Lời Tòa Soạn: Dưới đây là đoạn trích bài nói của tác giả Trangđài Glassey Trầnguyễn trong phần Hội Thảo Chủ Đề của Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm thứ 27 vào ngày 14-16 Tháng Tám năm 2015, do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California tổ chức tại Le Jao Center, Westminster, California.
Trang Đài và các sinh viên tại Helsinki
Hiện nay, có nhiều chương trình công lập dạy tiếng Việt và văn chương Việt tại Hoa Kỳ, từ Mẫu Giáo đến đại học, và hậu đại học. Ðây là một phát triển thuận lợi cho chúng ta, để có thêm điều kiện và môi trường giảng dạy tiếng Việt không chỉ cho con em mình, mà cả các cộng đồng bạn. Tuy nhiên, dù có nhiều điểm tương đồng, việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng và trong giáo dục công lập là hai công việc rất khác nhau, nhất là khi nói đến mục tiêu yêu nước và giữ nước của cộng đồng chúng ta.
Dù có sự khác biệt, nhưng với sự phát triển của các chương trình công lập này, cùng với sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của những cộng đồng Việt tại Mỹ, người ta có thể học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hoá Việt Nam ngay tại hải ngoại, với những ưu thế của lối giáo dục Hoa Kỳ, và tiềm năng vô tận từ cộng đồng.
Tiềm năng vô tận đó nằm ở đâu? Trước hết, tiềm năng đó nằm trong chính quý Thầy Cô đang hiện diện tại đây, cũng như tất cả các quý Thầy Cô đã từng tham gia giảng dạy tại các trường Việt Ngữ khắp nơi. Tiềm năng đó cũng nằm trong các bậc phụ huynh hết lòng muốn con em mình biết tiếng Việt.
Những tiềm năng trên lại được quy tụ về với các tổ chức theo đuổi sứ mạng duy trì và phát triển tiếng Việt và văn hoá gốc tại hải ngoại, như Ban Ðại Diện. Ban Ðại Diện trong suốt những thập niên qua đã bền bỉ đứng mũi chịu sào trong việc huấn luyện quý Thầy Cô, soạn và phát hành các tài liệu giáo khoa, hệ thống hoá và tổ chức các sinh hoạt Việt ngữ cấp vùng, và đối thoại với dòng chính về những vấn đề liên quan đến Việt ngữ. Quan trọng nhất, là Ban Ðại Diện giúp các Thầy Cô gặp gỡ nhau, trau dồi khả năng sư phạm, và tăng thêm lòng yêu mến tiếng Việt và lòng quyết tâm giảng dạy Việt ngữ khi được gặp gỡ những trái tim cùng nhịp đập.
Chúng ta cần một Ban Ðại Diện trong mỗi cộng đồng hải ngoại, không chỉ ở miền Nam California. Tại sao? Tôi xin đưa ra câu trả lời bằng cách đối chiếu với việc dạy tiếng Việt ở một số cộng đồng hải ngoại tôi đã đến tìm hiểu. Cũng giống như chúng ta, người Việt ở các nước Châu Âu cũng quan tâm đến việc duy trì tiếng Việt cho những thế hệ tiếp nối, nhưng mỗi nơi là một hoàn cảnh. Ở Luân Ðôn, cộng đồng người Việt có thể xin tài trợ từ chính phủ để mở lớp tiếng Việt cuối tuần.
Ở Thuỵ Ðiển, nếu có ít nhất là hai em học sinh nói tiếng Việt ở một trường công lập, chính phủ sẽ đài thọ để các em được học tiếng Việt hằng tuần. Tuy nhiên, đãi ngộ này cũng có những trớ trêu của nó. Tại Malmo, mà tôi gọi là “Mũi Cà Mau của Thuỵ Ðiển,” Chị Sớm Mai, con gái của Nhà văn Nhã Ca và Nhà thơ Trần Dạ Từ, kể cho tôi nghe chuyện bài tập tiếng Việt của con chị. Cô giáo cho một số vần để học sinh tìm chữ và đặt câu, nhưng có một vần không phải là tiếng Việt. Chị có nói gì, con chị vẫn lo vì không làm xong bài. Hoá ra, cô giáo là người Việt gốc Chợ Lớn, và đưa vần tiếng Hoa vào dạy tiếng Việt. Chỉ khốn khổ cho học sinh và phụ huynh người Việt, không thể nào tìm ra được trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình một chữ nào có cái vần ngoại quốc ấy. Nếu có các trường Việt ngữ cộng đồng, nhất là có một Ban Ðại Diện tại Thuỵ Ðiển, thì chắc chắn việc đáng khóc này đã không xảy ra.
Tôi nói đáng khóc, vì tôi yêu tiếng Việt, và bất nhẫn khi tiếng Việt bị xúc phạm. Tôi đã bền bỉ theo đuổi tiếng Việt cả một đời trong nghiên cứu, sáng tác, và dấn thân; và luôn chọn tiếng Việt làm trung tâm của đời sống. Cho nên, đối với tôi, tiếng Việt luôn có một chỗ đứng quan trọng, không chỉ ở mặt cá nhân, mà ở mức quốc gia và quốc tế. Do đó, ngay trong thời gian mà tiếng Việt chưa được phổ biến trong dòng chính và học thuật, thì tôi đã mạnh dạn và kiên quyết dùng tiếng Việt trong những môi trường này. Tuy lúc đó còn vật lộn với cơm áo, tôi đã không ngần ngại dùng tiền nợ sinh viên mà chính phủ cho tôi mượn để đầu tư vào những dự án nghiên cứu về người Việt và bằng tiếng Việt. Tôi mong rằng qua những chia sẻ tiếp sau đây, các Thầy Cô trẻ hơn sẽ mạnh dạn dùng tiếng Việt, nhất là trong việc học và việc làm.
Bài nghiên cứu đầu tiên của tôi tại Golden West College là về Trường Việt Ngữ Cộng Ðoàn Westminster, nơi Thầy Hoàng cho phép tôi lây bệnh cho trẻ em – một căn bệnh mà chính quý Thầy Cô cũng mắc phải: bệnh yêu tiếng Việt. Tôi còn dùng tiếng Việt để nghiên cứu về cộng đồng, và chuyển những dữ liệu nghiên cứu từ tiếng Việt sang tiếng Anh để đưa vào học thuật dòng chính. Là một người cầm bút, tôi ưu tiên viết bằng tiếng Việt, vì tiếng Việt không ngừng quyến rũ tôi, và là con đường ngắn nhất để tôi đến với người Việt ở khắp nơi.
Vào thập niên 90s, tôi đã sáng lập Dự Án Việt Mỹ, Vietnamese American Project, bằng chính student loans của mình tại Ðại học Cal State Fullerton, kết hợp lịch sử truyền khẩu (oral history) và nghiên cứu ethnography, dùng tiếng Việt để ghi nhận lịch sử và cái nhìn của người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam và nhiều nơi khác ở Hoa Kỳ. Với Dự án này, tôi đoạt giải quán quân trong cuộc tranh tài nghiên cứu năm 2004 do hệ thống Ðại học CSU tổ chức, với bài viết “Quận Cam, Sử Vàng.”
Năm 2004, tôi được cấp học bổng Fulbright toàn phần để nghiên cứu về người Việt tại Thuỵ Ðiển. Tôi lại chọn dùng tiếng Việt để nghiên cứu. Hai Ủy Ban Fulbright của Hoa Kỳ và Thuỵ Ðiển nhận ra rằng tiếng Việt là chìa khoá trong đề án của tôi, và nhận ra sự cần thiết của đề án này. Nhờ vào khả năng tiếng Việt và thành tích nghiên cứu của tôi, Ủy Ban Fulbright đã xếp đề án của tôi vào bậc tối ưu, danh dự cao nhất của chương trình.
Tôi đã sử dụng tiếng Việt xuyên suốt nghiên cứu của mình tại Thuỵ Ðiển và hơn mười nước Châu Âu khác. Ðó là một lợi thế tuyệt vời, vì tôi không thể nào học mười mấy thứ tiếng trong vòng một năm. Nhưng đáng nói hơn hết, tôi không thể nào dùng tiếng địa phương để đi sâu vào tâm tư và tâm thức của người Việt thuộc thế hệ di dân tại Châu Âu – vì chỉ có tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, mới giúp tôi làm được điều này.
Năm 2006, tôi “Xuôi miền Nam” hai lần sau Katrina để giúp đồng bào Việt Nam tại New Orleans và Biloxi. Chính tiếng Việt là điểm nối, giúp các nạn nhân bão lụt cảm thấy thoải mái và dễ dàng nói về kinh nghiệm sống sót và những nhu cầu sau thiên tai của mình. Có một tổ chức muốn tìm hiểu nhu cầu nhà ở của người Việt tại miền Nam sau cơn bão, nhưng không ai tham gia, vì người hướng dẫn là người Mỹ, chỉ nói tiếng Anh.
Do đó, trong cộng đồng Việt hải ngoại, Tiếng Việt chính là mối dây liên kết toàn cầu mạnh mẽ và thiêng liêng nhất. Và nhờ tiếng Việt, mà tại hải ngoại, cho dù chúng ta không còn trong cùng một nước Việt Nam, nhưng vẫn thuộc về cùng một quê hương, là một tiếng Việt giữa thế giới.
TGT