Menu Close

Asia

Với chính sách xoay trục của Hoa Kỳ, hàng ngày bạn thường gặp trên các phương tiện truyền thông những từ “Asia”, “Châu Á” (hoặc Á châu). Nghe riết rồi quen, ít khi ta đặt câu hỏi những từ đó xuất xứ từ đâu hoặc có ý nghĩa nào. Có nhiều lý thuyết về nguyên ủy của từ “Asia”:

asia map

1.

Asia xuất phát từ tiếng Hy Lạp Cổ đại , được dùng từ rất xưa, khoảng 440 năm trước Công nguyên, do Herodotus trong cuốn Histories (Lịch sử) của ông. Tuy nhiên, cũng có thể tên đó đã được dùng từ lâu trước, không phải để chỉ một đại lục mà nguyên thủy chỉ là tên một vùng đất phía bắc của Biển Aegean, và rồi sau là tên đặt cho Anatolia (một phần của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Người La Mã khi nói về Asia thì dùng để chỉ hai tỉnh: Asia Minor và Asia Major.

2.

Một lý thuyết khác được nhiều người chấp nhận là tên bằng tiếng Hy Lạp nói trên xuất phát từ tiếng Phoenicia asu có nghĩa là “phương đông”, còn chữ asu trong tiếng Akkadia có nghĩa là “xuất phát, mọc lên”. Liên quan đến mặt trời, thì Asia có nghĩa là “vùng đất mặt trời mọc”.

3.

Một giả thuyết khác lại cho rằng Asia là biến thể từ ushas trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là Xứ sở của bình minh.

Asia được dịch ra tiếng Việt thành Châu Á, hoặc Á Châu. Đây là địa danh chúng ta mượn và nói tắt từ tiếng Hán, mà người Trung Hoa thì phiên âm Asia từ tiếng Bồ Đào Nha (tiếng Bồ lại bắt nguồn từ tiếng La Tinh) ra thành Á Tế Á .

Ngoài ra, khi đọc tin tức chúng ta thường gặp những thuật ngữ sau đây cũng liên quan đến Châu Á:

 Bắc Á: chỉ phần châu Á lớn của Nga thường được gọi là Siberi (Tây Bá Lợi Á), hoặc đôi khi có thêm phần bắc của Kazakhstan.

 Trung Á: Không có sự nhất trí tuyệt đối khi sử dụng thuật ngữ này, nhưng thường bao gồm:

– Các nước cộng hòa Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan.

– Afghanistan, Mông Cổ và các khu vực phía tây Trung Quốc.

– Các nước cộng hòa Xô Viết cũ nằm trong khu vực Caucasus.

 Đông Bắc Á/Đông Á bao gồm:

– Các quần đảo trên Thái Bình Dương của Đài Loan và Nhật Bản.

– Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên.

– Trung Quốc, nhưng đôi khi chỉ tính các khu vực miền đông.

 Đông Nam Á gồm: bán đảo Mã Lai, bán đảo Trung-Ấn và các đảo trong Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với các quốc gia nằm:

– Ở Đông Nam Á đại lục có Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

– Ở Đông Nam Á đại dương có Malaysia, Brunei, Philippines, Singapore, Brunei và Indonesia.

 Nam Á (tiểu lục địa Ấn Độ) bao gồm:

– Các quốc gia Himalaya gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và Bangladesh.

– Các quốc gia Ấn Độ Dương gồm Sri Lanka và Maldives.

 Tây Nam Á (Tây Á)

Cũng được gọi là Trung Đông hay Trung Cận Đông, có thể chia nhỏ thành:

– Anatolia (tức Tiểu Á), gồm phần châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ.

– Quần đảo Cyprus trong Địa Trung Hải.

– Levant hay Cận Đông gồm Syria, Israel, Jordan, Liban, Iraq và phần châu Á của Ai Cập.

– Bán đảo Ả Rập gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Qatar, Oman, Yemen và Kuwait.

– Khu vực Kavkaz gồm Armenia, một phần nhỏ của Nga và gần toàn bộ Gruzia và Azerbaijan.

– Cao nguyên Iran gồm Iran và các phần của các quốc gia lân cận.

 Châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt: APAC) là khu vực nằm gần hoặc ở phía Tây Thái Bình Dương, gồm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á, Đông Nam Á, Australasia (Úc, New Zealand và các đảo kế cận) và châu Đại Dương. Đôi khi thuật ngữ này còn được sử dụng để chỉ những quốc gia vùng Nam Á, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ dù các nước này nằm xa hoặc gần như không có liên hệ đến vùng Thái Bình Dương.

– Đề cập đến Châu Á không thể không nhắc đến bài Á Tế Á ca (Bài ca Châu Á), còn tên khác là Đề tỉnh quốc dân ca (Bài ca thức tỉnh quốc dân), Nam hải bô thần ca (Bài ca của một bề tôi trốn tránh người biển Nam), là một bài thơ yêu nước được lưu truyền tại Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Trong ba danh xưng khác nhau, tên gọi “Á Tế Á ca” được nhiều người biết hơn cả. Chưa rõ tác giả bài thơ này là ai, người thì cho là Nguyễn Thiện Thuật, người khác cho là Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Dương Bá Trạc.

PN