Lệ Chi Viên, còn gọi là Trại Vải, là một khu vườn của Nguyễn Trãi, ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Theo chính sử triều Lê, Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn, đã ghi sự kiện như sau: “Tháng 8, ngày mồng 4 (năm Nhâm Tuất, tức năm 1442 Dương Lịch)… Khi đi tuần miền Ðông, về đến vườn Lệ Chi, xã Ðại Lại trên sông Thiên Ðức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng. Các quan bí mật đưa về… Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua … Ngày 16 (tức ngày 19.9.1442), giết Hành Khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời”
Lúc việc xảy ra, Nguyễn Trãi đang ở ẩn ở Côn Sơn, ông 62 tuổi. Vua Thái Tông 19 tuổi, bà vào khoảng 47,48.
Nguyễn Trãi. ẢNH MINH HỌA. NGUỒN: BAOTANGLICHSU.VN
Nguyễn Thị Anh đã phê chuẩn bản án tru di tam tộc với tội: “Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đầu độc nhà vua”. Chỉ 12 ngày sau vua băng, mà án đã tuyên và thi hành.
Thử đọc lại những dòng sử ghi một cách úp mở của sử gia Ngô Sĩ Liên, có phải đó là lời khiến ai cũng phải hiểu rằng bà bị kết tội dùng nữ sắc hại vua? rồi bằng một kết luận hết sức mơ hồ, “mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”! Không những bị bôi nhọ phẩm cách, bọn chủ mưu sau đó còn khoác cho bà một thứ “lốt rắn” bằng chuyện rắn báo oán, đánh vào lòng mê tín của dân chúng mà quên đi sự chống đối một bản án giết hại khai quốc công thần. Một bản án che mờ trời đất Ðại Việt, mãi không quang để mặt trời soi rực rỡ lên cái chết của hai người, nhất là cho Lễ Nghi Học Sĩ.
Người đâu tìm đâu để nói.
Khấu đầu tứa máu nỗi đau.
Thương nỗi độc hành lẳng lặng
(thơ NTKM)
Người đời sau đã làm những gì để minh oan cho Người?
Cho đến nay vấn đề minh oan cho Nguyễn Trãi đã được ưu tiên hơn và Người đã có vị trí xứng đáng trong lịch sử và văn học, thì vấn đề Nguyễn Thị Lộ vẫn chưa thỏa đáng.
Tôi xin trích ra đây những ý kiến của các học giả, sử gia, nhà văn nhà giáo trong Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Về Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ, tổ chức vào ngày 19.12.2002 tại Khuyến Lương- được in lại trong sách Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ Với Thảm Án Lệ Chi Viên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, NXB Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 2004.
Ðọc từ sách trên, theo tôi, tiếng trống đầu tiên đánh lên kêu oan cho NT-NTL là của Ngô thị Chi Lan, bút danh Kim Hoa nữ sĩ (cháu gái Thượng Tướng Ngô Từ), theo GS Trần Bá Chí, Bút Ký Về Nguyễn Thị Lộ, 2002, bà là học trò yêu và là con gái nuôi của vợ chồng NT, khi xảy ra tai họa, được họ Phù ở đất Kim Hoa che chở. Bà nổi danh tài sắc, được triệu vào tòa Kinh Diên năm 1461 để soạn thơ văn. Một lần, khi đi thăm núi Vệ Linh bà có làm bài thơ tưởng nhớ bố mẹ nuôi:
Vệ Linh xuân thụ bạch vân nhàn
Vạn thử thiên hồng diễm thế gian
Thiết mã tại thiên, danh tại sử
Anh uy lẫm lẫm mãn giang san
Trúc Khê dịch:
Vệ Linh mây trắng tỏa cây xuân
Hồng tía muôn hoa đẹp cảnh trần
Ngựa sắt về trời, danh ở sử
Oai thanh còn dậy khắp xa gần
Bài thơ được vua Lê Thánh Tông chú ý, nhất là hỏi lại ý “bạch vân nhàn”, từ bài thơ này, nữ sĩ Ngô Thị Chi Lan đã kêu oan cho bố mẹ nuôi, vì thế mà Lê Thánh Tông, và cũng nhờ có sự quan tâm của Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, đã xuống chiếu tẩy oan cho NT: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”– Tâm Ức Trai rực sáng như sao Khuê – và NTL: “Tiền triều nữ sĩ bất can thí tội”- Nữ sĩ triều trước không liên quan đến tội giết vua-, và ban chức Tri Huyện cho người con còn sót lại của NT là Nguyễn Anh Vũ (đã đổi họ Phạm mai danh ẩn tích ở Quảng Yên). Miếu ở Khuyến Lương được lập vào lúc này.
Như thế, 22 năm sau thảm án, đã có Chế Tẩy Oan (Quang Thuận thứ 5, 1464).
Nhưng theo Nhà Giáo Hoàng Ðạo Chúc, sự minh oan này chỉ có tính cách nửa vời, vì truy phong chức tước cho NT là chức Bá, lại kém hơn chức Hầu của ông khi còn làm quan! Và cũng né tránh không chỉ ra chính danh kẻ chủ mưu là Thần Phi Nguyễn Thị Anh, chỉ vì muốn bảo vệ thanh danh triều Lê. Như thế thì cũng chẳng chứng minh được sự trong sáng cho Lễ Nghi Học Sĩ.
Ngô Sĩ Liên chép sử cũng không dám viết trái với kết luận của người đàn bà đang buông rèm nhiếp chính Nguyễn Thị Anh. Thậm chí đến đời Nguyễn, bộ quốc sử Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng vẫn còn ghi chép theo kiểu của triều Lê 1442: “Trãi phải tội liên lụy vì người vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ”, kèm theo lời phê của Vua Tự Ðức rất nặng nề “…Trãi nếu là người hiền thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón rước ngự giá thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự Trãi chuốc lấy…”
Tôi cho rằng lời phê của vì vua này thật hồ đồ và kết luận một cách nhẫn tâm, phong kiến. Theo Tiến sĩ Hán Nôm Mai Hồng, căn cứ vào hai cuốn phả họ Ðinh và Nhị Khê, đều ghi rõ khi vời bà vào cung, Lê Thái Tông đã bái bà làm Lễ Nghi Học Sĩ. Dùng nghi lễ “ bái” nói lên mối quan hệ giữa vua và nữ Học Sĩ ngoài Vua-Tôi, là Thầy-Trò, hơn nữa bà hơn Vua khoảng 30 tuổi, thì “việc vu khống kia thật là khiên cưỡng”. Ðể bản án vùi dập thanh danh một phụ nữ tài hoa thông tuệ đã hơn 500 năm…
Theo Lê Quý Ðôn, Ðại Việt Thông Sử, “phò giá Thái Tông duyệt binh ở Chí Linh còn có tướng Trịnh Khả, khi vua Thái Tông đi tuần phía Ðông, mắc bệnh nguy kịch, ông hầu hạ thuốc men không rời lúc nào”, như vậy, không phải vua đột tử đêm mồng 4.8 năm Nhâm Tuất vì “ở suốt đêm với Thị Lộ rồi băng” như sử của Ngô Sĩ Liên. Trịnh Khả biết rõ vua bệnh rồi chết tại sao ông im lặng và đồng tình với việc kết tội NTL? Trịnh Khả và con trai sau này cũng chẳng thoát được sự thanh trừng của tập đoàn phong kiến Thần Phi lấy tay che trời này. Thử hỏi tại sao phải giết Trịnh Khả. Tức đã trả lời rồi.
Tưởng cũng nên nói qua về nhân cách người chép quốc sử triều Lê Ngô Sĩ Liên, “khi ông phục vụ triều Lê Thánh Tông, đã ăn hối lộ để tiến cử người vào làm quan trong triều, và đã bị vua Thánh Tông mắng nhiếc: …ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại khi Lệ Ðức Hầu (Lê Nghi Dân) cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức Ngự Sử đấy sao? Ưu đãi long trọng lắm. Nhân Thọ không dự triều chính đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ Ðức Hầu bị tay ta mà mất nước, ngươi không biết mà chết theo, lại đi thờ ta. Nếu ta không nói ra, trong lòng ngươi không tự xấu hổ mà chết ư? ” (Hoàng Quốc Hải, Trắng Án Nguyễn Thị Lộ)
Tư cách của quan Ngự Sử là thế! Chả trách nhà văn Hoàng Quốc Hải, trong bài viết Trắng Án Nguyễn Thị Lộ, báo Văn Nghệ số 7 năm 2003, đã viết bằng giọng đanh thép
“…trong vụ án Vườn Lệ Chi, tôi không tin một dòng, một chữ nào mà sử gia Ngô Sĩ Liên chép vào chính sử… Nguyễn Thị Lộ trước sau vẫn là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử ghê tởm. Thế mà gần 600 trăm năm qua chưa một sử gia nào chiêu tuyết cho bà. Chẳng lẽ tất cả đều bị Ngô Sĩ Liên mê hoặc hay sao? Tôi không tin như vậy. Nhưng tôi tin là họ vô tâm. Một sự vô tâm còn lớn hơn cả sự vô trách nhiệm… May thay, trên văn đàn vào khoảng hơn nửa thế kỷ trở lại đây, nhiều người đã quan tâm phanh phui vụ án vườn Lệ Chi…”
Theo Tiến sĩ Ðinh Công Vĩ, Ðại Học Quốc Gia Hà Nội (Ðiểm Qua Từ Quốc Sử Ðến Ký Truyện và Tiểu Thuyết, 2002), suốt một thời gian dài, sau Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, sau Chế Tẩy Oan có lệ của vua Lê Thánh Tông, những Công Dư Tiệp Ký (1755), Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1819), Tang Thương Ngẫu Lục (1896), tiểu thuyết Việt Lam Tiểu Sử 1908 của Vũ Xuân Mai, Nam Thiên Trân Dị Tập (1917), tất cả những sách này đều nhìn thảm án Lệ Chi y như luận điệu của pho sử Ngô Sĩ Liên và vẫn vô ý thức khoác lên nữ học sĩ lốt rắn báo oán!
Chỉ đến những năm 20,30 đầu thế kỷ 20, báo Nam Phong số 140, năm 1929, lần đầu đã nói được thực chất vụ án Lệ Chi Viên, sau đó là Lệ Chi Viên do Tiểu Thuyết Tuần San in 1932-34, vở kịch lịch sử của Vi Huyền Ðắc, và tiểu thuyết lịch sử Rắn Báo Oán của Nguyễn Triệu Luật,1955 với 12 chương viết về Lệ Chi Viên với mục đích chiêu oan cho Nguyễn Thị Lộ.
Bài viết của tác giả Lê Thước và Trương Chính (Văn Sử Ðịa số 24, 1957) nêu lên thủ phạm chính trong thảm án là Thần Phi Nguyễn Thị Anh, đây cũng là ý kiến của sử gia Trần Huy Liệu trong tác phẩm Nguyễn Trãi, 1966, nhấn mạnh ý phải minh oan cho Nữ Học Sĩ, đã làm tiền đề cho những tác phẩm lịch sử sau này liên quan đến Lệ Chi Án như tập truyện Nguyễn Trãi của GS Bùi Văn Nguyên, GS đã dựa trên những bộ quốc sử triều Lê, Nguyễn, những bộ sách cận chính sử như Ðại Việt Thông Sử (Lê Quí Ðôn), những gia phả của những dòng họ liên quan, do đó sách của GS có giá trị đáng kể để bênh vực cho giả thuyết bàn tay trực tiếp thấm máu Khai Quốc Công Thần và Lễ Nghi Học Sĩ là Nguyễn Thị Anh và đồng bọn. Cùng quan điểm này là Lệ Chi Hận Sử, truyện thơ, 2002 của Tiến Sĩ Khoa Học Nguyễn Gia Linh, Giám Ðốc Nghiên Cứu Khoa Học tại trung tâm Paul Pascal Bordeaux, Pháp.
TS Sử Học Ðinh Công Vĩ cũng tha thiết, “làm sao có một hình tượng Nguyễn Thị Lộ xứng đáng trong văn học nghệ thuật,…từ Sử học đến Văn Học”, và ông đã kết luận, rất đáng để suy gẫm: “Không phải cứ đúc tượng vàng, cố ý dùng quyền uy bắt người dưới xây lăng tẩm đồ sộ tốn kém của dân, tự những sáng tác đó đã là những tượng vàng, những lăng tẩm bất tử vĩnh viễn trong lòng dân… Xã hội Việt Nam,… hy vọng sẽ là một xã hội của những con người lễ nghi, học vấn, tự do dân chủ, xứng đáng với Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, không còn tái diễn những Lệ Chi Viên.”
Trong bài tham luận của nhà văn Hoàng Hữu Ðản tại hội nghị 2002, “vụ án Vườn Lệ Chi năm 1442 tru di ba họ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ thực chất không phải là một vụ án đơn thuần, hơn nữa nó còn là một vụ đảo chính đẫm máu kéo dài trên hai mươi năm, do chính Thần Phi Nguyễn Thị Anh chủ trương với sự đồng lõa của bọn hoạn quan… Lê Thánh Tông cũng chỉ mới làm cái việc nên làm của một ông vua đối với vị khai quốc công thần, chứ chưa làm đúng với tinh thần đạo lý của một người đối với những kẻ đã hy sinh mạng sống để cứu mẹ mình và chính mình đang trong trứng nước khỏi cái tội voi giày ngựa xé…”
NTKM