Chỉ vài mươi năm trở lại mà hình như đã thiên thu, như ta cà kê câu chuyện ngày xửa ngày xưa… Ngày ấy, khi ông nhà thơ quay quắt với nỗi nhớ thương, ổng viết rằng:
… Hỏi chú nào đêm nay kê đầu gối đó
Thở hương nồng hạnh phúc của trần gian
Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ
Vẫn hai vai êm ấm mãi ơn nàng?
(Cao Tần)
Tha thiết như thế mà vẫn rất thầm kín rất riêng tư, thi sĩ để người đọc (ngớ ngẩn hay trần tục?) băn khoăn, thắc mắc “gối đó” là gối ở đâu, chỗ nào… Chỉ thoáng qua, lơ lửng nhưng đủ để người đọc hiểu rằng “gối đó” sát một bên, gần lắm …, gần đủ để ngửi được mùi hương (nồng) và cảm được sự (êm) ấm! Một người đọc ngớ ngẩn thủa ấy hỏi bà chị lớn về mấy câu thơ. Bà chị biết Dế Mèn từ hồi còn quấn tã, biết rõ như thế mà chị ấy cũng chỉ trả lời phất phơ… vai kề vai, bé ạ, rồi gạt phắt nhưng sao lại bắng nhắng thế, cứ thưởng thức thơ là được rồi!!!
Ngày ấy, mấy chục 30 năm rồi, mỗi lần Dế Mèn về thăm nhà, bà chị dắt đi mua sắm, đã vài lần kéo sang một góc hỏi nhỏ có cần máy bay tàu ngầm gì không… để nói rất mơ hồ về mấy thứ quần áo lót mà bây giờ người ta gọi là “nội y”? Mấy danh từ dễ nghe dễ hiểu, máy bay ở trên cao và tàu ngầm nằm dưới… biển (?); người nói không ngại ngùng mà người nghe cũng không đỏ mặt lúng túng.
Quần áo đã vậy, các bộ phận trên thân thể thì ra sao? Ngày trước, người ta nói với nhau bằng những danh từ có sẵn trong thiên nhiên như…hoa, như bướm, như chim. Bây giờ tân thời hơn, “hiện đại” hơn, người ta gọi là “điện nước”, như trong câu “điện nước đầy đủ”. Dế Mèn vẫn chưa biết chắc đây là một danh từ kép để chỉ một lúc hai bộ phận trên thân thể phụ nữ hay “điện” là một thứ (trên cao) và “nước” là một thứ (dưới thấp), một danh từ đơn? Bởi vì có người chỉ có “điện” mà không có “nước” hoặc ngược lại, và cũng có người Trời cho đủ cả hai thứ, nên dùng chữ “điện nước” như một danh từ kép thì quả là không được chính xác cho lắm!
Danh từ đơn hay kép gì thì mấy bộ phận này cũng là một thứ “phụ tùng” (hay nhu yếu phẩm?) phụ tùng nhưng cần thiết như điện và nước vậy, không có không được? Như thế, dù nói năng “tân thời” dường ấy nhưng vẫn chưa đủ rõ ràng, vẫn còn chỗ để ta thắc mắc? Nhưng đến hôm Dế Mèn đọc bài phiếm luận của Song Thao thì rõ ràng lắm rồi, ông nhà văn gọi thẳng thừng là vòng số một, số hai và số ba, từ trên xuống dưới, không sai chạy đi đâu được nữa, tách bạch rạch ròi như một với một là hai, hổng phải đoán già đoán non gì ráo!
Cứ như thế, ông nhà văn cho ta đi từ cơ thể học qua đến sinh lý học, vòng số một do đâu mà có, Trời cho một lượng kích thích tố đầy đủ. Ông ấy viện dẫn thơ cũ, thơ mới, thơ hiện thực… từ nắng đến gió, thứ nào cũng dính dáng đến… áo [lót] nàng! Dùng quần áo để viện dẫn, mô tả xem ra chưa đủ, ông nhà văn đi một mạch qua thức ăn, từ bánh trôi nước vừa trắng vừa tròn đến hoa trái trong vườn. Ông ấy ra chợ khuân về một mớ chanh, cam, lê, bưởi, dừa và… mướp, vừa kê khai vừa giảng giải về những thứ mà ai ai cũng thấy, cũng biết và cũng ăn ít nhất vài mươi lần trong đời. Dễ ợt, nghe qua là ta hiểu ông nhà văn muốn nói cái chi liền! Nhưng cả một bài phiếm luận rình rang về vòng số một dài thòng mà ông nhà văn chỉ dành đúng hai dòng tâm tình về… kích thước: Ðang thao thao tự dưng ông nhà văn khựng lại, ổng ngấp ngứ và xoay ra bán cái cho mấy bà mấy cô công việc giải thích “ký hiệu” A, B, C, D , DD hay DDD của thứ y phục dùng để “đựng” cái vòng số một!!!
Ông nhà văn làm người đọc ngớ ngẩn là Dế Mèn đây ái ngại quá, ổng viết lan man từ cao su đến silicone, từ hút chân không đến phẫu thuật và cả cái vấn nạn mà tay bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ nào cũng ngao ngán là cái nỗi thân chủ không vừa ý, lôi bác sĩ ra ba tòa quan lớn để kiện tụng. Bao nhiêu thứ chuyện, bao nhiêu nỗi vất vả, éo le mà mấy bà mấy cô phải trải qua để có cái vòng số Một khá khá! Thế mà ông nhà văn lại ngừng ngay ở chỗ kích thước. (Thật ra chẳng riêng gì mấy bà mấy cô lo lắng về kích thước, mấy ông còn hoảng hốt về chuyện kích thước gấp mấy mươi lần, hoảng hốt như trời sắp sập!!!). Thôi thì Dế Mèn cũng bặm gan bấm bụng giúp nhà văn và bạn đọc một chuyến.
Như thế này, khi quý ông dấn thân vào Victoria’s Secret chọn một món quà đặc biệt, sẽ phải biết sơ sơ rằng A là “ký hiệu” của trái vú sữa còn non có kích thước cỡ quả cau, quả chanh. B là “ký hiệu” của quả quýt, quả cam. C là “ký hiệu” của quả bưởi. D là “ký hiệu” của quả dưa (cantaloupe hay honeydew)… Cứ như thế, các loại dưa lớn nhỏ, DDD là “ký hiệu” của quả dưa hấu. Những quả dưa hấu này thường có dạng bầu dục (hình như ông nhà văn gọi là quả mướp) vì sức hút của quả đất và chỉ có một vài loại “máy bay” đặc chế mới có thể “đỡ” chứ không thể “kéo”, loại máy bay mà ngay cả hãng Boeing lẫy lừng cũng chắc chắn là chưa biết sản xuất! Khi ấy, mấy bà lại phải tìm đến những bác sĩ giải phẫu. Mấy ai có thể gánh vác được một trọng lượng đáng kể như thế ngày này sang tháng khác mà không còng lưng, xệ vai?
Ðôi mắt quả là báu vật, qua cửa sổ kia, con người nhìn ra màu sắc hình thể, và mỗi vật thể đều có một hình dáng hay nhân dạng rất cá nhân, không đồng nhất. Cái xấu đẹp, hay dở trở nên rất tương đối. Mấy món hoa trái tượng hình nọ được dùng để mô tả nguồn sống nhưng thực tế hơn, có người lại gọi giản dị là “bình sữa”. Cái nhìn của nhân gian cũng thiên hình vạn trạng, hình thể của bình sữa hay hoa trái cũng thay đổi theo không gian và thời gian. Và món “vật đựng” kia lại được gọi là “nắp”?
Nhưng chuyện hoa trái, bình sữa chỉ là một cái gõ nhẹ vào tâm tưởng để Dế Mèn nhớ đến một thủa đi học xa nhà, được anh chị thay cha mẹ chăm nom săn sóc từ manh quần tấm áo. Chao ôi, ba mươi năm… chớp mắt, một thời!
Đinh Cường
TLL