Menu Close

Thằng Lép

Thời con gái, hàng xóm bảo mẹ Lép có duyên, số đào hoa, nhưng đã trải qua ba mối tình đều thất bại. Gặp ba Lép, hai người yêu nhau được hai năm thì quyết định đi đến hôn nhân. Trước ngày cưới, hàng xóm lời ra tiếng vào nên bên nội Lép từ hôn, nhưng ba Lép vẫn giữ vững lập trường. Cưới!

Đám cưới diễn ra đầy căng thẳng như một cuộc giao dịch thương mại, người muốn bán, kẻ bị ép mua. Hai bên sui gia không bằng mặt cũng chẳng bằng lòng. Đôi uyên ương ra mắt chào hai họ mà chẳng nở nổi nụ cười mãn nguyện. Không tổ chức đón dâu, chàng rể sống nơi quê vợ.

Một mái nhà tre vách lá mọc lên trong khu đất nhà ngoại. Hai năm sau, anh Lép ra đời. Sinh con đầu chưa đầy một tuổi, nội Lép sĩ diện nhỏ nhen: con trai mình sống gởi rể nhà người ta, nên làm áp lực ép ba Lép phải bỏ vợ con trở về nhà nội. Nếu không, một trong hai ông bà sẽ tự vẫn. Ba Lép đành lấy chữ “Hiếu” đè  chữ “Tình”.

Ba bỏ đi, mẹ Lép phải tần tảo nuôi con. Bốn giờ sáng xách thúng xách thau ra chợ mua rau bán cá kiếm tiền mua sữa nuôi con, nhưng mẹ Lép chẳng than: “Hồng nhan bạc phận”. Anh Lép cù bơ cù bất, ngày sống nhà ngoại, tối ngủ nhà mẹ. Ba năm sau, nội nguôi ngoai, ba trở về tái hợp với mẹ Lép. Lép ra đời.

Một lần nữa, nội Lép lại làm áp lực như lần trước, buộc ba Lép phải quay về, bỏ một vợ hai con, khi Lép mới vừa đầy ba tháng tuổi. Phong kiến ngập đầu, vừa cay lại vừa độc. Mẹ Lép lại mua gánh bán bưng nuôi con mọn, để thằng anh trông thằng em. Năm tuổi biết gì mà chăm với sóc, anh bỏ Lép lăn lóc trên giường rồi chạy bắn bi. Nghiêng ngửa lăn lộn tự do, thằng em bị chiếu liếm, lép đầu. Tên “Lép” xuất phát từ đây.

Đầu bị lép lại còn bị ghẻ, mọi người rẻ rúng cách xa. Ngoại xót lòng mang Lép về nuôi, ngày ngày đi tìm lá này củ nọ nấu nước tắm cho Lép. Hết ghẻ, da mịn, Lép sống luôn với ngoại. Ông bà ngoại lớn tuổi, khó ngủ, mỗi người một giường, Lép ngủ với bà ngoại. Hàng xóm tác động, ba lép đau lòng trốn nhà nội trở về với vợ con. Lép ngỡ ngàng hỏi mẹ: “Ông đó là ai?” Ba Lép quặn lòng, xoay người giấu dòng lệ rơi. Em của Lép ra đời.

Lép vừa bốn tuổi, bà ngoại qua đời. Cái tuổi đã hiểu gì giữa chết và sống, Lép bảo ngoại đang ngủ. Ngày người ta liệm xác bà vô quan tài, Lép đứng cạnh khóc rú như còi tàu Bắc Nam, hơn trăm người đứng vây quanh khóc cùng với Lép. Đưa bà ra đồng, tối về Lép ngủ với ông, nhưng vẫn mong đến khuya bà sẽ về.

Lép lớn lên theo ngày tháng ở nhà ngoại, bên cạnh sự trông nom của mẹ của ba. Hôm theo ba về thăm nội, bà thử lòng cháu: “Hôm nào ông bà nội đến thăm con có tiếp không?” Lép thưa: “Con mời.” Bà bảo: “Cho bà ngủ ở đâu?” Lép thưa: “Có nhà ngoại, nhà ba, nội thích ngủ ở đâu cũng được.” Nội bảo: “Thích ngủ với Lép.” Lép đáp ngay: “Vậy, ngủ nhà ngoại.” Nội im. Lép tự nghĩ sao hai mươi năm rồi còn chưa mềm lòng. Nói thế thôi, chứ có bao giờ nội đặt chân đến quê ngoại, kể từ ngày ba mẹ cưới nhau.

Anh Lép kết hôn, xuất cảnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ bên vợ. Ba bảo Lép về nhà sống với mẹ với ba cho vui nhà vui cửa, Lép thưa: “Về chơi thì được chứ ở thì không.” Ba buồn nhưng cũng nghĩ đến ngoại. Ngoại ngày một lớn tuổi, Lép vẫn sống với ông. Hôm nhà ngoại tiếp đông khách, ba bảo Lép về nhà ba ngủ cho ấm cửa ấm nhà, Lép vâng lời nhưng đến khuya thì lén mở cửa chạy về nhà ngoại.

Rồi Lép vào đại học. Xa nhà, Lép nhớ ngoại day dứt. Ngoại ở một mình, xung quanh có các gia đình cậu dì. Hai năm rồi ngoại bị bệnh nặng, Lép lo lắng học hành không yên, điện thoại về thăm mà ngoại không thể ngồi dậy nghe cháu gọi. Dạo này bệnh ngoại càng nặng, các cậu dì tới lui chăm sóc, nhưng “cha chung không ai khóc”, hờ hững, hững hờ, nạnh hẹ chia giờ, kẻ than người trách, Lép đành quyết định bỏ học về chăm sóc ngoại. Ngày ngày Lép lo đút cháo bón thuốc cho ông.

Hôm rồi tôi điện thoại trách Lép sao lại bỏ học. Lép bảo: “Em còn nhiều thời gian để học, ngoại còn ít thời gian để sống.” Tôi hỏi Lép ước gì trong năm mới. Lép ước ngoại sống khỏe, sống lâu. Tôi nhắc, ngoại sống lâu Lép còn bị dang dở chuyện học hành. Lép bảo ngoại chăm Lép hai mươi năm rồi, Lép mới chăm ngoại chưa đầy một năm. Ơn ngoại sâu nặng lắm.

Giọng Lép buồn nhưng vẫn đầy lạc quan!

HCTH