“Năm ấy anh hai mươi tuổi. Mẹ anh bị chứng đau tim. Nửa đêm bà cụ mệt nặng, anh vội gọi xe đưa bà đến bệnh viện, phòng cấp cứu. Bác sĩ cho biết là không có gì nghiêm trọng. Anh ra phòng ngoài ngồi đợi.
Ngồi bên cạnh anh là cô y tá trực đêm. Cô này không có gì đặc biệt, nhưng anh lưu ý đến cánh tay cô để trên bàn. Cánh tay trắng nhưng có rất nhiều sợi lông thẫm mầu. Cô gái thấy anh nhìn chăm chú vào cánh tay mình nên có ý ngượng, cô xoa xoa bàn tay trên cánh tay, những sợi lông nằm rạp xuống một lúc, lát sau lại từ từ ngóc đầu lên. Hai người chẳng có chuyện gì để nói với nhau. Nhìn cánh tay cô gái rồi anh lại nhìn vu vơ ra ngoài. Bên kia đường có một tiệm tạp hóa, tên cửa tiệm vừa viết bằng tiếng Việt, vừa viết bằng tiếng Tàu, trước cửa tiệm có treo một bóng đèn, ánh sáng vàng nhợt nhạt, buồn bã. Bác sĩ khám xong, anh đỡ mẹ lên taxi, chào cô y tá. Xe chạy. Chuyện chỉ có thế, vô vị, chẳng có gì đáng để mà nhớ.
Bốn mươi năm sau. Trong bốn mươi năm ấy mẹ anh đã chết, anh đã lấy vợ, rồi ly dị, lấy vợ khác, đi lính, bị thương rồi giải ngũ, anh cũng liên quan đến một vụ án, đi tù khổ sai mấy năm, vác đá dưới chân núi rồi được ân xá… và bây giờ anh đã là một ông già trên sáu mươi… Một ngày, bên ly cà phê vừa chua vừa nguội, cái đêm hôm ấy không hiểu vì sao bất ngờ hiện về, rõ mồn một như là đêm hôm qua. Cái đêm anh ngồi ngoài phòng đợi của bệnh viện, nhìn những sợi lông thẫm mầu trên cánh tay cô y tá trực và ngọn đèn vàng úa bên kia đường…Có phải trong cái hang sâu thăm thẳm của vô thức, một ngọn đèn mờ đã lặng lẽ thắp suốt bốn mươi năm?
Ngọn đèn ấy cũng giống như chiếc gương soi mặt của một cô gái đi ở mướn. Cô được người ta thuê để sai vặt trong nhà. Mười sáu tuổi là tuổi dậy thì, cô bắt đầu quan tâm đến sắc đẹp của mình. Giấu trong túi áo ngực một chiếc gương nhỏ, chiếc gương cầm vừa gọn trong lòng bàn tay. Mỗi khi vắng người, cô lấy chiếc gương ra, nhổ vài sợi lông mày, vuốt lại những sợi tóc trên trán, nặn một mụn trứng cá trên má, rồi lại bỏ vào túi áo ngực. Có hôm ra giếng múc nước, khi cúi xuống kéo chiếc gầu lên, quên gài nút túi áo, chiếc gương nhỏ tuột ra, rơi xuống lòng giếng. Chiếc gương chẳng có giá trị gì, nên cô chẳng để ý, đi mua một cái gương khác. Mấy mươi năm qua đi, cô gái ấy lớn lên, có người tình rồi có chồng, có con, rồi già đi. Trong khoảng thời gian ấy, cô đã soi mặt mình bằng những tấm gương trong, gương mờ, gương lành, gương vỡ, còn tấm gương soi mặt khi mười sáu tuổi thì vẫn nằm câm nín trong lòng giếng lạnh lẽo, tối tăm, cho đến một ngày tình cờ cô bồng đứa con thứ ba đi ngang qua cái giếng xưa, cúi mặt nhìn xuống lòng giếng và chợt nhớ rằng …”
Tôi mười mấy tuổi, học lớp đệ ngũ, tức lớp 8 bây giờ, bắt đầu biết bâng khuâng, ngẩn ngơ trước một tà áo, một mái tóc, một nét môi, cũng biết ăn cắp thuốc lá của bố hút phì phèo và cũng quan tâm đến văn chương. Trong giờ giảng văn, nghe giáo sư nói:
– Có ba nhà văn hiện đang nổi tiếng, đó là Nhật Tiến, Võ Phiến và Doãn Quốc Sĩ.
Ðó là lần đầu trong đời tôi nghe thấy cái tên Võ Phiến. Tôi ra tiệm sách tìm mua tác phẩm của các vị này: Thềm Hoang, Mây Hoàng Hôn, Những Vì Sao Lạc của Nhật Tiến, Dòng Sông Ðịnh Mệnh, U Hoài, Chiếc Bè Nữ Chúa của Doãn Quốc Sĩ, và Giã Từ, Thác Ðổ Sau Nhà, Ðêm Xuân Trăng Sáng của Võ Phiến. Thấy người ta khen hay thì mình cũng thấy nó hay hay…Và cũng như anh con trai nửa đêm đưa mẹ đi bệnh viện và cô gái ra giếng múc nước, tôi cũng lớn lên, cũng ba chìm, bốn nổi, hai mươi sáu cái lênh đênh rồi già đi. Hôm nay, nghe tin nhà văn Võ Phiến mất, lão già hơn sáu mươi tuổi là tôi, ngồi với ly cà phê chua và nguội, bỗng sực nhớ ra một đoạn văn đã đọc khi mười mấy tuổi. Ðoạn văn của Võ Phiến, dĩ nhiên là vì chỉ nhớ mang máng, nên phải thêm bớt ít nhiều. Ðoạn văn trong ngoặc kép mà tôi viết ở trên. Dẫu chỉ là nhớ mang máng nhưng tôi tin rằng tôi vẫn giữ được đúng tinh thần và ý tưởng chủ đạo của tác giả. Ðoạn văn cũng như ánh đèn vàng bên kia đường của anh con trai và chiếc gương nhỏ của cô gái, chúng nó nằm đâu đó trong cõi mịt mù của vô thức rồi bỗng dưng xuất hiện như trong một câu hát:
“Tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây…”(TCS)
Trước năm 1975, tờ báo Văn của Trần Phong Giao phỏng vấn ông Võ Phiến:
– Ông có nghĩ là ông chịu ảnh hưởng ai không?
– Tôi nghĩ là tôi chịu ảnh hưởng Sigmund Freud.*
Ðoạn văn mà tôi viết ở trên chứng tỏ rằng ông Võ Phiến nói đúng. Văn ông có mầu sắc của phân tâm học.Vẫn là một truyện ngắn của Võ Phiến mà tôi nhớ mang máng:
“- Một người đàn ông trung niên, chung quanh nhà trồng rất nhiều hoa mười giờ, loại hoa rất dễ trồng và nở vào đúng mười giờ sáng. Và cũng đúng mười giờ khi hoa nở, ông lại thấy bồn chồn, nô nức, máu chảy mạnh trong huyết quản. Không phải ông yêu đời mà say đời, dù mọi thứ chung quanh vẫn như mọi giờ khác. Vẫn cây sồi đội một đám mây trắng trên đầu, vẫn con chích chòe hót inh ỏi, vẫn đàn chim sẻ đậu trên những hàng dây điện giăng mắc ngoài đường, nhưng sao ông cảm thấy cuộc đời này là vô cùng kỳ diệu, và ông nhớ tha thiết người đàn bà đã đến trong cuộc đời mình. Ông tự hỏi không biết mai sau, vào lúc mười giờ, khi hoa mười giờ nở, trong chiếc áo quan, ông còn có cảm giác này không, hay là ba tấc đất không đủ sâu nên vẫn nghe tiếng cõi đời réo gọi?”
NQT
*Sigmund Freud: Người đặt nền móng cho ngành phân tâm học.