“Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Tôi quên sao được cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy đóa hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng… Hôm nay tôi đi học”
Không biết có người “học trò” nào trong lớp ESL và Luyện thi quốc tịch của tôi nhớ lại bài “Nhớ Lại Buổi Ðầu Ði Học” và có chút gì cái cảm giác đầy thi vị như của nhà văn Thanh Tịnh không. Nhưng chúng tôi thì lại có tâm trạng náo nức, hồi hộp như khi được mẹ nắm tay “dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” trong khi vai trò của mình hôm ấy là đến để dạy học.
Buổi tối hôm ấy, một buổi tối se se lạnh vào cuối Tháng 9 năm 2014. Tôi và vợ chồng anh Ðức Phạm ở lại sau giờ hành chánh để kê lại bàn ghế đón chào học sinh vào lớp. Anh từng là giáo viên ở Việt Nam trước năm 75. Còn tôi cũng đã dạy vài lớp ESL trong quá khứ, vậy mà… vẫn hồi hộp nôn nao trong “đêm’ đầu khai giảng ấy.
Lớp học ESL & Luyện thi quốc tịch
Học viên của lớp tôi đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ, xuất thân từ nhiều miền ở Việt Nam. Ða số vừa đến nước Mỹ chỉ được vài tháng, nhưng có người đã định cư ở đây đủ thời gian để nộp đơn thi quốc tịch. Sự bỡ ngỡ, lo âu với miền đất mới hiện lên trong đôi mắt của nhiều người. Họ đến vội vã sau giờ làm, ôn những câu thi quốc tịch hay học đàm thoại tiếng Anh. Họ chia sẻ những chuyện về đời sống, việc làm, gia đình…, có những chuyện làm cả lớp òa ra cười. Trong dịp lễ Cha (Father’s Day), lễ Mẹ (Mother’s Day) thì lại có tiếng sụt sùi, và những đôi mắt ngấn lệ khi họ đọc cho nhau nghe những đoạn văn tiếng Anh về bậc sinh thành của mình…
Thế mà cũng đã một năm kể từ ngày lớp ESL và Luyện thi quốc tịch của tôi bắt đầu. Người đến rồi đi, nhưng lớp học vẫn còn đó, đơn sơ, mộc mạc, chân tình; lớp nằm nép mình trong hai dãy building trên đường Pioneer Parkway ở Arlington, Texas. Và tôi, một người may mắn hơn có điều kiện học hành, có cơ hội giao tiếp nhiều với nhiều giới trong xã hội, lại được nhận từ các học viên của mình một quà tặng vô giá, đó… là tình yêu thương.
Nhớ lại ngày gia đình tôi mới đặt chân lên đất Mỹ, cũng nghèo như họ bây giờ, không một đồng bạc trong túi. Bao nhiêu tiền cũng là một số tiền lớn đối với gia đình tôi lúc ấy. Tôi đã nhận biết bao là ân huệ của xã hội này. Vậy thì tôi nỡ lòng nào mà lấy tiền của những người còn khó khăn này. Thế là lớp học đã được khai trương, hoàn toàn miễn phí. Không phân biệt trình độ tiếng Anh, sẵn sàng đón nhận mọi người bất cứ lúc nào và tôi cũng chưa bao giờ xin hay nhận tiền của chính phủ hay của bất cứ một mạnh thường quân nào.
Nhưng từ ngày có lớp học này, tôi… giàu hẳn ra. Thân hình tôi đầy đặn, phì nhiêu hơn vì những món ăn ngon học viên chia sẻ với lớp. Tôi không chỉ là dạy mà còn học từ họ nhiều thứ. Tôi không chỉ cho, mà còn nhận. Tôi cười nhiều. Bao nhiêu căng thẳng công việc tựa như tan biến khi tôi đứng trước lớp và ân cần trò chuyện với học sinh. Những khó khăn trở ngại trong cuộc sống của họ còn nhiều gấp bội lần so với cuộc sống của tôi, nhưng họ vẫn tươi cười, lạc quan, thì tôi có quyền gì mà than thở về cuộc sống của riêng mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi học tính nhẫn nại, vị tha và mỉm cười một cách sảng khoái.
Buổi liên hoan của lớp
Một ngày, một học viên của lớp đã text cho tôi. “Thanks for teaching and helping. I passed the Citizenship interview.” (Cám ơn cho việc dạy và giúp đỡ. Tôi đã đậu cuộc phỏng vấn để vào quốc tịch.) Tôi trả lời “Congratulations!!!” (chúc mừng). Rồi thì bao nhiêu cảm xúc bất chợt ngập tràn hồn tôi, nước mắt rơi tự bao giờ. Tôi hân hoan, vui mừng khôn xiết. Thành tựu của chú Cường, người theo lớp học ngay từ ngày đầu là một cái gì đó quan trọng với tôi. Chú không chỉ là một người học viên trong lớp, chú đã trở thành ruột thịt với tôi tự bao giờ. Chú thường kể cho cả lớp nghe về gia đình ba mẹ chú ở Việt Nam. Chú chia sẻ về những tình yêu lớn trong đời chú, những gian khổ, lầm than của cuộc sống khi chú còn ở Việt Nam. Và rồi gia đình chú được định cư ở nước Mỹ. Tôi nhớ như in thuở ban đầu khi chú lẳng lặng đến lớp. Phản xạ của chú khá chậm khi tôi hỏi chú bằng tiếng Anh. Chú ấp úng không trả lời được mặc dù chú hiểu tôi nói gì. Nhưng vì lúc đó chú không được nói chuyện tiếng Anh thường xuyên nên theo chú giải thích là “miệng chú cứng đơ, không nói ra lời.” Giờ thì chú Cường đã có thể trao đổi tiếng khá tốt. Chú còn chọc cười bằng tiếng Anh cho cả lớp mỗi khi lớp mệt mỏi hay căng thẳng. Chú và những người học viên trong lớp của tôi là thế đó. Họ chân thành, họ tình cảm, họ đem lại niềm vui và sự thân thiện cho nhau. Những khoảnh khắc trong lớp học, tôi được sống tự nhiên thoải mái nhất, không phải khách sáo, không phải giả vờ, không cần lịch sự giả tạo. Và chính họ, sau những giờ bon chen mệt mỏi với công việc kiếm tiền ở hãng, họ đến lớp như trở về mái nhà ấm áp, quen thuộc. Có người còn cho rằng ở lớp còn thoải mái hơn ở nhà, vì không phải đóng một vai gì như ở nhà. Không phân biệt tuổi tác, họ đúng là bạn học của nhau.
Dẫu thời gian có qua đi, có người đến rồi đi, cuộc sống có quay cuồng, nhưng những gì cho và nhận giữa tôi và lớp học vẫn mang lại cho tôi niềm hạnh phúc ấm áp vô cùng.
Một năm nhớ lại, như ngày đầu. Hôm nay tôi đi dạy học.
AT