Menu Close

Hy Lạp và bài học tài chánh

Vỡ nợ là đề tài khá dài cho nhiều quốc gia trên thế giới và cũng điều hiển nhiên khi mức tiêu xài cao hơn tài sản sẵn có. Giản dị vô cùng, có 5 đồng mà rộng tay tiêu xài đến 7, 8 đồng thì tất nhiên là sẽ mang công mắc nợ. Nợ nần khi không trang trải nổi, trả dần nợ cũ và đừng tiếp tục vay mượn, thì cũng đến một ngày đẹp trời, chủ nợ sẽ lắc đầu không cho vay mượn nữa. Chuyện “vỡ nợ” chỉ còn là ngày tháng. Vỡ nợ dẫn đến tình trạng khánh kiệt hay phá sản là chuyện xảy đến với cá nhân, với một cộng đồng hay cả một quốc gia. Ðây là câu chuyện của Hy Lạp hôm nay hay Bồ Ðào Nha, Argentina trong những năm trước đây. Nôm na là chuyện vỡ nợ là chuyện xưa như trái đất, chỉ khác đôi chút về cách con nợ trang trải và trỗi dậy sau khi khánh kiệt.

bh hylap

Hy Lạp biểu tình chống thắt lưng buộc bụng –  NGUỒN GREEKCRISIS.NET

Ngày nọ khi Argentina vỡ nợ thì quốc gia ấy làm ăn ra sao? Khoảng thời gian 1998–2002 được xem như cơn khủng hoảng tài chánh của Argentina khi Nga và Brazil trải qua cơn khủng hoảng kinh tế, đồng tiền mất giá ảnh hưởng đến các quốc gia làm ăn buôn bán, nương tựa vào họ. Tại Argentina, nạn thất nghiệp lan tràn, đồng Peso phá giá, mức lạm phát lên đến 40% và Argentina không thể trang trải các món nợ nần. Dân chúng đói khổ nên xuống đường biểu tình, đốt phá công thự dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ đương thời. Trong khoảng thời gian đen tối ấy, trên 50% cư dân Argentina sinh sống trong mức “nghèo đói”.
Vị Tổng thống tiền nhiệm, ông Fernando de la Rúa, đã leo lên trực thăng bỏ trốn khi dân chúng đập nồi đập chảo reo hò bên ngoài Dinh Tổng Thống và chắn đường ra ngõ vào! Ông bộ trưởng bộ Tư Pháp, Julio Alak, của nội các kế nhiệm đã phải đăng đàn hứa hẹn rằng Tổng thống của họ sẽ không bỏ chạy!

Nội các của bà Cristina Fernández de Kirchner, vị Tổng thống kế nhiệm lên nắm quyền lèo lái quốc gia và tình hình chính trị trở nên sáng sủa hơn. Các biện pháp cứu giúp kinh tế được ban hành nên tài sản quốc gia từ mức nợ nần bắt đầu hồi phục. Nạn lạm phát giảm dần, sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo bớt rõ rệt dù quốc gia chưa hoàn toàn thoát khỏi trận khủng hoảng.
Bà Fernández gia tăng mức ngoại tệ dự trữ qua nhiều biện pháp tài chánh, giảm nhập cảng (để đỡ tiêu xài), bán công khố phiếu (công trái) ra ngoại quốc (một hình thức vay nợ) hầu mang về ngoại tệ.

Ở một quốc gia nơi cư dân không mấy tin tưởng vào đồng tiền lưu hành tại địa phương, việc thu gom ngoại tệ của chính phủ khiến dân chúng an tâm hơn. Nội các Fernández đã dùng ngoại tệ để mua Peso khiến đồng tiền của họ duy trì được trị giá và hạ mức lạm phát. Qua một biện pháp tài chánh khá táo bạo, chính phủ Argentina đã dụ dân trữ ngoại tệ bằng cách cho cư dân có mức lương trên 1 ngàn Mỹ kim hàng tháng đổi 20% lương bổng ra ngoại tệ (Mỹ kim) với giá hối đoái chính thức! Nói giản dị là chính phủ Argentina đã lấy lại phần nào sự quân bình tài chánh và niềm tin của dân chúng qua việc duy trì trị giá của đồng Peso. Tuy nhiên, giữ giá đồng tiền đưa đến một số hệ quả khác, đồng Peso cao giá khiến Argentina khó lòng xuất cảng mà kiếm tiền; tiết giảm nhập cảng nên các ngành kỹ nghệ không thể mua vật liệu để chế tạo… đưa đến việc trì trệ kinh tế. Một vòng lẩn quẩn dù bức tranh kinh tế đã sáng sủa hơn, người mua công trái đã được bồi hoàn đầy đủ và Argentina đã trả hết các món nợ từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), nhưng chưa có lối thoát lâu dài. Và bà Fernández sẽ rời ghế Tổng thống khi nhiệm kỳ chấm dứt, người kế nhiệm sẽ phải tiếp tục giải quyết cơn nhức đầu trường kỳ kia với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tiết giảm ngân sách (cắt các chương trình trợ cấp từ chính phủ).

Trở lại với Hy Lạp sau khi ta có dịp nhìn ngắm bức tranh Argentina, cũng một vấn nạn tài chánh ở tầm mức quốc gia. Khi thế giới lắc đầu không cho vay nữa thì Argentina vỡ nợ nhưng vẫn tìm ra cách trỗi dậy, còn Hy Lạp thì sao? Cư dân hè nhau rút Euro từ ngân hàng thủ thân, lỡ có gì thì bỏ chạy qua các quốc gia lân cận và có chút của lận lưng!? Mỗi ngày cả ngàn người xếp hàng rồng rắn trước các ngân hàng để lấy tiền và chính phủ phải giới hạn các món tiền kia. In hệt như chính phủ Cộng Sản Việt Nam, bỏ tiền thì đặng chớ rút tiền về thì không xong!

Những người có của rút tiền không xong đang khóc ròng, công chức hoang mang không hiểu đến kỳ lương bổng thì sao? Chính phủ có… in tiền để phát tiếp hay không? Và dù tương lai kinh tế tối mò như thế nhưng cư dân Hy Lạp vẫn tiếp tục bỏ phiếu chống đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà cộng đồng Âu Châu, dẫn đầu là thủ tướng Ðức bà Angela Merkel đề xướng. È lưng chống đỡ đồng Euro bấy lâu nên dân Ðức ấm ức lắm, họ đồng thanh kêu la ai biểu ăn xài rộng rãi làm chi bây giờ bắt tui lãnh nợ! Tất nhiên là chẳng ai bắt ép được dân Ðức nhà giàu mở hầu bao cứu trợ nhưng trên thực tế thì không giúp Hy Lạp cũng chẳng được vì Hy Lạp sập tiệm kéo theo trị giá của đồng Euro chưa kể các vụ di dân ào ạt đến các vùng đất lân cận và cả một cộng đồng Âu Châu sẽ chịu ảnh hưởng, không nhiều thì ít. Ta đành góp công góp sức chữa lửa cháy từ nhà hàng xóm hơn là ngoảnh mặt làm ngơ để lửa cháy lan đến nhà… mình, rồi mọi nơi đều tro than như nhau?!

Tình hình kinh tế Hy Lạp đang dầu sôi lửa bỏng như thế thì hình như đang có chút mưa rào tự chân trời. Thủ Tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras đăng đàn thông báo rằng nội các chính phủ đã biểu quyết đồng ý việc thỏa thuận với một số điều kiện của chủ nợ như gia tăng thuế má, tiết giảm ngân sách trong việc tiêu xài để được vay tiếp một món nợ khác 53. 5 tỷ Euro (cỡ 59 tỷ Mỹ kim) trong vòng ba năm sắp tới để sống sót! Tóm lại là Hy Lạp tiếp tục vay nợ, tổng số lên đến 240 tỷ Euro tính từ năm 2010.

Ðến hôm nay, ngày 13 Tháng Bảy, 2015 thì chủ nợ và con nợ dường như đã thỏa thuận giải pháp vay mượn qua một số điều kiện. Hy Lạp vẫn phải tiết giảm ngân sách, ngặt nghèo hơn nữa mặc cư dân Hy Lạp phản đối rầm rộ, để được tiếp tục vay mượn mà sống còn. Chẳng quốc gia Liên Âu nào dám ngoảnh mặt đóng cửa với con nợ Hy Lạp kể cả Ðức bực bội tức tối. Có lẽ vì Pháp, Ý cũng xính vính và đang xoay trở với các biện pháp chế tài của riêng họ nên chẳng dám mạnh tay bức ép Hy Lạp, lỡ mình cũng sa vào số phận túng thiếu như thế thì khó ăn khó nói?

Khi mấy vị nguyên thủ Liên Âu đăng đàn nói về sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ thì kỹ nghệ tài chánh thở ra cái ào, trị giá cổ phần lại trở về vị thế cũ vì thế giới đã chịu mở hầu bao làm ăn tiếp, nỗi lo âu mất của đã vơi đi ít nhiều. Riêng Dế Mèn thì tò mò lắm, nếu chủ nợ Liên Âu cứ bỏ mặc Hy Lạp thì chuyện sẽ ra sao nhỉ? Bá tánh sẽ xôn xao ít lâu rồi ai về nhà nấy, tiếp tục làm ăn mặc Hy Lạp bạo loạn? Và rối loạn chán rồi thì sẽ yên? Cứ cho vay cầm hơi thế này thì chẳng bao giờ con nợ chịu thật sự thắt lưng buộc bụng, chí thú làm ăn để trả nợ và xây dựng đất nước họ trên một kinh tế căn bản vững chắc bền bỉ hơn như kinh nghiệm của Argentina?

TLL