Menu Close

Tín ngưỡng Văn chương – Kỳ 2

Da Màu: Có cần nên có ranh giới giữa truyện ngắn và truyện dài? “Ngắn” và “dài” nên là bao nhiêu trang? Một truyện ngắn có thể mô tả một thời gian dài tương đương như truyện dài (10, 20, 50 năm), hay phải ngắn hơn? Nên chú ý việc Alice Munro đã “phá giới” về yếu tố thời gian, không gian, và quan điểm cá nhân của các nhân vật. Trong các truyện “Axis,” The Bear Comes Over the Mountain,” và “Runaway,” Alice Munro cho độc giả trải nghiệm một quãng thời gian dài trong đời sống của các nhân vật chính. Bà không áp dụng một quan điểm (point of view) nhất định trong cách kể truyện, mà di chuyển từ cái nhìn của từng nhân vật, bất kể đàn ông hay đàn bà, làm ta nghĩ đến phim Rashomon của Kurosawa. Trong bối cảnh văn học Việt Nam, đã có nhà văn nào “phá giới” giữa quy luật truyện ngắn và truyện dài chưa? Tại sao chúng ta chưa chịu phá giới thường xuyên hơn?

 

Trần Vũ: Biên cương giấy in thường xuyên do những nguyệt san và nhà xuất bản ấn định. Các tổng biên tập thường muốn số báo mình phong phú, nhiều bài vở, nhiều tác giả tham gia, nên luôn yêu cầu người viết, viết ngắn. Với các tác giả trẻ, họ tự tiện cắt, với những tác giả gạo cội, họ thương lượng thâu ngắn… Phía nhà xuất bản, truyện dài cần tối thiểu 60 trang, như trường hợp tiểu thuyết Viết Cho Ðứa Trẻ Tôi Sẽ Không Sinh, À l’enfant que je n’aurai pas của Linda Lê dài 66 trang, do Editions Nil ấn hành. Lý do: dưới 60 trang, tiền in-cước phí–phát hành-hoa hồng không giảm bao nhiêu khiến giá bán không chênh lệch nhiều so với một quyển tiểu thuyết dầy 120 trang, nhưng số trang quá mỏng sẽ làm độc giả thấy đắt. Nên từ 40 trang trở lên, thường được xem là trung thiên truyện. Và từ 70 trang là truyện dài. Dưới, cần hai hay ba truyện vừa, tức trung thiên truyện để in thành tập.

Ranh giới trong đầu người viết khác hẳn. Biên cương truyện chấm dứt một khi tác giả đã chạm đến đích cùng của ý văn. Hoặc còn ý, nhưng đã hết hơi văn. Không thể thêm nữa. Viết truyện ngắn giống quay một cuốn phim, đạo diễn cắt đi những cảnh kém quan trọng mà ít khi thêm vào. Một truyện ngắn vừa vặn, nên trong khoảng 10 đến 15 trang. Quá ngắn, chỉ vừa nhập là phải kết. Chỉ vừa kịp giới thiệu nhân vật mà không kịp triển khai. Quá ngắn, sẽ ít chi tiết mà chính chi tiết làm nên chất tiểu thuyết. Quá dài, truyện khó hàm xúc và bắt đầu rườm. Biên giới giữa truyện ngắn và truyện vừa là biên giới đặt trên một phản thịt chặt bằng dao phay. Tác giả chặt hết những nhân vật không quan trọng chỉ giữ lại một, hai nhân vật phụ tối cần thiết. Chặt luôn các pha đối thoại không liên quan đến thème truyện. Riêng với nhân vật chính, thường xuyên phải chặt hết tứ chi, cạo lóc hết thịt xương, chỉ giữ lại duy nhất phần thân thể có chủ đích miêu tả. Một khi chưa buông dao phay, truyện ngắn vẫn còn cơ nguy biến thành truyện vừa.

Yếu tố khác: người viết chọn thể truyện dài một khi tham vọng quản trị nhiều nhân vật. Vì truyện ngắn không đủ không gian khai thác hết, sẽ khiến có những nhân vật đang đậm đà ban đầu bỗng mờ nhạt khúc sau, hay vụt mất tích không để lại dấu vết. Làm truyện mất cân bằng. “Ranh giới,” do nhân vật nắm giữ.

 

Tran Vu Nguyen Mong Gia

Trần Vũ và Nguyễn Mộng Giác

“Một truyện ngắn có thể mô tả một thời gian dài tương đương như truyện dài (10, 20, 50 năm), hay phải ngắn hơn? Nên chú ý việc Alice Munro đã “phá giới” về yếu tố thời gian, không gian…”

Thời gian trong tiểu thuyết đa chiều, khác với thời gian vật lý là một đường thẳng tuyến tính. Nếu phái “Hiện Thực” thường xuyên vận dụng thủ pháp hồi ức (flashback), thị sai, hay chuyển động biểu kiến của hình ảnh để ghi lại tâm trạng nhân vật đi về quá khứ, các phái Dự Phóng (Anticipation), Phi Lý (Absurde), Siêu Thực, Huyền Ảo đã phá tung thời gian.

Không còn gì quy ước hay vật lý. Tất cả các định luật của Newton đều bị băm vằm tan tành. Gì cũng có thể xảy ra, gì cũng có thể biến hóa, đột biến, trong ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời dưới sự vận hành bao la của vũ trụ. Borgès không thâu nạp duy nhất vài thập niên trong truyện ngắn của mình mà nhiều kiếp đời, nhiều kiếp người. Trong “Ðêm Ngửa Mặt” (“The Night Face Up”), Cortázar thay thế dễ dàng thế kỷ 20 đang sinh sống bằng thời đại Maya rừng rú man rợ. Nhân vật từ Luân Ðôn về Nam Mỹ không chút khó khăn, đang lái môtô hắn vụt bị bắt đem tế lễ trên đỉnh tháp, rồi vụt một cái hắn lại đang nằm tênh hênh trên bàn mổ của một bệnh viện Anh, để sau cùng phải tự hỏi hắn đang sống trong thời đại nào và là sắc dân gì? Di dân hay thổ dân? Tất cả diễn ra chỉ trên vài trang giấy, trong vỏn vẹn 24 tiếng đồng hồ. Sức chứa của truyện ngắn, như thế, tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của người viết. Trong Miền Trong Trẻo Nhất (La Plus Limpide Région), Fuentes ráp nhiều truyện vào trong một truyện dài như ráp puzzle. Trong tập Nhiễm phúc Gia đình, Le Bonheur des Familles, Carlos Fuentes thêu dệt bạo lực vào với khốn cùng, đan quyện quá khứ vào thực tại của những nhân vật bất hạnh trong một xã hội Mễ bạo lực. Fuentes không chỉ đi từ quan điểm của nhân vật này sang nhân vật khác mà còn trao cho những phiến đá vỡ những lời xì xầm thị phi. Trong Ðêm Dưới Chân Cầu Ðá (La Nuit sous le Pont de Pierre), Léo Pérutz viết 9 truyện ngắn tách bạch ở những thời đại và triều đại khác nhau, đi từ nhà bếp của lãnh chúa vào đến trong phòng ngủ của quân vương với giấc mơ lạ lùng hằng đêm có người đàn bà đến đặt lên môi thiên tử một nụ hôn; 9 truyện ngắn độc lập với nhân vật riêng rẽ, nhưng ráp lại thành một truyện dài. Trong tập Ðêm Tháng Năm tại Vienne (Nuit de Mai à Vienne), Pérutz đưa ra luận đề ngược: Duy nhất những nghệ sĩ từ chối làm nên tác phẩm mới thật sự là kẻ sáng tạo, những kẻ khác đều rơi vào trong những biểu hiện tầm thường của nghệ thuật phụ thuộc đời sống. Không duy nhất trong không gian, thời gian mà ngay trong nội dung, Pérutz đã khác lạ. Không ngẫu nhiên, Pérutz được Borgès vinh danh. Alice Munro không phải là nhà văn khai phá đầu tiên, các bậc thầy Franz Kafka, Jorge Luis Borgès, Julio Cortázar, Léo Pérutz, Carlos Fuentes, Gabriel García Márquez vượt xa và đi trước bà trong cách hoán chuyển sự vật.

 

Alice Munro là một nhà văn xây dựng truyện ngắn trên phân tích tâm lý nhân vật, vô cùng chi li trong chi tiết, gạt tình tiết sang bên để đào sâu nội tâm, do vậy bà thường được so sánh với Anton Tchékhov của thế kỷ 19. Thủ pháp chính của Munro là dùng lời kể của tác giả từ bên ngoài soi chiếu vào đời sống thường nhật của các nhân vật, rồi từ các chi tiết tưởng chừng không quan trọng giúp người đọc thấm thía nỗi cay đắng của một cuộc đời. Kỹ thuật này không mới. Alice Munro thuộc trường phái Hiện thực Tâm lý, Réalisme psychologique.

 

Trong bối cảnh văn học Việt Nam, đã có nhà văn nào “phá giới” giữa quy luật truyện ngắn và truyện dài chưa?

 

Giữa truyện ngắn và truyện dài, là thể truyện vừa. Truyện vừa, vừa mang tính đậm đặc của truyện ngắn, vừa dàn trải nhiều chi tiết và nhiều nhân vật. Không gian rộng thêm cho phép chuyền tay lời kể, hoặc “cho độc giả trải nghiệm một quãng thời gian dài trong đời sống của các nhân vật chính,” như ý Da Màu nhấn mạnh.

 

Vào thời hoàng kim của Văn học Di dân Việt Nam, thập niên 80 và đầu thập niên 90, không hiếm những trung thiên truyện đặc sắc. Các truyện vừa Rồng Rắn của Lê Thị Huệ, Nẻo Quyên Ca, Miền Vĩnh Phúc của Vũ Quỳnh Hương, Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự của Nguyễn Xuân Hoàng, Vợ Chồng của Mai Kim Ngọc, Ðêm của Ngô Nguyên Dũng, Vườn Chanh Miệt Biển của Kiệt Tấn… là bằng chứng nhà văn Việt biết dấn bước. Gần đây Phòng X Khu Nội Trú của Bùi Hoằng Vị, Thời Của Những Tiên Tri Giả của Nguyễn Viện, Xứ Ðộng Vật Vào Ngôi của Cung Tích Biền và Ði Tìm Bản Kinh Thánh Cuối của Ðặng Thơ Thơ mang đầy tính chất phá cách.

 

Nếu câu hỏi hàm ý “phá quy luật” ngay trong truyện ngắn, thì vô vàn các truyện ngắn Việt Nam bứt phá: “Người Ðoán Mộng Giỏi Nhất Thế Gian,” “Ám Thị,” “Thực Ðơn Chủ Nhật” của Phạm Thị Hoài. “G,” “Bách Hương,” “Lầu xép,” “Chiếc Vòng” của Võ Ðình. “Bóng Ðêm Cuối Cùng” của Phan Thị Trọng Tuyến, “Tiếng Gào trong Ðêm”của Nguyễn Thị Ngọc Nhung. “Ván Cờ” của Vĩnh Hảo. “Em Ðiên Xõa Tóc” của Kiệt Tấn. “Trường Hợp của Nhường” của Hồ Trường An. “Bản Chính” của Trân Sa. “Lisa” của Ngô Nguyên Dũng. “Trong Buốt Pha Lê” của Nam Dao. “Florence” của Phạm Thị Ngọc. “Mưa Qua Sân Thượng” của Trầm Hương. “Ðến Ðồng Gai” của Nguyễn Hương, v.v và v.v…

 

Một khi xuất sắc, truyện ngắn và truyện vừa Việt Nam không thua sút Tây phương. Trong Ði Tìm Bản Kinh Thánh Cuối, Ðặng Thơ Thơ đặt câu hỏi lớn về vị trí của người nữ trong kinh thánh. Madeleine, “người yêu của đấng trời” (nếu dùng một tựa truyện của Nguyễn thị Hoàng) có đầu và có trí tuệ hay không? Lịch sử ghi chép lương tri hay ngụy tín? Làm cách nào một dân tộc tìm ra sự thật lịch sử của chính dân tộc mình? Bằng cách xoay lưng đi ngược về quá khứ… Ði Tìm Bản Kinh Thánh Cuối mang tầm vóc lớn và toát ra mê hoặc. Proust xác quyết: “Những tác phẩm lớn gây ấn tượng được viết bằng một ngôn ngữ lạ” (“Les grands livres donnent l’impression d’avoir été écrits dans une langue étrangère.”) Trong Ði Tìm Bản Kinh Thánh Cuối, Ðặng Thơ Thơ đạt đến sự khác thường và dụng văn khác hẳn cách cô thường viết. Phải nhìn thấy ở đây, nỗ lực của người viết.

 

Những tác phẩm xuất sắc luôn hiếm, như Miền Vĩnh Phúc của Vũ Quỳnh Hương miêu tả bao kiếp người đáng thương trong phòng đợi chết hay cách Võ Ðình di chuyển ánh mắt của nhân vật sang ánh mắt của vũng nước dưới chân cổng Thượng Tứ ngoài Huế… là những tác phẩm không xuất hiện hàng ngày.

 

Tại sao chúng ta chưa chịu phá giới thường xuyên hơn?

 

Vì người viết hôm nay rất ít động cơ đi tìm sự toàn bích. Không nhà xuất bản, không tập san văn chương giấy in, không hợp đồng, không tác quyền, viết một truyện ngắn công phu mất ít nhất nhiều tháng chỉ để xuất hiện 48 giờ trên internet?

Da Màu:Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Paris Review, Alice Munro nói rằng “[Hồi còn trẻ] tôi đã mê đọc Eudora Welty, Flannery O’Connor, Katherine Ann Porter, Carson McCullers. Tôi nghĩ nhà văn đàn bà có khả năng viết về những điều quái dị, hoặc những chuyện bên lề …. Còn tiểu thuyết vĩ đại trong giòng chính về hiện thực là giang sơn của đàn ông.” (“I loved Eudora Welty, Flannery O’Connor, Katherine Ann Porter, Carson McCullers. There was a feeling that women could write about the freakish, the marginal…. [But] the mainstream …. big novel about real life was men’s territory” Hiện tượng “nhà văn đàn bà viết về những điều quái dị hoặc chuyện bên lề” và đàn ông “viết về những đề tài vĩ đại” có phản ảnh bối cảnh văn học Việt Nam của ngày hôm nay hay không? Hay hiện tượng này đã được đảo ngược, với một số nhà văn đàn ông Việt viết theo thể magic realism như một cách theo mốt, nhằm tránh bị kiểm duyệt, hoặc do nỗi “cô đơn” trong một thực tại nghiệt ngã của những biến cố xã hội và lịch sử mà Gabriel García Marquez đã đề cập trong diễn văn nhận giải văn chương Nobel năm 1982 của ông?

 

Trần Vũ: Vì sao gọi là viết theo thời trang? Khi một người viết không còn muốn đi theo con đường Hiện thực Tả chân của Nguyễn Công Hoan, hay không muốn theo lời khuyên “nên tả thực bề trong lẫn bề ngoài” của Nhất Linh trong Viết và Ðọc Tiểu Thuyết, người viết ấy có quyền tìm cho mình một phương tiện khác. Thủ pháp Hiện thực Huyền ảo thỏa mãn ước muốn Phi Hiện thực trong đầu những tác giả muốn vượt thoát để đi tìm sự khác thường. Ngay cả khi lý trí cảnh giác không thể từ bỏ hiện thực một cách tuyệt đối, chỉ có thể chiêm nghiệm sự vật từ những góc độ không quy ước, người viết vẫn cảm thấy vô cùng tự do vì đã có thể bước ra khỏi quy ước. L’anticonformisme, hay tính chất Không Tuân thủ là nền của sáng tác.

 

Trong Thay Lời tựa của Viết và Ðọc Tiểu Thuyết, Nhất Linh yêu cầu: “Một số người đã có nhiều tác phẩm, suy xét lại về lối viết của mình và tìm ra con đường mới hợp với tài năng của mình hơn.” Những tác giả vận dụng Réalisme magique, không làm khác yêu cầu này.

“Nhà văn đàn bà viết về những điều quái dị hoặc chuyện bên lề và đàn ông viết về những đề tài vĩ đại…”

Munro hiểu rất rõ vị trí trang trọng của Carson McCullers và Virginia Wolf trên văn đàn, không thua sút Hemingway hay Faulkner, nên phát biểu của bà phải hiểu là lời trêu ghẹo pha chút khiêu khích các đồng nghiệp nam hay Munro muốn nhấn mạnh đến khả năng mẫn cảm tinh tế của phụ nữ hoặc biện minh cho những chủ đề tâm đắc của mình?

Khá nhiều những truyện của Alice Munro, qua ba tập Tình Yêu Của Một Phụ Nữ Ðức Hạnh (L’Amour d’une honnête femme), Vũ Ðiệu của Những Bóng Mờ Hạnh Phúc (La Danse des Ombres Heureuses), Quá Nhiều Hạnh Phúc (Trop de Bonheur) xoay quanh đời sống của các phụ nữ từ khi còn niên thiếu đến khi lập gia đình, sanh con, hoài thai, ly dị, tang chế rồi già nua… Munro khiêm nhường xem là chuyện bên lề, nhưng ngần ấy kiếp đời thâu vào trong nhiều truyện, khi nối lại, làm nên một phần lịch sử khẩn hoang của di dân Tô Cách Lan. Trong Những Bí Mật Thấu Ðáo(Les Secrets de Polichinelle), là tám câu chuyện của tám phụ nữ khác nhau, từ nữ nhân viên thư viện ước ao gặp người lính viết thư cho mình đến thiếu phụ ngày đêm rình rập chồng ngoại tình… tuy diễn biến tách biệt, gộp lại, vẫn là câu chuyện của ngôi làng miền Ontario từ giữa thế kỷ 19 đến khi thành một đô thị. Pearl Buck, trong Ðất Lành, Gió Ðông Gió Tây, Ðường về Trùng Khánh cũng ghi lại những câu chuyện của những thiếu phụ thành hôn, sinh nở, chịu phụ bạc, cay đắng, rồi già đi tìm ra hạnh phúc với con cháu. Không ai đánh giá thấp tầm vóc Pearl Buck. Về “những điều quái dị” trong Bí Mật Thấu Ðáo, như cô bé dậy thì đột ngột mất tích trong một buổi đi rừng đến cô bé mộng du thề thốt đã trông thấy người hành tinh ban đêm,có thể viện dẫn Virginia Wolf từng cho cậu bé Jacob khăng khăng ôm về nhà đầu lâu xác trừu nhặt trên bãi cát để rồi thần chết theo Jacob vĩnh viễn. Căn Phòng của Jacob được xem là một thành tựu văn học. “Vĩ đại,” không nằm trong chủ đề tác phẩm.

 

Phát biểu trên, đem so với bối cảnh truyện Việt Nam?

Nhìn từ xa, danh mục trường thiên tiểu thuyết do đàn ông Việt Nam viết. Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh. Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ. Mùa Biển Ðộng, Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác. Người Trăm Năm Cũ của Hoàng Khởi Phong. Người Ði Trên Mây của Nguyễn Xuân Hoàng. Gió Lửa, Ðất Trời, Bể Dâu của Nam Dao. Cửa Biển của Nguyên Hồng, Ðống Rác Cũ của Nguyễn Công Hoan, Người Cùng Quê của Phan Tứ, Vỡ Bờ của Nguyễn Ðình Thi và… Giàn Thiêu của Võ Thị Hảo.

 

Là những gì trưng bày trong hiệu sách.

 

Da Màu: Liên hệ với câu hỏi ở trên. Những điều “quái dị hoặc bên lề” ở vùng Ontario của Alice Munro có còn “quái dị” khi áp dụng vào bối cảnh văn chương Việt Nam hay không? Tại sao một số độc giả Việt Nam nghĩ rằng truyện của Alice Munro có phần “ảm đạm”? Định nghĩa “ảm đạm.” Hiện nay, ai là những nhà văn “ảm đạm” của Việt Nam?

Trần Vũ:“[…]Nếu có thể đơn giản chia các nhà văn thành hai trường phái, một bên dùng ngôn ngữ để miêu tả thế giới, một bên dùng ngôn ngữ để dựng nên thế giới, thì Alice Munro, chủ nhân giải Nobel năm nay, thuộc trường phái thứ nhất. Tôi nghiêng về trường phái thứ hai. Bà không biết phải làm gì với William Faulkner, một trong những tác giả tôi ngưỡng mộ. Tôi không biết phải làm gì với Carson McCullers, một trong những tác giả bà cảm phục. Tôi sẽ không chọn Alice Munro nếu bị lưu đày ra một hòn đảo vắng mà chỉ được đem theo một cuốn sách. Nhưng tôi mừng và biết ơn là đã đọc bà. Thế giới văn chương mênh mông, gặp được một người như bà là may mắn.

Bà là bậc thầy của một phong cách: phong cách phi phong cách, phong cách tác giả giấu mặt. Không có gì tiết lộ người kể chuyện, người vừa biết hết vừa không can dự và tự phi tang. Mô hình đối lập hoàn hảo với bà là William Gass, cũng một nhà văn Bắc Mỹ, năm nay 89, hơn bà 7 tuổi, người chủ trương sự hiện diện triệt để của tác giả như yếu tố thiêng liêng nhất của văn bản văn học. Ông coi sự giải thể tác giả như tín hiệu suy tàn của một uy quyền, một thế lực thần học, chẳng khác gì Thần Zeus bỗng bị lột sạch vũ khí sấm chớp, tuy còn ngự trên đỉnh Olympus nhưng ngủ trong xe thùng và đun nấu bằng bếp ga.

Tôi phải thú nhận, tác phẩm để đời, viết ròng rã 30 năm của William Gass, tiểu thuyết ngàn trang Ðường hầm (The Tunnel), hai năm nay tôi đọc dở và hứng thú đọc tiếp ngày càng ít đi, mặc dù có một số điều ở đó – nói ra thì thật không công bằng – có thể khiến tôi đánh đổi rất nhiều trang Alice Munro cộng lại. Bà không có một magnum opus nào hết. Mọi truyện của bà đều không quá 40-50 trang, viết khi con ngủ, nghĩ khi gọt khoai tây. Bà viết nhỏ.

Văn chương, theo Paul Valéry, là nghệ thuật đùa với tâm hồn người khác. Có người đùa bằng sức mạnh của ngôn ngữ. Có người đùa bằng trí tuệ siêu phàm. Bằng kiến văn bao la. Bằng trí tưởng tượng rực rỡ. Bằng năng lực đi trước hoặc năng khiếu đi cùng thời đại. Bằng cảm xúc và cảm hứng. Bằng thủ pháp hay thủ đoạn. Bằng thử nghiệm hay những mớ thần kinh cách điệu… Tất cả những thứ ấy không có chỗ trên những trang viết nhỏ của Alice Munro. Chúng lùi hẳn ra xa, rất xa, để toàn bộ tâm trí chúng ta, người đọc, được tập trung vào phần cốt lõi không trang sức, được cuốn vào những câu chuyện mà bà kể bằng một giọng văn truyền thống và một ngôn ngữ hết sức giản dị. Nhiều lần đọc xong một truyện của bà, tôi thầm ghen tị. Phải bền bỉ, tinh tế quan sát cuộc đời và tôn trọng mọi khả năng hiện hữu của nó tới mức nào, phải từng trải và biết kiểm soát mình tới mức nào, phải tôi luyện tay nghề tới mức nào mới có thể kể được một câu chuyện như thế.

Hầu hết là chuyện của những người đàn bà trong những khoảnh khắc quyết định bước đi này hay bước đi kia của số phận. Hạnh phúc thì ngắn ngủi và vô định. Bất hạnh dài gấp đôi. Song với tất cả sự không khoan nhượng, người kể chuyện lão luyện Alice Munro không bỏ mặc người đọc cho bi quan. […]’’(Phạm Thị Hoài)

Ghi lại tiểu luận “Viết Nhỏ” của Phạm thị Hoài viết về Alice Munro vì tôi thấy thật hay mỗi lần đọc lại. Vì tôi cũng sẽ không mang Alice Munro lên hoang đảo nếu phải chọn đem theo một quyển sách. Ai đó đặt câu hỏi “Vì Sao?” Vì mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương.

TV – trả lời phỏng vấn của Website Da Màu