Menu Close

Hè Phuket

Phuket, một hòn đảo đẹp ở phía Nam Thái Lan, không còn xa lạ gì với du khách thế giới và du khách Việt Nam. Với tôi, Phuket không chỉ là một địa điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một kỷ niệm đẹp.

phuket1

Tôi đến Phuket lần đầu tiên vào những năm đầu thập niên 2000, lúc đó Phuket chưa bị Sunami. Phuket tháng 3 đẹp nao lòng. Việt Nam có câu “Tháng ba bà già đi biển” thật đúng. Biển tháng 3 lặng như tờ.

Bước ra khỏi sân bay Phuket, tôi nhìn thấy taxi đang nối đuôi nhau chờ đón khách. Một người chịu trách nhiệm phân phối xe, khách cũng xếp hàng theo thứ tự. Xe taxi trờ đến, những người khách đầu tiên được mời bước lên, và khi xe này đi, xe khác tới, khách cứ tuần tự bước lên, không có cảnh tranh giành xe, không có cảnh taxi ma bắt khách “không đúng quy định”. Một điểm “+” đầu tiên. Khách sạn tôi ở Patong là phố biển trung tâm của Phuket, vì thế, khi chúng tôi hỏi giá cước người tài xế taxi đã báo một mức giá đúng với giá tôi đã tham khảo với bạn bè trước khi đến. Vậy là thêm một điểm “+” thứ hai do không có cảnh chặt chém du khách nước ngoài.

phuket2

Bãi biển Patong – nguồn Youtube.com

Nhận phòng xong là tôi vội vã phóng ra Patong ngay. Phải hưởng thụ những ngày hè ngắn ngủi so với cả một năm dài làm việc. Tôi đi dọc theo bãi biển để ngắm nhìn biển cả mênh mông, ngắm phong cảnh và quan sát cách làm du lịch của người Thái Lan. Trên bãi biển, du khách đông ken. Bãi biển Patong rất dài, hầu như ghế dù nào cũng có du khách hết, thật đặc biệt là du khách đông như vậy nhưng trên bãi biển rất sạch sẽ, không hề có rác! Bãi biển trắng phau chỉ in lại toàn là dấu chân người. Chốc chốc, tôi lại thấy những người chủ hàng quán cầm chổi đi gom rác. Đành phải cho thêm một điểm “+” nữa thôi. Do Patong quá đông du khách nên dọc theo hai bên đường chính, đường phụ, đường hẻm, đâu đâu cũng thấy khách sạn, nhà hàng, cửa hàng thời trang, đồ tắm,… Trên biển thì quá đông người ta, cộng thêm với các loại hình thể thao trên biển như moto nước, nhảy dù… làm cho biển trở nên quá ồn ào. Vui thì có vui, du lịch phải vui nhưng ồn ào cũng mệt, vả lại mới đến cũng còn mệt, thôi thì đi shopping một chút cho thư giãn. Một thói quen của hầu hết phụ nữ mà!

Bên kia bờ biển đầy những hàng quán ăn uống, mua sắm, và có cả những khu chợ nằm xen kẽ. Tôi vào thử khu chợ bán đồ lưu niệm, áo quần, túi xách, giày dép, đủ thứ linh tinh. Chợ ở các khu phố biển thì ở đâu cũng tương tự nhau. Vẫn luôn bị ấn tượng với các bà bán hàng ở chợ Sàigòn nói riêng, chợ Việt Nam nói chung, nên tôi cũng hơi dè dặt. Người Thái Lan ở biển không đẹp đẽ lắm đâu, đã thế da lại đen, nét mặt cũng có phần hơi dữ, vì thế tôi chưa dám hỏi giá ngay, đi dạo một vòng chờ có ai mua sẽ tắp vào coi thử. Và thắc mắc của tôi đã có lời đáp ngay tức khắc. Khách du lịch đủ chủng tộc, lựa hàng, hỏi giá, có người mua ngay, có người cũng trả giá rồi không mua nhưng lạ ghê, họ bỏ đi, người bán xếp hàng cất gọn ghẽ nhưng sao không nghe tiếng chửi mắng nặng nhẹ, cũng không thấy đốt phong long. Ồ, vậy té ra người Thái Lan buôn bán không giống người Việt Nam! Yên tâm rồi, tôi có thể bắt đầu “sờ mó” mà sẽ không sợ bị mắng.

phuket3

Xe máy cho thuê – nguồn asiawebdirect.com

Khu vực Patong quá lớn, đi bộ sẽ không nổi nên phải thuê một chiếc xe gắn máy thôi. “Motorbike for Rent” khắp nơi, đường nào, ngõ ngách nào cũng có. Phải đi dọ giá để không bị chặt chém! Xe cho thuê chỗ nào cũng rất sạch, rất đẹp, nhiều xe mới lắm. Tôi chọn một chiếc xe mình thích hỏi giá. Chủ xe là một người phụ nữ Thái Lan, chắp tay chào tôi rất lịch sự, nói giá và giới thiệu xe rất vui vẻ. Do lần đầu đến Phuket nên tôi trả giá, chủ xe mỉm cười nói là giá cả ở đây tất cả đều giống nhau, giá ở đâu cũng vậy thôi. Bán tín, bán nghi, tôi nói để đi xem nơi khác và chị vui vẻ chào tôi. Đi hỏi thêm hai cửa hàng nữa, đúng là giá cả y như nhau, cung cách lịch sự y như nhau, cuối cùng tôi trở lại cửa hàng đầu tiên vì xe ở đó đẹp hơn một chút, mới hơn một chút và tôi cũng có cảm tình với người chủ xe hơn một chút so với những chỗ khác. Chị vui vẻ mời tôi ngồi, lấy ra hợp đồng thuê xe, mượn passport của tôi để điền tất cả những thông tin cần thiết, xong chị giao cho tôi một bản hợp đồng và giữ lại passport để làm tin. Trước khi tôi ra về, chị chắp tay xá chào tôi một cách cung kính, không quên chúc tôi một ngày tốt đẹp và một chuyến đi chơi vui vẻ. So với cách phục vụ của du lịch Việt Nam thì thật lạ quá!

Theo hướng dẫn của nhân viên khách sạn, tôi tìm đến bãi biển Kata và Karon cách thành phố Phuket 20km. Ở hai nơi này, bãi biển rất sạch và không ồn ào như Patong, đặc biệt có bãi biển Kata Noi rất nổi tiếng và bãi biển Karon cũng không thua kém gì Kata. Bãi biển Karon chạy dài với cát trắng mịn và trên bờ đầy những khu resort lớn, sang trọng. Những du khách thích nghỉ ngơi yên tĩnh thường chọn hai nơi này để nghỉ ngơi qua đêm nếu không thích sự náo nhiệt của Patong. Trên các bãi biển này, Patong, Kata, Karon nơi nào cũng có ghế dù cho thuê nhưng giá cả không hề có sự khác biệt, vấn đề còn lại của du khách là dừng chân theo ý thích sau khi đã lựa chọn bãi biển.

Hôm sau, chúng tôi thuê tàu đến thăm Koh Phi Phi là một quần đảo nằm ngoài khơi tỉnh Phuket. Phi Phi có 6 đảo lớn, trong đó nổi tiếng nhất là Phi Phi Don, Phi Phi Leh với những bãi cát được xem là sạch nhất thế giới. Dọc biển là những hàng dừa trải dài. Nghỉ đêm tại đây, sáng sớm đi dạo trên những bờ cát trắng, chúng ta sẽ được ngắm cảnh mặt trời mọc như chui lên từ đáy biển đẹp huyền ảo. Chúng ta có thể khám phá những hang động kỳ bí, thăm viếng đảo khỉ, chèo thuyền Kayak, lặn biển bằng ống thở và chân vịt ngắm san hô, tảo biển, hòa mình bơi lội cùng với hàng trăm loại cá biển muôn màu. Có lẽ chúng ta chưa quên cuốn phim The Beach trình chiếu năm 2000 với sự diễn xuất của Leonardo DiCaprio và Virginie Ledoyen, cuốn phim đã được bấm máy tại vịnh Maya thuộc Phi Phi Leh. Ngoài ra còn có đảo James Bond là nơi đã quay bộ phim “Tomorrow Never Die”. Koh Phi Phi được mệnh danh là đảo đẹp nhất thế giới với không ít những khu resort 4 sao, 5 sao rất đắt tiền, vì thế, không ít các ngôi sao Hollywood đã đến đây thư giãn, ngược lại, không nhiều người Việt Nam đến koh Phi Phi có lẽ vì đắt tiền.

phuket

Đường phố Phuket – nguồn virtualtourist.com

Trở lại Patong, ban ngày Patong vẫn đầy du khách tắm biển, mua sắm, nhưng vui nhất phải nói là ban đêm. Đêm Patong sáng choang, khách du lịch lên đồ đi ăn tối nườm nượp. Các nhà hàng, bar rượu đầy người. Khách da trắng thường có thói quen đi bar nhâm nhi một chút trước khi ăn tối, rồi ăn tối xong lại tiếp tục đi bar, nghe nhạc, coi các shows biểu diễn đến tận nửa đêm, người trẻ có thể kéo đến gần sáng, vì vậy các bar rượu ở Patong luôn đầy ắp người. Nhiều bar rượu có cả những vũ công, có thể là các cô gái Thái hoặc những vũ công chuyển giới nhan nhản khắp nơi ở Thái Lan. Các bar, các quán đua nhau mở nhạc hết volume, nhảy múa, có những du khách hứng khởi lên sân khấu nhảy nhót, ca hát cùng các vũ công tạo nên một không khí hết sức vui nhộn.

Điều ghi lại cho tôi một kỷ niệm buồn cười ở Patong là một buổi sáng bước ra khỏi khách sạn, thật bất ngờ trên các con đường người ta đông nghẹt. Nghe tiếng nhạc, tiếng trống ồn ào, tò mò tôi cũng chen vào xem. Trên đường là một cuộc diễn hành của các cô gái “điếm”, gái thật, “gái chuyển hệ” gì cũng có hết, vừa đi vừa nhảy múa ca hát, hò hét vang lừng. Các cô bận đủ các kiểu áo quần, từ một mảnh đến hai mảnh sặc sỡ, son phấn diêm dúa. Dọc hai bên đường, du khách đứng xem, chỉ trỏ, cười nói rất vui.

Cơn sóng thần 2004 đã tàn phá Phuket rất nặng nề. Phuket tan hoang, đương nhiên là những địa điểm, những khu resort sát biển trở nên điêu tàn. Trở lại Phuket hai năm sau sóng thần, một lần nữa làm tôi bất ngờ là Phuket đã mau chóng lấy lại “phong độ”, vẫn ồn ào, vẫn náo nhiệt, dù không ít những khu resort sang trọng trước đó giờ đã bỏ phế, hoang tàn. Hàng vạn du khách và người bản xứ đã ra đi theo sự “hưng phấn” của đại dương. Một khu khách sạn thật đẹp, nơi lần đầu tiên tôi đã ở khi đến Phuket, giờ bỏ hoang. Trở lại nơi đó, tôi như còn thấy lại khu tiếp tân với những nhân viên xinh đẹp trong những bộ đồng phục, luôn tươi cười chào đón khách. Và những dãy phòng trên lưng chừng núi, mỗi khi du khách muốn lên phòng chỉ cần lắc nhẹ một quả chuông trước khuôn viên tiếp tân, lập tức một chiếc xe trắng của khách sạn trờ đến đưa khách đến tận phòng.

phuket4

Phuket về đêm – nguồn jeffreydonenfeld.com

Thái Lan còn rất nhiều đảo, bãi biển du lịch khác rất nổi tiếng như Koh Samui, Ao Nang, Koh Chang…, ở đó chúng ta thấy rất nhiều những người Châu Âu, Mỹ, Úc,… đến lập nghiệp hoặc đến tuổi về hưu đã chọn những nơi này để an hưởng tuổi già. Điều này cũng dễ hiểu vì Thái Lan chọn kỹ nghệ du lịch để phát triển đất nước.

Một điều tôi không bao giờ hiểu nổi. Phật giáo là quốc giáo ở Thái Lan. Một trong năm cấm giới của đạo Phật là “cấm tà dâm” nhưng ở Thái Lan chuyện này lại được bảo vệ, lại gần như là quốc sách vì ở Thái Lan “làm điếm” là một nghề công khai. Điều này thật sự làm tôi thắc mắc. Nhưng dù sao đó cũng là một phạm trù khác mà người phàm như tôi không bao giờ trả lời được.

Đối với Thái Lan, du khách là nguồn lợi lớn, vì thế, cảnh sát thường xuyên đi tuần tra. Không ít trường hợp du khách lái xe ngược chiều, du khách say xỉn gây rối,.. nhưng khi cảnh sát Thái chận lại, đầu tiên là chào đúng quy cách, sau đó nêu ra sai phạm và ghi phạt. Du khách tự động đến đồn cảnh sát để đóng phạt, không có cảnh dấm dúi, không có cảnh thổi phạt vớ vẩn để làm tiền.

Sau những năm 1975, khi phong trào vượt biên tìm tự do của người Việt Nam bắt đầu rồi gia tăng, lúc đó phong trào cướp biển của Thái Lan đã gây ra biết bao nỗi kinh hoàng, làm tan nát bao gia đình. Cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc… có những người Việt Nam ra đi không bao giờ trở lại, có những người phụ nữ sau khi bị hãm hiếp đã bị bắt đi bán vào nhà thổ.v.v. và v.v… Những chuyện này làm tôi không thích người Thái Lan nhưng tôi vẫn muốn đến để tìm hiểu đất nước của những “tên cướp biển” trong quá khứ. Khi đến rồi tôi lại không biết phải lý giải thế nào khi thấy người Thái Lan làm du lịch, buôn bán “trung thực, đàng hoàng, lễ phép” hơn người Việt Nam. Không phải chỉ ở Phuket nhưng tôi cũng đã đến rất nhiều những điểm du lịch khác ở Thái Lan, ở đâu cũng cùng một cung cách “trung thực, đàng hoàng, lễ phép” mà chắc chắn một điều là sẽ chẳng bao giờ tìm thấy trong ngành du lịch Việt Nam. Chính đó là nguyên nhân mà giờ đây chính phủ Việt Nam đang đau đầu nghĩ đến chuyện miễn thị thực cho tất cả những “Việt kiều” và người ngoại quốc có gốc gác Việt Nam để chiêu dụ những người này hòng vớt vát cho ngành du lịch đang tụt dốc thê thảm do thiếu “trung thực, đàng hoàng, lễ phép”! Phải chăng cộng sản Việt Nam đã biến người Việt Nam trở nên thấp kém hơn cả “cướp biển” Thái Lan?!?

TN –  06 tháng 08 – 2015