Menu Close

Viêm thanh quản

Xin phép hỏi như sau đây:

1. Bệnh LARYN (Thanh quản), và biết rõ bị liệt 1 bên, bệnh nhân bị giọng khàn khàn suốt cả năm. Không ca hát được như ca sĩ Giang-tử đã chết vì ung thư cuống họng.   (Bệnh nhân nầy hoàn toàn không liên can gì với ung thư).

2. Có BS Specialist bệnh này cho biết: đã chích thuốc thẳng vào chỗ bị liệt nhưng chỉ khá hơn (tức là nói năng được mà thôi).

3. Có y tá chuyên lo bệnh nầy, khuyến khích bệnh nhân xin giải phẫu thì sẽ lành hẳn.

Xin cho biết: tại sao có cái bệnh lạ như vậy? Làm sao để chữa trị cho dứt hẳn bệnh? Có Specialist đặc-biệt không? Trần Phi. Kansas.

Đáp

Thanh quản là bộ phận phát thanh của cơ thể. Những tiếng nói, cười khóc, la hét, hát… đều do bộ phận này phụ trách. Cũng như các bộ phận khác của cơ thể, thanh quản có thể bị hư hao, bệnh nhân trở nên khàn khàn hoặc nói không thành tiếng. Nguyên nhân có thể là dùng thanh quản quá nhiều, lo nói quá to, nhiễm vi khuẩn hoặc virus, thương tích, liệt thanh quản vì nhiều lý do khác nhau… Điều trị tùy theo nguyên nhân, nhưng nếu do virus thì kháng sinh không có công hiệu. Bác sĩ nào cũng chữa viêm thanh quản được, nhưng gặp trường hợp khó khăn, cần phải gặp bác sĩ chuyên môn Tai Mũi Họng.

Tiểu nhiều ban đêm

Dịp nầy xin hỏi thêm 1 bệnh nhẹ hơn: Tôi bị đi tiểu tiện nhiều, gấp 3 lần cách đây 5 tháng. Hiện giờ, ngày 5 lần. Đêm 4 lần.  Kính xin BS vui lòng cho biết nguyên nhân và thuốc điều trị. Tôi thuộc loại “thất thập cổ lai hi “ 4 năm trước đây rồi. Trân trọng. Thu

Đáp

Lão nhân cao tuổi thường đi tiểu đêm nhiều hơn vì lý do thông thường là nhiếp tuyến bị lớn một cách tự nhiên. Do đó các bác sĩ đều chữa với các thuốc như Flomax và khuyên nên giảm uống nuớc từ 5 giờ chiều. Nếu không thuyên giảm thì bệnh nhân nên tới các bác sĩ chuyên môn về tiết niệu urologist để được khám nghiệm thêm, vì có thể có các bệnh trầm trọng như ung thư nhiếp tuyến.

Nội soi ruột già

Thưa Bác sĩ, năm nay 67 tuổi, cách đây 3 năm tôi có làm pay pass ở bệnh viện Emory.  Tôi đang uống thuốc verapamil 120 mg, sáng. Trưa uống clopidogrel 75mg. Chiều tối uống crestor 20mg trước khi đi ngủ. Vậy tháng sau tôi soi ruột, có ảnh hưởng gì tới tim không? Diêu Thanh

Đáp

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên môn, nội soi ruột già không ảnh hưởng gì tới tim, vì thế chúng tôi đề nghị cứ “vô tư” thực hiện phương thức truy tìm ung thư ruột già này. Tiện đây, chúng tôi xin nói rõ thêm về nội soi, để độc giả tường.

Có người ví Nội soi Ruột già (Colonoscopy) là tiêu chuẩn vàng (golden standard) để truy tìm ung thư ruột già-trực tràng.

Đây là phương pháp khảo sát mặt trong của toàn thể trực tràng với một ống dây quang học bằng nhựa mềm dễ uốn, có đèn sáng dẫn đường và máy chụp hình. Đưa ống sâu vào hậu môn, điều chỉnh máy, bác sĩ có thể làm một vòng thám hiểm bất cứ góc cạnh nào của ruột và mao tôn cương: qua đèn, nhìn ruột rõ như ban ngày, nào là  gồ ghề bướu thịt, loét lở thành ruột, bê bết máu tươi đều thấy hết, ngoại trừ bầy vi sinh vật lúc nhúc cộng sinh. Nhắc lại là trong trường hợp bình thường, lòng ruột già trơn mềm như mặt trong của má. Hình ảnh ruột được chiếu trên màn hình TV để phân tích và có thể lưu trữ.

Cần làm gì trước khi nội soi?

Nội soi được làm tại bệnh viện hoặc phòng nội soi ngoại chẩn, trung bình kéo dài từ 30-60 phút và do bác sĩ chuyên ruột-bao tử thực hiện. Bệnh nhân được cho dùng liều thuốc an thần để giảm lo âu, khó chịu, do đó cần người lái xe đưa về nhà sau khám nghiệm.

Trước khi làm nội soi, bệnh nhân được cho thuốc tẩy rửa ruột sạch sẽ để bác sĩ dễ quan sát. Đây là điểm mà nhiều người e ngại vì phải uống một lọ thuốc xổ cộng thêm cả lít nước để rồi tiêu chảy xoèn xoẹt. Hiện nay có thuốc tẩy rửa dạng viên cho nên việc sửa soạn ít khó chịu hơn.

Một ngày trước thử nghiệm, bệnh nhân không ăn thực phẩm mà chỉ uống nước trong không bã.

Nếu thử nghiệm vào buổi sáng, không ăn uống gì sau nửa đêm. Nếu là buổi chiều thì uống thuốc tẩy xổ theo đúng hướng dẫn.

Không nên uống aspirin hoặc thuốc chống viêm 5 ngày trước thử nghiệm để tránh nguy cơ xuất huyết khi polyp được cắt bỏ.

Cho bác sĩ hay nếu có vấn đề dị ứng, uống thuốc loãng máu, đang bị bệnh tiểu đường, có thai, cho con bú sữa mẹ hoặc khó khăn chích tĩnh mạch.

Sau thử nghiệm, bệnh nhân cảm thấy tưng tức ở bụng, nhưng hết sau vài giờ. Dăm giờ sau thử nghiệm, bệnh nhân có thể ăn lại như thường lệ.

Mục đích của nội soi:

– Đánh giá các u bướu, loét lở, thu hẹp lòng ruột già khi chụp hình X-quang ruột.

– Chẩn đoán viêm ruột.

– Tìm nguyên nhân gây ra tiêu chảy khi các thử nghiệm thông thường không thành công.

– Tìm nguyên nhân xuất huyết đường tiêu hóa, đặc biệt trong bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

– Chẩn đoán ung thư ở người có thân nhân bị ung thư hoặc bướu thịt.

– Cắt bỏ bướu thịt, chữa xuất huyết ruột hoặc lấy vật lạ trong ruột.

Nội soi được áp dụng khi có một trong các bất thường như thay đổi thói quen đại tiện, máu trong phẩn, đau bụng liên tục, người từ 50 tuổi trở lên.

Hội Ung Thư đề nghị những ai trên 50 tuổi nên làm nội soi ruột già mỗi 7-10 năm. Người có rủi ro ung thư ruột già cần thực hiện sàng lọc này gần hơn, tùy theo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Bình thường, phương pháp rất an toàn, hãn hữu lắm mới có khó khăn như lủng ruột.

Nếu có u bướu, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết (biopsy) để xác định tế bào ung thư, chụp x-quang xương, CT scan… rồi điều trị.

Mặc dù nội soi ruột là phương thức tìm bệnh hữu hiệu, nhưng số người thực hiện cũng khá khiêm nhường. Lý do là nhiều người ngại đau, ngại phải uống thuốc tẩy xổ để làm sạch ruột và lý do quan trọng hơn là chi phí nội soi khá cao. Nếu bảo hiểm không đài thọ thì bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trang trải.

Nội soi ruột già

Ngoài ra còn một phương thức mới để truy tìm ung thư ruột già mà không cần đưa ống vào ruột già gọi là Virtual Colonoscopy. Đây là phương pháp để chụp hình hiện trạng thực sự của ruột với máy CT scan (computerized tomography). Một loại gas được bơm vào để ruột già phồng lên rồi làm CT scan tìm polyp. Những hình ảnh này nom giống như khi nhìn trực tiếp ruột già.

NYD