Menu Close

Lương đầu của mẹ

Mẹ ngồi trên xe buýt để trở lại trường mà hai bầu vú căng cứng vì cả ngày không cho tôi bú. Mẹ nghĩ tới tôi ở nhà, chắc khóc đòi sữa, mà không biết Dì Thơ có mua được sữa cho tôi không. Mẹ lo, Dì Thơ có một mình, chưa chồng mà ba con dại, chưa đẻ mà phải nuôi trẻ sơ sinh. Mẹ thẫn thờ nhìn ra ngoài. Từng mảng xanh vụt qua, như thôi miên những hành khách đang ngồi nhìn qua những khoảng cửa sổ đã mất kiếng. Những ngôi nhà xập xệ thoắt hiện thoắt khuất, những con sông nhỏ chơi cút bắt dọc theo đường đi. Lòng Mẹ phất phơ theo con gió thu, tim Mẹ se thắt. Mẹ hết nước mắt. Mắt Mẹ khô theo con gió đang miết vào mặt Mẹ trên suốt chặng đường dài. Một con gió dư thừa, vô dụng.

Căn phòng nhỏ trở nên trống vắng. Mẹ mở dây cột, đẩy cửa bước vào. Mớ lá chuối khô còn nằm yên ở góc phòng, không ai động tới. Mẹ ngồi xuống, đưa tay sờ vào giữa đám lá, như tìm tôi. Mẹ ngồi như vậy thật lâu, tay phải để trên đám lá chuối, như cố giữ cái mùi hơi sữa và mùi tã của tôi còn sót lại từ sáng hôm qua. Rồi Mẹ đứng dậy, đưa tay sờ lên bụng. Bụng của Mẹ đã xẹp xuống thật nhanh, chưa đầy một tháng sau khi sanh. Mẹ bỗng thấy tử cung mình nhẹ tênh. Ba tuần sau khi sanh, Mẹ mới thấy bụng mình trống. Trống cách đáng sợ.

Mẹ ra vào thui thủi. Mỗi ngày đi dạy, Mẹ không cần phải gấp gáp khi đi khi về để cho tôi bú. Những đêm đầu, mỗi tối, Mẹ nằm trên đống lá chuối khô, nghe ngực mình căng cứng, bụng mình nhẹ hẫng, tim mình nhức nhối, trí mình rối bời. Mẹ không được tin tức gì của chúng tôi, dù Mẹ rất muốn biết, chúng tôi đang ra sao, Dì Thơ có lo được cho chúng tôi không. Mẹ muốn ra bến xe đò để hỏi thăm, nhưng chợt nhớ ra, có gặp bạn hàng con buôn từ quê tôi, thì họ cũng đã biết gì về chúng tôi. Mẹ có nhờ người quen đến hỏi thăm chúng tôi, thì chắc họ cũng không dám, và cũng không muốn mất thời gian hay bị liên luỵ. Thời buổi này, ai cũng chỉ lo cho an nguy và miếng cơm của mình, chỉ trừ máu mủ ruột thịt.

Sau năm ngày, thì ngực của Mẹ thôi ra sữa. Bữa cơm hằng ngày của Mẹ cũng đạm bạc, nên người của Mẹ cũng mau chóng kết thúc quá trình tiết sữa, như một sự đồng thuận với hoàn cảnh. Mẹ trở nên lặng lẽ như cánh đồng sau mùa gặt. Bà Lén thấy Mẹ buồn, cũng hỏi thăm, nhưng Mẹ cũng không thiết nói năng. Mẹ không biết nói gì, vì chính Mẹ cũng không biết con cái mình ra sao, chồng mình sống chết thế nào. Mẹ phập phồng, sợ tôi không sống được, vì đã sanh non, lại phải đi hai chuyến xe buýt liên tỉnh, rồi ở trong cái căn chòi tạm bợ này hơn một tuần lễ, bây giờ lại không có sữa mẹ. Mẹ nhớ những tháng ngày cuối cùng mang thai tôi, bao nhiêu biến động, tai ương, uất ức, không ăn uống, đầy lo âu. Mẹ nghĩ, tất cả những chấn động đó có ảnh hưởng tới tôi, tới cái việc tôi không khóc không cười.

Bà Lén kêu Mẹ ăn cơm chung với vợ chồng bà cho vui, nhưng Mẹ cám ơn và từ chối. Mẹ cần được thinh lặng để làm ma chay cho thời gian ngắn ngủi ba tuần được nuôi nấng tôi. Mẹ tẩn liệm ba tuần lễ đó bằng những tiếng ru hời câm lặng trong lòng mình. Mẹ chôn nó vào trái tim Mẹ, lấp huyệt bằng những nhịp tim rã rời. Mẹ đọc điếu văn cho nó bằng những ký ức mãnh liệt của thời gian ba tuần Mẹ con bên nhau. Mẹ cài những đoá hoa vô sắc đẫm hương xót xa lên huyệt mộ. Cái huyệt đó, mãi gần bốn mươi năm sau, tôi mới được về thăm, khi tôi đã làm mẹ, và trong một lần tâm sự, Mẹ đã kể cho tôi nghe những ngày đầu đời của tôi. Tôi mới nhận ra, tại sao trong suốt đời mình, tôi luôn đối diện với một lỗ trống rất lớn, đen ngòm, ngay cả trong những lúc cuộc đời tôi rất tươi sáng. Lỗ trống đó chính là huyệt mộ, chôn ba tuần lễ ngắn ngủi sau khi tôi chào đời, vắng Ba, rồi thiếu Mẹ.

Ði dạy được năm tuần, thì Mẹ được lãnh lương tháng đầu. Ông hiệu trưởng kêu Mẹ lên văn phòng. Ngay từ đầu, ông ta đã không thân thiện với Mẹ, nhưng về sau, ông ta lại càng hằn học với Mẹ vì chuyện Mẹ đưa tôi theo và vì bà Lén luôn theo sát Mẹ nên ông ta không đụng đến Mẹ được. Ông hiệu trưởng thảy tờ giấy nhỏ lên bàn về phía Mẹ đang đứng.

– Giấy lương của chị. Ra ngân hàng mà lãnh!

Ngân hàng là cái căn nhà nhỏ xíu, có cánh cửa sắt phía trước để khoá lại ban đêm, nhưng cũng ọp ẹp và tạm bợ như tất cả những căn nhà khác ở vùng kinh tế mới. Mọi thứ ở vùng kinh tế mới còn sơ sài, nên chợ búa, ngân hàng, sạp sửa xe đạp lề đường, và mấy cái quán ăn chồm hổm đều quây quần bên nhau ở gần trường học. Nhờ cái bảng nhỏ ghi chữ “Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam,” Mẹ không khó khăn gì để tìm ra cái chòi mà người ta gọi là ngân hàng.

Mẹ đến bàn làm việc đặt ở giữa phòng. Anh nhân viên đang phì phèo điếu thuốc rê. Mặt mũi còn trẻ bâng, nhưng tóc anh đã lâm râm bạc, có lẽ bị máu xấu. Anh ta hất cằm hỏi:

– Chị kia, cần gì?

– Dạ, tôi tới để lãnh lương.

– Giấy tờ đâu?

Mẹ đưa cho anh ta tờ giấy lương ông hiệu trưởng vừa cấp. Anh ta hất cằm lần nữa:

– Hộ khẩu đâu?

– Dạ, tôi để ở dưới quê vì con tôi còn ở nhà, cần hộ khẩu để mua gạo.

– Không có hộ khẩu, thì trình chứng minh nhân dân ra!

Anh nhân viên nói như hô khẩu hiệu. Mẹ đưa cho anh ta giấy căn cước của mình từ hồi trước 75. Anh ta trợn mắt:

– Chị ngủ mê hay sao? Giải phóng cả nửa năm rồi, mà chị còn xài thứ giấy tờ của chế độ đồi truỵ này à?

– Dạ, tới giờ tôi chưa được cấp căn cước mới, thưa anh.

Anh nhân viên chận ngang:

– Miễn bàn! Chưa có giấy tờ mới là chuyện của chị. Nhưng lấy gì để tôi biết chị là người được lãnh lương trong giấy này? Chị ra Uỷ Ban xin giấy chứng minh nhân dân, rồi trở lại đây, tôi giải quyết.

Mẹ bất mãn với kiểu đối xử quan liêu, cửa công cửa quyền này, vốn là chuyện cơm bữa từ cuộc đổi đời. Mẹ ngao ngán nhận lại tờ giấy lương rồi lầm lũi ra về. Ngày trước đi dạy, được cả xã hội kính trọng, được chính quyền ưu ái, được học trò thương quý. Một người đi dạy có thể nuôi sống gia đình. Ở thời buổi này, người ta coi nhà giáo như kẻ đi xin. Mẹ đi qua phía Uỷ Ban, vốn cũng là một căn nhà ọp ẹp ở gần đó, nhưng cửa đóng then cài như mọi khi. Ai cần làm giấy tờ thì phải đến nhiều lần, may thì gặp lúc họ mở cửa, rủi thì phải trở đi trở lại cho đến khi nào gặp họ thì thôi. Mẹ định bụng về nấu cơm ăn, chiều trở lại.

Con đường đất gồ ghề mưa nắng, khập khễnh rễ cây và đá. Mẹ đi chầm chậm, vì không có gì để vội. Phụ nữ hậu sản thường bận bịu tã sữa cho con, tíu tít với mầm sống mới. Mẹ không được cái phước đó. Những bóng nắng rải dài trên đường, chen với những cái lá vàng lác đác rơi. Mẹ chợt nhớ ra, đang giữa mùa thu. Bài “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư chợt thoang thoảng không gian:

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Ðạp trên lá vàng khô.

Mẹ nghĩ, đúng là đàn ông làm thơ, và làm thơ cho một hoàn cảnh rất khác. Vì giữa mùa thu của núi rừng hoang sơ này, không có nai vàng ngơ ngác, không có lá thu xào xạc, chỉ có vài chiếc lá lác đác trên con đường đất vắng vẻ. Mẹ không nghe rạo rực, dù Mẹ là chinh phụ của một quân nhân bị cầm tù. Mẹ chỉ nghe rát bỏng tâm can vì phải xa con, xa nhà, xa chồng, xa hạnh phúc, xa cả chính cái tâm an của mình. Nhưng chắc gì đã có ai làm nổi bài thơ để tả tâm cảnh của những người đàn bà như Mẹ, một thế hệ bị băm nát vì những chính sách và luật lệ không tưởng, vì một cuộc bể dâu vô phương cứu vãn.

Bà Lén thấy Mẹ thì hỏi:

– Có lãnh được lương không cô?

– Dạ, họ nói không có giấy chứng minh nhân dân mới, họ chưa cho con lãnh, Dì Lén.

– Thằng ba trợn! Tôi biết nó mà! Ði với tui, tui đưa cô lên đó, thế nào nó cũng phải trả lương cho cô.

Bà Lén chạy nhanh vô nhà, lấy cái nón lá, rồi chạy ra, xông xáo đi về phía trước. Mẹ ngần ngừ, nhưng bà Lén đi mau quá, nên Mẹ chạy theo cho kịp, rồi đề nghị:

– Cậu đó khó lắm! Thôi Dì đừng mất công! Ðể con đi xin giấy tờ thì thế nào cũng lãnh được.

– Giấy tờ gì! Ở đây ai không biết cô dạy ở trường này. Thằng đó là cháu tui, con của bà chị họ. Nó ba trợn nên mới dám làm khó cô. Cô cứ đi theo tui!

Rồi bà Lén quày quả đi tiếp. Mẹ đói bụng, nhưng thấy bà quả quyết, cũng không dám nói gì, chỉ đi theo. Tới nơi, anh nhân viên thấy bà Lén thì chạy ra, đon đả hỏi:

– Dì Năm! Dì khoẻ hôn?

Bà Lén nạt phắt:

– Khoẻ cái đầu cha mày! Bộ mày điên hay sao mà không trả lương cho cô giáo? Mắt mày mù hay sao mà không thấy cổ đi dạy cả hơn tháng nay ở đằng trường?

– Dạ, con chỉ làm theo thủ tục thôi, vì…

Anh nhân viên chưa dứt lời thì bà Lén quơ tay ngang mặt anh ta:

– Thủ tục! Thủ tục! Tục cái đầu tao! Vậy tao cũng theo thủ tục mới xin cho mày về ngồi được cái ghế này à?

– Con xin lỗi. Dì để con lo.

Anh nhân viên cúi đầu, nói nhỏ với Mẹ:

– Cô cho em xin giấy lương.

Mẹ lấy tờ giấy ra. Bà Lén đứng sát bàn làm việc, trừng mắt nhìn anh nhân viên. Anh ta lẹ lẹ vô ghế ngồi, rồi mở khoá, lấy tiền trong hộc bàn ra để đếm giao cho Mẹ. Bà Lén hả giận, quay qua hỏi Mẹ:

– Cô có cần gởi tiền về nuôi mấy nhỏ hôn? Tui nói nó làm giấy tờ luôn cho cô?

– Dạ, con muốn giữ lại đủ để trả tiền nhà cho Dì, một số nhỏ để đi chợ, còn bao nhiêu gởi về cho ba đứa nhỏ. Tiền sữa em bé chắc mắc lắm, mà không biết có kiếm ra không nữa.

– Cô ghi địa chỉ xuống đi, rồi tui nói nó chuyển cho cô.

Bà Lén xoay qua nói với anh nhân viên:

– Mày chuyển hai phần ba số lương này về cho gia đình cô giáo. Tháng nào cũng vậy, biết chưa?

– Dạ!

Xong giấy tờ, Mẹ hỏi nhỏ:

– Anh có biết, khoảng bao lâu thì họ sẽ giao tiền không?

– Khoảng hai tuần.

Mẹ nhẩm tính. Mong là trong khoảng thời gian đó, Dì Thơ còn đủ tiền để xoay sở. Mẹ không biết là ngay hôm Mẹ đi, Dì Thơ đã mất tờ giấy bạc cuối cùng để mua hai lon sữa cho tôi. Trước khi quay đi, bà Lén chỉ mặt anh nhân viên, nói dõng dạc từng chữ:

– Hễ mày còn làm khó cô giáo một lần nữa, thì liệu đi kiếm chỗ khác mà làm, hiểu chưa? Tao sẽ theo thủ tục, kiếm đứa khác về!

TGT