Menu Close

Kỳ 13: Photoshop-bao nhiêu là vừa đủ?

Hồi tưởng đến lần đầu tiên tôi được “vọc” với Photoshop (version 5.5 vào năm 1999), lúc đó tôi hí hửng như đứa con nít, mò mẫm, bấm tới bấm lui từng cái nút để “phá” hình đến mức không còn nhận ra đó là hình gì. Chắc các bạn cũng có những kinh nghiệm tương tự trong dịp “gặp nhau làm quen” với nhu liệu chuyên môn về sửa hình của hãng Adobe.

13 năm, 7 thế hệ (hiện nay sắp ra CS6), và vài trăm ngàn tấm hình sau, tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm về vụ “giải phẫu thẩm mỹ bằng con chuột” này. Hôm nay, GNA sẽ chia sẻ với bạn  để tránh 4 khuyết điểm lớn nhất khi dùng kỹ thuật sửa hình bằng Photoshop.

Điếc tai vì quá lòe loẹt

Hội đồng thành phố nên ban hành pháp luật chống tăng màu quá mức. Nút chỉnh “saturation” trong Photoshop cũng giống như nút chỉnh độ lớn của âm thanh máy Stereo, tăng màu quá cao sẽ làm người khác “điếc tai”.

Nhiều học trò của tôi thích dùng màu sắc sặc sỡ để hình của họ được để ý. Với một lời nhắc nhở tế nhị, tôi khuyên họ nên chú ý vào bố cục, tấm hình sẽ nhìn hay hơn. Một ví dụ thông thường là những cảnh lá mùa Thu bùng nổ với sắc độ của một thế giới… hỏa tinh; bầu trời, quần áo, trái cây, sân cỏ, mặt trời lặn… tất cả đều nhìn giống như vừa bị… sơn nhiễu lên, lem tùm lum, mất hết những chi tiết. (xem Hình 1a & 1b)

alt

GNA: Lần sau bạn mở cửa sổ chỉnh sắc độ trên Photoshop, bạn có thể nhắc với các màu “đừng la lớn”. Thay vì tăng màu của nguyên tấm hình, chỉ tăng cho màu xanh, vàng, hoặc một màu nào khác. Nhưng đừng tăng quá nhiều, vì nó sẽ nhìn giả tạo và những chi tiết sẽ bị chói lòe. Dần dần bạn sẽ chấp nhận màu sắc thực tế của thế giới tự nhiên.

Độ sáng và tương phản làm lòi mắt

Đây là hai cách chỉnh căn bản nhất của bất cứ hình nào. Nhưng nếu làm quá lố, bạn sẽ lọt vào trường hợp phóng nhanh một chiếc Lamborghini Aventador trong ngã tư khu xóm; một là sẽ bị cảnh sát thộp cổ, hai là sẽ bị mấy bà già… chửi. (xem Hình 2a & 2b)

alt

Khi bạn “đẩy” độ tương phản của một tấm hình, những độ tối, trung bình, và độ sáng trong hình này sẽ bị ép lại, đôi khi sẽ mất hẳn những chi tiết quan trọng. Bạn nên noi gương theo những cao thủ chụp hình Trắng Đen, họ nâng niu từng chút trong tầm sáng tối của những tác phẩm của họ.

Trẻ mãi không già

Khi bạn bắt đầu sửa mặt của bà nội “láng cón” như mặt của đứa cháu nội mới sanh, bạn nên kiểm lại quan niệm về thực tế. Có thể nhiều người sẽ không đi xa đến mức độ đó, nhưng đây chỉ là một thí dụ cho vui. Nếu bạn lấy cây cọ “Clone Brush” trong Photoshop rồi tô mãi tô miết đến khi nào bà xã của bạn nhìn giống da mặt đứa con gái teenager thì bạn đã đi quá xa. (xem Hình 3a & 3b)

alt

Nói về tâm lý thì các cô các bà luôn luôn muốn mình nhìn trẻ hơn, đẹp hơn. Đây cũng là một vấn đề rất nhạy cảm. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần bị những khách hàng “yêu cầu” làm họ trẻ hơn. Một mặt tôi cũng muốn chiều khách, mặt kia thì không thể chống lại… “thực tế phủ phàng” – “Tôi chỉ là nhiếp ảnh gia, không phải là bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ!”

Chơi dao có ngày đứt tay

Nhiều người mới bắt đầu trong nghệ thuật nhiếp ảnh thích làm hình của họ thêm nét, và rất bén (Sharpen), nhất là khi để lên những trang mạng. Những hình bị chỉnh sharpness quá cao sẽ có những đường nét như lằn rạch của dao, cầm vào sẽ bị đứt tay; và bị những “hào quang” xung quanh những chỗ có độ đậm/lợt cao. (xem Hình 4a & 4b)

alt

GNA: Để tránh hình của bạn bị oversharpen, có những yếu tố bạn cần chú ý: đối tượng trong ảnh, kích thước của hình, và kiểu output (để in hoặc để trên màn ảnh).

Bún Bò Huế giống mì gói

Bạn có bao giờ bị trường hợp này ở nhà hàng chưa? Đầu bếp mải mê gởi text chat với bồ cho nên nêm nếm hơi bị lố tay, hoặc thiếu lượng. Trong thế giới nhiếp ảnh (của a-ma-tơ) có những khuynh hướng lố tay. Mấy tay mới chụp ảnh và mới bắt đầu dùng Photoshop tha hồ “thêm mắm thêm muối”, cho đến khi nào người xem bị điếc, lòi mắt, và đứt tay luôn.

Hãy đối xử với những tấm hình – nhất là hình của những vật thiên nhiên – càng nhẹ tay và cẩn thận để duy trì những vẻ đẹp tự nhiên trong thế giới chúng ta. Tôi sẽ không “Hollywood” những hình chân dung, tôi sẽ không “công ty du lịch” những hình cảnh vật, và tôi sẽ không “siêu thị” những hình trái cây.

Nên nhắc lại, mục đích của Góc Nhiếp Ảnh là để giúp quý độc giả báo Trẻ khắp 15 tiểu bang trở thành những người chụp ảnh giỏi hơn, mà không phải lệ thuộc vào Photoshop để làm hình “đẹp” hơn. Chúc các bạn làm thử và thành công!

A.N.
Orlando – Apr 12
Email: info@wildwingsphotography.com
Website:
www.wildwingsphotography.com