Thưa hồi xưa mình đi học, mới lớp Nhì, lớp Nhứt, đọc thông nhưng viết chưa thạo, là thầy cô đã dạy rồi: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con!”
Mấy câu nầy dễ thuộc vì nó là thơ lục bát của người Việt, nhưng tiếc thay núi Thái Sơn lại ở bên Tàu, thuộc tỉnh Sơn Ðông, cùng với các dãy núi trong Ngũ đại danh sơn như: Hằng Sơn, Hành Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn.
Dân Tàu phong cho núi Thái Sơn là ‘đại ca’ trong 5 ngọn núi nầy, là biểu hiện của bình minh và tái sinh của sự vật như vai trò của Từ phụ, người cha trong gia đình, soi đường chỉ lối, dẫn dắt con cái đi đúng đường, đúng hướng.
Các nhà Nho mình thời xưa, ảnh hưởng Tàu rất nặng, nên rinh cái núi Thái Sơn về, nhét vô thơ Việt mình để dạy cho con nít biết thương mẹ, kính cha. Nhưng ‘Công cha như núi Thái Sơn’ là ‘Made in China’, là hàng ngoại nhập!
Bà con người Việt bình dân của mình, vốn không chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho học nên tự ên chế ra một hình ảnh tình phụ tử qua Hòn Phụ Tử ở gần Chùa Hang, Hà Tiên, Rạch Giá.
Hòn Phụ Tử là hai khối đá vôi dính liền nhau, như hình ảnh hai cha con tựa vào nhau, trông ra biển cả đầy sóng gió, cha con cùng chống chỏi trong cuộc đời chìm nổi phong ba. Nhưng tiếc thay, nước chảy đá mòn, huống hồ Hòn Phụ Tử là đá vôi, dễ bị xâm thực, bào mòn bởi sóng biển và gió… Kết cuộc đương nhiên là khoảng 3 giờ 45 phút ngày 9 tháng 8 năm 2006, phần Phụ của Hòn Phụ Tử đã đột ngột ngã xuống biển, bỏ Hòn Tử mồ côi!
Tình Phụ tử của Tàu, của Ta là vậy. Còn chuyện của Mỹ, của Úc là vầy: để công bình, thương Mẹ mà hổng nỡ bỏ quên Cha, người Mỹ bèn vinh danh ngày Từ Phụ (Father’s Day) luôn cho nó công bằng vì có cả hai mới có mình phải không? Mình là tác phẩm mà Ba Má mình đồng tác giả.
Và ngày Từ Phụ đầu tiên trên nước Mỹ được tổ chức vào ngày 19 Tháng Sáu năm 1910 tại Spokane, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, rồi sau đó lan ra toàn Bắc Mỹ và thế giới.
Ở Úc, ngày Từ Phụ được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhựt đầu tiên của Tháng Chín, khi mùa xuân tới.
Thưa người Úc là dân tộc độ lượng và rộng lượng, khoái đông vui dù hơi bị hao nên ngày Từ Phụ để vinh danh cha ruột của mình nhưng các ông cha ghẻ (vì ở dơ), cha vợ (công nuôi con vợ mình hồi nhỏ rí), cha nuôi (vô cô nhi viện cõng mình về), cha đỡ đầu (kẻo té thằng nhỏ) đều vui hết biết…!
Vậy là cả đám tụ họp lại ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối cùng nhau suốt cả ngày Chủ Nhựt mà không cần dao nĩa gì hết ráo vì Úc thường nói là ăn như ngựa (eat like a horse) vậy!
Ăn xong rồi quà cáp cho Tía, sô cô la, quần áo, cà vạt, phiếu mua quà trả trước. Xong rồi đi chơi. Ai không nhậu thì đi xem phim, đi Sở thú coi khỉ. Còn ai khoái bia Úc như tui thì cả đám lội qua công viên gần nhà nướng thịt trừu ăn với sốt cà chua và uống bia VB (Vợ Bỏ).
Thưangày Từ Phụ năm nay, tui xin đãi bà con một vài câu chuyện cảm động về tình Phụ Tử trước.
Chuyện rằng: Một thanh niên đã 24 tuổi đầu, mà ngồi trên xe lửa, rất lấy làm phấn khích reo lên: “Tía ơi! Nhìn kìa! Hàng cây nó biết chạy giựt lùi hay quá ta”!
Mấy người hành khách, ngồi gần, thấy tội nghiệp ông già Tía nầy quá. Sao thằng con đã 24 tuổi đầu mà cư xử như đứa con nít lên 5 vậy? Nên lên giọng thầy đời, “Sao ông không đưa cậu ấy đi khám bác sĩ xem sao?”
Người cha cười hè hè nói: “Có chớ! Hai cha con tui ở bịnh viện mới ra đó! Chẳng qua là cháu bị mù từ lúc bẩm sinh, mà phẫu thuật thì tốn kém lắm; nên tui phải chờ mãi tới giờ mới đủ tiền mà phục hồi thị giác cho cháu đó đa!”
Câu chuyện nầy của Tây làm mình lại nhớ đến chuyện tướng cướp Thy Ðằng Thành Ðược hy sinh đôi mắt của chính mình cho đứa con gái bị mù là Xuyên Lan Thanh Nga trong tuồng cải lương ‘Tiếng hạc trong trăng’ của hai soạn giả Yên Ba và Loan Thảo vậy!
Chuyện xiển dương tình phụ tử, cha thương con mà cho móc hai con mắt gắn qua gắn lại nầy coi bộ hai ông soạn giả cải lương nầy hơi tưởng ‘tượng’ tức tưởng ‘voi’!
Thưa ở đời ai cũng thương con, núm ruột của mình hết ráo trong cơn nguy cấp đều làm tất cả mọi thứ cho con.
Tuy nhiên, con mình mình thương, con người ta thì người ta cũng thương hệt như mình vậy. Ðừng như ông bố trong câu chuyện dưới đây nha!
Một ông bác sĩ vội vã vào bịnh viện để phẫu thuật cho một bịnh nhân. Ông thấy bố của đứa bé đang chờ.
Ông bố nầy nổi quạu, hét toáng lên rằng: “Sao tới giờ ông mới vác mặt đến? Ông có biết con tôi đang rất nguy hiểm, thập tử nhứt sanh không? Ỷ làm bác sĩ mà không có tinh thần trách nhiệm, lương y như từ mẫu gì hết ráo vậy?”
“Xin ông hãy bình tĩnh để tui lo cho cháu!”
“Bình tĩnh! Bình tĩnh cái gì? Nếu nó chính là con ruột của ông thì ông sẽ phản ứng ra sao? Thiệt là vô lương tâm chức nghiệp mà.”
Vài tiếng sau, ông bác sĩ ra khỏi phòng mổ và hân hoan báo tin:
“Tui đã cứu được con ông rồi! Tui gấp lắm! Phải đi ngay đây! Cần gì, ông hỏi cô y tá nha!”
“Thiệt là tay bác sĩ ngạo mạn, làm phách quá mà!” “Bác sĩ gì mà không chịu chờ vài phút, cho tui biết tình trạng của con tui ra làm sao nữa! Xong là chạy như giông hè!” Ông than phiền với cô y tá!
Thì cô y tá cắt nghĩa rằng: “Ông ơi con ai cũng thương, cũng lo! Ông bác sĩ cũng có con vậy. Thằng con của ổng bị tai nạn vừa mới mất, ổng đang lo chôn cất con mình… Mà vì ca bịnh này khẩn cấp nên ông phải bỏ ngang tang lễ chạy vô mà lo cứu con ông đó!”
Thưa nhân ngày Từ Phụ, chuyện của tui là: “Tuần rồi đứa cháu nội gái, học lớp một, về tặng cho tui là ông nội nó, một bức tranh do chính tay nó vẽ bằng bút chì trong lớp nhân ngày Father’s Day sắp tới.
Chỉ vào bức tranh, nó cắt nghĩa: “Daddy nè! Mommy nè, Tekken, thằng em của nó. Bà nội nè!”
“Còn ông nội đang chống gậy, mang mắt kiếng nè!”
Thiệt là món quà quý có ý nghĩa hết biết. Nó vẽ hình những người nó yêu mến nhứt đời đó bà con ơi! Trong đó có tui! Hỏi hổng thương, hổng cưng sao được?
Xong nó còn quấn quýt bên chưn, thủ thỉ với rằng: “Ông nội đi làm có tiền, nhớ mua ‘toys’ (đồ chơi) cho con nhá!”
Thiệt là cháu tui! Nó thông minh hết biết hè! He he!
Bảo Huân
DXT – Melbourne