Giải thưởng Nobel hàng năm vừa được công bố hồi tuần trước. Không hẳn những ứng viên xứng đáng đã được bầu chọn cũng như luôn có những bất ngờ, tranh cãi về kết quả mà Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố hàng năm, đặc biệt là giải Nobel Hoà Bình. Dù vậy những giải Nobel khoa học luôn được trao tặng đến những cá nhân hay tổ chức xứng đáng đã có những nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Chuyên mục tuần này xin gởi đến các bạn vài điểm lược và tổng hợp các giải Nobel năm nay vừa được công bố.
Trung tâm Nobel, nơi trao giải Nobel – nguồn nobelcenter.se
Nobel Vật Lý
Hai nhà khoa học Takaaki Kajita của Đại Học Tokyo và Arthur B. McDonald của Đại Học Queen, Canada vừa được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố trao tặng giải Nobel vật lý năm nay. Giải thưởng này được trao cho nghiên cứu về hạt hạ nguyên tử cơ bản neutrino cũng có khối lượng. Các neutrino là những hạt hạ nguyên tử có số lượng nhiều thứ hai trong vũ trụ, sau hạt photon ánh sáng. Sự tồn tại của chúng được phát hiện vào năm 1930, tuy nhiên nó vẫn là đề tài nghiên cứu và truy tìm từ bao năm nay do tính chất phức tạp và khó xác định của nó.
Takaaki Kajita và Arthur B. McDonald
Tiến sĩ Kajita là một trong các nhà khoa học đã phát hiện sự tồn tại khối lượng trong các hạt nổi tiếng là bí ẩn này từ năm 1998. Các hạt neutrino không mang điện tích, cực nhẹ, hầu như ít tương tác và di chuyển với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, do đó các nhà khoa học vẫn tưởng rằng chúng vô trọng lượng. Dù không cấu thành vật chất thông thường, vũ trụ có rất nhiều các hạt nguyên tử neutrino còn sót lại sau vụ nổ Big Bang và ở khắp mọi nơi quanh mình.
Các nghiên cứu của hai nhà khoa học Takaaki Kajita và Arthur B. McDonald giúp các khoa học gia hiểu hơn về mặt trời, sự cấu thành vũ trụ cùng các lý thuyết căn bản trong vật lý học và vũ trụ học, từ đó tìm ra các ứng dụng hữu ích phục vụ cho nhân loại.
Nobel Hóa Học
Giải Nobel Hóa Học năm nay đã công bố sẽ trao tặng đến ba khoa học gia là giáo sư Tomas Lindahl của Viện đại học Francis Crick Thụy Điển, Paul Modrich thuộc ĐH Duke University của Mỹ và Aziz Sancar mang song tịch Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ và thuộc ĐH North Carolina. Ba khoa học gia này được trao giải Nobel cho công trình nghiên cứu của họ về cơ chế sửa chữa DNA trong tế bào, với mục đích ngăn chặn những dị biến bất thường xảy ra trong di truyền. “Nghiên cứu này giúp cung cấp những tri thức vô cùng quan trọng về chức năng của một tế bào, đồng thời mở ra những phương pháp điều trị ung thư mới”, theo tuyên bố của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Tomas Lindahl, Paul Modrich, và Aziz Sancar
Từ đầu những năm 1970 đến trước đây, các nhà khoa học tin rằng DNA là một phân tử cực kỳ ổn định, nhưng Tiến Sĩ Tomas Lindahl đã nghiên cứu và chứng minh rằng DNA đặc biệt mong manh, nhưng cách nào đó vẫn có thể phát triển và sửa chữa. Paul Modrich được trao giải nhờ vào nghiên cứu được cách làm sao tế bào có thể sửa chữa các khuyết tật xảy ra khi DNA tự nhân đôi trong quá trình phân bào. Cơ chế này giúp làm giảm tần số lỗi tới 1,000 lần trong quá trình nhân đôi DNA. Aziz Sancar có công trong việc xác lập các cơ chế sửa chữa DNA – một cơ chế được tế bào sử dụng để chữa lành thiệt hại do tia tử ngoại, khói thuốc lá, chất độc hại gây ra cho DNA và làm biến đổi chúng.
Các nghiên cứu này quan trọng trong việc giúp giới khoa học gia hiểu hơn về các tế bào và DNA, về sự trao đổi chất trong cơ thể, về các rối loạn hệ thần kinh và sự lão hóa để tìm ra các phương thuốc và dược phẩm chữa trị ung thư và các bịnh tật khác hữu hiệu hơn.
Nobel Văn Chương
Svetlana Alexievich, 67 tuổi, sinh ra tại Ukraine, có cha là người Belarus và mẹ là Ukraine, hai quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Bà lớn lên tại Belarus, tốt nghiệp về báo chí và làm việc cho nhiều tờ báo địa phương trước khi trở thành phóng viên cho tạp chí văn học Neman tại thủ đô Minsk. Bà viết nhiều phóng sự điều tra, phỏng vấn và văn học về nhiều lĩnh vực, từ những cuộc phỏng vấn nhân chứng các sự kiện lớn như thảm họa nhà máy điện hạch tâm Chernobyl, cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan.
Svetlana Alexievich
Người đoạt giải Nobel Văn học 2015 là một cái tên ít nhiều quen thuộc với độc giả nói tiếng Anh với các tác phẩm được giới phê bình phương Tây ưa thích khi tập trung vào cuộc sống tại Belarus trước và sau khi Liên Xô sụp đổ. Giới mê sách ca ngợi các tác phẩm của bà Alexievich vì chúng mang tính tư liệu hình thành từ chất liệu có được trong các cuộc phỏng vấn. Qua các tác phẩm báo chí và văn học của mình, bà đã góp phần đưa tiếng nói của những người sống sót sau các xung đột và thảm họa từ cuộc chiến của Liên Xô cũ, chiếu rọi ánh sáng vào đời sống tình cảm của những người mà bà đã gặp từ Chernobyl đến Kabul.
“Svetlana Alexievich đã mang đến những tác phẩm xuất chúng đầy mẫu mực về nỗi đau, lòng dũng cảm hiện hữu trong thời đại của chúng ta. Bằng câu chữ và phương pháp kết nối hình ảnh con người đặc biệt của mình bà ấy đã tái hiện những trang sử về tâm hồn, những cung bậc cảm xúc mà độc giả chưa bao giờ được biết đến, đồng thời đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về cả một thời đại ”, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Sara Danius chia sẻ trong phần công bố kết quả Nobel Văn học. Cũng nói thêm rằng, giải Nobel văn chương năm nay đã đi một bước bứt phá được chờ đợi đã lâu, khi trước nay vẫn thường trao giải thưởng văn chương cho các tiểu thuyết gia với các tác phẩm hư cấu và lần đầu tiên trao giải cho một ký giả với các tác phẩm mang tính báo chí.
Nobel Y Khoa
Giải Nobel Y học năm nay đã được trao cho ba khoa học gia nhờ tìm ra loại thuốc tiêu diệt ký sinh trùng, hứa hẹn sẽ trở thành một loại vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, các hoạt chất này không phải được tạo ra hoàn toàn trong phòng thí nghiệm mà lại được sản xuất tự nhiên bởi vi khuẩn hay lấy từ loại thảo dược mà người Trung Hoa đã sử dụng cách đây hơn ngàn năm.
Sự kết hợp giữa hai khoa học gia Mỹ-Nhật là William C. Campbellm, Giáo sư Đại học Drew, và Satoshi Omura, Giáo sư Đại học Kitasato, đã tinh chế ra loại hóa chất gọi là avermectin B1 và tinh chỉnh nó để tạo thành phiên bản thuốc cuối cùng là ivermectin với khả năng diệt không chỉ giun mà còn nhiều loại côn trùng bao gồm cả nhện, sâu… mà gây ít tác dụng phụ. Như bệnh mù sông (hay giun chỉ), ấu sinh trùng có thể gây nên những tổn thương da, ngứa, viêm và tạo nên những vết sẹo trên giác mạc và cuối cùng là mù. Tuy nhiên, chỉ cần một liều ivermectin thì ấu trùng sẽ bị tiêu diệt trước khi gây hại cơ thể người. Mặt khác, việc điều trị thường xuyên bằng ivermectin có thể ngăn chặn nhiễm mới ký sinh trùng và từ đó tiến tới loại bỏ hoàn toàn bệnh mù sông trong tương lai.
Youyou Tu, Satoshi Omura, và William C. Campbellm
Với nữ giáo sư Youyou Tu thuộc Y Học Dân Tộc Hoa Lục thì từ thập niên 60, bà bắt đầu phát triển một liệu pháp mới nhằm điều trị sốt rét, chống lại các chủng ký sinh trùng kháng thuốc. Sốt rét là căn bệnh nguy hiểm, làm khoảng nửa triệu người chết mỗi năm, phần lớn là trẻ em. Loại ký sinh trùng này còn liên tục phát triển khả năng kháng thuốc, khiến cho việc ngăn ngừa trở nên phức tạp. Từ những năm 1960, giáo sư Tu bắt đầu phát triển một liệu pháp mới nhằm điều trị sốt rét, chống lại các chủng ký sinh trùng kháng thuốc, thử nghiệm các loại cây thảo dược từng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa để tìm dược chất có tác dụng thật sự và tinh chế được artemisinin giúp chữa trị sốt rét, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân sốt rét xuống gần như một nửa. Với giải Nobel Y Học dành cho bà, đây là cái tát vào giới nghiên cứu khoa học hàn lâm của Hoa Lục vốn chẳng đóng góp được gì nhiều cho nhân loại và từng từ chối chấp nhận bà trở thành thành viên vì bảo rằng bà không có bằng tiến sĩ.
Nobel Hòa Bình
Giải thưởng Nobel Hòa Bình được trao cho Bộ Tứ Đối Thoại Quốc Gia Tunisia bao gồm bốn tổ chức đại diện cho người lao động, những luật sư, tổ chức nhân quyền và liên đoàn tiểu thủ công nghiệp và thương mại Tunisia, qua các đóng góp vào quá trình chuyển đổi dân chủ ở Tunisia, theo lời Uỷ Ban Nobel là nhờ những “đóng góp quyết định cho việc xây dựng nền dân chủ đa nguyên” sau cách mạng 2011. Trước đó, nhiều người dự đoán Thủ tướng Đức Angela Merkel và Giáo hoàng Francis có thể được trao giải.
Bộ Tứ Đối Thoại Quốc Gia Tunisia
Nền dân chủ Tunisia sau cách mạng còn mong manh, gần như sụp đổ, các chính khách bị ám sát liên tục nhưng bộ tứ này đã cố gắng dàn xếp giữa các phe phái để chấm dứt các cuộc bạo động, đặc biệt trong khủng hoảng chính trị và kinh tế năm 2013. Uỷ Ban Nobel cho rằng nỗ lực của bộ tứ này có thể xem như khuôn mẫu cho các quốc gia lân cận để chấm dứt các cuộc bạo động, những sự bất ổn về chính trị và kinh tế.
Nobel Kinh Tế
Kinh tế gia Angus Deaton gốc Anh với song tịch Anh-Mỹ và đang làm việc tại Đại Học Princeton vừa được công bố là người nhận giải thưởng Nobel Kinh Tế năm nay do những nghiên cứu và đóng góp về y tế, phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế, theo thông báo từ Viện Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển hồi sáng Thứ Hai.
Angus Deaton
Ủy Ban Nobel phát biểu rằng, “Để hoạch định chính sách kinh tế mà thúc đẩy được phúc lợi xã hội và giảm thiểu đói nghèo, đầu tiên chúng ta phải hiểu về những chọn lựa tiêu thụ cá nhân. Hơn ai hết, Angus Deaton đã giúp tăng cao sự hiểu biết này”. Các nghiên cứu của ông đã giúp ích cho kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô và kinh tế học nói chung. Giáo sư Deaton là người tiên phong trong việc sử dụng các dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về tiêu thụ, trong các cuộc thăm dò các gia đình tại các quốc gia đang phát triển để từ đó đo lường mức sống và sự đói nghèo tại các quốc gia này.
DYT