Menu Close

Năm mới và chuyện 7 tỷ người

Cuối tháng Mười 2011, Liên Hiệp Quốc công bố dân số thế giới lần đầu tiên vượt mốc 7 tỉ người. Nạn nhân mãn lâu nay đã là một trong những quan ngại hàng đầu, không phải là đề tài mới, tuy nhiên con số 7

tỉ mang ý nghĩa biểu tượng–một cột mốc để đánh dấu hành trình phát triển của nhân loại. Bảy tỉ người cùng lúc chung sống trên địa cầu là một thách thức có nhiều tầng nấc, một số lâu nay đã được báo giới và giới thức giả mổ xẻ nhiều. Điều cần ghi nhận là dân số 7 tỉ này phân bổ không đồng đều. Có những nơi người ta dầy đặc, nhưng cũng có nhiều chỗ còn vắng vẻ thưa người.

Thanh Dũng

Nhìn lại, hồi nửa đầu thế kỷ 20, dân số thế giới chỉ mới có 2 tỉ người (1927). Đến cuối thế kỷ 20, đã có 6 tỉ người chen chúc trên hành tinh này (1999). Và chỉ 12 năm sau, dân số địa cầu vượt 7 tỉ. Ước tính theo đà này, chỉ khoảng 13 hoặc 14 năm nữa, thế giới lại có thêm 1 tỉ người.

Dân số lên cao cũng có thể được nhìn từ khía cạnh khả quan. Nó cho thấy nhân loại ngày càng sống lâu hơn, sống khoẻ hơn. Có vài lý do chánh cho thực tế này. Y khoa hiện đại ngày càng tiến triển, nhiều loại dịch bịnh hung hiểm bị xoá sổ. Thực phẩm nhiều dinh dưỡng, và vệ sinh thực phẩm tốt hơn trước kia thập phần. Các cuộc chiến tranh quy mô lớn cũng vắng bóng từ sau Đệ Nhị Thế Chiến… Vào giữa thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình cả thế giới chỉ ở mức 48 năm. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, con số này đã tăng lên 68.

pic

 

Em bé Mông Cổ “Mongolia” bên cửa lều. Thảo nguyên Mông Cổ là một trong những nơi thưa thớt dân nhất trên thế giới, với chỉ 2.7 triệu người sống rải rác trên lãnh thổ rộng gấp 3 lần Pháp quốc “France”. Đa phần dân chúng tụ về thủ đô nhưng du mục vẫn là ngành kinh tế chánh. ảnh Carlos Barria/Reuters

Nhiều người biện luận, nếu khéo thu xếp, 7 tỉ người vẫn có thể hiện hữu trên hành tinh này một cách hoà bình; cùng chia sẻ thịnh vượng no ấm; các nền văn hoá thăng hoa sung mãn; và những đô thị văn minh hơn trước bội phần. Đó là vì nhân loại ngày càng thông minh, tay nghề ngày càng cao, góp phần phục vụ ngày càng hiệu quả, thúc đẩy xã hội loài người đi lên. Mới hồi cuối năm 2011, cả thế giới mủi lòng đưa tiễn ông Steve Jobs–nhà sáng lập hãng Apple. Những cách nhìn lạc quan cho rằng, chỉ với một con người, ta đã như vậy, tưởng tượng… 7 tỉ con người đều hợp sức lại thì có thể làm nên những điều kỳ diệu đến đâu.

pic

 

Nhà vệ sinh thô sơ ở Dhaka, Bangladesh. Vệ sinh cộng đồng là một trong những vấn nạn lớn đi kèm chuyện bùng nổ dân số. ảnh WaterAid / Juthika Howlader

Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng có thể là người phi thường như ông Jobs. Câu nói vui mà đúng của nhiều người Việt “đông-vui-hao” có thể là lời thừa nhận hiển nhiên nhất về nỗi lo dân số. Nạn nhân mãn là thực tế với nhiều hệ luỵ và thách đố to lớn. Những năm qua, nhiều chánh phủ quốc gia, Liên Hiệp Quốc, và các tổ chức khác nhau liên lỉ kêu gọi, tác động, không ngoài mục đích gây ý thức về vấn nạn này.

Dễ thấy nhất, dân số quá đông đặt áp lực nặng nề lên tài nguyên trái đất, về mọi mặt. Đáng nói là, thách thức lớn nhất vẫn đổ về nơi các nước nghèo nhất thế giới. Một cách oái oăm, đây cũng chính là những nơi tỉ lệ sinh sôi nảy nở nhanh nhất. Vì nghèo kém, mà dân số ngày càng… phình ra do sinh nở thiếu kiểm soát, khiến sự tiếp cận giáo dục, kiến thức, kỹ nghệ cao cũng nhiêu khê thập phần. Toàn thế giới có hơn 70 triệu trẻ em hoàn toàn thất học, và 99% trong số này thuộc thế giới thứ ba, những xứ sở nghèo khổ. Đây là cái vòng lẩn quẩn, đúng như lối nói của người Việt: đã nghèo còn mắc cái eo.

pic

 

Mặt tiền một khu chung cư ở Thượng Hải “Shanghai”, một trong hai vùng phát triển nhanh nhất tại Hoa Lục. Thành phố có 23 triệu dân, khoảng 1/4 cả nước Việt Nam, hay tương đương dân số 8 thành phố lớn nhất ở Mỹ gộp lại (New York, Los Angeles, Chicago, Houston,  Philadelphia, Phoenix, San Antonio, San Diego). ảnh reuters

Bài toán nan giải khác là làm sao cung cấp đủ thực phẩm, áo quần, nơi ăn chốn ở cho 7 tỉ con người. Lịch sử cho thấy không hiếm những quốc gia, những nền văn hoá bị sụp đổ vì nạn nhân mãn, vì xã hội…  phá sản, không thể… take care con dân của mình. Theo ghi nhận của Liên Hiệp Quốc, ngày nay có khoảng 1 tỉ người sống trong cảnh đói khát khắp 5 châu.

Hệ thống nông nghiệp sản xuất ra thực phẩm cho cả thế giới đang làm việc quá sức, có thể bị dồn đẩy đến mức nguy hiểm. Rừng núi bị triệt hạ, san phẳng, để thêm đất ruộng vườn, trong khi đó các mạch nước ngầm cho hệ thống thủy lợi lại ngày càng khô cạn. Cùng lúc với những sự lạm dụng phân bón. Các loại hoá chất này có thể tạo ra thực phẩm nguy hiểm, thậm chí gây tuyệt chủng nhiều loài động thực vật, vì tàn phá môi trường sống của chúng.

pic

 

Cảnh kẹt xe mỗi ngày ở Đài Loan “Taiwan”. Nhiều khảo sát của Liên Hiệp Quốc cho thấy nạn nhân mãn cũng khiến gia tăng ô nhiễm, phá rừng, và biến đổi khí hậu. ảnh Nicky Loh/Reuters

Ngành xã hội học thì chỉ ra vấn nạn xã hội đối với những người cao niên, là nhóm dân số gia tăng lẹ nhất. Điều này đặc biệt đúng ở các xã hội Tây Phương. Người ta dự báo có thể lên đến vài tỉ người trên 65 tuổi trong thế kỷ này. Những nền kinh tế hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bổn, Đức, Pháp, Anh… có các chánh sách an sinh xã hội rất lớn. Người trẻ đi làm đóng thuế để yểm trợ người già, tất cả đặt trên giao ước rằng khi mình đến tuổi già thì đến phiên lớp trẻ kế tiếp sẽ đóng thuế lo cho mình… Nhưng các thập niên sắp tới, khi số người cao niên trở nên quá đông, vì người ta ngày càng sống lâu hơn, thì áp lực lên con số người trẻ trong lực lượng lao động có thể trở nên… quá tải.

Năng lượng cũng là một thử thách khác. Người ta ước đoán đến giữa thế kỷ 21, nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên gấp đôi. Để tạo ra năng lượng, và kể cả trong lúc tiêu xài khối năng lượng này, người ta cũng đồng thời làm hư hỏng môi trường trái đất. Điều này dẫn đến trái đất ngày càng bị “sốt cao”, gây biến đổi khí hậu, khiến thiên tai bất lường ngày một nhiều.

pic

 

Người Ấn tụ tập múc nước từ một chiếc giếng khổng lồ ở tiểu bang Gujarat. Ấn Độ là xứ đông dân thứ nhì thế giới, khoảng 1.2 tỉ người. ảnh Amit Dave/Reuters

Một trong những hệ lụy của việc  tàn hủy môi trường là nguồn nước ngày càng khan hiếm. Đây có thể là mối hoạ, một loại… bom nổ chậm. Có thể có chiến tranh lẻ tẻ, giành quyền kiểm soát nguồn nước. Rồi dẫn đến những xung đột lớn, lôi kéo nhiều quốc gia, gây bất ổn định cả vùng lớn.

Câu chuyện thế giới 7 tỉ người bi quan hay lạc quan còn tuỳ người và tuỳ cách nhìn nhận. Tuy nhiên, một thực tế khó chối bỏ: tài nguyên trên trái đất là hữu hạn. Nếu dân số loài người tiếp tục tăng với tốc độ cấp số… nhân, chẳng sớm thì muộn, chính địa cầu sẽ trở nên quá tải. Trừ khi người ta bất ngờ tìm ra hành tinh nào đó quanh đây để… cùng di tản. Xét trên khía cạnh khoa học, đây là một giả thuyết mông lung. Những nơi mà kỹ thuật phi thuyền hiện tại có thể đi đến, trên lý thuyết, trong thời gian của một đời người, đều chưa cho thấy dấu hiệu của oxy và nước đủ nhiều, và đủ ổn định, để có thể cưu mang sự sống, tương tự như điều kiện địa cầu.

TD