Cùng Buôn Mê Thuột, Ðà Lạt, với diện tích trồng cà phê 140.000 ha, được coi là quê hương của cà phê Arabica (còn gọi là cà phê chè, do người Pháp mang giống sang trồng tại Cầu Ðất từ năm 1875). Do phẩm chất khá tốt, cà phê Arabica mới đây đã được ‘ông lớn’ Starbucks (Mỹ) chính thức chọn giới thiệu trong hệ thống 21.000 điểm bán cà phê trên thế giới của họ. Vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, trên đất Ðà Lạt, muốn tìm một ly cà phê thật – hiểu theo nghĩa không pha với những thứ phụ gia có hại cho sức khỏe người tiêu dùng trong quá trình chế biến – lại không dễ và không rẻ chút nào, điển hình là…
Cà phê chay Đasar
Khách đến tiệm đồ chay Ngọc Thiên Minh ở chợ Ðà Lạt đều bị thu hút bởi những hộp cà phê mang thương hiệu Dasar có hình thức rất trang nhã, lịch sự. Nhiều người háo hức hỏi giá sau đó lặng lẽ rút lui. Ðơn giản vì giá cả quá đắt. Ai đời, giá một ký cà phê bình dân chỉ 100.000 đồng. Ðằng này, mỗi gói cà phê chay 90 gram bán những 150.000 đồng. Anh Tùng chủ tiệm kể, chủ nhân cà phê Dasar là Piere Morere, một ông Tây chính cống. Ông của Morere từng tháp tùng nhà thám hiểmYersin trong chuyến khám phá Ðà Lạt thế kỷ XIX. Morere sinh tại Việt Nam, lớn lên ở Pháp. Năm 2007, anh trở sang Ðà Lạt, tìm thăm lại trang trại nuôi gia súc, trồng cà phê Arabica ngày xưa của gia tộc (nay thuộc xã Ðasar, huyện Lạc Dương). Phát hiện những cây cà phê ngày nào nay vẫn còn tồn tại, dù đã thành những cây cổ thụ hoang tàn, Morere xúc động, bỏ tiền mua đất Ðasar, sinh sống cùng người dân tộc Chil, một sắc dân thiểu số cố cựu của Ðà Lạt. Anh thuê họ hái cà phê, chế biến thành cà phê Bourbon, sau đó, cất công đem giới thiệu khắp nơi, từ những phòng khách sang trọng của Châu Âu, tới những hội chợ cà phê thế giới, những quán cà phê Pháp, Việt… Buồn thay! Tới đâu cũng thất bại! Morere đem cà phê của mình về lại rừng Ðasar, uống khan. Tình cờ, gặp Tùng – chủ tiệm đồ chay Ngọc Thiên Minh – Morere đưa về Ðasar, giới thiệu quy trình chế biến cà phê do các công nhân người Chil đảm nhiệm. Tận mắt thấy cà phê chín được hái từng trái, chọn lựa kỹ càng, sau đó đem phơi khô, lại rửa sạch, ngâm nước, ủ, rang lửa, giã nhỏ, sàng sảy… tỉ mỉ cẩn thận, hoàn toàn không pha trộn cà phê giống khác, nơi khác, không hóa chất tạo hương vị, tạo mầu, tạo độ sánh… anh Tùng từ thích thú tới cảm phục, tự nguyện tiêu thụ vô điều kiện giùm ‘Morere khùng’ những hộp cà phê Arabica nguyên chất. Nghe chuyện đâm hiếu kỳ, kẻ viết bài này móc ngay 150.000 đồng mua 90 gram cà phê Ðasar, Tùng vui vẻ tặng thêm lọ mật ong rừng, bảo Morere dặn uống cà phê rừng với mật ong rừng mới đúng điệu. Về nhà pha thử… Chao ôi! Không thơm, không đắng, không sánh thì chớ còn chua chua. Thế mới biết thói quen của cái lưỡi, cái mũi, cái miệng người Việt mình không phải một sớm một chiều dễ thay đổi. Từ khi mới tập tành uống cà phê đã bị đầu độc bởi cà phê dỏm nên nay dù biết cà phê sạch có lợi cho sức khỏe nhưng do mùi vị quá dở đành ngậm ngùi trở về ‘nộp mạng’ cho cà phê trộn bo bo, bắp rang.
Chủ tiệm Ngọc Thiên Minh
Cà phê chồn Trại Hầm
Mới bốn giờ chiều, sương mù đã giăng mờ đường Hoàng Hoa Thám dẫn xuống quán cà phê chồn Trại Hầm nằm sâu bên dưới một thung lũng yên vắng. Ðược cô bạn cùng đi kể cho nghe về trang trại trồng cà phê Arabica của ông Nguyễn Quốc Minh, kẻ viết bài không khỏi kinh ngạc vì sự ‘chịu chơi’ của đại gia này: bỏ tiền tỷ mua mấy hecta trồng cà phê, mua ngỗng Hungary về nuôi lấy phân bón cà phê, mua hàng loạt chồn hương (cầy vòi hương) Indonesia về cho ăn hạt cà phê chín để lấy nguyên liệu làm cà phê chồn… Nhưng đó là chuyện bảy tám năm trước. Ở thời điểm hiện tại, khi kẻ viết bài tìm đến nơi từng được các phóng viên báo đài trong nước ca ngợi như mô hình kinh doanh độc đáo của Ðà Lạt thì quy mô trang trại, quán xá, và cả số chồn nuôi cho khách đến uống cà phê xem chơi của Trang trại Cà phê Chồn Trại Hầm khá khiêm tốn. Hai cô phục vụ cho biết chỉ vào dịp lễ tết quán mới có khách, mà hầu hết là người nước ngoài và Việt kiều, còn khách du lịch trong nước rất ít. Khách địa phương càng ít. Tại khu nuôi nhốt 40 con chồn hương Việt Nam (còn gọi là cầy vòi hương, mõm dài, trên lưng có ba sọc đen, nhỏ hơn chồn Inđô, trên lưng không có sọc) cô gái nói qua về quy trình làm ra hạt cà phê chồn. Ðại khái sau khi chồn ăn cà phê chín, trái cà phê sẽ bị men tiêu hóa trong bụng chồn tác động. Khi những hạt cà phê này bị thải ra ngoài, công nhân gom lại, rửa sạch rồi ủ trong sáu tháng. Sau đó mới rang. Mỗi ly cà phê chồn uống tại quầy giá 200.000 đồng. Một ký cà phê chồn 20 triệu đồng. Giá cả như vậy là còn rẻ vì cà phê chồn của Trung Nguyên còn cao gấp ba lần, tới 3,000 đô la một ký.
Dưới sự chứng kiến của kẻ viết bài, cô phục vụ lấy 10 gram cà phê hạt còn nguyên vỏ trấu, xay nhuyễn, cộng thêm 120 mililitre nước, đun sôi trong một bầu thủy tinh theo nguyên tắc cà phê espresso. Cà phê giữ nguyên mùi thơm, độ nóng trong dụng cụ pha chế kín mít, được rót ra tách gốm trắng. Nâng ly cà phê chồn không đường lên, kẻ viết bài trịnh trọng nhấp một ngụm, chờ một cảm nhận lạ nơi đầu lưỡi. Nhưng không có gì đáng kể, ngoài chút đắng dịu nhẹ. Chẳng bù cho nhận xét của diễn viên người Anh – John Cleese: “Nó (cà phê chồn) vừa có vị bùi bùi của đất, lại ngai ngái như bị mốc, vừa dìu dịu, lại giống như nước si rô, đậm đà như mang theo âm hưởng của rừng già và của sôcôla”. Tuy không ô-kê với chất lượng của cà phê chồn Trại Hầm nhưng được tách mình khỏi những quán cà phê bình dân ồn ào quen thuộc, ngồi giữa một không gian lãng đãng sương chiều, nhìn những cánh dã quỳ nở sớm, cũng đáng tiền. Chỉ tội nghiệp những con chồn! Ngoài thiên nhiên, chúng vô tư ăn cà phê chín. Trong ‘phòng giam’, chúng chỉ còn là những cỗ máy làm cà phê. Ðầu vào là cà phê. Ðầu ra cũng là cà phê. Con chồn ở giữa, khổ sở. Liệu trong điều kiện như vậy, cà phê chồn có thực sự ‘chồn’?
Quán cà phê chồn Trại Hầm, ngày thường hầu như rất vắng
Trở về phố Hòa Bình, qua cà phê Tùng, theo quán tính, kẻ viết bài lại ‘mò’ vào dù biết Tùng bây giờ không phải là Tùng xưa với những gương mặt văn nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng mà chỉ là cà phê bình dân xoàng xĩnh như bao nhiêu quán xá cùng loại ở Ðà Lạt. Gọi ly cà phê đen 10.000 đồng, nghe chút nhạc Trịnh thoang thoảng góc phòng, bất giác nhớ gói cà phê Ðasar 90 gram- 150.000 đồng, ly cà phê chồn 10 gram- 200.000 đồng. Chao ơi! giá cả, chất lượng khác quá xa, chả biết nói thế nào!
Cà phê được pha ngay trước mặt khách
Cà phê Tùng, nay chỉ còn cái danh
XH