Khi Thiếu úy Vương Văn Ðông bước chân vào quán Cựu Lã Vọng, nhiều năm sau Thánh Chiến giáo dân phố Chả Cá vẫn chưa quên hình ảnh dẫy xe kéo thay nhau lật ngửa mỗi khi anh đi qua, làm như viên thiếu úy mang trên thân những đảo điên của sự vật. Ðó là lần đầu tiên viên sĩ quan trẻ thuộc tiểu đoàn 9 Bộ Binh An Nam từ Nam Ðịnh biệt phái lên Cao Bằng khám phá suốt dọc đường Thuộc Ðịa số 4, hễ anh lên chuyến quân xa nào, chiếc GMC đó lật hố.
Thời gian pháo đài chịu vây hãm, Vương Văn Ðông nhận ra không chỉ đồ vật nhưng cả con người cũng ngã bổ mỗi khi anh quan tâm. Từ binh sĩ đại đội phụ lực quân ở giao thông hào mỗi khi anh thanh sát quát tháo, sợ hãi ngã chúi lên đống bao cát đến các phụ nữ đoan trang ở phố doanh thương Tôn Thọ Tường cũng ngã bật lên giường chỉ cần anh chạm nhẹ bả vai sau những tối khiêu vũ ở câu lạc bộ sĩ quan La Grande Flotte. Hiện tượng huyền bí xảy ra nhiều đến nỗi Vương Văn Ðông bắt đầu hoài nghi thứ tự sắp xếp trong vũ trụ và tin có một trật tự khác chỉ một mình anh hoán chuyển. Thời kỳ đó, viên thiếu úy bắt đầu trông thấy định mệnh, thứ định mệnh kỳ dị mà anh không sao giải thích. Phải đợi đến một thập niên sau trong những ngày binh biến trước dinh Norodom, khi đảo chánh vị Tổng thống Cộng Hòa An Nam đầu tiên, viên sĩ quan đầy tương lai hứa hẹn mới ý thức quyền lực siêu nhiên ở anh không ứng nghiệm quá sáu thước đường kính. Nhưng khi ấy, ở Cao Bằng, anh hoàn toàn cảm thấy sung sướng sảng khoái.
TRANH SEBASTIAN ERIKSSON
Buổi trưa bước chân vào quán Cựu Lã Vọng, Vương Văn Ðông cùng đi với hôn thê Yvonne Carstensen Thục Hiền, một thiếu nữ xinh đẹp, trắng trẻo. Mối tình của họ đầy gay cấn. Thời tiền hôn nhân, mỗi lần kiểm tra chợ lồng thị xã, viên thiếu úy hay đùa giỡn làm lật tung những thúng bắp cải, lật úp những rổ tôm khô, chổng bốn vó những con trâu chỉ cần anh trừng mắt, nhưng biết bao lần anh cố tình làm lật thiếu nữ để trông thấy cặp đùi trắng mát, cô gái vẫn điềm nhiên đứng đợi cân vịt bên cạnh hàng cháo huyết. Yvonne Carstensen Thục Hiền mang thân thể khác thường mà Vương Văn Ðông không thể đoán Âu hay Á. Cô gái trắng tinh như lụa, sống mũi cao thẳng như cột cờ Tam Tài anh chào mỗi sáng. Rõ ràng thiếu nữ mang trên thân nỗi ham muốn nảy nở phương Tây ám ảnh đàn ông An Nam, nhưng cũng rõ ràng là cô gái thở hơi thở Á châu. Nhiều lần đứng gần sát, viên thiếu úy đã ngửi ra trong hơi thở cô gái hương vị bún bung Hà Nội, mùi bánh tôm Cổ Ngư, cả hương chanh chua xon xót làm sủi bọt chén mắm tôm tím cà. Những ngày sau Vương Văn Ðông càng sửng sốt khi thiếu nữ không hề ngã lật xuống giường dù anh cố tình trừng mắt rồi vuốt dọc bả vai tròn trĩnh. Sau nhiều đêm chứng kiến tận mắt quyền lực của mình vô hiệu, viên thiếu úy quyết định cầu hôn thiếu nữ, người đàn bà duy nhất mà anh tin có khả năng đối phó định mệnh, có thể giúp anh vượt thoát những trung đoàn Việt Minh ngày một siết chặt pháo đài.
Ðó là thời kỳ Ðoàn Thị Ðiểm tái sinh rán chả cá và Hồ Xuân Hương đầu thai chạy bàn cho khách Tây ở quán Cựu Lã Vọng đối diện Vương cung thánh đường. Cũng là thời kỳ tướng Lê Quảng Ba quyết định mở màn chiến dịch Lê Hồng Phong trên đường biên giới.’’
Ðoạn văn trên, hoàn toàn phi hiện thực, vẫn do tôi… hư cấu. Cách đây một tuần, tôi gởi đến Trung tá Vương Văn Ðông cư ngụ ngoại ô Paris, thông báo sử dụng vợ chồng ông làm nhân vật tiểu thuyết. Trung tá hồi âm tức khắc, khuyên không nên, vì ông là một nhân vật chánh trị, có thể gây hiểu lầm. Trung tá Ðông đề nghị thay tên tuổi, cho cả vợ ông, Yvonne Carstensen Thục-Hiền lai Pháp. Sau suy nghĩ, tôi quyết định từ chối, vì toàn bộ trung thiên truyện Giáo Sĩ [14] xây dựng trên những nhân vật có thật, với tên cúng cơm, không kỵ húy. Trong thư hồi âm, Trung tá cũng cho biết thời gian 1950 ông tùng sự tại tiểu đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam (9ème BVN) không phải tiểu đoàn 9 Bộ Binh An Nam, thuộc phân khu Nam Ðịnh–Thái Bình dưới quyền chỉ huy của Ðại tá Gambiez, và trong suốt binh nghiệp đã ở các đơn vị chủ lực chứ không hề chỉ huy những đại đội phụ lực quân bao giờ. Trung tá Ðông cũng cho hay ông sẽ thích hơn nếu tôi viết về tâm trạng khắc khoải của một sĩ quan trẻ VNCH trong chiến tranh, trước tình huống đất nước Quốc-Cộng. Các chi tiết ông cung cấp vô cùng quý giá, nhưng chỉ có giá trị với loại tiểu thuyết tâm lý tả thực ngày xưa. Viên thiếu úy trẻ chưa bao giờ đặt chân lên Cao Bằng? Không quan trọng, Cao Bằng chỉ là một trong những mặt trận, như vô vàn các mặt trận trong chiến tranh, không xảy ra nơi này thì xảy ra nơi khác. Viên thiếu úy chưa hề nắm những trung đội phụ lực quân? Chi tiết hư cấu vẫn không sai, nhìn toàn cảnh, đặc biệt ở thời điểm 1950 khi quân đội quốc gia mới ra đời, các tiểu đoàn khinh quân VN chỉ giữ vai trò phụ trong chiến tranh, và danh từ An Nam, hoàn toàn đúng trong mắt các sĩ quan thực dân, và vẫn hãy còn đúng ở thời điểm hôm nay khi vận tốc đổi mới suy nghĩ trong đầu người Việt quá chậm.
Tôi hiểu, việc Thiếu úy Vương Văn Ðông trong tiểu thuyết làm lật ngửa các con bò, con trâu chổng bốn vó, lật hố các chuyến quân xa và các phụ nữ sau khiêu vũ khiến Trung tá Vương Văn Ðông đang sống ở Paris giờ đây đã ngỡ ngàng. Ông không chờ đợi bị hư cấu đến vậy. Nhưng Vương Văn Ðông mang trên mình một định mệnh tiền định, chắc chắn đã có những dấu hiệu khiến ông đã tin có khả năng đảo chánh thành công cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Chức năng của tiểu thuyết hiện thực thần kỳ là thể hiện những dấu hiệu xác tín này một cách huyền ảo từ lịch sử đã xảy ra, gần hay xưa cũ.
Tiểu thuyết không nhất thiết phải viết y chang như thật, có thể pha trộn nửa thật nửa ảo và có quyền phóng đại thực tế lên đến mức… tiểu thuyết. Kỹ thuật chính của bút pháp hiện thực huyền ảo nằm ngay trong phương thức phóng đại từng chi tiết nhỏ nhặt này.
Sau suy nghĩ, dù phân vân cho giao tình tốt đẹp đã có, tôi quyết định không di dời Thiếu úy Vương Văn Ðông ra khỏi Phố Chả Cá, không vì việc ông biến mất sẽ gây khó khăn không ít làm xáo trộn cấu trúc sắp sẵn, nhưng vì vững tin, thêm Vương Văn Ðông, sẽ thêm chất hiện đại sống thực, thêm nối kết giữa hiện tại với quá khứ.
Viết ra, công bố trích đoạn, rồi kể dông dài quá trình xử lý chất liệu hầu đáp lời giáo sư Nguyễn Văn Trung khi giáo sư phê phán gay gắt: ‘‘Giả thử có một nhà văn nào đó viết truyện phơi bày bộ mặt thật của Nguyễn Huy Thiệp, pha trộn cái có thực và cái bịa đặt, khó chê trách về mặt văn chương, nêu đích danh Nguyễn Huy Thiệp như nhân vật chính của truyện, và nếu có ai phê phán tại sao nêu đích danh, nhà phê bình nào đó sẽ biện hộ cho tác giả rằng chỉ mượn Nguyễn Huy Thiệp làm cái cớ để tố cáo nhà văn nổi tiếng xây dựng sự nghiệp trên những bịp bợm hèn nhát. Nói như thế có nghe được không? Ngay cả trường hợp không bịa đặt, nói toàn sự thực có chứng cớ và không nêu đích danh Nguyễn Huy Thiệp, nhưng người đọc, nhất là những người quen biết quý mến Nguyễn Huy Thiệp không thể không nhận ra đó là Nguyễn Huy Thiệp. Liệu có nên dè dặt, đắn đo không nỡ nói, hay nói ra làm sao đây? Vì một ngày nào đó có thể gặp Nguyễn Huy Thiệp bằng xương thịt hay bạn bè, những người quý mến Nguyễn Huy Thiệp? Gabriel Marcel, nhà triết học đồng thời với Jean Paul Sartre, đã viết đâu đó về “Óc trừu tượng” (Esprit d’abtraction) là yếu tố gây đố kỵ, và chiến tranh. Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp bịa đặt về cuộc đời Nguyễn Huệ, hẳn biết rõ Nguyễn Huệ đã chết, không còn ở trên đời để tự biện hộ, nhưng, những người đang sống vẫn quý trọng, tôn thờ Nguyễn Huệ, không thể không có cảm thức bị xúc phạm. Nếu Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp thay vì ngồi ở Paris, Hà Nội đi thăm đền thờ Nguyễn Huệ và gặp những người tôn thờ Nguyễn Huệ, liệu có dám nói trước mặt họ những điều xúc phạm, lăng nhục, bịa đặt như đã viết ra không?’’
Trường hợp Trung tá Vương Văn Ðông nằm trong câu hỏi thứ nhất, nhân vật còn sống, tên thật. Trường hợp thứ hai, còn sống, tên giả hay tên tắt, tôi đã viết trong truyện Nhã Nam [15] sau khi đọc Mưa Nhã Nam của Nguyễn Huy Thiệp mùa hè năm 95 tại Sàigòn, khi chưa gặp nhà văn. Cả hai, hôm nay tôi đều đã gặp. Không phải lý do quen biết cho phép tùy tiện hư cấu. Người viết truyện phải ý thức và làm chủ tự do biến dạng lịch sử, con người, cũng như đời sống trong tác phẩm mình. Với Nguyễn Huy Thiệp, tương đối đơn giản, Nguyễn Huy Thiệp miêu tả mọi nhân vật một cách cực thực, cay độc, tàn nhẫn, lạnh tanh, và đôi khi bí hiểm không giải thích như trường hợp Con Gái Thủy Thần. Tại sao tôi không có quyền miêu tả Nguyễn Huy Thiệp, bằng chính giọng văn cộc lốc của nhà văn, qua đó, trông thấy toàn cảnh xã hội miền Bắc nơi nhà văn đang sinh sống? Và tại sao không hư cấu cho Nguyễn Huy Thiệp mua lại căn nhà của Nguyễn Ứng Long dọn vào bán quán, khi hôm nay mua bán nhà đất đang là thời trang và Nguyễn Huy Thiệp đã mở nhà hàng Hoa Ban, trong một thời gian dài đã băn khoăn với Nguyễn Trãi, vườn vải Lệ Chi Viên, đã lùng kiếm những dấu hiệu lịch sử? Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp không khó biện giải, giới sáng tác thường hay khắc họa chân dung thần thái của lẫn nhau, xưa ngâm vịnh, nay viết truyện. Xuân Sách lúc trước làm thơ tả Tố Hữu “máu ở chiến trường hoa ở đây”, không ra ngoài truyền thống này. Nguyễn Khải bố đẻ Vinh Hoa cũng xuất hiện trong Phẩm Tiết, rồi Vũ Hồng Khanh [16] đức hộ pháp Phạm Công Tắc [17], giám mục Lê Hữu Từ [18], rồi bác sĩ Trần Kim Tuyến [18] đi cải tạo trong tác phẩm Nguyễn Khải, lịch sử thường xuyên lặp lại đầy nhân quả và ý thức.
Hình Trung tá Vương Văn Đông (giữa) tại buổi họp báo 11 tháng 11-1960
Trường hợp Vương Văn Ðông có khác.
Khác trước hết ở câu hỏi Binh biến 11 tháng 11-1960 là một biến cố lịch sử, nhưng Vương Văn Ðông có là một nhân vật lịch sử hay không khi khoảng cách thời gian chưa đủ, khi cấp bực trung tá chưa cao? khi sử ký chưa xem biến cố tầm cỡ? Với tôi, ở vị trí người viết truyện, không thấy quan trọng.
Khi quyết định binh biến, Vương Văn Ðông đã quyết định hiến thân cho lịch sử. Trung tá không thành công, đó là vấn đề riêng của ông, nhưng khi đảo chánh, vô tình và hữu ý ông đã va chạm an nguy chung của người Việt, thay đổi tương lai của dân tộc, miền Nam cũng như miền Bắc. Ai biết? Nếu thành công ông sẽ sáng suốt tránh cho VNCH sụp đổ năm 75? Và ai biết, thất bại binh biến khiến các cuộc đảo chánh về sau tổ chức kỹ lưỡng hơn? Làm suy yếu nền Ðệ nhất Cộng Hòa nhiều hơn? Ðược làm vua, thua làm giặc, nhưng thành hay bại, Vương Văn Ðông cũng đã đổi thay định mệnh của đất nước, ông bắt buộc phải để cho người Việt phán xét chính bản thân ông và cuộc đảo chánh. Tôi phán xét ông bằng thể loại tiểu thuyết. Thủ pháp hiện thực huyền ảo khiến ông bị biến dạng nhiều, nhưng Vương Văn Ðông không thể đem danh dự sĩ quan quân lực VNCH ra phản đối. Danh dự đó biến mất, không còn nữa ngày Trung tá quyết định truất phế Tổng thống Ngô Ðình Diệm, Tổng tư lệnh tối cao quân lực. Ông chỉ có thể kiện ra toà vì tội thoá mạ danh dự cá nhân, bôi bẩn đời sống riêng tư của vợ chồng ông. Danh dự cá nhân hiểu trong nghĩa dân sự sau binh biến, trước đó, đời sống quân ngũ đã thuộc về lịch sử.
Ðến đây, khác với quan niệm tiểu thuyết của giáo sư Nguyễn Văn Trung, khi giáo sư yêu cầu “chỉ nên tưởng tượng phần đời tư của nhân vật”, tôi nghĩ khác, cần tập trung hư cấu phần đời công hiến trao cho tổ quốc không còn quyền gìn giữ, phần liên quan trực tiếp đến lịch sử, mục đích tối thượng và tối hậu chính vì sao nhà văn đem họ vào trong tiểu thuyết. Dưới góc độ này, đêm hợp cẩn của Nguyễn Huệ với Ngọc Hân công chúa từ một dàn xếp chính trị giữa triều Lê với Tây Sơn, chỉ có thể là một đêm hợp cẩn… công cộng, có quyền hư cấu. Cũng từ dàn xếp vu quy này, người viết tiểu thuyết có quyền nghi ngờ tình yêu thắm thiết của Hân dành cho Huệ, nghi hoặc những ái ân mặn nồng từ thuở ban đầu cho đến phút cuối, ngay cả khi có trong tay văn bản bài phú Ai Tư Vãn của Lê Ngọc Hân. Trong lịch sử văn học đã không hiếm các thi sĩ làm thơ khóc thương lãnh tụ cho dù trong lòng ráo hoảnh khô khan không một giọt nước mắt. Trường hợp Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh như vậy không khác, chỉ khác ở thiên tài quân sự của Quang Trung và thành công vương quyền của Gia Long. Cả hai đều đã thay đổi tương lai và định mệnh của từng người Việt, và từng người Việt có quyền nghi ngờ, thể hiện nghi ngờ của mình về họ, dưới mọi hình thức. Người viết tiểu thuyết có quyền băn khoăn về các “anh hùng” và phô diễn băn khoăn đó trong tiểu thuyết, một thể loại mà chức năng nghi hoặc đã phủ trùm một cách tự nhiên. ‘‘LeDoute’’ hay ‘‘Nghi hoặc’’, là chiếc chìa khoá mở mọi cánh cửa đã đóng im ỉm suốt nhiều ngàn năm, là bản năng lý trí của con người trong vũ trụ, trên thế giới, dù cấm cản vẫn hiện hữu, dù che giấu vẫn tồn tại, dù giới hạn vẫn rộng lớn. Vậy hãy để người viết tiểu thuyết viết thẳng ra trang giấy những nghihoặc của họ nếu muốn tôn trọng sự thật. Một sự thật của Một con người.
Quanh đi quẩn lại chúng ta lại trở về với sự thật. Và quanh đi quẩn lại chúng ta vẫn quẩn quanh trong vấn đề kỵ húy của tôn thờ, đền thờ và thần tượng khi giáo sư Nguyễn Văn Trung nhận xét truyện ngắn Linh Nghiệm của Trần Huy Quang:‘‘Ít ra có hai người hôm nay được biết là can đảm nói đến ông Hồ. Kim Hạnh, chủ trương biên tập báo Tuổi trẻ đã đăng một tin chính xác: “Bác có vợ ” mặc dầu biết rõ nói lên điều đó là một vi phạm cấm kỵ. Trần Huy Quang viết truyện ngắn Linh Nghiệm đăng trên Văn Nghệ số 27 (4-7-1992), không nêu đích danh tên Bác, nhưng người đọc không thể nghĩ về ai khác ngoài Bác. Cả hai tác giả và những người trách nhiệm tờ báo đều phải trả giá. Trần Huy Quang mới bước vào cuộc đời viết văn, chưa rõ tài năng để được yêu chuộng, nhưng đã được kính trọng, cảm phục về lòng can đảm và lương tâm nhà văn.’’ [19]
Ðến đây, giáo sư có hay không mâu thuẫn với những gì ông đã viết? khi Trần Huy Quang hay Kim Hạnh cũng đã gây bực tức cho những gia đình bảo hoàng vẫn còn bàn thờ nhang khói chủ tịch Hồ Chí Minh? Nếu Kim Hạnh đã can đảm chu toàn chức năng của một ký giả công bố tài liệu chứng từ do phòng Nhì Pháp lưu trữ, trường hợp Trần Huy Quang gây thắc mắc. Thứ nhất, giáo sư đã không hỏi Trần Huy Quang: “đi thăm đền thờ Hồ Chí Minh và gặp những người tôn thờ Hồ Chí Minh, liệu có dám nói trước mặt họ những điều xúc phạm, lăng nhục, bịa đặt như đã viết ra không?’’ Thứ nhì, qua truyện ngắn Linh Nghiệm, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã đặt vấn đề quan điểm lập trường với giới sáng tác: Nhà văn theo ai? phò Lê theo chúa Trịnh hay phò Lê theo chúa Mạc? Chúa Nguyễn hay Tây Sơn? và Tây Sơn nào? Nguyễn Nhạc hay Nguyễn Huệ?
Ðứng trước… binh biến, khi Nguyễn Huệ kéo quân về Quy Nhơn đảo chánh, dưới chân thành kể tội và chửi mắng anh ruột là Nguyễn Nhạc, nhà văn phải chọn lựa phe nào tốt,phenàoxấu? như Ngô Gia Văn Phái sau binh đao đã chọn Gia Long khi viết Hoàng Lê Nhất Thống Chí rồi sau chiến tranh Nam-Bắc 1975 Nguyễn Mộng Giác đã chọn Quang Trung khi viết Sông Côn Mùa Lũ [20]?
Tôi không tin bước sang thế kỷ 21, tiểu thuyết gia thiếu tự do tinh thần như vậy, ít nhất với những tác giả may mắn thụ hưởng bộ luật Cộng Hòa của nền Cộng Hòa Pháp hay đạo luật Dân Chủ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cho phép làm biến dạng các vị nguyên thủ. Hiến pháp của nền Cộng hòa Liên bang Ðức còn ngăn cấm Hành pháp và Tư pháp kiểm duyệt bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Giới hạn hay thu hẹp tinh thần tự do đó, hoặc thiết lập cưỡng bách bộ luật Hồng Ðức ‘‘Quân, Sư, Phụ’’ trên khắp các lục địa có nhà văn Việt sinh sống, sẽ đưa đến triệt sản văn học. Giáo sư Nguyễn Văn Trung quên mất, công pháp Hoa Kỳ, một công pháp cho phép thư ký Monica Lewinsky lôi hoàng thượng Bill Clinton ra toà xứng đáng áp dụng trong các “Toà án Nhân dân Việt Nam” hôm nay.
Ðã xa, thời kỳ nhà thờ bắt các họa sĩ vẽ tranh thiên đàng. Ðã qua, thời kỳ pháp-đình Inquisition hỏi tội và trừng trị những nhà văn va chạm bài vị của quân vương. Chúng ta, đang trong thời đại nào?
TV, Paris tháng 6-2003,
[14] Giáo Sĩ đăng trên Hợp Lưu số 68, tháng 12-2002
[15] Truyện ngắn Nhã Nam, tạp chí Văn Học số 114 tháng 10-1995, đăng lại trên tuần san Trẻ Dallas
http://baotreonline.com/Van-hoc/Truyen-ngan/nha-nam.html
[16] Nguyễn Khải, Một Cõi Nhân Gian Bé Tí, nxb Văn Nghệ TP HCM, 1989
[17] Nguyễn Khải, Điều Tra Về Một Cái Chết, nxb Tác Phẩm Mới 1986
[18] Nguyễn Khải, Thời Gian Của Người, nxb Tác Phẩm Mới 1986
[19] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận Vấn Đề Nhân Vật Lịch Sử: Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh và Những Cách Tiếp Cận, tạp chí Văn Học số 200 tháng 12-2002
[20] Nguyễn Mộng Giác, Sông Côn Mùa Lũ, nxb An Tiêm 1991