Dù bạn chỉ chụp hình để tiêu khiển, hoặc hành nghề chuyên nghiệp, thì việc tìm hiểu chủ đề sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nhưng việc tìm hiểu, thăm dò đôi khi có thể hơi mệt mỏi, thậm chí “chán” nữa là khác. Nhưng chỉ cần bạn kiên nhẫn và thay đổi suy nghĩ chút đỉnh, thì việc đó sẽ trở thành thú vị hơn nhiều.
Tìm hiểu kỹ hơn
Khi chụp ảnh trong một chuyến đi gần, bạn sẽ buộc mình quan sát và chú ý nhiều chi tiết. Bạn sẽ tìm nhiều cơ hội hơn, và biết rành về chủ đề của mình vì đã chụp nó khá nhiều lần. Điều này sẽ đem lại những kinh nghiệm thực hiện những tấm ảnh tốt hơn cho bạn (hoặc khách hàng của bạn).
Loại máy bay dân Việt mình thường gọi nôm na là “đầm già”, đây là một chiếc Siefker Ray Dean Strdstr Too SA-300. “Sinh nhật” của nó là ngày 2 tháng 1 năm 1998. Hình được chụp ở một phi trường nhỏ thuộc địa phận Dallas, Texas. Photo: Andy Nguyễn
Một số người nghĩ rằng chụp hình máy bay thì có thú vị gì đâu. Chiếc nào cũng như nhau, có 2 cánh và cái đuôi. Thế nhưng tại sao những người đó lại không thắc mắc về nhiếp ảnh chân dung, có phải người mẫu nào cũng giống như nhau, đều có 2 cánh tay, và cái đuôi… tóc? Với kinh nghiệm tích cực chụp ảnh airshow nhiều năm, tôi có thể nhận diện một chiếc máy bay từ xa (khi còn là một chấm đen trên trời) là loại nào, của hãng nào (binh chủng nào nếu là quân đội), công ty hàng không (phi đội nào), và đời mẫu nào. Nếu bạn thật sự “điên cuồng” về thú vui này, bạn sẽ còn đi sâu thêm vào nhiều chi tiết như tôi, và sẽ có một bộ sưu tầm ít ai sánh bằng.
Lấy bố cục tốt hơn
Ngay cả khi bạn đang chụp ảnh chân dung, bạn luôn cần một bố cục hậu cảnh mạnh mẽ để tạo được một tấm ảnh hấp dẫn. Học hỏi về bố cục đòi hỏi nhiều thực hành. Mang máy ảnh của bạn ra ngoài, và tìm cách tạo một tấm ảnh thú vị từ những hậu cảnh tự nhiên.
Đáp xuống ở phi trường DFW (Dallas-Fort Worth), chiếc máy bay này không phải chỉ là một máy bay tầm thường. Phi cơ Airbus A380 chở hành khách lớn nhất thế giới, được hãng hàng không Úc Qantas sơn màu đặc biệt với hàng chữ “Go Wallabies” và hình tượng chú Kangaroo đang cầm banh để giúp bảo trợ cho đội banh cà-na của quốc gia Úc. Chiếc máy bay này sẽ được dùng để chở đội banh đến London, Anh để thi đấu trong giải Rugby quốc tế, bắt đầu vào ngày 19 tháng Chín. Photo: Andy Nguyễn
Hiểu về ánh sáng tốt hơn
Đây là một trong những yếu tố chính của sự khác biệt giữa chụp ảnh ngoài trời và chụp ảnh trong studio. Với một studio được trang bị đủ loại đèn, bạn hoàn toàn có thể điều khiển ánh sáng tùy theo ý mình. Nhưng với thể loại chụp ảnh ngoài trời, bạn phải lệ thuộc vào nguồn ánh sáng tự nhiên, và biết cách dùng ánh sáng đó một cách hữu hiệu. Nếu bạn buộc mình chụp hình trong khi đi tìm hiểu, thăm dò trước những chủ đề muốn chụp, thì bạn sẽ có một hiểu biết sâu rộng hơn về ánh sáng sẽ nhìn ra sao trong máy ảnh.
Thực tập
Một người chụp ảnh sẽ không bao giờ thực tập đủ.
Những chuyến đi tìm hiểu, thăm dò của bạn có thể được xem như cơ hội thực tập. Ngoài lý do để học hỏi kinh nghiệm trước, thì có lẽ bạn sẽ có được vài tấm hình đẹp.
Tính cầu tiến
Có người thắc mắc, tôi đã từng đi chụp airshow nhiều lần ở một địa điểm nào đó, tại sao tôi muốn trở lại đó nữa? Nhìn lại những tấm hình máy bay đã chụp từ 15 năm trước, tôi thấy rõ ràng có những bước tiến bộ mỗi lần trở lại. Chắc chắn bây giờ nếu có dịp đi tới chỗ đó lần nữa, tôi sẽ có những ảnh đẹp hơn, rõ hơn, ánh sáng tốt hơn, bố cục hợp lý hơn.
Chiếc F-35 tối tân nhất của quân đội Mỹ mang ký hiệu ‘LF’ đang được điều khiển bởi Thiếu Tướng Không Quân Scott Pleus, chỉ huy trưởng của phi đoàn chiến đấu thứ 56 ở căn cứ Luke AFB, bay 2 tiếng thẳng từ Dallas đến Arizona vào ngày 28 tháng 4, 2015. Chiếc máy bay này sẽ là “tàu dẫn đầu” của phi đoàn 56 vì nó mang số ‘5056’. Photo: Andy Nguyễn
AN