Nhền nhện được ông bà ta qua văn chương truyền khẩu nhắc đến như một loài côn trùng giăng tơ lẻ loi (?), một mình một lối nhả tơ để săn mồi. Khi còn thơ dại chưa giăng được tơ thì nhện nhi đồng đã có… tò vò (tò vò mà nuôi con nhện) nuôi nấng dùm, nôm na là nhện con bị bỏ mặc? Tiếng mẹ ru thì êm đềm như thế nhưng bài Sinh Vật Học về nhền nhện thì khác khá xa. Lâu lắm rồi, khi người bạn cùng phòng trọ còn học và làm thực tập tại phòng thí nghiệm của ban Côn Trùng Học thì Dế Mèn cũng có dịp ra vào thăm viếng vài lần. Dù phe ta chạy dài vì cái mùi khó ngửi tiết ra từ nhền nhện, những tấm mạng nhện dày cui vẫn mang đến sự thu hút khó ngờ. Lạ lắm bạn ạ, con vật bé xíu thế kia mà có ảnh hưởng mạnh mẽ vô cùng. Dế Mèn mày mò tìm hiểu nhưng nỗi say mê nọ bị xếp xó nhiều năm dài chịu sóng đời xô dạt. Rồi ngày nọ, lúc báo chí la hoảng về hiện tượng họ hàng nhền nhện hè nhau giăng tơ, tạo thành một mạng nhện vĩ đại rộng mấy mẫu của công viên Lake Tawakoni State Park tại Dallas, Texas thì người ta thất kinh, từ khách nhàn du đến các chuyên gia. Những mảng tơ kềnh càng bao quanh những thân sồi và dày đến độ ánh nắng không thể xuyên qua. Tơ nhện giăng kín mít lối ra hồ nước. Nỗi tò mò chuyện nhền nhện xa cũ lại trở về.
Mạng nhện vĩ đại rộng mấy mẫu của công viên Lake Tawakoni State Park tại Dallas, Texas – HÌNH CỦA THE NEW YORK TIMES
Năm ấy, ông Allen Dean, Texas A & M University, chuyên viên khảo cứu về nhện đã phát biểu rằng ông ta chưa bao giờ thấy hiện tượng này dù đã “sống” với loại côn trùng kia trên dưới 20 năm! Những chuyên gia khác cũng cho ý kiến tương tự, họ đồng ý rằng chỉ ở những vùng đồng lầy ấm áp người ta mới thấy một vài loại nhện sống theo tổ chức xã hội và cùng giăng tơ như thế.
Ðiều ngạc nhiên nhất theo Tiến Sĩ Norman Horner, cựu Giáo Sư Sinh Hóa tại Midwestern State University, Wichita Falls, Texas, là kích thước của những tấm mạng nhện vĩ đại nọ. Thoạt tiên khi thấy hình ảnh, ông Horner cho rằng một người nào đó đã đùa giỡn, và chỉ tin thật sau khi đọc bài tường trình về những dữ kiện được quan sát và ghi nhận từ cơ quan Texas Parks & Wildlife. Tiến Sĩ Horner kinh ngạc vì sự hợp quần quá nhanh chóng của xã hội nhện. Bình thường, chỉ có một số chủng loại nhền nhện đặc biệt mới sống hợp quần, và một ‘xã hội’ bao gồm cả triệu con nhện như thế thường cần nhiều năm để tổ chức. Các chuyên gia chưa giải thích được tại sao chỉ trong vài tháng, mà những con nhện kia đã giăng được những mạng nhện to dường ấy!
Nhện là một giống côn trùng gồm nhiều chủng loại, những con nhện bé nhất nặng khoảng 0.005 miligrams và những con nhện to kềnh càng nặng cả gram. Nhìn chung, nhền nhện không phải là loài côn trùng sống quây quần, có tổ chức chặt chẽ như ong như kiến. Khi hợp quần, nhền nhện cũng chỉ cộng lực giăng tơ kiếm mồi (như loài nhền nhện xuất hiện tại Texas), hè nhau chống giữ bảo vệ thức ăn… còn những ‘việc’ khác thì đường ai nấy đi. Nhện cái nổi danh qua việc dùng bạn tình làm thực phẩm sau khi giao cấu, the black widow. Nhện mẹ đẻ và giấu trứng; ấu trùng tăng trưởng trong vỏ cho đến khi nở thành nhện con rồi tự lực.
Chuyện tỏ tình của chàng nhện đực khá thần kỳ. Một phần để tránh bị nuốt chửng trước khi trứng thụ tinh, chàng giăng tơ theo một kiểu mẫu đặc biệt, loại tơ rung như dây đàn… Gặp người đẹp vừa ý là chàng nhảy múa; mạng nhện rung rinh tạo âm thanh khiến nàng say sưa đi vào mê hồn trận và bộ phận sinh dục dưới bụng mở rộng để nhận tinh trùng.
Nhện đực số phần tương đối hẩm hiu, không mang tinh trùng vào thân nhện cái khi giao cấu mà lại ‘gửi’ tinh trùng vào mạng nhện rồi “mang” theo mớ tinh trùng nọ trong càng chân. Khi gặp nhện cái cùng chủng loại và trong đang mùa tình chàng mới chọn để giao phối. Tạm hiểu là nhện đực vô cùng kén chọn, đánh hơi tìm bạn tình đủ tiêu chuẩn mới chịu giao tinh trùng từ càng chân. Không hiểu nhện đực ‘sảng khoái’ vào lúc nào? Lúc xuất tinh (từ bộ phận sinh dục) vào mạng nhện hay vào lúc giao phối và chuyển tinh trùng vào thân thể ‘nàng’ từ càng chân? Câu “yêu là… chết cả một đời” xem ra vô cùng chính xác với nhện đực, những chàng nhền nhện nhỏ con dễ bị nàng nuốt trọn! Vài anh sống sót trong mạng của bạn tình thêm một vài ngày nữa.
Mạng nhện là một chất dính vô địch, nhờ độ dính keo sơn nọ nên mạng nhện rất dẻo dai, có thể cuộn chặt con mồi nặng cả trăm lần chiếc lưới. Từ mạng nhện, con người bắt chước thiên nhiên, mà ngày nay ta pha chế được các loại keo thần sầu!
Người ta yêu chuộng tơ tằm bao nhiêu thì lại ghét tơ nhện bấy nhiêu. Tơ nhện đen đủi lại hôi rình, có lẽ mùi hôi thối xuất phát từ xác các côn trùng mắc lưới? Cái lưới nhện khổng lồ kia phát ra tiếng rên rỉ nữa bạn ạ, tiếng muỗi tiếng ruồi than khóc trước giờ lâm tử khiến người ta hoảng sợ?
Black widow
Trở lại với đàn nhện tại công viên Lake Tawakoni State Park, học bài Sinh Vật giản dị xong thì Dế Mèn vò đầu loay hoay ngẫm nghĩ. Xã hội nhện ấy được tổ chức từ bao giờ, tổ chức ra sao, gồm bao nhiêu con nhện cả thảy… Xa xôi hơn nữa, những thay đổi về môi sinh nào đã khiến loại nhền nhện kia tự bao lâu nay sống riêng lẻ mà bây giờ lại tụ họp đông đảo như thế? Sách vở ghi chép rằng khoảng 5 năm trước đó, tại British Columbia một hiện tượng tương tự xảy ra do triệu triệu con nhện nhỏ xíu hè nhau giăng tơ che lấp 60 mẫu đất trống. Ngày ấy, các chuyên gia gọi hiện tượng này là “phồng bong bóng”, ballooning, khi các con nhện nhả tơ theo hướng gió, sợi tơ giúp giữ chân chúng tại chỗ. Có thể năm nọ tại Dallas, ta cũng có hiện tượng “phồng bong bóng” chăng? Người ta đoán rằng mùa hè ấy mưa nhiều, hơi nóng và độ ẩm khiến côn trùng sinh sôi nảy nở nhiều hơn, và nhền nhện cũng thế. Khi hiện tượng “phồng bong bóng” xuất hiện, ta có thể hy vọng rằng nhền nhện sẽ rủ nhau… chết vào mùa đông khi thời tiết lạnh hơn?
Theo Tiến Sĩ William G. Eberhard, Smithsonian Tropical Research Institute và Ðại Học Costa Rica, những con nhện li ti có não bộ rất đơn sơ, chỉ bao gồm vài tế bào thần kinh. Như thế hẳn chúng là loại côn trùng giản dị, và có nghĩa là chúng không làm cái chi nên thân? Hãy khoan kết luận như thế, bạn ơi! Dù thân xác lớn hay nhỏ, ta vẫn thấy nhền nhện dệt những màng nhện với khoảng cách bằng nhau như khi ta chế tạo một cái bánh xe với những tăm xe đều đặn. Mức độ chính xác của các mạng nhện tương đương như nhau dù các mạng nhện này do chủng loại nhện to đầu hay bé óc giăng tơ! Như thế sự khéo léo chính xác kia đến từ đâu nếu không do bộ óc điều khiển? Hay việc giăng tơ không đòi hỏi một sự khéo léo nào nếu ta là loài nhền nhện?
TLL