu óc tôi chỉ nghĩ đến chuyện làm sao đừng bị la, đừng bị đánh. Tôi bắt đầu che giấu, nói dối về điểm, về việc học sa sút ở trường của mình để đối phó. Cách dạy của ông không chỉ làm tôi học sa sút mà còn ảnh hưởng đến các yếu tố xã hội khác. Tôi hết dám dẫn bạn học về nhà chơi vì sợ cha mẹ mình cứ dò la, gạn hỏi bạn bè tôi về việc học của tôi ở trường…
Thú thật là áp lực việc học của con cái gia đình Á Đông quá là lớn. Không được sai, không được rớt, không được điểm thấp. Tôi thấy hầu hết tất cả những cha mẹ Á Đông mà tôi biết đều quan tâm đến việc học của con chứ không hề để tâm gì đến việc gầy dựng cá tính, nhân cách cho chúng tôi. Tôi biết một sinh viên y khoa rất giỏi, anh luôn đứng đầu lớp từ nhỏ cho đến khi vào đại học, đến năm thứ ba y khoa thì anh ta bị xếp hạng nhì nên đã tự tử. Bởi cha mẹ đặt nặng việc học lên đầu và chỉ muốn con cái đứng hạng nhất bằng mọi giá nên tôi thấy nhiều người tìm mọi cách để đứng đầu, họ xạo, dối trá, gian lận để được đứng đầu. Cái thái độ của nhiều người thiệt đáng sợ: thô lỗ, ích kỷ, chỉ biết có mình.
Đôi lúc trong những chuyện động trời như vậy thì chúng ta rúng động khi có người làm những việc quá tội lỗi vậy. Nhưng hãy nhìn kỹ người đó để có thể hiểu được câu chuyện. Jennifer chỉ là cô gái chẳng kham nổi những gì khác. Cô sụp đổ vì áp lực và kỳ vọng liên tục mà cha mẹ mình đặt lên, để rồi làm điều khó mà tưởng tượng được. Tôi không nói Jennifer đã làm đúng, rõ ràng là quá sai, nhưng cha mẹ cô cũng đóng vai trò không nhỏ trong vụ này. Đi đến nhiều quốc gia, nhìn thấy trẻ em trong nhiều cấu trúc xã hội ở nhiều quốc gia, nói thật đã cho tôi kết luận rằng, nhiều cha mẹ Á Châu không có khả năng nuôi dạy con mình đúng cách.
Dạy con làm homework – nguồn desiree.qin
HoosierDaddy: Sự thật là các phụ huynh Châu Á ép con cái mình quá mức. Tôi học chung trung học với một học sinh Á Đông rất là giỏi, mà về sau thì nghe nói là trong năm đầu đại học anh ta bị suy sụp tinh thần rất nặng nề. Dù cũng ra trường, có được bằng cấp nhưng đó là một cuộc đời đầy áp lực chẳng vui thú gì.
Mustasim Ahmed: Cuộc đời là con đường hai chiều. Một số cha mẹ Á Đông không hiểu điều đó. Họ muốn có đồ nhả ra mà không bỏ gì vào, ví dụ như sự khuyến khích con cái, nhận thức về sự giới hạn của con cái, thời gian cho gia đình, cho nhau… Tôi sang đây từ lớp 8 và ba mẹ tôi cũng muốn tôi học điểm cao nhưng rồi họ cũng nhận ra tôi cũng là con người. Họ bảo tôi “đừng quá lo”, “cố gắng hơn tí”. Đó là kiểu cha mẹ đúng nghĩa, không phải những người đối xử với con cái mình như cái máy rút tiền ATM.
Disqus_DcCjQ2ugAk: Tôi cảm thấy thật sự bàng hoàng sau khi đọc bài báo này. Tôi thấy tội nghiệp cho cha mẹ Jennifer, nhưng tội nghiệp cho Jennifer nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ tất cả thanh thiếu niên của thế hệ thứ hai trong nhóm di dân Châu Á như tôi đều lớn lên trong không khí gia đình đầy áp lực và căng thẳng vậy: phải làm cho cha mẹ hãnh diện, phải đạt được kỳ vọng của họ, đừng làm họ thất vọng… Tôi lớn lên cũng đạt được nhiều kết quả cao nhưng sau mặt nạ vui vẻ đó, tôi biết tôi là một người gãy vỡ trong tâm hồn. Như có ai đó đã bình luận bên trên, sự mặc cảm nơi con cái là hậu quả chắc chắn từ cách giáo dục của những cha mẹ Á Đông nghiêm khắc này. Nói thật là bây giờ đã 30 tuổi nhưng tận sâu thẳm trong tôi vẫn luôn tìm sự chấp thuận của cha mẹ mình trước khi làm bất cứ điều gì. Giống như tôi không có đầu óc và chỉ là mái chèo phụ của cha mẹ mình. Tôi không ghét bỏ họ đến độ làm như Jennifer nhưng nhiều lần tôi đã tự hành hạ cơ thể mình vì quá giận dữ. Tôi tập hút thuốc lá hay cần sa cũng là cách tự thỏa mãn mình rằng, mình là một đứa con nổi loạn và bất phục tùng cha mẹ…
Alexis M. : Là thế hệ thứ hai lớn lên trong cùng môi trường như vậy, tôi có cảm giác như phải luôn vật lộn với những lý do, sự khiển trách về đủ thứ tệ hại cả đời mình. Mẹ tôi là một người lạnh lùng, cứng rắn nhất, lúc nào cũng đẩy tôi đến tận cùng giới hạn của mình để đua tranh với con cái những người bạn danh giá khác của bà. Nó chẳng còn là vì tôi mà vì bà, tôi có cảm giác như vì niềm hãnh diện của bà, cho mặt mũi của bà. Từ chuyện mặt mũi cho đến chuyện khoe khoang hãnh tiến, coi như chiến công của bà, thú thật nó là làm tôi rất khó chịu.
Những gì ảnh hưởng đến chúng ta trong suốt giai đoạn hình thành tính cách là hoàn toàn khác biệt. Cho dù hai đứa bé lớn lên trong cùng một gia đình, chịu cùng một cách dạy bảo, ví dụ hai chị em sinh đôi hay anh chị em sát nhau, thì cũng thể hiện và phát triển hoàn toàn khác nhau. Ngay cả một đứa trẻ lớn lên trong gia đình ít áp lực, được nuôi dạy đàng hoàng cũng có thể bị lôi kéo bởi bạn bè xấu và ảnh hưởng bên ngoài để làm điều mà Jennifer đã làm. Dù vậy, lớn lên trong môi trường có rất nhiều gia đình giống như gia đình Jennifer thì tôi có thể nói rằng, cái kiểu áp lực đó nói chung là nguy hại. Làm sao những đứa trẻ nhỏ có thể hiểu được là cha mẹ mình làm những điều họ làm chỉ vì mong cho mình được tốt đẹp. Nó khó khăn cho những đứa bé nắm bắt theo một cảm xúc tích cực khi đơn giản là, tâm cảm chúng chưa phát triển trọn vẹn. Kỷ luật cứng nhắc, đặc biệt là hình phạt thể xác đều có tác động đến tính tình trẻ em. Một đứa bé sống trong gia đình “cọp” Á Đông sẽ dẫn đến những vết sẹo tinh thần bởi những trải nghiệm này. Những người lớn lên mà không bị vết sẹo tinh thần này chỉ là cá biệt chứ không phải thông lệ. Đó là những đứa trẻ may mắn và tôi cũng là may mắn… Không phải ai bị đẩy đến mép lầu cao cũng nhảy xuống. Jennifer, bất luận vì vấn đề tâm lý hay tích tụ những sự thất vọng, đã làm liều. Đây là điều không may và Jennifer phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Dẫu vậy, điều gì đã dồn nhiều người đến mép lầu cũng đáng cho chúng ta bàn luận ở đây.
Bài phóng sự của ký giả Keren Ho
Karen Ho (ký giả bài phóng sự và bạn học của Jennifer): Càng biết nhiều về sự giáo dục nghiêm khắc trong gia đình Jennifer, tôi càng liên tưởng đến mình. Tôi cũng lớn lên trong một gia đình di dân Châu Á đến Canada, một gia đình tay trắng đến từ Hồng Kông và một người cha đòi hỏi rất nhiều nơi tôi. Cha tôi cũng kỳ vọng tôi phải đứng nhất lớp, đặc biệt trong hai môn toán và khoa học. Tôi phải luôn nghe lời và xuất sắc trong mọi thứ. Ông muốn đứa con là thành tích của mình để ông đi khoe khoang. Tôi nghi là thành tích của những người anh chị của ông cùng con cái của họ làm ông thấy bất ổn, nên ông muốn tôi phải bằng với họ. Tôi có cảm giác mình như con chuột trong lồng, phải chạy hết tốc lực cho những kỳ vọng của cha tôi, thường là những điều luôn ngoài tầm với. Cái ôm âu yếm hiếm khi xảy ra trong gia đình tôi và tiệc sinh nhật, quà Giáng Sinh bị cắt hết khi lên 9 tuổi. Tôi rất giỏi toán và trượt băng, dù vậy chưa bao giờ cha tôi khen lấy một tiếng, ngay cả khi khi tôi trội bật, xuất sắc. Ông xem thường các thành tích của tôi, như là ông bà tôi đã làm với ông, theo cái lý thuyết rất phổ biến trong văn hóa Á Đông chúng ta là, lời khen chỉ làm hỏng đi các tham vọng.
Kiến Thức Trẻ: Bên dưới bài phóng sự của ký giả Keren Ho là hơn 500 lời bàn luận và chia sẻ liên quan đến cách giáo dục của cha mẹ mình và các cha mẹ Á Đông nói chung, từ phần lớn những người trẻ trong các gia đình Á Đông mà chúng tôi vừa trích dịch lại một số ý kiến bên trên (có thể đọc thêm tại http://www.torontolife.com/informer/features/2015/07/22/jennifer-pan-revenge/). Là những người cha người mẹ, liệu điều gì làm chúng ta chắc chắn rằng con cái mình không có những suy nghĩ tương tự như vậy? Bởi vì là con cái trong một gia đình Á Đông, cơ hội bị áp lực và kỳ vọng từ cha mẹ từ thiếu thời đã rất cao và những điều này có thể đưa các em trở thành những con người trưởng thành bất ổn. Như đã chia sẻ các suy nghĩ của mình trong nhiều bài viết về các vấn đề giáo dục và xã hội, trong khi một học vấn và một nghề nghiệp chuyên môn cao, một đời sống sung túc có thể là những kỳ vọng chính đáng của đa số các bậc phụ huynh Á Đông đặt vào con cái mình, nhưng những điều này chưa hẳn là mục tiêu và con đường duy nhất mà mỗi người phải đạt được bằng mọi giá, mà thêm vào đó, nên giúp các em trở thành những người trưởng thành tự tin, lạc quan với đời sống, sống có nhân cách, hữu dụng và có trách nhiệm với xã hội dù trong bất cứ hoàn cảnh hay nghề nghiệp nào.
Trang bìa báo Toronto Sun – nguồn nbcnews.com
ĐYT