Menu Close

Lịch Sử Trong Tiểu Thuyết: Một tùy tiện ý thức – Kỳ 3

Chắc chắn bài vị hay kỵ húy lẫn Dâm tính [21]không phải là vấn đề lớn của tiểu thuyết. Tất cả những nhà văn đích thật đều đủ can đảm vượt qua cấm kỵ. Vấn đề quan yếu hơn hết: Quan niệm tiểu thuyết của một người viết văn? Ở đâu? Ra sao? Như thế nào? Nhà văn, anh muốn gì? tìm gì? và thể hiện cách nào điều anh nghĩ, điều anh muốn viết và điều anh đã tìm thấy?

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã rất quan tâm đến những câu hỏi này và ông đã giới hạn cho giới sáng tác, phần nào những khó khăn của nghề văn: ‘‘Nhà viết tiểu thuyết lịch sử chỉ được tưởng tượng phần đời tư của nhân vật, không được thay đổi những sự kiện lịch sử đã được nhìn nhận. Và dù viết sử hay tiểu thuyết lịch sử cũng đều phục vụ mục tiêu trình bày bài học lịch sử. Những phân biệt này đã không cho phép người viết tiểu thuyết lịch sử tùy tiện trình bày nhân vật lịch sử theo chủ quan của mình, trái lại phản ảnh quan điểm của người dân, quần chúng thường chỉ do sự khôn ngoan của lương tri soi sáng (?)[22]’’.

Quan niệm của giáo sư, như thế, rất gần với quan niệm tiểu thuyết của Tây phương thế kỷ 19. Victor Hugo, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas và Emile Zola, những gương mặt rực rỡ của tiểu thuyết Pháp thế kỷ 19, đều đã xây dựng tác phẩm trong cách thức kể chuyện cổ điển với thời gian tuyến tính, tập trung quan sát tả thực và phân tích tâm lý. Xã hội bên ngoài ra sao, bên trong tiểu thuyết y như vậy. Con người ngoài xã hội trông thấy bằng mắt trần như thế nào, trên trang giấy đọc bằng mắt trần y như thế. Và lịch sử đồng nghĩa biến cố tập thể có kiểm chứng.

warner 01

Tranh Warner – NGUỒN TEMPSREEL.NOUVELOBS.COM

Alexandre Dumas, Victor Hugo viết tiểu thuyết cách nào? Có thể chép lại lần nữa, tóm lược của giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dẫn: “Vì tiểu thuyết lịch sử không những chỉ cần tài liệu sử liên quan trực tiếp đến các nhân vật lịch sử về đời công, hoạt động chính trị, quân sự, cầm quyền, bối cảnh chính trị, xã hội thời đại của họ, mà còn cần tài liệu liên quan đến đời tư (gia đình, tình cảm, giao tế, cách ăn mặc). Người viết truyện sẽ dựng lại cuộc sống cụ thể của họ trong hoàn cảnh và thời đại… Ðặc biệt các đoạn văn tả các nhân vật đối thoại với nhau: lối xưng hô như thế nào thời đó.’’

Vô cùng rõ ràng. Tiểu thuyết phải tái tạo sự việc một cách hiện thực, cụ thể, rõ mồn một. Nhà văn hư cấu trong chi tiết, không thay đổi bối cảnh, những biến cố lớn, thậm chí đến tâm tư, quần áo, lời ăn tiếng nói của nhân vật lịch sử. Tiểu thuyết mang chức năng của máy chụp hình lồng tiếng, có phụ đề, chỉ có thể thêm đôi ba người ảnh mà ống kính xưa không thâu hết. Victor Hugo khi băn khoăn lương tâm trong Những Kẻ Khốn Cùng, Alexandre Dumas khi kể chuyện thập tự-đại bác của xã hội tôn giáo-quyền lực dưới thời Hồng y Armand-Jean de Richelieu trong Ba Chàng Ngự lâm Pháo thủ đã không ra ngoài toát yếu cần ghi nhớ đó.

Thời điểm tháng 12-2002, khi giáo sư Nguyễn Văn Trung viết những dòng trên, ở Pháp xảy ra hai sự kiện. Cuộc tranh luận trao giải Văn chương toàn quốc Goncourt 2002 cho nhà văn Pascal Quignard với tác phẩm Les Ombres Errantes (Những Bóng mờ Lầm lũi) trong trường thiên Le Dernier Royaume (Vương quốc Sau cùng) [23] và nghi lễ long trọng cất linh cửu Dumas vào điện Panthéon, nơi an nghỉ của các vĩ nhân. Alexandre Dumas, gương mặt của văn chương cũ và Pascal Quignard, tác giả củahư cấu tùy tiện. Cuộc tranh luận phù du, giới sáng tác theo dõi chỉ giữ lại những hốt hoảng của phê bình hàn lâm: “Tiểu thuyết lịch sử ở Pháp đã chết, chôn vùi trong những văn bản kỷ xảo, mất hết khả năng chuyên chở thời đại! [24]”.

Thật sự, hàn lâm không sai. Nhiều thập niên qua, ngoại trừ feuilletons, không có cuốn tiểu thuyết phẩm chất nào về chiến tranh Algérie, nỗi ám ảnh không rời của nền Ðệ ngũ Cộng Hòa hay cuộc nổi loạn trí thức tháng 5-1968 trên đường phố Paris. Tiểu thuyết Pháp đã không ghi lại những biến cố lịch sử lớn sau cùng này, hay đúng hơn đã không ghi lại dưới dạng roman historique. Guy Scarpetta, bình luận văn học cho báo Le Monde đặt câu hỏi: “Văn chương, chiếc gương soi của lịch sử?”.Georges Luckas trước đó, tuyên bố:“Roman historique đã trở thành một thể loại phế tích không còn hợp thời nữa”. Vì sao? Vì những dấu hiệu của sự thật mà tiểu thuyết lịch sử truyền thống có thể trưng bày đã bị các thể loại khác cướp mất. Diễn văn, hồi ký, tiểu luận, biên khảo, luận án, phóng sự, báo chí, v.v.. diễn đạt gấp trăm ngàn lần sự thật lịch sử này, trong chi tiết, với tư liệu chuẩn xác, với độ dày nghiên cứu công phu, hình ảnh đính kèm, mà tiểu thuyết không sao sánh bằng. Ðể đạt đến mức chuẩn xác khoa học đó, tiểu thuyết sẽ mất đi chất hư cấu, cốt lõi của sáng tạo, sẽ đồng hóa với các thể loại đồng hành. Chính vì không muốn bán linh hồn cho quỷ mà các nhà văn phương Tây đã dần dần thôi viết tiểu thuyết lịch sử.

Thật ra, họ vẫn tiếp tục viết nhưng không dưới dạng thức của thế kỷ 19. Nghi lễ long trọng diễn ra tháng 12-2002 trước công chúng đông đảo chứng kiến tro tàn của Alexandre Dumas vào yên nghỉ nghìn thu trong điện Panthéon cách đây 6 tháng, mang một ý nghĩa đặc biệt: Cái chết vĩnh viễn của thể loại tiểu thuyết lịch sử truyền thống mãi mãi thuộc về quá khứ. Dạng tiểu thuyết mà giáo sư Nguyễn Văn Trung trong cùng thời điểm, bên kia Ðại Tây Dương, vẫn kiên trì đòi hỏi nhà văn Việt thể hiện trong sáng tác. Giáo sư Nguyễn Văn Trung với tất cả tấm lòng yêu quý văn chương nghệ thuật trông đợi nhà văn Việt tra cứu chuyên cần, am tường và chuyên nghiệp hơn nữa mỗi khi va chạm lịch sử. Nhưng nếu sáng tác chấp nhận tức khắc yêu cầu lục lọi, sưu tập, tìm kiếm và tra cứu tài liệu của giáo sư, rất đông sẽ phủ nhận kết luận: “Không nên tùy tiện.” Giữa tra cứu và tùy tiện là hai vấn đề khác nhau. Am tường để tùy tiện hơn nữa, nghiên cứu kỹ lưỡng để phóng tay hơn nữa, luôn là nhu cầu của sáng tác.

Tại sao? Rất giản dị: tại sao phải chép lại gần như nguyên văn tài liệu? và người đọc tìm gì trong tiểu thuyết nếu có thể tìm thấy sự thật lịch sử trong thư viện? Chức năng của tiểu thuyết hiện đại không nhằm và không được quyền mô tả khái quát thực tế của thế giới đã ghi chép, phân tích, sao lục, mổ xẻ, chiếu X quang một cách tường tận trong những bộ môn không hư cấu. Tại sao vậy? Vẫn rất giản dị, vì có những điều chỉ có tiểu thuyết mới có thể trình bày, như công thức lừng danh ce que seul le roman peut dire (những điều chỉ riêng tiểu thuyết mới nói lên được) của Hermann Broch trong La Mort de Virgile (Cái chết của Virgile). Tiểu thuyết, thể loại được khai sinh, để nói lên điều này, điều mà biên khảo, tiểu luận, sử ký, hồi ký, phóng sự, báo chí và cả phê bình không thể nói. Tiểu thuyết gia thế giới đã hiểu rất nhanh chức năng này. Chức năng tách rời những khung cửa sổ tràn ngập ánh sáng của chính sử luôn che đậy những vũng tối ẩm thấp ra khỏi ngôi nhà hoang vắng nhưng rất nhiều mồ mả để tìm hiểu phản ứng tâm lý của con người khi không còn nắng. Chức năng ghi nhận những kinh nghiệm nhân loại mà sử gia không quan tâm hay không thấy giá trị. Chức năng làm ngã bổ những định kiến chắc chắn, chính thống, làm sụp đổ những khái niệm vĩnh hằng của thế giới vững tin đã định hình, yên trí đã bất biến và thám hiểm những mặt khác của vạn vật, v.v… Có thể viết thành nhiều cuốn trường thiên không chứa hết những chức năng không quy ước vô tận này. Những chức năng sinh ra từ tự do tinh thần tuyệt đối của tiểu thuyết gia trong thế kỷ 20.

Ðể thực hiện các chức năng không quy ước đó, có nhiều thủ pháp, nhiều trường phái. Vẫn theo Guy Scarpetta, một trong những khuynh hướng chính hôm nay và gần như con đường cho phép tất cả, nằm trong lối thoát phi hiện thực. Hôm nay? Thật ra đã một thế kỷ, tính từ khi Hermann Broch trong Les Somnambules (Những kẻ Mộng du) và Robert Musil trong L’Homme Sans Qualité (Người không Phẩm chất) mô tả xã hội bên trong của đế quốc Áo-Hung, nêu bật lên hình ảnh thế giới sinh sống trên một lỗ thủng trống không những giá trị, và chính khoảng trống không đó đưa đến man rợ của Thế chiến thứ nhất. Trong cùng mục đích, Aragon với những tiểu thuyết hiện thực Les Cloches de Bâle (Những Quả Chuông Thành Bâle), Les Beaux Quartiers (Những Khu Phố Rực Rỡ) cố gắng tả thực một thế giới thực những năm 30-40, đã không mô tả được gì khác hơn xã hội đã được Balzac và Emile Zola mô tả. Trong lúc Frank Kafka kể chuyện người hóa bọ hoàn toàn không hiện thực, nhưng ghi lại toàn bộ sự thật tâm lý con người trong xã hội và William Faulkner ở Hoa Kỳ ghi nhận lịch sử hơn tất cả những đồ đệ của Dumas, Balzac. Gần hơn, trong chiều hướng chẩn đoán tâm thần nổi tiếng Le crime commis en commun (Tội ác tập thể) của Sigmund Freud, không phải những nhà văn hiện thực, nhưng chính Kenzanurô Oé, một nhà văn viết tự truyện giả tưởng, chuyên thám hiểm những vùng đất tạp kịch lộn xộn, đã soi chiếu cho nhân loại tâm thức tội phạm ẩn náu trong từng con người Nhật Bản phải gồng gánh và chịu đựng lịch sử Nhật Bản [25]. Sau Ðông Âu, cũng không phải trào lưu hiện thực, nhưng vẫn chính những truyện giả tưởng phức tạp La Longue Vie des Marx (Ðời sống dai của những tôn thờ Mác), Etat de Siège (Tình trạng Vây hãm) nhồi nhét hư hỏng của Juan Goytisolo vẽ ra cho người đọc vực thẳm phía sau cuộc chiến Nam Tư, phía sau bức tường Bá Linh. Juan Goytisolo thuộc trường phái huyễn tưởng của Jorge Luis Borgès. Chưa hết, Milan Kundera, thần tượng đang lên của sáng tác Việt, chuyên gia khảo sát thế giới Cộng Sản cũng không hoàn toàn là một nhà văn hiện thực, và dĩ nhiên, thế giới biết đến những thần kỳ Nam Mỹ, những hợp âm phù du chồng chất qua Gabriel Garciá Márquez và Carlos Fuentès [26]. Vẫn chưa hết, đời sống di dân chìm đắm trong thời kỳ hậu thuộc địa, pha trộn văn hóa, vẫn do một nhà văn không hiện thực trình bày, Salman Rushdie [27], trường phái fantastique.

Những nhà văn kể trên, đã tạo ra một loại tiểu thuyết mới, không truyền thống, và không bó buộc với những nhân vật lịch sử có thật nhưng vẫn ghi lại đầy đủ biến chuyển lịch sử của thế giới từ những biến cố nhỏ nhặt như thay đổi cá tính của dân làng hẻo lánh Macondo sau chứng bệnh mất ngủ trầm kha kinh niên, mà độc giả khi đọc Trăm Năm Cô Ðơn của Márquez hiểu như nỗi băn khoăn thường trực trước nội chiến, trước xâu xé văn hóa bản địa-Tây Ban Nha của sắc dân Nam Mỹ vừa chấp nhận, vừa thù ghét, nhưng không lối thoát, khiến không thể chợp mắt cho đến lúc lú lẩn phản xạ máy móc; đến biến cố tầm cỡ như sự phân hóa của xã hội Roumanie, khi nhân vật Mina Bailar, một thiếu nữ trẻ đột nhiên tin tưởng mình sinh ra từ bắp đùi của Kafka, mang những tế bào của một con bọ, không thể nằm ngửa, chỉ có thể ngủ sấp. Maria Mailat, tác giả mới nổi của tiểu thuyết ngoại quốc tại Pháp, không ngần ngại sử dụng ảo thuật lẫn hoang đường, khi cho một mụ phù thủy kiêm bói toán Tzigane truyền cho tất cả đàn ông Roumanie tội ác ngay khi sinh ra và thổi lên những cô gái chuẩn bị làm vợ bản năng khâu vá mọi thứ cùng sức mạnh trí tuệ với khả năng tiếp xúc các nhà văn lưu vong Eugène Ionesco, Emile-Michel Cioran đã chết nhưng hiện trở về và kể cho họ nghe lịch sử Roumanie sau khi chỉ ra con vi khuẩn gớm ghiếc truyền nhiễm lây lan gây bệnh của vùng Balkan-Transylvanie [28]. Một tác giả khác, Léo Pérutz bạn thiết của Kafka, ngay từ đầu thế kỷ đã ghi nhận tâm khảm sợ hãi của thanh niên Do Thái sinh sống ở Tiệp Khắc khi cho những họa sĩ trẻ, bất lực trước nghệ thuật tạo hình đi tìm Dracula cầu khẩn quyền lực của bóng tối nhưng van nài xin tha cắn cổ. Bá tước Dracula, vị vương tử của địa ngục, đã… nói huỵch toẹt bản chất bủn xỉn và yếu đuối của dân tộc Do Thái trước chủ nghĩa Phát-xít đang bùng nổ: “Ở tuổi các anh, mất chút máu cũng tiếc?” [29]

Tiểu thuyết, như thế, từ rất lâu đã rẽ sang nhánh không hiện thực này. Rất nhiều tiểu thuyết gia hàng đầu trên thế giới đã chọn con đường từ bỏ hiện thực để biểu trưng suy nghĩ của mình. Ảnh hưởng của Hiện sinh gần như biến mất. Ảnh hưởng thiên anh hùng ca của André Malraux và Ernest Junger, cũng biến mất. Còn lại chủ nghĩa “không anh hùng” của Ernest Hemingway và Claude Simon.

Ðến cuối bài viết, đọc lại, dường như do không am tường phương pháp luận khiến phần chứng minh đảo và phản chứng sự thật đã rất mong manh. Nhưng không lẽ, chỉ vì mình không nắm vững hiện tượng luận của Edmund Husserl mà sự thật trong lòng mỗi nhà văn không tồn tại? Chắc chắn trong mỗi tiểu thuyết gia đã có niềm tin thần thánh mỗi khi trước tác. Nếu triết học thường chứng minh sự hiện hữu cá nhân bằng sự hiện diện của kẻ khác, thì trong tiểu thuyết sự thật của nhà văn hiện hữu ngay khi có độc giả đầu tiên chia sẻ. Trường hợp độc giả không chia sẻ như giáo sư Nguyễn Văn Trung đã không chấp nhận, đưa đến vấn đề của sự thật. Và có vấn đề của sự thật.

Khi đòi hỏi sáng tác hư cấu trong giới hạn và trách nhiệm, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã yêu cầu tái tạo trong tiểu thuyết một sự thật của chính sử, và nếu bước ra ngoài chính sử cần có bằng chứng, hoặc tập thể kiểm nhận. Sự thật đó, hoàn toàn vật chất và cố định, không sai nhưng không đủ, và cũng không tuyệt đối. Trong vật lý, Heisenberg đã từ lâu chứng minh con người chỉ có thể xác định chính xác hoặc vị trí hoặc vận tốc của một hạt điện tích hay hạt nguyên tử, nhưng không thể cả hai cùng một lúc. Một cách khác, mọi toan tính để tìm biết giá trị của một thông số đem đến hậu quả làm nhiễu loạn không thể dự kiến những thông số khác của hệ thống. Nguyên lý Bất Ðịnh [30]của Heisenberg minh chứng một chuyện khủng khiếp, sự thật này hủy hoại sự thật kia.

Trong triết học, Henri Bergson định nghĩa sự thật không do dự: “Sự Thật, là điều mà triết học chưa bao giờ thẳng thắn chấp nhận khả năng sáng tạo liên tục những mới lạ không thể dự báo…[31].

warner 01

Henri Bergson – NGUỒN PHILATELIA.RU

Với Bergson, sự mới lạ đưa đến đứt đoạn thời gian, và chính sự mới lạ chỉ có thể kiểm nghiệm trong hiện tại đã chặt đứt quá khứ, qua đó, tìm thấy bản chất thật của vũ trụ, sức sáng tạo của thời gian. Triết học Bergson, hôm nay được công nhận, bảo chứng hùng hồn cho nhãn hiệu bảo hiên rồng vàng của các nhà văn trên thế giới đã không ngừng đổi mới sáng tác và khi thay đổi các dạng thức tiểu thuyết, họ đã thể hiện sự thật Bergson và săn lùng sự thật của chính họ. Không phải Bergson không gặp chống đối, và một chống đối tầm cỡ. Ngày 6 tháng 4 năm 1922, Einstein sang Pháp tham dự hội nghị triết học về thuyết Tương Ðối đã bực bõ trước ghi nhận mang tính cách phủ định của Bergson phân chia thời gian của triết học và thời gian của vật lý [32]. Bực tức đến mức trong thư viết cho Solovine một năm sau, Einstein phê phán gay gắt: “Bergson, trong cuốn sách của hắn về thuyết Tương Ðối, đã phạm những sai lầm quái vật, Chúa tha tội cho hắn.” [33]. Ở đây, đã có hai sự thật cá nhân dị biệt, được hai tập thể khác biệt Vật Lý và Triết Học công nhận. Trong cả hai trường hợp, sự thật của hai cá nhân thông thái xảy đến trước và ảnh hưởng lên sự thật của tập thể về sau.

Cũng giống Bergson, Heisenberg giải Nobel vật lý 1932 gặp chống đối dữ dội của Nobel vật lý 1929 Louis de Broglie không chấp nhận tính vô định thực sự [34]. Theo De Broglie, thuyết vô định của Heisenberg chỉ phản ảnh tình trạng thiếu kiến thức nhất thời của nhân loại, mà trong tương lai, có thể, khoa học sẽ tiến bộ, sẽ nắm bắt vấn đề dưới góc độ khác [35]. Như vậy, trong vật lý, một khoa học chính xác, các nhà khoa học đã luôn luôn đặt lại vấn đề về những xác thực đã thiết lập vững vàng. Như thế, tại sao trong tiểu thuyết, một khoa học không chính xác, nhà văn không có quyền nghi hoặc đức độ của một minh quân, không có quyền hư cấu vô giới hạn và chiêm nghiệm hiện thực từ nhiều góc độ khác, khi nhân loại hôm nay đã biết rõ và hiểu ra sự thật thay đổi trong thời gian và hoán chuyển tùy góc độ khảo sát. Trong toán học, đã từ rất lâu không còn một ai tin vào sự thật tuyệt đối, chỉ có sự thật cho những khung riêng biệt với những tiên đề sắp sẵn không chứng minh. Kinh thánh, một sự thật tập thể to lớn xây dựng trên khuôn mẫu này với tiên đề là đức tin đừng thắc mắc. Do đó, sự thật trong kinh thánh chỉ đúng cho tập thể Công giáo, không ứng nghiệm với tập thể Hồi giáo hay Phật giáo. Sự thật của một cuốn tiểu thuyết, đúng cho cuốn tiểu thuyết đó và thuyết phục tập thể độc giả chia sẻ sự thật đó. Khác vật lý, tiểu thuyết khảo sát sự thật từ nhiều góc độ nhưng không cần chứng minh. Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã lầm lẫn khi đòi hỏi áp dụng công thức của thế kỷ 19 vào trong khung tiểu thuyết hôm nay xây dựng trên tiên đề axiome của thế kỷ 20-21. Không thể đòi hỏi ở ánh điện néon những tia lửa bập bùng của đèn cầy, đặc biệt khi con người vẫn chưa thể phân chất lửa, một sự thật cháy bỏng từ nhiều triệu năm.

Ponce Pilate, tổng lãnh binh La Mã của vùng Judée, sau khi giao Jésus Christ cho tập thể đóng đinh, đã nói với dân Do Thái: “Tôi vô tội trước cái chết của người này, các anh chịu trách nhiệm”. Ponce Pilate, gương mặt không thể thiếu của lịch sử Công giáo, sau khi giao Ðấng Trời cho đám đông hành quyết, đã trở vào cung điện kêu lên trong tuyệt vọng: “Ðâu là sự thật?”

Sự thật nằm trong nghệ thuật. Như Milan Kundera quả quyết: “Thi ca là một vùng đất mà mọi xác quyết trở thành sự thật. Thi sĩ phát biểu hôm qua: đời sống trống rỗng như một giọt nước mắt, thi sĩ phát biểu hôm nay: đời sống tươi như nụ cười, và mỗi lần, hắn đều có lý. Hắn nói hôm nay: Tất cả chấm dứt và tàn lụi trong im lặng, hắn nói ngày mai: Mọi thứ chưa chấm dứt, tất cả hãy còn kêu vang vĩnh cửu. Cả hai lần đều thật. Thi sĩ không cần chứng minh; bằng chứng duy nhất tồn tại trong cường độ của rung cảm.” [36]

Gửi đến giáo sư Nguyễn Văn Trung lời tạ lỗi với lòng kính trọng mà khác biệt suy nghĩ không tàn phá.

TV, Paris 9 tháng 6-2003

[21] trong cùng tiểu luận, giáo sư Nguyễn Văn Trung đặt vấn đề Dâm Tính dưới hình thức Tây phương trong sáng tác Việt Nam mà phạm vi khoanh vùng lịch sử của bài viết này không cho phép triển khai, xin đề cập đến ở một dịp khác.

[22] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận Vấn Đề Nhân Vật Lịch Sử: Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh và Những Cách Tiếp Cận, tạp chí Văn Học số 200 tháng 12.2002

[23]Pascal Quignard, Dernier Royaume, 3 tập: Les Ombres Errantes, Sur le Jadis, Abimes, Nxb Grasset 2002

[24] Guy Scarpetta, La Littérature, Miroir de l’Histoire? Le Monde Diplomatique, Mars 2003

[25]Kenzanurô Ôé, Le Jeu de Siècle, Nxb Gallimard.

[26]Carlos Fuentès, các tiểu thuyết La Plus Limpide Région, La Mort d’Artémio Cruz, Christophe etSon Oeuf, La Frontière de Verre, Gallimard, Nxb Edition Livre de Poche

[27] Salman Rushdie, các tiểu thuyết Les Versets Sataniques, Le Dernier Soupir du Maure, Est-Ouest, Plon.

[28] Maria Mailat, La Cuisse de Kafka, Nxb Fayard 2003

[29] Léo Pérutz, Le Maitre du Jugement Dernier, Nxb Fayard 1989, collection Livre de Poche

[30] Nguyên lý Bất Định (Principe d’Incertitude) ra đời năm 1927, do Heisenberg chủ thuyết, khởi nguồn cho hệ thống dùng lý thuyết xác suất của ngành cơ học sóng (mécanique ondulatoire), đã đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hoá của ngành cơ học nguyên lượng (mécanique quantique) và trong lối suy nghĩ mới của triết học hiện đại. Đây là định luật căn bản khiến vật lý nguyên lượng khác biệt vật lý cổ điển vốn mang tính chất chính xác.

[31] Henri Bergson, Le Possible et le Réel trong La Pensée et le Mouvant, trang 115

[32] Henri Bergson cho xuất bản La Durée et Simultanéité năm 1922, với tiểu tựa A propos de la théorie d’Einstein, phê bình Thời Gian đa chiều và co giản trong thuyết Tương Đối.  

[33] Albert Einstein, Correspondances francaises trong Oeuvres Choisies, Nxb Seuil/CNRS

[34] Louis de Broglie, Nouvelles Perspectives en Microphysique

[35] theo Jean Michel Counet, Centre de Philosophie des Sciences, Université Catholique de Louvain

[36] Milan Kundera, trích dẫn từ La Vie est ailleurs