Trong bài trước chúng tôi có nói sơ qua về nền móng nhà và hệ thống ống nước. Bài nầy xin bàn về tình trạng nóc nhà, cùng những nguyên nhân làm nóc nhà bị dột trước tuổi thọ.
Tuổi thọ của nóc nhà trung bình từ 25 tới 35 năm, tùy theo chất lượng của vật liệu. Tuy nhiên cũng lệ thuộc một phần vào khí hậu như nhiệt đới, ôn đới, hàn đới, hay vùng mưa dầm… Tuy nhiên có khi không phải bị dột do các tấm lợp mái nhà, mà do các ống trên mái nhà.
Các loại ống trên nóc nhà
Trên nóc nhà có rất nhiều ống. Cao nhất và to nhất là ống khói (Chimney). Kế đến là những ống hơi. Trong đó có ống thoát nhiệt của máy sưởi, của bình nước nóng, ống đàn hồi không khí của hệ thống Plumbing, ống thoát hơi của máy hút khói nhà bếp (Kitchen Hood). Riêng ống thoát hơi của máy sấy thì có vẻ bị “phân biệt ống tộc”, nên không được nhập bọn với các ống kia ở trên cao ngắm trăng thanh gió mát, mà phải nằm một mình cô đơn hiu quạnh bên hông nhà.
Kích cỡ của các ống nầy cũng khác nhau.
– Ống khói thì hình chữ nhật, kích thước khoảng 24×40 inches, có chụp che phía trên đầu ống, (Chimney Cap).
– Ống thoát hơi (Air Vent) thì bằng thiếc và đường kính 4 inches, bên trên có cái chụp nhỏ như chiếc nón con con để che không cho nước mưa rớt vào.
– Ống đàn hồi không khí thì bằng nhựa và đường kính chỉ có 2 inches, được bao bọc phía ngoài bằng một ống bằng chì (Lead Roof Boot Flashing) có đế che chân ống. Phía trên đầu ống được túm lại để nước mưa có rớt vào thì sẽ chảy theo đường ống thoát xuống cống mà không lọt xuống chân ống, chảy trên nóc nhà.
– Còn một loại ống nữa hình tròn (Wind Turbine), kích thước từ 12 tới 14 inches, phía trên có cái bầu quay tròn như trái banh, bà con mình thường gọi là cái cối xoay. Trái bầu sẽ xoay tròn khi có gió, công dụng để hút bớt hơi nóng trên trần nhà (Attic) vào mùa Hè, và đưa hơi sương ẩm ướt thoát ra ngoài vào mùa Đông, giữ cho phía trên trần nhà được thông thoáng. Nếu không sẽ gây ẩm ướt thấm vào bông gòn cách nhiệt (Insulation), lâu ngày bốc mùi mốc meo chui vào máy lạnh thổi xuống bên dưới, hít vào sẽ không tốt cho sức khỏe.
Những nguyên nhân làm cho nóc nhà bị dột
– Trước tiên phải nói về cái nắp chụp của ống khói. Vì cao và lớn hơn những ống khác nên chịu ảnh hưởng nhiều của nắng mưa giông gió. Vì thế, chuyện hao mòn rỉ sét, hay xiêu vẹo ngả nghiêng thì khó tránh được. Nắp ống khói bị hư hỏng sẽ làm cho nước mưa lọt vào nhà chảy thẳng xuống nền nhà mà mình có khi không hề biết. Thời gian lâu ngày sẽ làm thấm mục những cây đà gỗ bên trong.
Nếu là nhà trệt thì quý đồng hương có thể tự thay được nếu có chút năng khiếu về “kềm búa”. Bắc thang leo lên tháo bốn con tán dưới chân nắp, mang tới Home Depot mua đúng kích thước của nắp cũ về gắn lại là xong. Nếu là nhà lầu và chưa từng leo cao hoặc không có “hoa tay” với kềm búa thì nên mời thợ chuyên môn cho yên tâm.
Các ống khác thì cũng tương tự, nhưng phần lớn là hỏng phía dưới đế ống, vì lâu ngày những chiếc đinh sẽ bị trồi lên, nước mưa sẽ chui theo dấu đinh lọt xuống nóc nhà. Trường hợp nầy cũng dễ khắc phục nếu ống chưa bị hư nặng, chỉ cần đóng thêm đinh (Rooffing Nail) và trét dầu hắc trên đầu đinh là được. Nhưng nếu đã bị móp méo xiêu vẹo thì cần phải kêu thợ thay nắp mới.
Mỗi khi thấy có những đốm vàng nâu do dấu hiệu của nước nhỏ xuống trần nhà, điều đó chưa hẳn là mái nhà bị dột, mà nên coi lại các ống nước bên trên. Xài lâu ngày do áp suất của nước (Water Pressure) làm cho mối hàn chì hoặc các mối nối bị hở những lỗ kim, nước sẽ phun ra từng giọt li ti và nhỏ xuống thấm vào trần làm đổi màu.
– Nguyên nhân thứ hai là do nước từ máy lạnh nhỏ xuống cái máng bên dưới. Vì không service thường xuyên theo định kỳ nên ống bị nghẹt, nước không thoát theo đường ống chảy xuống cống hoặc ra bên hông nhà, dần dần máng bị đầy tràn nước ra ngoài, nhểu xuống trần nhà gây nên tình trạng tương tự. Nếu gặp trường hợp nầy nên gọi thợ máy lạnh đến service ngay, để lâu ngày trần nhà sẽ hư hỏng nặng và sửa chữa tốn kém nhiều hơn.