Buổi sáng, ngồi nói chuyện với em, nhìn cánh tay em đầy những vết lưỡi lam cứa sâu đã thành thẹo mà em giơ ra cho xem, tôi thấy ngậm ngùi. Em cười lớn một cách cay đắng như tự chế giễu mình, “Sau khi nốc một chai đầy thuốc ngủ, em tỉnh dậy, ha ha, mình vẫn còn sống”. Em là một trong những bệnh nhân bị bệnh trầm cảm mà tôi gặp hàng ngày. Hầu hết những người được liệt vào danh sách có bệnh tâm thần tôi gặp đều mang bệnh trầm cảm. Trong số những người mắc bệnh trầm cảm, tỷ số người đã từng tự tử hay có tư tưởng tự tử không phải nhỏ.
Ðời sống càng khó, con người càng chán ghét, căm thù nó, chống chọi đối đầu không nổi thì ta hủy diệt và giết nó đi. Tự tử là hành động “xử trảm” đời sống của mình.
Một buổi trưa, trong một lớp học, một em học sinh tuổi teen tìm đến thầy giáo của mình lúng túng tâm sự “Thầy ơi, em đã thử giết em bằng cách uống thuốc quá liều, mà không chết. Em còn sống đây mà lòng còn đầy phiền não.” Người thầy giật mình, nhớ lại trong cuộc đời làm nghề giáo của mình đã có 3 em quyên sinh, 2 tự bắn chết và một em tự treo cổ.
NGUỒN US.REACHOUT.COM
Buổi chiều khác, khi tôi đang đàm đạo với một vị tu sĩ trên mạng, bỗng thầy kêu lên “ Có một em đang có ý định tự tử, đang hỏi ý kiến của tôi.”
Tôi bỗng nhận ra những em có ý định tự tử biết tìm đến các bậc trưởng thượng, người cố vấn tôn giáo hay người thân thiết hiểu rõ về cuộc sống để tâm sự và nghe lời khuyên, là những em khôn ngoan. Chính tôi ngày xưa (vào tuổi teen) cũng có vài lần tự tử mà không chết, lại ngu ngốc đến nỗi không biết tìm đến ai đó để cầu cứu hay tâm sự. Có phải tại tôi giận quá hoá đần, quá khép kín, không bạn bè thân thiết đủ tín cẩn để gởi trao những câu chuyện buồn, cần gỡ rối? Hay khi ấy sự quyến rũ của cái chết quá lớn? Sự tuyệt vọng, nỗi chán chường cuộc sống lên đến tuyệt đỉnh, khiến tôi không biết làm gì hơn là hủy diệt nó đi? Tôi tự hỏi, làm người từ thuở bé thơ đến khi chết đi có bao lần con người nghĩ đến và đã thực hiện hành vi tự cướp đi mạng sống chính mình?.
Hàng ngày trên mạng lưới thông tin, báo chí truyền thông, biết bao nhiêu người đã tự tử, có người thành công có người thất bại và khi biết mình còn sống, lại tiếp tục thử lại phương pháp nhanh nhất đưa cổ vào lưỡi hái của thần chết. Có người hận đời, hận người, xứ Mỹ sẵn súng trong tay, thế là xả súng vào đám đông, nơi công cộng, để mang theo nhiều kẻ đồng hành với mình về bên kia thế giới.
Trong số những người tự vẫn, tuổi trẻ chiếm đa số. Theo một thống kê của chính phủ (1991-2013) tự vẫn là một nguyên nhân đứng hàng thứ nhì gây ra cái chết cho các em tuổi teen giữa độ tuổi từ 15 tới 19.
Lý do đưa tới việc tự tử của các em thì rất nhiều. Buồn phiền, giận dữ, chán sống vì cảm thấy mình bất lực khi bị ăn hiếp ở trường học. Bị sỉ nhục, chế giễu lăng mạ, theo dõi, đánh đập, hiếp đáp tinh thần, thể chất và cả tình dục. Bị ảnh hưởng trong việc dùng các chất gây nghiện như rượu hoặc ma tuý. Bị bệnh tâm thần hay có bệnh sử tâm thần do di truyền. Ðánh mất các mối quan hệ thân thiết, bạn bè, gia đình, xã hội. Có chuyện bất hoà với người trong gia đình hoặc cha mẹ. Người thân bệnh nặng, qua đời. Mắc các chứng nan y, tuyệt vọng. Sống trong gia đình cha mẹ bất hoà, nghèo đói, tài chánh thiếu hụt, mang công mắc nợ, nghiện ngập. Bị người lớn hành hạ và cưỡng bức tình dục.v..v…
Mỗi ngày thức dậy, tôi may mắn có cuộc sống vững vàng ít thay đổi nhưng chung quanh tôi biết bao là cảnh biển dâu, bao người phải vượt qua những thảm cảnh, nghịch cảnh hay những cuộc đổi đời ngoài ý muốn. Không phải ai cũng có đủ nghị lực để chống chỏi hay vượt lên thống khổ mà sống còn. Một cái cây vẫn đứng vững trong trận cuồng phong nhờ thân cây to, chắc và rễ bám sâu vào lòng đất. Khí hậu càng khắc nghiệt, ý chí tồn tại càng lớn và cây phải nương theo chiều gió, thả rễ sâu vào đất lấy nước mà sống là bài học cho chúng ta suy ngẫm.
Nếu chúng ta biết thực tập những liệu pháp tiêu diệt được nỗi buồn. Nhận biết được cái giận đang bùng lên, dâng tràn như sóng dữ trong người và dừng ngay lại thì chúng ta sẽ tránh được hậu quả của những hành động sai lầm, thiếu suy nghĩ do nóng giận gây ra. Nóng giận là một trong những nguyên do chính gây ra tự tử. Các em tuổi teen còn nhỏ, như cái cây non, chưa biết uốn mình theo cơn gió lớn, khi bị tổn thương, để cho cơn giận trào ra tứ chi, hành động ngay lập tức, không cần biết điều mình sẽ làm đúng hay sai.
NGUỒN WWW.LIVESCIENCE.COM
Theo ý riêng của tôi, việc gieo những hạt giống phòng chống tự tử cho các em trẻ cũng giống như chúng ta trồng một cái cây có tố chất mạnh mẽ vậy. Ánh sáng và mặt trời là môi trường xã hội rèn luyện cho cây nhân sinh có sức đề kháng vững chãi, uốn mình theo gió. Tuy nhiên, cây cần có nước. Việc tưới cây là việc cần thiết cho cây sống, trưởng thành và khoẻ mạnh. Ðây là công việc rèn luyện tinh thần quan trọng nhất của các bậc cha mẹ.
Nếu bạn là phụ huynh, có một chỗ dựa tinh thần là tôn giáo riêng của bạn. Bạn có thể cố gắng tạo cho các em một môi trường sống gần môi trường đạo đức của tôn giáo. Những bài giảng giáo lý của các tôn giáo thường giúp các em nhận biết được điều hay lẽ phải. Các bậc lãnh đạo tinh thần thường giảng dạy những bài học hay giúp các em rèn luyện nhân cách. Ngoài những bài dạy luân lý, có nơi còn chia sẻ những bài học tâm lý và phương pháp tập nhận biết những cơn giận, để chúng tan đi. Những cơn giận vì bị áp bức, bắt nạt, ngược đãi, trêu chọc, tủi hổ, hoặc mặc cảm, tủi hổ, tủi thân sẽ là ngọn lửa đi đến hành động tự sát ngay lập tức mà không cần suy nghĩ. Chính cơn giận bị đòn oan ngày xưa mà tôi cũng bao lần dại dột tự tử mà không thành công. Nhất là các em tuổi teen, các em rất nhạy cảm, dễ lâm vào sự cám dỗ hay áp lực của bạn bè.
Vào thời buổi truyền thông nhanh lẹ như hiện nay, những lỗi lầm đưa đến tội ác giết người được thực hiện và truyền đi trên mạng internet chỉ trong vài phút. Khi con người nói bằng bàn phím nhanh hơn sự suy nghĩ, biết bao điều đáng tiếc đã liên tục xảy ra nhất là việc tự tử.
Ðiển hình là gần đây có em nữ sinh mới 15 tuổi vừa nói lời chia tay với bạn trai vì nghe theo lời cha mẹ để tập trung vào việc học, Em bị người tình tung clip sex và phát tán lên mạng để trả thù. Sau đó, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Chỉ trong vòng 2 ngày, facebook tràn ngập đoạn clip của một đôi mà người ta chỉ nhắm vào thông tin của nhân vật chính: một cô bé sinh năm 2000. Cư dân mạng mau chóng và hăng hái truyền nhau đoạn video và có hàng ngàn đoạn phản hồi phê bình mạt sát, chửi rủa cô bé như “Ðồ trẻ trâu”, “Ðẹp mặt chưa bé gái!”, “Hàng ngon thế?”, “Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”. Phải nói là mạng lưới truyền thông đã góp phần vào hành động sát nhân. Sự xấu hổ của cô bé và sự giận dữ của anh bạn trai là nguyên nhân đưa đến cái chết. Cả hai đều hành động thiếu suy nghĩ vì còn quá trẻ.
Tuổi trẻ nông nổi vì các em là cái gạch nối giữa hai giai đoạn, tuổi thơ và trưởng thành nên các em dễ mắc lỗi lầm trong lối cư xử khi chưa suy nghĩ chín chắn. Do đó các phụ huynh, thầy giáo hay các vị lãnh đạo tinh thần nếu có cơ hội gần gũi các em có thể để ý đến các dấu hiệu báo trước việc tự tử của các em mà đề phòng. Trước khi tự tử các em có thể hay có kế hoạch hay lưu dấu hiệu ở việc ghi chép như trong nhật ký, tập vở hay trên facebook. Các em thường thay đổi thái độ, lề lối suy nghĩ, sự diễn đạt và cảm xúc.
Khi phát giác ra ý định tự tử của các em, các phụ huynh nên bình tĩnh. Nói chuyện trực tiếp với các em và hỏi các em nghĩ gì khi tự tử. Tập trung và quan tâm đến điều khiến em hạnh phúc, nhất là tránh kết tội hay quy tội. Lắng nghe. Cam đoan với các em, bạn sẵn sàng giúp và không để chuyện đáng tiếc xảy ra lần nữa. Theo dõi thật sát các em và không để chúng ở một mình. Cất giấu tất cả các thứ thuốc, đồ vật hay vũ khí có thể gây ra cái chết. Cố gắng gần gũi, trò chuyện và quan tâm đến đời sống tinh thần của các em nhiều như đời sống thể chất.
Một điều thường xảy ra là người muốn tự tử thường không cho ai hay. Các em sẽ được may mắn biết bao nhiêu khi biết tìm đến các bậc trưởng thượng đầy hiểu biết và nhận lời khuyên răn. Tôi mong mỏi và hy vọng các vị phụ huynh, các vị có thẩm quyền, hay đang nắm giữ các chức vụ có thể ảnh hưởng sự suy nghĩ của người khác. Bất cứ khi nào có cơ hội gieo được hạt giống phòng chống tự tử cho các em còn trẻ, xin quý vị hãy thực hiện ngay. Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh.
TTT