Nguyễn là người mê cà phê (và mê trà, mê vang đỏ… nghĩa là mê nhiều thứ). Nhưng trong các thức uống vừa kể có lẽ cà phê là thứ thích nhất vì nó đậm chất đam mê, gợi nhiều cảm xúc suy tưởng, vừa trong sáng cao khiết vừa gần với cuộc sống bụi bặm quanh ta. Chính vì lẽ đó mà cột mục này mang tên Tản Mạn Bên Tách Cà Phê.
Trong một bài viết lấy cảm hứng từ cuốn sách Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương, Nguyễn tôi có hứa sẽ trích đọc giới thiệu một số đoạn viết về cà phê trong tác phẩm này. Bởi vì cà phê là hương vị đậm nhất, mê hoặc nhất trong văn Ngô Thị Giáng Uyên. Và Nguyễn đã trích bài Giáng Uyên viết về cà phê nước Anh. Bây giờ là uống cà phê ở Pháp.
Nhưng để gợi hứng và bắt đầu, xin nhắc lại một đoạn đã viết kỳ trước về sở thích uống cà phê của Nguyễn và Giáng Uyên. Nguyễn cũng bắt đầu thích uống cà phê từ lúc còn nhỏ. Nhớ thời đi học ở Huế thỉnh thoảng được bạn Nguyễn Đức Đồng (bây giờ không biết Đồng về đâu?) dẫn qua chợ Đông Ba ăn chè ăn cháo rồi kéo qua kiosk của chú Phấn làm ly cà phê -cà phê bít tất thôi mà thiệt là đã khiến nhớ tới bây giờ. Thế nhưng hình như chuyện đi uống cà phê của Nguyễn lúc còn bé xíu không có gì lạ bởi Nguyễn là thằng cu. Còn Ngô Thị Giáng Uyên là con gái mà cũng uống cà phê hồi còn đi học thì mới là điều lạ. Hãy nghe Giáng Uyên kể: “Những ngày học cấp hai, tôi thường rất khoái được mẹ chở đi chợ cách nhà bốn cây số để hí hửng cầm tờ tiền mới được cho, chạy một mạch tới quầy nước đối diện hàng vải, gọi một ly cà phê sữa mịn màng. Rồi tôi thích thú dùng muỗng khuấy đá bào (thường chiếm tỉ lệ áp đảo trong ly) cho cà phê trộn sữa Ông Thọ sủi bọt lên, nhấm nháp thứ thức uống vừa đắng, vừa ngọt, vừa béo ngậy thơm lừng. Ai thấy cũng bảo mẹ tôi “Sao nó còn nhỏ mà cho nó uống cà phê dữ vậy?”, nhưng mẹ tôi cười “Kệ, nó thích cứ để nó uống”. Có lẽ cũng vì những ngày “nó thích cứ để nó uống” đó mà bây giờ đi đâu tôi cũng lân la muốn biết cà phê xứ đó ra sao, có khi sợ mất ngủ không dám uống cà phê cũng vào quán gọi món khác, nhìn không khí quán và người qua lại.”
Tới đây thì vào bài được rồi. Gớm cái ông này quả thật là lan man. Một cô đồng nghiệp cong môi lên chê. Nhưng biết sao bây giờ. Rằng quen mất nết đi rồi. Xin nói về uống cà phê Pháp kẻo có người sốt ruột. Thú thiệt, Nguyễn cũng rất mê cà phê Pháp. Cà phê Pháp thì uống ở trong nước, còn khi sang Mỹ thì uống cà phê La Madeleine và Café du Monde ở New Orleans, cũng là cà phê Pháp nhưng có đôi chút biến tấu. Phải nói cà phê Pháp ngon. Vị đậm và thơm. Nó nở rộ khắp Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam thời trước. Và đây xin cùng đọc đoạn tùy bút của Ngô Thị Giáng Uyên trong Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương và thưởng thức hương vị cà phê Pháp chính gốc.
Cà phê de Flore – nguồn parisdigest.com
“Mê tìm hiểu về cà phê nên sang Pháp, tôi như cá gặp nước. Trong một cuốn sách tôi đọc, dù không phải dân tộc đầu tiên uống cà phê nhưng người Pháp đã có không ít cải tiến cho thứ nước uống đã được nâng lên tầm văn hóa này, như việc cho thêm đường vào cà phê vào đời vua Louis XIV.
“Cuối thế kỷ 17, việc uống cà phê pha sữa trở nên phổ biến khi một bác sĩ người Pháp khuyên nên dùng café au lait (cà phê sữa) để cải thiện sức khỏe. Có đến Pháp mới thấy dân tình uống cà phê “dữ dội” đến mức nào.
“Sáng sớm, trong những quán cà phê hè phố hay những tiệm ăn Paris, dân văn phòng ai nấy cũng nâng tách cà phê, có thể là café au lait to tướng như chén ăn cơm, gồm một nửa cà phê một nửa sữa tươi nóng bốc khói nghi ngút, mờ cả mắt kiếng, café serré đậm đặc vì chỉ có một nửa lượng nước so với cà phê đen thông thường, hay café crème màu nâu có kem thơm và béo, uống một hơi rồi tất tả đứng dậy xách cặp chạy ra bến tàu điện ngầm.
“Nhưng phần lớn thời gian, người Pháp thích ngồi rề rà trong quán nhâm nhi cà phê với mấy viên sôcôla đen hay kẹo truffle mềm, thư giãn và tán dóc, y như ở Việt Nam. Những lần rề rà “nhập gia tùy tục” ở những quán cà phê Paris, tôi thích gọi un noisette, món cà phê giống espresso nhưng có pha ít kem hay sữa, đơn giản chỉ vì thích được nghe người phục vụ hỏi lại “Un noisette?” bằng thứ giọng mũi rất đáng yêu của người địa phương.
“2g khuya một ngày Paris cuối tuần đẹp trời, sau một bữa ăn no nê, trong khi chúng tôi nhấm nháp tráng miệng, anh bạn người Pháp tên Ben gọi một tách cà phê. Thấy tôi tròn mắt nhìn, anh khoát tay: “Không có cà phê tôi… không ngủ được”.
“Khi được hỏi sao lạ đời quá vậy, Ben cười “Ở đây ai cũng vậy hết mà!”. Quán đông, mãi nửa tiếng sau, anh chàng phục vụ mới mang cà phê lại, bị cằn nhằn, anh này chỉ nhún vai, cái nhún vai đặc trưng kiểu Gôloa, với hai vai kéo lên tận mang tai và hai bàn tay ngửa ra, ý nói “Tôi không biết. Không phải tại tôi”. (Nếu bạn muốn thấy cái nhún vai tương tự, hãy để ý Thiery Henry lúc bị trọng tài thổi phạt khi đá cho Arsenal).
“Nhưng tách cà phê sóng sánh thơm phức kia chắc ngon lắm nên Ben không nhăn nhó nữa, vả lại những anh chàng và cô nàng phục vụ người Paris vẫn nổi tiếng thế giới vì sự đỏng đảnh.”
Hay lắm. Thi vị lắm. Nguyễn đọc rất thích, nhưng không nghe Giáng Uyên nói tới những quán cà phê nổi tiếng ở Paris. Ngoài hương vị cà phê, ở những quán này chúng ta còn cảm được chất văn học và bầu không khí trí thức đưa ta tới những cõi trời bình yên thơ mộng. Theo Nguyễn biết, cũng chỉ là qua những trang văn chương thôi, chứ không được ngồi ở đó như Nguyễn Xuân Hoàng, Đinh Cường… –vâng, theo mình biết thì ở Paris có những quán cà phê nổi tiếng thường được nhắc đến và ca tụng, là Les Deux Magots, Café de Flore, Le Chat Noir, Le Procope… Nghe nói Les Deux Magots và Café de Flore là nơi Verlaine, Rimbaud, Elsa Triolet, André Gide, Picasso, Hemingway, Sartre, Simone de Beauvoir… thường ngồi. Còn Le Chat Noir (Con Mèo Đen) nổi tiếng trong âm nhạc. Le Procope thì tự hào là hàng cà phê đầu tiên ở thủ đô, được mở từ năm 1686 và hân hạnh đón các văn sĩ nổi tiếng như Alembert, Voltaire, Jean-Jacque Rousseau, George Sand, Balzac… Có người nói: Nếu không có những quán cà phê hè phố, Paris thật vô vị. Người Paris sẵn sàng để mất tháp Eiffel, chứ tuyệt đối không bao giờ có thể sống thiếu những quán cà phê. Ôi, thật là gợi cảm. Sự thật có đúng như vậy không để chờ hỏi lại Trần Vũ, giờ này anh chàng đang ở dưới hầm rượu.
TN