Menu Close

Súng – Bài toán chưa có lời giải

GUNS superJumbo 01

NGUỒN WIDEOPENSPACES.COM

Từ sau vụ thảm sát hàng loạt 26 học sinh và thầy cô giáo tại trường tiểu học Sandy Hook tại Connecticut hồi cuối năm 2012, vụ nổ súng một trường đại học cộng đồng thuộc Oregon tuần qua là vụ nổ súng thứ 142 trong trường học, trong đó có những vụ sát hại hàng chục nạn nhân như tại Oregon. Làm một phép tính đơn giản, trung bình đã có một vụ nổ súng trong trường học mỗi tuần. Gần ba năm trôi qua, luật súng Hoa Kỳ dường như không có nhiều thay đổi và tranh luận chỉ rộ lên mỗi khi có một vụ nổ súng như vậy xảy ra. Liệu bài toán có hàng thế kỷ qua chưa có lời giải hay vì bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng con cái mình được miễn nhiễm trước những bi kịch như vậy, cho đến khi nó xảy ra, để quan tâm và lên tiếng mạnh mẽ hơn?    

Với nước Mỹ, bên cạnh những văn hoá và giá trị đặc trưng của riêng mình, các nhà xã hội học, sử học còn ghi nhận một loại văn hóa khác, đó là “văn hóa súng” (gun culture) gần gũi và quen thuộc với người dân Mỹ trong hàng thế kỷ qua. Dựa vào Tu Chánh Án thứ hai trong hiến pháp Hoa Kỳ, chính quyền không được xâm phạm đến quyền giữ và mang vũ khí của người dân (the right of the people to keep and bear arms shall not be infringed). Cho dù súng đạn là một vấn đề gây tranh cãi nhiều trong xã hội và gắn liền với chính trị Hoa Kỳ từ nhiều năm qua, luật súng đã là một loại “taboo” cấm kỵ khó chạm vào. Một phần vì hiến pháp như đã dẫn, và phần quan trọng hơn là, một giới tài phiệt đầy thế lực và giàu có trong kỹ nghệ súng đã có những ảnh hưởng khá lớn, lại được hậu thuẫn từ đảng Cộng Hoà, là đảng chống đối mạnh mẽ luật kiểm soát súng, để ngăn cản bất cứ luật kiểm soát hay giới hạn súng nào đưa ra.

GUNS superJumbo 01

Súng gắn liền với người dân Mỹ thời lập quốcNGUỒN WIKIMEDIA.ORG

Nhìn lại một dạng “văn hoá súng” trong truyền thống dân Mỹ, có lẽ phải quay ngược lại với lịch sử nước Mỹ, trở về thời kỳ giành độc lập, việc tụ tập các nhóm dân quân để tự vệ cùng những thói quen, sở thích săn bắn trong việc mưu sinh khi nước Mỹ chưa được đô thị hóa. Tại các trang trại, mỗi gia đình đều làm chủ nhiều khẩu súng và tích trữ đạn dược, vừa trong mục đích tự vệ, vừa để săn thú tìm thực phẩm. Súng là một biểu tượng của uy lực và nam tính, nên việc trang bị súng trở thành một thói quen đại chúng, đặc biệt tại miền Nam và Tây Hoa Kỳ. Từ nửa cuối thế kỷ 19, hình ảnh những chàng cao-bồi cưỡi ngựa, bắn súng, chống lại thổ dân da đỏ là biểu tượng của một loại anh hùng nghĩa hiệp, về sau được tiểu thuyết hóa và điện ảnh tôn vinh, càng tạo cho người dân một cái nhìn thán phục nên “văn hóa súng” ngày càng ăn sâu vào các thế hệ tiếp nối. Sở hữu súng trở thành một điều bình thường nếu nhìn theo khía cạnh văn hoá và truyền thống này. Tuy nhiên, một xã hội phát triển, đi kèm các vấn đề xã hội và bạo lực gia tăng, vấn đề súng ngày càng được nhìn khác đi.

Theo số liệu của Pew Research Center, dân Mỹ hiện đang sở hữu khoảng 270 đến 310 triệu khẩu súng các loại, xem như trung bình mỗi người dân lớn nhỏ đều đang sở hữu một khẩu súng, một tỉ lệ cao nhất thế giới tính theo đầu người. Khoảng một nửa các gia đình đều có súng cất giữ trong nhà. Và cũng theo các số liệu đã được đưa ra như một hệ lụy tất yếu, nước Mỹ cũng là quốc gia phát triển có khoảng 31,000 người bị bắn mỗi năm, cũng như số người dân thiệt mạng vì súng đạn và các vụ sát hại hàng loạt cao nhất thế giới. Súng không còn là vũ khí tự vệ, hay sử dụng trong săn bắn thể thao mà đã trở thành thứ vũ khí sát thương nguy hiểm cho xã hội. Không dừng lại ở luật cho mang súng ngắn nơi công cộng (concealed weapon) như trước đây, như Texas – tiểu bang cho phép giữ súng trong nhà và xe không cần giấy phép, vừa trở thành tiểu bang thứ 45 thông qua luật cho phép mang súng ngắn không cần che giấu, có thể mang dưới nách hay ngang hông bên ngoài như phim ảnh từ năm 2016 tới đây, trong khi các súng dài như AK, AR-15 đã được phép mang lộ liễu không cần giấy phép. Thậm chí tại tiểu bang Vermont, chỉ cần 16 tuổi đã được phép sở hữu súng trong khi tuổi uống bia rượu đến 21. Sở hữu và luật súng dễ dàng nên chẳng lường được những vụ nổ súng yêng hùng, trong phút mất kiềm chế, vì trút giận hay ức chế… Súng nổ trên đường phố, chốn công cộng, cho đến học đường như đã từng xảy ra trong quá khứ và vụ trường đại học cộng đồng Umpqua Community College vừa qua. Trong vụ Oregon tuần rồi, giới hữu trách cho biết họ tìm thấy tổng cộng 13 khẩu súng các loại tại trường đại học và tại nhà hung phạm đã được mua hợp pháp. Luật súng như thế nào mà một thanh niên có thể nắm trong tay đến 13 khẩu súng và vô số đạn dược?

Hiệp Hội Súng Quốc Gia-National Rifle Association (NRA), một tổ chức được coi có quyền lực chính trị được xem là mạnh mẽ nhất Hoa Kỳ, khi tạo liên minh chính trị với đảng Cộng Hòa và các tổ chức, công ty vũ khí khác. Theo Washington Post thì cứ năm dân biểu quốc hội được NRA hậu thuẫn thì có bốn người đắc cử hay tái đắc cử. NRA từng hăm dọa các chính khách rằng, không cần biết với lý do gì, nếu có gan ủng hộ chuyện kiểm soát súng thì sẽ “biết tay” họ. Theo IBIS World thì kỹ nghệ súng tại Hoa Kỳ là một kỹ nghệ hốt bạc rất mạnh, khi tổng thu vào khoảng 15 tỉ đô la và lợi nhuận xấp xỉ một tỉ đô la, bán ra khoảng 6 triệu khẩu súng trong năm, cao gấp đôi so với một thập niên trước, không kể thêm vài triệu khẩu súng được xuất cảng sang các quốc gia khác. Như Texas, nơi mệnh danh “thiên đàng súng”, số tiệm bán súng nhiều gấp năm lần số tiệm McDonald’s. Một số lý giải cho rằng, kinh tế khủng hoảng làm gia tăng trộm cướp nên đã làm con số súng tiêu thụ được gia tăng. Cách nào chăng nữa thì, người dân Mỹ ngày càng “vũ trang” không thua kém quân đội.

GUNS superJumbo 01

Luật mang súng hở được Quốc Hội Texas thông quaNGUỒN DOWNDIRTYWORD.BLOGSPOT.COM

Thái độ của công chúng Mỹ được phân chia ngang ngửa trong vấn đề kiểm soát súng. Theo thăm dò của Pew Research Center thì có 47% dân Mỹ cho rằng cần bảo vệ quyền sở hữu súng của người dân, so với tỉ lệ 50% cho rằng cần có luật kiểm soát súng. Và nếu chỉ có 25% người theo đảng Dân Chủ ủng hộ việc cho tự do mang súng thì có đến 71% người đảng Cộng Hòa ủng hộ việc này. Nên sau các vụ bắn người hàng loạt thì một bên lên án súng, một bên lại… đi mua súng. Các hãng súng có những mức lời to lớn và luôn tăng trưởng trong các năm qua. Giới ủng hộ súng cho rằng có súng trong nhà giúp cho họ cảm giác an toàn hơn và lý luận rằng, nếu kiểm soát súng thì chỉ có người tốt bị thiệt vì không còn phương tiện tự vệ trước kẻ xấu, trong khi giới đòi kiểm soát súng cho rằng súng là nguyên nhân gia tăng các vấn đề bạo lực, hay một người rất bình thường nhưng vì có súng trong tay nên khi quẫn trí hay giận dữ có thể gây ra chuyện. Giới sinh viên học sinh đi học vẫn thường được cho đề tài luận văn rằng “Súng giết người hay người giết người?” (Guns kill people or people kill people?), nhằm tìm hiểu một thái độ về súng của giới trẻ. Khó lòng thay đổi một quyền hợp hiến và văn hóa số đông nhưng những nhà lập pháp cách nào đó cần đưa ra những luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn.

Lên tiếng nhiều lần về vấn đề kiểm soát súng, TT Obama dường như vẫn bất lực trước bài toán súng khi chẳng thuyết phục được quốc hội thông qua những luật kiểm soát súng. Và dường như có những thỏa thuận ngầm trong các cuộc tranh cử tổng thống, các ứng viên hiếm khi nào đối chất lẫn nhau về luật súng tại Hoa Kỳ. Trong khi các đề tài về kinh tế, ngoại giao, quân sự, y tế, giáo dục cho đến các vấn đề xã hội như đồng tính, phá thai đều sôi nổi giữa hai bên bênh-chống, luật súng vẫn là một vấn đề cấm kỵ và “bình yên”, dù những vụ sát nhân hàng loạt đã liên tục xảy ra các năm qua. Mùa tranh cử năm nay, chúng ta sẽ chờ đợi các suy nghĩ và thái độ của các ứng viên tổng thống như thế nào trước vấn đề kiểm soát súng. Chừng nào bài toán hóc búa này chưa có lời giải, chắc chắn rằng những vụ sát hại hàng loạt đang ngày càng xảy ra nhiều và dồn dập hơn, sẽ còn tiếp tục xảy ra. Là những công dân và cử tri có trách nhiệm, liệu người ta sẽ tiếp tục thờ ơ hay bàng quan nếu không lên tiếng mạnh mẽ về bài toán cần có lời giải này?

GUNS superJumbo 01

Vụ nổ súng mới nhất tại Đại học cộng đồng Umpqua Community College (UCC)NGUỒN NPR.ORG

DYT