Menu Close

Về qua chiều quá khứ

Về qua chiều quá khứ. Nghe bên bờ sóng vỗ. Nghe bên trời mây trôi. Nghe giòng sông âm vang khúc ca mùa thu dịu êm của mộng đời bất tận. Nghe tơ lòng nhặt khoan, thánh thót buông từng giai điệu sâu lắng của tiếng huyền cầm. Để thuyền xưa đi tìm bến cũ. Để bốn bề sâu thẳm của lòng tôi đi tìm

 

“Trời bình an nguyệt bạch

Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay”

[“Đêm Xuân Nguyện Cầu”]

 

Ở đó, có dải Ngân Hà thơm tho như một giòng sữa. Đưa tôi về giữa một mùa trăng, lung linh bóng sáng hình ảnh Ngưu Lang-Chức Nữ tay trong tay, đầu tựa sát bên đầu. Họ lặng nghe tình yêu bảo thôi đừng khóc nữa. Vì đôi tâm hồn đã đoàn viên trong vườn trí tưởng.

Trong vườn trí tưởng khói huyền lan:

 

“Trăng nằm sóng soải bên hàng liễu.

Đợi gió thu về để lả lơi” [“Bẽn Lẽn”]

 

Cho hồn thi sĩ thiết tha van nài:

 

“Ai mua trăng tôi bán trăng cho.

Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò!”

[“Thơ Trăng”] *

 

Từ đó, ta nghe tiếng tiêu vàng réo rắt:

 

“Sao anh không về chơi thôn Vỹ.

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

[“Bài Thơ Thôn Vỹ”]

 

Mượt mà như tơ tằm mùa kết sợi. Lòng người trầm lắng ẩn trong thơ. Trầm lắng đi theo tiết tấu của tiếng bằng thanh trắc âm hưởng trong từng câu chữ. Bất ngờ thấy tình chơi vơi như sông nước. Bất ngờ thấy tình nhạt nhòa như khói sương rơi:

 

“Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra.

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?”

[“Bài Thơ Thôn Vỹ”]

 

Ai biết tình ai có đậm đà…? Tứ thơ là cung đàn muôn điệu gửi người em viễn xứ, hay gửi người anh bốn phương, hay chỉ như “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi.”[1] Để “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.”[1] Khi về qua thôn cũ biết rằng “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” [1]

Dù sao mặc lòng, thi sĩ vẫn nhớ vô cùng, vẫn yêu tha thiết, vẫn thấy:

 

“Trong khóm vi lau dào dạt mãi

Tiếng lòng ai nói ? Sao im đi ?” [“Bẽn Lẽn”]

 

Và rất ân cần, rất say đắm, nhà thơ âm thầm nguyện ước:

 

“Đấy là tất cả hồn anh tiêu tán

Cùng Trăng Sao bàng bạc xứ Say Mơ

Cùng tình em tha thiết như văn thơ

Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế”

[“Trường Tương Tư”]

 

Về qua chiều quá khứ. Nghe bên bờ sóng vỗ. Nghe bên trời mây trôi. Nghe giòng sông âm vang khúc ca mùa thu dịu êm của mộng đời bất tận. Nghe tơ lòng nhặt khoan, thánh thót buông từng giai điệu sâu lắng của tiếng huyền cầm. Để thuyền xưa đi tìm bến cũ. Để bốn bề sâu thẳm của lòng tôi đi tìm “Trời bình an nguyệt bạch. Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay.” Trong bóng mờ trái tim ẩn sáng, tôi nhìn thấy hình ảnh kỳ vĩ của Hàn Mạc Tử phiêu diêu tự tại, từ cõi thơ ảo diệu phi thường của những mùa trăng. Ông vào đời nhẹ nhàng thanh thoát như ý nguyện, mặc dù trước giờ lâm tử ông đã chịu đựng nỗi đau khổ tột cùng của cả thể xác lẫn tinh thần vì căn bệnh hiểm nghèo.

Nổi tiếng từ năm 16 tuổi với bút danh đầu tiên Phong Trần, Hàn Mạc Tử đã sáng tạo một vị trí bất hủ cho riêng ông, khi đưa vào thi ca Việt Nam hình ảnh tuyệt vời của vầng trăng tình yêu, của vầng trăng tín lý. Những năm tháng cuối đời, Hàn Mạc Tử đã kiến tạo một Đền Thờ Thiên Chúa bằng lời thơ vi diệu. Lời thơ khiến chín tầng mây náo động, khiến muôn ngàn tinh tú xôn xao

 

“Đường thơ bay sáng láng như sương sa

Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc

Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa”

[“Xuân Như Ý”]

 

Người ta không khỏi choáng ngợp vì vẻ huy hoàng, tráng lệ, trang trọng, lung linh, huyền ảo của những câu thơ đẹp lạ lùng; đọc lên như tưới vào hồn cả một nguồn ánh sáng, cả một nguồn ân sủng cao vời của Thiên Chúa Ba Ngôi:

“Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thanh vẹn

Giàu nhân đức giàu muôn hộc từ bi

Cho tôi dâng lên lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.

Tôi cảm động rưng rưng đôi hàng lệ

Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua

Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí

Và trong tay nắm một nạm hào quang…”

[“Ave Maria”]

 

Hàn Mạc Tử từ giã cõi đời năm 28 tuổi [1912-1940], trong niềm tin bất tận vào Ơn Phù Trợ của Thiên Chúa, trong tình yêu đặc biệt của ông dành cho Đức Mẹ Maria.

 

Tôi về qua chiều quá khứ. Tưởng nhớ Hàn Mạc Tử, bằng những câu thơ tuyệt vời của chính ông. Như khối tình tri kỷ tặng riêng người tài hoa bạc mệnh. Như khúc cầm phổ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu gửi vào ngàn thu với lời nguyện chúc

 

“Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh,

Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý

Trượng phu lời và tông đồ triết lý

Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh,

Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.”

[“Ave Maria”]

 

HV – 1:01am Chủ Nhật ngày 27 tháng 09 năm 2015

[*] “Thơ Trăng.” Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ thành ca khúc “ Hàn Mạc Tử”

[1]. “Mùa Xuân Chín”