Menu Close

Giải Nobel Hòa Bình 2015

Ủy ban Nobel đã làm ngạc nhiên nhiều người vào hôm Thứ Sáu 9/10 vừa qua sau khi tuyên bố Giải Nobel Hòa bình 2015 được trao cho nhóm có tên Bộ tứ Đối thoại Quốc gia (National Dialogue Quartet) của Tunisia vì những nỗ lực của họ trong tiến trình xây dựng nền dân chủ đa nguyên tại quốc gia này sau cuộc Cách mạng Hoa lài năm 2011.

nobel hoa binh

 

Quyết định của Ủy ban Nobel đánh dấu lần thứ nhì trong bốn năm qua giải được trao cho những nhân vật ít nhiều liên quan tới sự kiện Mùa xuân Ả Rập. Năm 2011, nhà báo gốc Yemen Tawakkol Karman chia chung giải với hai nhân vật phụ nữ khác của Cộng hoà Liberia là Ellen Johnson Sirleaf và Leymah Gbowee.

Trong những ngày trước khi tên người/tổ chức trúng giải được công bố, nhiều người đã đặt kỳ vọng là giải thưởng năm nay có thể được trao cho những nhân vật liên quan đến tiến trình hòa bình ở Columbia trong cuộc thương thuyết với nhóm du kích FARC; cuộc thương thuyết hạt nhân Iran giữa Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry; và thậm chí kể cả tổ chức Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc trong nỗ lực cứu trợ cuộc khủng hoảng di dân tại Âu châu và Trung Đông, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cố gắng giải quyết vấn đề di dân hiện nay và Đức Giáo Hoàng Francis qua lời kêu gọi thế giới ý thức nhiều hơn trong việc san bằng giàu nghèo và sự thay đổi khí hậu cũng có rất nhiều hy vọng.

nobel hoa binh3

Từ trái qua: Những gương mặt sáng giá cho giải Nobel Hòa Bình 2015: Đức Giáo Hoàng Francis ; Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry; Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trong nỗ lực cứu trợ di dân tại Âu châu và Trung Đông).

Sự lựa chọn này là một bất ngờ lớn vì kể từ năm 1945, Ủy ban Nobel thường có truyền thống cứ mỗi mười hay hai mươi năm lại nhắm chọn những nhân vật hay tổ chức có những nỗ lực và đóng góp trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Do đó, những năm gần đây như 2005, 1995 và 1985, Giải Nobel Hòa bình được trao cho những cá nhân, tổ chức hoặc phong trào hoạt động với vai trò và trách nhiệm giảm bớt và giới hạn vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, với một Ủy ban Nobel mới vừa được hình thành qua sự đề cử của quốc hội Na Uy, và vì vậy ủy ban này đã chuyển sang một hướng đi khác bảo thủ hơn ủy ban trước. Sự lựa chọn năm nay có thể phản ảnh phần nào hướng đi đó trong sự lựa chọn khôi nguyên cho giải ít gây tranh cãi và bỏ qua những ứng viên ít nhiều danh tiếng nổi bật trên phạm vi toàn cầu.

Năm nay có tất cả 273 ứng viên được đề cử tranh giải.

Với quyết định này, Ủy ban Nobel đã nhấn mạnh đến khả năng của các phong trào chính trị thế tục và Hồi giáo Tunisia có thể làm việc chung với nhau, và vai trò quan trọng của các định chế và tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình dân chủ hóa đất nước. Giải Nobel hòa bình năm nay không những đã nhìn nhận tiến trình chuyển tiếp dân chủ của Tunisia đang đạt được những thành công mà còn khích lệ để có thêm những việc làm như thế nữa trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực Trung Đông.

Có thể nói nhóm Bộ tứ không phải là một nhóm hay cá nhân có tiếng tăm, nhưng Giải Nobel Hòa bình vẫn có đôi khi được trao cho những nhóm hay cá nhân được ít người biết đến. Đây là một nỗ lực của Ủy ban Nobel để nhằm khuyến khích và gây sự chú ý của thế giới đối với việc làm của họ.

Nhóm Bộ tứ Đối thoại Quốc gia là một liên minh của bốn tổ chức xã hội dân sự Tunisia gồm có: Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (Tunisian General Labor Union), Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisia (Tunisian Confederation of Industry, Trade, and Handicrafts), Liên đoàn Nhân quyền Tunisia (Tunisian Human Rights League) và Hội các luật sư Tunisia (Tunisian Order of Lawyers).

Trong suốt lịch sử hậu thuộc địa của Tunisia, đây là quốc gia bị lãnh đạo bởi nhà độc tài Zine el-Abidine Ben Ali. Giống như những thể chế độc tài khác tại Trung Đông, các nghiệp đoàn lao động ở Tunisia đã thiết lập được những tổ chức ăn sâu trong quần chúng nhưng vẫn phải chịu sự kiểm soát của chế độ. Do đó, khi có những cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập xảy ra vào năm 2011 (được châm ngòi tại Tunisia) để lật đổ Ben Ali, các nghiệp đoàn lao động là một trong số ít những định chế có tổ chức là còn đứng vững sau đó.

nobel hoa binh1

Nhóm Bộ tứ Đối thoại Quốc gia (National Dialogue Quartet) của Tunisia. Photo: EPA/HO

Ngay từ đầu, tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Tunisia đã không gặp thuận lợi. Những nhóm Hồi giáo đã chi phối những cuộc bầu cử đầu tiên và có nhiều dấu hiệu cho thấy những nhóm này muốn rút lại một số quyền tự do mà người dân mới được hưởng sau khi truất phế được nhà độc tài Ben Ali. Có những cuộc đụng độ và bạo động xảy ra giữa nhóm này với nhóm kia. Nhiều người lo sợ Tunisia sẽ đi vào vết xe của Ai Cập và đưa đến tình trạng hỗn loạn.

Mùa hè năm 2013 khi tình hình tại Tunisia bắt đầu trở nên rối loạn, rồi đến mùa thu cùng năm, một vụ ám sát một trong những nhân vật cánh tả xảy ra đã làm cho phe đối lập quyết định ngưng hợp tác và chấm dứt hoạt động ở quốc hội. Hệ thống điều hành của chính phủ bị tê liệt, một hiến pháp mới đang còn dự thảo vẫn chưa xong và tình hình quốc nội càng thêm tồi tệ hơn với chiến tranh gần như khó thoát khỏi, thì đúng vào thời điểm đó, tổ chức nghiệp đoàn lao động lớn nhất và hiệp hội các chủ nhân kinh doanh lớn nhất của quốc gia này, trước đây vẫn thường xung khắc nhau, đã quyết định liên kết lại cùng với một nhóm tranh đấu nhân quyền và một nhóm luật sư để hình thành Bộ tứ Đối thoại Quốc gia. Nhóm liên kết mới này, bằng nỗ lực và quyết tâm của chính họ, đã phác thảo, thương lượng và đưa ra một lộ trình hòa bình với hy vọng có thể đưa đất nước Tunisia đạt được một nền dân chủ toàn diện. Lộ trình này đòi hỏi phần lớn những nhân vật đang nắm những chức vụ then chốt của chính phủ phải từ chức.

Qua những việc làm và vận động hành lang đầy khó khăn và thử thách, nhóm Bộ tứ đã thuyết phục được mọi phe phái, kể cả nhóm chính phủ đang cầm quyền lúc đó, cùng đồng ý với nội dung của bản lộ trình. Phải nhớ rằng quốc gia Tunisia đang trên bờ vực của thảm họa, nếu cuộc thương thuyết giữa các phe nhóm đổ vỡ, một cuộc nội chiến sẽ chắc chắn xảy ra như đã và đang xảy ra tại Libya và Syria, và nhóm Bộ tứ đã đóng một vai trò cốt yếu để cứu vãn tình thế.

Thế nên, việc trao Giải Nobel Hòa bình năm nay cho Bộ tứ Đối thoại Quốc gia một phần là vì những thành tựu mà nhóm đã đạt được, bằng chính công trạng của họ, và họ xứng đáng để nhận giải thưởng cao quý này cho lộ trình hòa bình mà nhóm đã đưa ra vào năm 2013. Cái thời khắc lịch sử đó đã không được chú ý nhiều ở bên ngoài khu vực Trung Đông, nhưng nó đã là cột mốc quan trọng trong việc cứu vãn tiến trình chính trị của Tunisia và có lẽ đã đưa nền dân chủ còn non trẻ của quốc gia này thoát khỏi sự đổ vỡ.

Lộ trình hòa bình 2013 của nhóm Bộ tứ không hẳn ồn ào hay tạo sự chú ý của thế giới như cuộc nổi dậy đầy hào khí của năm 2011, nhưng cái cách nhập cuộc cùng nỗ lực xây dựng nền móng cho những sinh hoạt mang tính cách xã hội dân sự phải được xem cũng quan trọng không kém trên con đường tiến tới việc thiết lập một nền dân chủ mới ở một quốc gia vừa thoát ách độc tài. Và lộ trình hòa bình 2013 của nhóm cũng phải được xem như là thời khắc quan trọng mang tính lịch sử trong cuộc cách mạng ở Tunisia.

Sự lựa chọn cho Giải Nobel Hoà bình năm nay cũng còn là nỗ lực của Ủy ban Nobel muốn lôi kéo sự chú ý của thế giới tới ý nguyện hòa bình của người dân Tunisia mà nhóm Bộ tứ là đại diện, đưa ra một mô hình hòa bình để tất cả các quốc gia khác trên thế giới noi theo. Nó mang ý nghĩa như một đối nghịch với những mô hình được xem như mẫu mực của những giải pháp xung đột chính trị trên thế giới trước đây: gây hấn, chủ trương chiến tranh (brinkmanship), không khoan nhượng, và tạo sự chia rẽ trầm trọng hơn là nối nhịp cầu chung.

Cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập khởi đầu với rất nhiều hy vọng và đến nay kết quả là trong một tình thế mà hơn một nửa các quốc gia Ả Rập đang tham dự vào những cuộc xung đột vũ khí hết sức trầm trọng, nếu không tại quốc gia của họ thì là can thiệp vào quốc gia khác.

Quả thật, hy vọng hòa bình là điều hiếm hoi không dễ tìm.

nobel hoa binh2

Học sinh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) 17 tuổi (giữa) lãnh đạo cuộc “cách mạng dù” hồi tháng 9-2014 ở Hồng Kông đã tạo nên nguồn cảm hứng cho các nhà đấu tranh dân chủ trẻ tuổi ở quốc nội

Sự lựa chọn của Ủy ban Nobel làm nổi bật lên hoạt động của những tổ chức xã hội dân sự trong vai trò trung gian điều đình trong cuộc khủng hoảng không chỉ ở tại Tunisia mà còn những nơi khác nữa. Nó có thể được xem như một tia hy vọng trong một khu vực đang có quá nhiều hỗn loạn.

Như tổ chức có tên gọi Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) đã nhận định rất đúng và gọi giải thưởng hoà bình năm nay là “một sự nhìn nhận đúng đắn thành quả của [nhóm Bộ tứ] giúp cho tinh thần tập hợp và thỏa hiệp đạt được chiến thắng trên những âm mưu bạo động và tình trạng phân cực chính trị đã trở thành quá bình thường trong khu vực, và vai trò trung gian mà các hoạt động xã hội dân sự có thể đóng góp vào những lúc xảy ra khủng hoảng.”

Giải Nobel Hoà bình 2015 cũng là bài học cho các tổ chức tranh đấu dân chủ trong cũng như ngoài nước và cho người Việt Nam nói chung hiểu rằng con đường dân chủ hóa đất nước là con đường cam go và gian khổ, đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, nhưng mục tiêu thì vẫn có thể đạt được. Và để cho công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam đạt được thành công, nó đòi hỏi lòng can đảm, sự kiên tâm bền bỉ, lòng khoan dung, và đôi khi phải chấp nhận thỏa hiệp ngay cả với chính kẻ thù của mình.

VH